Pháp luật là gì? Pháp luật là hệ thống những qui tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thứa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội pháp triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình. Pháp luật được thể hiện qua 4 yếu tố cơ bản sau: 1, Pháp luật là hệ thống những quy tắc mang tính xử sự chung 2. Do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận 3. Đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước 4. Thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích, giai cấp của mình. Nguồn gốc của pháp luật Xã hội cộng sản nguyên thủy (CSNT), tập quán và tín điều tôn giáo: Là các quy phạm xã hội. Khi chế độ tư hữu xuất hiện và xã hội được phân chia giai cấp thì tập quán không còn phù hợp (vì tập quán thể hiện ý chí chung của tất cả mọi người trong thị tộc). Trong điều kiện lịch sử mới, khi xung đột giai cấp diễn ra ngày càng gay gắt và cuộc đấu tranh của giai cấp là không thể điều hòa được thì cần thiết phải có một loại quy phạm mới thể hiện các ý chí của giai cấp thống trị để thiết lập một trật tự mới, đó chính là quy phạm pháp luật. Pháp luật là hệ thống các quy phạm do nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị. Pháp luật ra đời cùng với nhà nước, là công cụ sắc bén để thực hiện quyền lực nhà nước, duy trì địa vị và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Nhà nước và pháp luật đều là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp. Như vậy, pháp luật ra đời do nhu cầu xã hội để quản lý một xã hội đã phát triển ở một giai đoạn nhất định, giai đoạn xã hội đã phát triển quá phức tạp, đã xuất hiện những giai cấp có lợi ích đối lập với nhau và nhu cầu chính trị – giai cấp để bảo vệ lợi ích cho giai cấp, lực lượng thống trị về kinh tế và chính trị trong xã hội Đặc điểm của pháp luật – Pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp thống trị. – Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung. – Pháp luật do Nhà nước đặt ra và bảo vệ Các thuộc tính của Pháp luật: – Tính bắt buộc chung (tính quy phạm phổ biến) : Trước hết, quy phạm được hiểu là những qui tắc xử sự chung, được coi là khuôn mẫu, chuẩn mực, mực thước đối với hành vi của 1 phạm vi cá nhân, tổ chức. Pháp luật được biểu hiện cụ thể là những quy phạm pháp luật. Do vậy nó cũng là qui tắc xử sự chung cho phạm vi cá nhân hoặc tổ chức nhất định. Pháp luật được Nhà nước ban hành hay thừa nhận không chỉ dành riêng cho một cá nhân, tổ chức cụ thể mà áp dụng cho tất cả các chủ thể. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Pháp luật với các loại qui phạm khác ở chỗ: Pháp luật là qui tắc xử sự mang tính bắt buộc chung. – Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức: +Lời văn: Phải chính xác, cụ thể, dễ hiểu, không đa nghĩa. Nếu không đúng được yêu cầu này, chủ thể sẽ hiểu sai, hiểu khác. +Pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và thông qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên mỗi một cơ quan/ loại cơ quan chỉ được ban hành những loại văn bản nhất định có tên gọi xác định và theo một trình tự, thủ tục nhất định. +Sự xác định chặt chẽ trong cấu trúc của Pháp luật. – Tính đảm bảo được thực hiện bằng Nhà nước: Pháp luật do Nhà nước ban hành và thừa nhận đồng thời Nhà nước sẽ đảm bảo cho Pháp luật đó được thực hiện trong thực tiễn đời sống. Sự đảm bảo đó được thể hiện: +Nhà nước tạo điều kiện khuyến khích giúp đỡ để chủ thể thực hiện pháp luật. +Nhà nước đảm bảo cho Pháp luật được thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Tính cưỡng chế là tính không thể tách rời khỏi Pháp luật. Mục đích cưỡng chế và cách thức cưỡng chế là tùy thuộc bản chất Nhà nước. Vai trò của pháp luật – Đối với Nhà nước thì pháp luật được coi là công cụ hữu hiệu nhất để quản lý tất cả các vấn đề trong xã hội Pháp luật là một khuôn mẫu và có tính bắt buộc chung nên mọi người trong xã hội đều cần phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Nếu như không chấp hành hoặc chấp hành không đúng các quy định của pháp luật thì sẽ bị áp dụng các chế tài tương ứng tùy thuộc vào hành vi vi phạm. – Đối với công dân thì pháp luật là phương tiện quan trọng để mọi người dân bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình Thông qua pháp luật đảm bảo cho người dân được thực hiện các quyền cũng như là nghĩa vụ của mình theo quy định và quyền lợi này sẽ được quy định và bảo vệ một cách tốt nhất. – Đối với toàn xã hội nói chung thì pháp luật đã thể hiện được vai trò của mình trong việc đảm bảo sự vận hành của toàn xã hội, tạo lập và duy trì sự bình đẳng trong cộng đồng (Nội dung được tổng hợp từ nhiều nguồn, có chỉnh sửa)