REVIEW PHIM PHÁP Y TẦN MINH PHẦN 2 Quốc gia: Trung Quốc Thể loại: Tâm lý tội phạm, hình sự Năm phát hành: 2018 Diễn viên: Lưu Đông Thấm, Lưu Sướng, Vu Sa Sa Đạo diễn: Lý Sảnh, Trần Gia Hồng Phim trinh thám đối với tôi luôn có một sự lôi cuốn, hấp dấn đến kì lạ. Một bộ phim trinh thám hay chính là luôn khiến bạn không thể rời mắt khỏi màn hình, cứ xem hết tập này nối tập kia vì sự tò mò bị kích thích cao độ. Hôm nay, tôi đã xem xong bộ phim "Pháp y Tần Minh". Nghe tên có lẽ các bạn đã hình dung được nội dung phim nói về điều gì rồi. Phim trinh thám đương nhiên sẽ là điều tra những vụ án nhưng ở bộ phim này sẽ khai thác nhiều hơn về vấn đề khám nghiệm tử thi để cung cấp những manh mối cho điều tra phá án. Ngay từ tên phim đã nói tới tên nhân vật chính - Tần Minh, một anh chàng khá điển trai nhưng lạnh lùng khó gần. Ngoài ra, do bị ảnh hưởng nhiều từ công việc mà anh rất kĩ tính đến nỗi có phần quái gở trong tính cách, mà đôi khi khiến đồng nghiệp cũng cảm thấy khó chịu. Nhưng vì đã làm bạn bè, đồng nghiệp lâu năm dần họ cũng thấu hiểu và thông cảm cho anh. Giống như ai đó phải có điểm gì đặc biệt một chút thậm chí lập dị, quái gở một chút mới khiến người khác ấn tượng sâu sắc. Nhân vật chính Tần Minh chính là kiểu người như thế. Tôi đã bị hấp dẫn ngay từ những tập đầu của bộ phim. Xuyên suốt trong 20 tập phim là vụ án Thanh Đạo Phu- kẻ dọn rác của xã hội. Hắn ta- một kẻ giết người cấp bậc cao, có trí tuệ và làm việc cẩn trọng. Mỗi vụ án hắn gây ra đều không để lại manh mối. Có chăng chỉ để lại những dấu tích, thông điệp mà hắn muốn gửi tới cảnh sát điều tra. Hắn chính là một kẻ ngạo mạn và đang thách thức, so đấu cùng với cảnh sát. Tuy hắn ngông cuồng là vậy nhưng lại được sự ủng hộ của rất nhiều người dân trong thành phố. Bởi những người hắn giết đều là những kẻ có tội ác, những kẻ đáng bị phán xử cái án tử hình. Hắn có lẽ biết chắc mọi người dân sẽ ủng hộ hắn làm việc kiểu như "thay trời hành đạo" nên còn hiên ngang tung clip giết người lên mạng, cho báo chí, cộng đồng cùng biết. Đội điều tra đã vô cùng vất vả để có thể tìm ra các manh mối từ những vụ án hắn ta gây ra. Vì manh mối có rất ít từ hiện trường nên cảnh sát và bên pháp y phải dùng rất nhiều đến suy luận logic và tâm lý học tội phạm để có thể phác họa ra chân dung của kẻ giết người. Từ những gì thu thập được, cảnh sát phán đoán đó là một phụ nữ, luôn mặc bộ đồ đỏ khi gây án. Hắn ta giết người rất chuyên nghiệp, có biết về y học. Nhưng nếu hắn gây án một mình, giết một lần đến ba bốn người toàn là đàn ông cao lớn, liệu có phải người phụ nữ này quá phi thường rồi không? Mâu thuẫn của bộ phim khiến nó trở nên hấp dẫn đó là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Nhưng ranh giới này quá mong manh, đôi khi chúng ta khó mà phân biệt được mình đã bước qua ranh giới đó chưa. Mọi người đặt ra câu hỏi: Tại sao những kẻ có tội ác lại vẫn có thể nhơn nhơ ngoài vòng pháp luật? Những người thi hành pháp luật nói: Hãy tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật. Vậy có thể tin được không? Những cô gái tốt bụng bị cưỡng hiếp và giết hại vô cớ vì những kẻ khốn nạn, vô nhân tính. Những kẻ giàu có, quyền thế dùng tiền mua lấy sự tự do. Những đứa trẻ nhỏ bị bắt cóc làm công cụ kiếm tiền cho bọn buôn người, chúng còn đánh đập những đứa trẻ rất dã man. Và những kẻ mang tiếng là doanh nhân nhưng lại làm ăn gian trá, sản xuất những loại thuốc hại con người chỉ vì lợi nhuận làm mờ mắt. Những kẻ đó coi mạng người như cỏ rác, chúng chỉ biết đến bản thân mình. Chúng có đáng chết không? Đáng chết lắm! Nhưng nếu như tất cả chúng ta không còn tin vào pháp luật, không thi hành theo pháp luật và cứ làm theo cảm tính, ai cũng tự cho mình quyền phán xử người khác, quy tội người khác thì xã hội sẽ náo loạn đến như thế nào? Hay như một từ đời thường hay nói đó là "Luật rừng", vậy có phải chúng ta đang lùi lại thời tiền sử rồi không? Không có trí thức, không có lí lẽ chỉ có kẻ mạnh và kẻ yếu. Đương nhiên, khi tồn tại hai thái cực như vậy thì chân lý sẽ thuộc về kẻ mạnh. Tôi nghĩ lúc đó trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn, con người chưa chắc đã được cuộc sống yên bình như họ nghĩ. Ngoài vụ án Thanh Đạo Phu xuyên suốt 20 tập phim thì có thêm vài vụ án khác đan xen. Điển hình là vụ án của giáo sư Bộ, vụ án đó chứng minh một điều tình yêu đôi khi hóa thành thù hận sẽ cực kì nguy hiểm. Nó có thể biến một người tốt trong lúc tức giận và uất hận không kiểm soát được cảm xúc mà gây ra án mạng. Vì tình yêu thương cô con gái và không thể chấp nhận được kẻ giết hại con gái mình vẫn ung dung tự tại ngoài vòng pháp luật, giáo sư Bộ đã dùng sai cách để giải quyết vấn đề. Sẽ không ai bỗng dưng đang trên đỉnh cao sự nghiệp, hưởng vinh hoa phú quý lại có thể đi tự thú một chuyện từ bảy năm trước. Có chăng đó chỉ có ở chuyện cổ tích cho thiếu nhi. Và vì không đạt được như ý nguyện nên ông đã ra tay với kẻ đó. Thực ra, mỗi một người đều có một góc khuất không muốn để ai nhìn thấu. Đó có thể là nỗi đau gặm nhấm mỗi khi chúng ta cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời. Ai cũng có nỗi khổ của riêng mình, ai cũng có lý do hay cái cớ gì đó biện minh cho hành động của bản thân. Nhưng rồi, chính tòa án lương tâm mới khiến con người ta quằn quại và đau khổ nhất. Và khi đó, họ tìm một cách nào đó để khỏa lấp đi những đau đớn về tâm hồn, những day dứt, tội lỗi đeo bám cần được giải tỏa ra bên ngoài bằng những hành động. Như hung thủ chính là giết người. Bộ phim kết thúc trong sự u buồn và mất mát. Quá nhiều người chết cả người xấu lẫn người tốt. Nhưng đến cuối cùng, cái thiện đã chiến thắng. Sau một hồi chiến đấu cam go, cái ác phải chịu khuất phục nhường chỗ cho sự lương thiện và công bằng. Đó là trong phim và tôi tin cũng như hi vọng ngoài đời thực sẽ luôn là như thế: Cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.