CÙNG TÌM HIỂU VỀ KITO GIÁO QUA HÌNH ẢNH BỨC HOẠ "THE PIETA" (1876) CỦA HOẠ SỸ WILLIAM ADOLPHE BOUGUEREAU (1825-1905) Lưu ý: Đây là những phân tích chủ quan theo góc nhìn của người viết, chỉ để tham khảo. Từ hình ảnh bức họa "The Pieta" của họa sỹ người Pháp William Adolphe Bouguereau xuất hiện trong MV "Chạy ngay đi" của Sơn Tùng M-TP mới vừa ra mắt, rất nhiều người (Việt Nam) đang tìm kiếm thông tin về bức họa này: Họa sỹ, năm vẽ, hoàn cảnh sáng tác, nhân vật trong bức họa, ý nghĩa biểu tượng thông qua hình ảnh trong bức họa. Chắc chắn bạn đã từng nghe nói về Kinh Thánh, dù bạn có theo hay không theo Kito giáo - một tôn giáo thuộc Thiên Chúa giáo – hay không. Và rất dễ dàng để bạn có thể tìm hiểu được rằng, Kinh Thánh là cuốn sách được in nhiều nhất, được bán chạy nhất trên thế giới. Cùng rất nhiều những cái nhất khác mà bạn có thể tra trên Internet. Văn hóa phương Tây ảnh hưởng rất nhiều từ Kinh Thánh. Từ cuộc sống hàng ngày tới các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc và hội họa. Rất nhiều các nhạc sỹ, họa sỹ nổi tiếng thế giới (và cả các nhà khoa học) là người theo Kito giáo, đặc biệt là Công giáo. Tác phẩm ảnh hưởng từ Kinh Thánh của họ rất nhiều. Để hiểu được ý nghĩa của những tác phẩm âm nhạc hay hội họa có chủ đề hay có ảnh hưởng từ Kinh Thánh ấy, ít nhất bạn phải đọc nội dung đó trong Kinh Thánh. Những tác phẩm hội họa của các nghệ sỹ phương Tây có ảnh hưởng từ Kinh Thánh không thể kể hết được. Các tác phẩm nghệ thuật đó, có tác phẩm chỉ là vẽ lại một nội dung trong Kinh Thánh. Có những tác phẩm lại không chỉ là vẽ câu chuyện trong Kinh Thánh mà lồng thêm câu chuyện khác, có thể của bản thân tác giả. The Pieta hay Đức Mẹ Sầu Bi là một tác phẩm nghệ thuật của họa sỹ William Adolphe Bouguereau vẽ vào năm 1876, có ảnh hưởng từ Kinh Thánh, và có cả câu chuyện của cá nhân họa sỹ. Con trai cả của ông, cậu bé Georges của ông, qua đời vào ngày 19/7/1875 ở tuổi 16. Chìm đắm trong trạng thái buồn bã 6 tháng, để thoát khỏi tình trạng đó, người cha họa sỹ đã tạo một tác phẩm vừa để đánh dấu nỗi buồn của mình, vừa để tưởng nhớ con trai. "The Pieta" là tác phẩm đó. Bỏ qua những yếu tố thuộc về hội họa như chất liệu, trường phái hay cách vẽ, trung tâm của bức họa "The Pieta" là Đức Mẹ ôm Chúa Jesus – thời điểm Người đã được tháo xuống khỏi thập giá khổ hình. Đức Mẹ mặc áo choàng đen, cánh tay ôm chặt Con mình, ánh mắt nhìn thẳng. Đề xuất các bạn nên tìm xem các phim về cuộc đời và cái chết của Chúa Jesus để hiểu thêm về sự kiện này, như phim "Chúa Jesus thành Nazareth" (1977) của đạo diễn Franco Zeffirelli (phim này có diễn viên nữ Olivia Hussey trong vai Đức Mẹ Maria, người đã đóng vai Juliet trong phim Romeo và Juliet năm 1968), hay phim "Cuộc khổ nạn của Chúa Jesus" của đạo diễn Mel Gibson năm 2004. Trên đầu Đức Mẹ và Chúa Jesus đều có hào quang. Xung quanh Đức Mẹ ôm Chúa Jesus là hình ảnh các thiên thần. Và bình rượu dưới chân. Hình ảnh ấy, như thể tái hiện nỗi đau của người mẹ trước cái chết của người con, người con trai duy nhất. Và cũng là nỗi đau của người cha William Adolphe Bouguereau trước cái chết của đứa con trai mình. Đầy đau đớn xót xa! Nhưng ý nghĩa cái chết của Chúa Jesus là gì? Đức Mẹ vì sao biết con mình sẽ phải chịu chết trên Thập Giá mà không ngăn cản? Các bạn nghe nói về ngày lễ Phục Sinh, các bạn có biết và hiểu về ý nghĩa của Mùa Chay, của Tam Nhật Vượt Qua và lễ Phục Sinh? Tôi tự hỏi, vì sao họa sỹ không vẽ hình ảnh của Đức Mẹ ôm Chúa Jesus ngay dưới chân Thập Giá trên đồi Golgotha, khi máu từ các vết thương đang chảy và chưa một ai tin vào việc Người sẽ sống lại vào 3 ngày sau. Mà là hình ảnh của các thiên thần vây quanh, với hào quang trên đầu Đức Mẹ và Chúa Jesus, như hình ảnh của Thiên Đàng. Kết hợp với câu chuyện cá nhân của họa sỹ, tôi nghĩ rằng thông qua bức tranh ấy, ông vừa muốn diễn tả nỗi đau mất con của mình, vừa diễn tả những tháng ngày buồn bã sầu đau trong rượu, vừa diễn tả niềm tin về sự sống đời sau trên nước Thiên Đàng, nơi có các thiên thần – niềm tin để giúp ông thêm sức mạnh vượt qua nỗi đau mất con hiện tại. "The Pieta", ắt hẳn là có một dụ ý nào đó nên được đạo diễn chọn làm bức tranh xuất hiện trong MV "Chạy ngay đi" của Tùng, mà cũng như rất nhiều tác phẩm âm nhạc hay phim ảnh khác, khán giả phải tìm hiểu để hiểu được những ý nghĩa ẩn dụ trong đó, nếu như tác giả không nói ra. Có thể là cái chết đầy đau đớn và sự phục sinh. Có thể là sự sa ngã bởi những yếu đuối trước cám dỗ của con người, kể cả nỗi đau, sự phản bội hay những hào nhoáng của vật chất, những thú vui xác thịt. Chết đi rồi sẽ sống lại. Nhưng tôi tin không phải là một ý nghĩa liên quan tới tôn giáo. Không phải chỉ vì tôi tin vào sự tử tế làm người và làm nghề của Tùng. "The Pieta", được bán vào ngày 9 tháng 6 năm 2010, với giá 2.777.500 USD. Đó là một tác phẩm nghệ thuật để trưng bày như rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật khác, được trao đổi mua bán. Dù nằm ngoài dự đoán, nhưng từ sự cố này, tôi tin rất nhiều bạn trẻ VN, không nhiều thì ít, đã và đang biết thêm về Kinh Thánh, về Kito giáo, trong quá trình tìm hiểu về ý nghĩa của bức họa The Pieta. Tôi mong là những người theo đạo nhìn sự việc này như một điều tích cực, và biến nó thành cơ hội để giới thiệu hay giải thích cho những người chưa biết, thay vì đẩy ra xa. Các bạn Sky, nếu là người theo đạo, có thể nhân dịp này để tìm hiểu sâu hơn về tôn giáo của mình. Vừa làm vững thêm niềm tin tôn giáo của bản thân, vừa giới thiệu với bạn bè. Các bạn Sky, nếu không/chưa phải người theo đạo, tôi hy vọng các bạn có thể biết thêm được những kiến thức mới về Kinh Thánh – cuốn sách có nhiều cái nhất nhất trên thế giới, về Kito giáo – tôn giáo có nhiều người theo nhất thế giới, và về những tác phẩm nghệ thuật ảnh hưởng từ Kinh Thánh. God be with you.