Truyện Ngắn Phần Việc Của Người Đi Vắng - Nguyễn Thị Ngọc Hải

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Cute pikachu, 31 Tháng một 2022.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Truyện ngắn: Phần Việc Của Người Đi Vắng

    Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hải

    Chủ đề: Cách mạng, kháng chiến, tình cảm gia đình


    ***

    Gần mười hai giờ đêm mới có chuyến ca-nô chạy qua. Ở cái tỉnh nhỏ này, điện không thắp cả đêm. Phố xá im lìm, tịch mịch. Không tiện vào nhà trọ, Trang đi thẳng ra bến. Từ đây ra bến còn khá xa, đường phố tối mờ mịt. Những ngày cuối tháng thế này, trăng lên vào nửa đêm.

    Trang lững thững bước trên bờ đê, mắt nhìn đăm đăm vào đêm tối. Dòng sông êm ả như một dải lụa, xóm làng bên kia sông chỉ còn là những vật đen dài xa tít tắp. Đoàn thuyền đậu san sát dưới sông, im ắng.

    Nhưng không phải tất cả đều đã ngủ. Thỉnh thoảng một con tầu kéo sà-lan chở than chở đá đi qua, đèn bật sáng và còi kêu vang động. Tiếng máy ầm ĩ, con tầu xa dần và bỏ lại đằng sau những vệt sóng dài.

    Trang đi xuống theo con đường lát đá. Một tổ hợp tác vừa đi đánh cá đêm về, đang xúm xít bên ngọn đèn dầu câu cá. Những con cá tươi quẫy trong rổ, vẩy lóng lánh như dát bạc. Gió từ sông thổi về lành lạnh.

    Cách Trang mấy bước có người đi mải miết. Trang vượt lên và nhận ra một bà cụ bê cái thúng to, bên trong còn mấy gói đồ đạc.

    – Thưa cụ – Trang lên tiếng – cụ về đâu để cháu mang giúp. Tối quá mà đường lại lắm ổ gà.

    – Thế thì may mắn quá! – Bà cụ bối rối cám ơn, đưa cho Trang cái thúng nặng – ấy, cảnh già nua bê một tí cái gì cũng khó nhọc, chị ạ. Thế chị về đâu mà cũng đi khuya thế?

    – Thưa cụ, cháu ra bến ca-nô.

    – Ờ, thế tôi cũng ra bến đấy! – Giọng bà cụ vui hẳn lên – Đi đêm thế này có hai người đỡ buồn. Đi đêm vất vả lắm. Chị đi đâu mà cũng lặn lội đêm hôm cho khổ?

    – Cháu về thăm cha cháu, cụ ạ.

    Cái chòi bán vé đã hiện ra với ngọn đèn dầu leo lét như chỉ định tắt bởi bóng đêm mênh mông. Người bán vé vừa ngáp dài vừa bảo rằng phải ba giờ sáng mới có tầu.

    – Nước cạn quá, tầu phải đỗ lại giữa đường rồi! – Ông ta thò đầu khỏi cửa, nhìn ra sông và than vãn: – Trời với đất! Tệ quá!

    Trang ái ngại nhìn dòng sông đã trắng xóa sương đậm. Chắc đêm nay cha chị không ngủ được. Ông cụ rất tinh, nhất là biết tin chị về, thế nào ông cũng thức đợi. Đã lâu lắm chị chưa về thăm cha.

    – Này chị ạ! – Bà cụ ngắt ý nghĩ của Trang – Còn lâu tầu mới chạy, nhà tôi lại ở ngay trong phố. Hay là mời chị vào nghỉ lấy vài tiếng cho đỡ mệt rồi chốc nữa hai bà con ta lại ra.

    Trang tìm cách chối, chị viện lý do sợ nhỡ tàu.

    – Không mà, nhà có hai vợ chồng già thôi, chị đừng ngại.

    Thấy Trang còn ngần ngừ, bà cụ kéo vai chị:

    – Đi thôi, chị ạ, chứ chị tính còn mấy tiếng đồng hồ nữa mà đứng ngoài sương thế này! Có nhà tội gì mà thế? Nào đi, chị giúp tôi cái gói này.

    Trang bước ngập ngừng sau cái bóng loắt choắt của bà lão, giữa phố im lìm, tối mờ mịt. Nhà không xa lắm. Cửa cọt kẹt mở và có tiếng ông già:

    – Sao bà lại quay về thế?

    – À, tàu hôm nay lên muộn. Có chị đây đi cùng, tôi mời chị ấy về nghỉ, tí nữa đi cho đỡ mệt.

    Lúc này, ông lão mới trông thấy Trang ngoài cửa. Căn nhà huyên náo lên chốc lát. Bà cụ nhanh nhảu đi soạn giường chiếu.

    Dưới ánh đèn dầu lung linh, Trang ngắm từng thứ bầy biện trong nhà. Ở gian ngoài kê một bộ bàn ghế gọn gàng. Lò sưởi có rèm trúc trên vẽ con sáo đen đậu trên cành tre. Trên tường treo ảnh Hồ Chủ tịch và những bức phong cảnh có khung bằng thạch cao. Tấm ảnh người con trai tươi cười để trên bàn.

    Trang thấy hơi ngại, chị không muốn ngủ, nói vọng sang phòng bên:

    – Hai cụ để cho tự nhiên, cháu thấy không buồn ngủ ạ. Hai vợ chồng ông lão mời mãi. Trang từ chối khéo và giục họ đi ngủ. Sau một hồi ồn ào, căn phòng bắt đầu lặng lẽ. Trang ngồi xuống ghế, giơ tay lên giá sách lấy một quyển Bắn may bay bằng các loại súng . Trang nhìn bìa mà không đọc vì đèn dầu để xa quá.

    Một mùi thơm kín đáo bay vào phòng. Mùi thơm của hoa, dịu ngọt và ẩm ướt. Trang bước ra theo cửa lớn bỏ ngỏ thông ra sau vườn. Ngoài sân tối mờ mờ. Bầu trời xám nặng nề lốm đốm sao. Càng đi xa mùi thơm càng sực nức. Chị giơ tay ra và đụng vào hàng rào, sờ vào từng cánh hoa man mát. Những bông thược dược to tướng ướt đẫm. Một bể nuôi cá ở giữa sân, xung quanh có giàn và cây leo um tùm. Không hiểu đó là đỗ hay cũng một loại hoa? Ở quê chị, người ta thường làm giàn cho mướp, bí và đỗ leo. Thoang thoảng mùi rau tía tô và hương nhu. Tiếng đồng hồ ở đâu đó chậm chạp điểm mười hai tiếng. Giờ này lẽ ra đã lên tầu rồi, trong khi đó chị còn đứng trong vườn của một gia đình xa lạ. Điều đó trước đây một tiếng làm chị sốt ruột, bây giờ cảm giác đó đã mất hẳn. Ở phía dưới bếp có tiếng động, rồi tiếng nước ào ào xô nhau vào vại. Giờ này ai còn gánh nước? Chưa kịp suy nghĩ, Trang đã thấy cửa mở, một người con trai cầm cái đèn dầu, trên vai vẫn để nguyên đòn gánh bước ra, giọng anh trầm mà vang lạ lùng:

    – Cụ làm gì ngoài sân thế?

    – Không.. tôi đây.

    – Ai thế? – Anh bước ra thêm một bước, giơ đèn soi.

    – Tôi cùng cụ ra bến, còn lâu tầu mới chạy, cụ bảo tôi vào đây nghỉ, chốc nữa cùng đi.

    Anh ta "à" một tiếng, bước ra soi đèn và bảo chị:

    – Thế mời chị vào trong này nghỉ. Ra sân ban đêm không lợi đâu. Sương xuống nhiều, còn trời lại ỉu như muốn mưa.

    Trang không trả lời, vừa đi chị vừa hỏi:

    – Sao anh gánh nước khuya thế?

    Anh con trai, chỉ đáp lại bằng một nụ cười hiền lành, ngượng nghịu. Mãi đến lúc ra tới cửa, anh mới nói khẽ:

    – Lâu lâu không mưa, bể cạn nước, bà cụ cứ phải cúi sát xuống mãi mới được gáo nước.

    Ở buồng khách lúc nãy Trang ngồi, có thêm một gánh củi to, một cây súng trường dựng bên cạnh. Hóa ra không phải anh ta ngủ. Củi vừa mới gánh ở đâu về. Thấy Trang cứ nhìn gánh củi, anh ta cười:

    – Chiến tranh thành ra chợ họp về đêm. Ở đây, mười hai giờ chợ vẫn đông. Tôi đi gác về, tạt qua mua gánh củi.

    Trang ngồi xuống ghế nhìn theo đôi thùng đang khuất dần ngoài cửa. Hình như giếng nước ở đâu xa lắm, vì Trang thấy rất lâu mới có tiếng bước chân anh trở lại. Đôi móc thùng quá ngắn so với khổ người cao lớn, thành ra mỗi khi anh ta bước, đôi thùng lại nhún nhảy kêu lên khe khe. Mỗi khi qua cửa buồng hai vợ chồng ông già nằm, anh ta lại rón rén, tay khẽ đẩy cánh cửa ra vườn. Đôi thùng nước đang kĩu kịt lao nhanh bỗng dừng lại, làm sánh ra sàn nhà những giọt nước đen đen và lấp lánh.

    Gánh nước xong, anh vào buồng khách và ngồi xuống ghế. Tự nhiên, Trang tò mò muốn nhìn kỹ người con trai cần mẫn ấy. Anh ngồi nghiêng ra phía cửa sổ, bàn tay rám nắng ướt nước lần cởi khuy áo cổ cho mát. Một nốt ruồi to ở ngay bên má. Chiếc áo xanh dưới ánh đèn tù mù vẫn lộ màu bạc phếch, tay áo xắn lên quá khuỷu. Trông không giống ảnh để bàn một chút nào. Da đen hơn, mắt to sáng, trông bạo dạn và khoẻ mạnh. Anh ngồi, chốc chốc lại nhìn quanh quẩn, chẳng để ý đến người khách lạ đang ngồi đấy. Thỉnh thoảng, Trang lại liếc nhìn bóng anh trên tường: Sao có người con trai đẹp đẽ khoẻ mạnh và chăm chỉ, phụng dưỡng cha mẹ như một cô gái thế? "Định thức trắng đêm chắc?". Trang thầm nghĩ không hiểu anh ta còn ngồi đấy làm gì mà không đi ngủ. Tiếng đồng hồ tích tắc, tích tắc nghe càng thêm tịch mịch.

    Anh ta ngồi một lát rồi vào trong nhà đem ra một chiếc nồi nhôm đã long mất một tai, một cái kim và một dúm đinh, ngồi bệt ngay xuống sàn hý hoáy chữa.

    – Chợ ở đây họp khuya lắm. – Mãi tới bây giờ anh ta mới lên tiếng.

    – Trông cái tỉnh bé tí này im ắng, như người ngủ ấy, thật ra nó vẫn thức đấy. Ngay những lúc khuya khoắt thế này, người ta vẫn làm việc, vẫn đi chợ. Người ta ngồi ở mâm pháo mà chờ cho giặc ăn đạn. – Trang im lặng ngồi nghe. Ở phía xa, thỉnh thoảng có tiếng súng ầm ì. Có lẽ bộ đội tập bắn ở trên núi gần đấy. Trong nhà vẫn thoang thoảng mùi hoa và mùi hắc của lá cà-rốt.

    – Anh có những bông hoa thơm quá!

    – Tôi thấy đẹp chứ thơm ít thôi! – Anh nói, vẫn không nhìn chị.

    – Tối quá, tôi không nhìn thấy, chỉ ngửi thấy thôi.

    – Anh trồng được nhiều hoa lắm nhỉ?

    – Cũng tạm thôi chị ạ. Hai cụ nhà này sống bằng tiền bán hoa cho hợp tác xã mua bán tỉnh.

    Hí hoáy chữa xong cái tai nồi, anh đứng dậy dọn dẹp, uống một cốc nước, rồi xách súng đi ra cửa:

    – Thôi, chào chị. Chỉ một lúc nữa tầu lên thôi. Giá còn sớm, tôi dẫn chị đi xem chợ. Chợ vui lắm, chị ạ.

    – Vâng.. – Trang lúng búng hỏi: – Thế anh không ngủ ạ?

    Chị thấy hơi phiền. Có lẽ vì chị ở nhà nên anh ta phải lánh đi ngủ nhà khác chăng? Nghĩ thế, chị nói tiếp:

    – Anh cứ ở nhà mà ngủ. Chúng tôi đi ngay đấy.

    – Không, không! – Anh xua xua tay: – Tôi không ngủ nhà bao giờ mà. Tôi lên chỗ tập trung, chị đừng ngại.

    Cửa đóng lại và những bước chân mạnh mẽ xa dần.

    Khoảng nửa tiếng sau, bà cụ và Trang ra bến. Con tầu khổng lồ đỗ ở dưới sông, đèn tù mù tăm tối. Trăng lên từ đêm bây giờ đã bắt đầu nhạt dần. Hai người xuống tầu bằng một cầu gỗ nhỏ.

    Con tầu cố kêu lên những tiếng khàn khàn dữ dội, như muốn đánh thức cả cái tỉnh lị nhỏ bé này. Chiếc tầu nhổ neo, lừ lừ quay mũi. Sóng vội vã xô vào bánh lái thành những vệt dài đọng ánh trăng bàng bạc pha sương. Sóng vỗ miên man vào bờ, làm rập rình những con thuyền đậu san sát, cột buồm đen thẫm vươn cao, lô nhô trên nền trời xám nhạt.

    Bà cụ đã giở trầu ra ăn, sửa lại khăn và phàn nàn về chuyện tầu hôm nay đi muộn.

    – Cụ có anh con trai hiền lành quá! – Trang nói.

    – Vâng, tôi hiếm hoi lắm chị ạ, được có mình nó đấy. Hai vợ chồng tôi cùng già lắm rồi, chẳng làm gì được nữa, nhà neo người quá!

    – Anh ấy chăm làm thế sẽ đỡ đần được các cụ nhiều việc – Trang an ủi bà cụ.

    – Sao chị biết nó chăm làm? Chị quen nó à? – Giọng bà cụ hấp tấp, nửa hồi hộp, nửa như mừng rỡ làm Trang vừa ngạc nhiên vừa lúng túng:

    – Vâng.. cháu mới quen. Cháu thấy anh ấy làm việc lục đục cả đêm.

    – Ấy chết, thế thì chị nhầm rồi! Cái anh vẫn vào đây đêm hôm củi nước cho tôi là người khác. Thằng con trai tôi nó đi bộ đội hơn một năm nay rồi. Ảnh nó để ở bàn đấy!

    "À ra thế!". Trang nghĩ và sửng sốt.

    – Tôi được mỗi mình nó, mọi khi ở nhà nó làm thợ điện. Từ sau ngày mồng năm tháng Tám máy bay Mỹ bắn phá, nó không yên, suốt ngày đòi đi bộ đội. Nó bảo con một thì con. Gớm, nó làm cứ sôi lên thế này! Giặc đến thì cả nước đánh ấy chứ huống hồ thanh niên! Tôi tuy hiếm hoi thật, nhưng đi đánh giặc thì tôi không giữ, chỉ lo còn hai thân già ở nhà sớm hôm ai đỡ đần. Ấy thế mà cũng may, chị ạ. Anh lúc nãy là đội trưởng đội tự vệ đấy. Cứ ngày đi làm, tối đi gác, rỗi lúc nào lại chạy sang chỗ tôi. Gạo, củi là anh ấy lo tất hộ. Được hôm nào nghỉ là chạy ngược, chạy xuôi về cái vườn hoa. Hàng xóm họ cứ đùa tôi: "Ai cho cụ nàng dâu hiền đảm đấy?"

    Trang không còn nghe tiếp câu chuyện được nữa. Chị ngồi im lặng suy nghĩ, nhớ lại phút gặp gỡ ngắn ngủi với người thanh niên có nước da nâu và mái tóc xanh bóng. Tự nhiên, Trang thấy tiếc vì không hiểu biết được nhiều về anh ta. Giờ đây, tất cả sẽ còn là một kỷ niệm. Hình ảnh anh thanh niên chăm chỉ lại hiện rõ ràng, đẹp đẽ. Giá mà anh con trai bà cụ biết được những chuyện này nhỉ! Những việc làm bình thường, hết sức bình thường này!..

    Trang nghĩ ngợi miên man.. Một cảm giác vui sướng tràn ngập và gần như pha lẫn nhớ nhung, nao nao trong lòng chị. Trang ngó đầu ra cửa sổ để nhìn lại cái tỉnh lỵ nhỏ bé đang lùi dần vào đêm tối.. a


    (1965, Nguyễn Thị Ngọc Hải)
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...