Phân tích Vợ chồng A Phủ trong đêm mùa xuân từ Trong các làng Mèo… đi chơi Tết

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tructam2301, 4 Tháng ba 2023.

  1. tructam2301

    Bài viết:
    9
    Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng khẳng định: "Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm - mà tâm điểm là con người". Bao giờ cũng vậy văn học - cuộc sống - con người là những yếu tố không thể tách rời nhau để tồn tại riêng biệt. Hiểu được lẽ đó, nhà văn Tô Hoài đã lắng nghe hơi thở và nhịp đập của cuộc sống biến đổi từng giây để chắt lọc những gì tinh túy nhất, nhào nặn nên những tác phẩm để đời. Một trong số đó là tác phẩm mang tên vợ chồng a phủ thể hiện rõ được tài năng cũng như tấm lòng nhân đạo nhà văn Tô Hoài. Đặc biệt, đoạn trích "Trong các làng Mèo.. đi chơi ngày tết" đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

    Chẳng phải vô cớ mà nhà văn Trần Đăng Khoa hết lời ngợi ca Tô Hoài: "Ông như một cuốn bách khoa toàn thư mà không viện sĩ nào, không một học giả nào có thể sánh được. Tựa như loại ong chăm chỉ chắt mật cuộc sống, suốt một đời Tô Hoài cần mẫn đi và viết. Trong chuyến đi thực tế dài tám tháng cùng bộ đội lên giải phóng Tây Bắc năm 1952, tác giả đã có cơ hội tiếp xúc với người dân Tây Bắc và cho ra tác phẩm" VCAP ", rút ra từ tập" truyện Tây Bắc "in năm 1953. Tác phẩm xoay quanh số kiếp mà nhân vật Mị đã sống, đặc biệt thể hiện diễn biến nội tâm của cô trong từng thời kỳ. Đoạn văn miêu tả diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm xuân với những tình tiết chân thực và cảm động đã thể hiện sức sống mãnh liệt cùng khao khát tình yêu cháy bỏng của Mị – người con gái xinh đẹp mà bất hạnh.

    Đọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được tác giả thể hiện. Vì vậy, Tô Hoài đã có lí khi nói rằng" Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác ". Mị là một cô gái xinh đẹp, tài năng, hiếu thảo. Vì món nợ truyền kiếp của gia đình và sự tàn ác của bọn chúa đất miền núi Tây Bắc mà Mị trở thành nạn nhân của chế độ cho vay nặng lãi. Mị bị lừa bắt làm con dâu gạt nợ nhà Thông lý Pá Tra và phải trải qua những tháng ngày sống trong địa ngục trần thế. Cứ tưởng cô Mị ngày nào đã chết, Tô Hoài sẽ để cho nhân vật của mình trượt dài trên con đường đau khổ nhưng là nhà văn nhân đạo, ông đã đến gõ của tâm hồn Mị, để cô Mị ngày nào phơi phới sức trẻ hồi sinh. Trước hết, chính không khí ngày xuân ở Hồng Ngài đã đánh thức tâm hồn Mị, đánh dấu sự hồi sinh sau bao ngày tháng sống như cái bóng," lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. "Ở vùng rẻo cao Hồng Ngài không gì vui bằng Tết đến, xuân về. Năm nay Hồng Ngài đón một cái tết đặc biệt. Đúng lúc gió và rét rất dữ dội thế nhưng, bất chấp cái khắc nghiệt của thời tiết, không khí đón Tết vui xuân của Hồng Ngài vẫn rất náo nức tưng bừng đã làm say đắm lòng người bởi màu sắc rực rỡ của những chiếc váy hoa" như con bướm sặc sỡ "- trang phục truyền thống của người Mèo. Đám trẻ con chơi quay trên sân trước nhà cười ầm. Tiếng sáo thổi réo rắt rủ bạn tình đi chơi. Tiếng cười nói rộn vang. Tiếng chó sủa xa xa.. Tất cả sức sống của vạn vật mùa xuân đac làm cho tâm hồn Mị xao động. Tâm trạng Mị lúc này pha trộn giữa nhiều cung bậc cảm xúc: Vui sướng và đau khổ, tủi nhục đến mức muốn chết đi và khao khát được sống tự do mạnh liệt. Những cảm xúc ấy đang trỗi dậy, cuộn xoáy, trào dâng trong lòng Mị. Trước khung cảnh mùa xuân hữu tình, tưởng chừng cô Mị nào có biết xuân là gì? Nhưng thật bất ngờ, tâm hồn Mị lại" tha thiết, bổi hổi "khi nghe tiếng sáo từ đầu núi vọng lại. Nàng đã ngồi nhẩm thầm bài hái của người đang thổi sáo:

    Mày có con trai con gái rồi

    Mày đi làm nương

    Ta chưa có con trai con gái

    Ta đi tìm người yêu"

    Sau bao tháng ngày câm lặng có lẽ đây là lần đầu tiên người con dâu gạt nợ này khẽ hát, dù chỉ là nhẩm thầm. Bài hát ấy đã lâu Mị không hát, điệu sáo ấy đã lâu Mị không thổi nhưng Mị vẫn nhớ nghĩa là Mị không hề vô cảm, nói đúng hơn sự vô cảm chỉ một lớp vỏ bên ngoài mà ẩn sâu bên trong là một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, nó như tàn đám hồng trên thanh củi, chỉ cần một cơn gió thổi qua có thể bùng cháy dữ dội bất cứ lúc nào. Chính tiếng sáo ấy là tác nhân gây nên sự thay đổi lớn. Tiếng sáo là chi tiết nghệ thuật độc đáo, có sức lay động lớn đối với Mị. Nó là sợi dây kết nối Mị với cuộc sống, là phương tiện để Mị trở về quá khứ tươi đẹp mà cô đã vô tình lãng quên. Hơn nữa, âm thanh tiếng sáo đã thôi thúc cô gái người Mèo hành động phản kháng đạp đổ sự bóc lột của bọn chúa đất miền núi. Có thể nói nhà văn thật tinh tế khi xây dựng chi tiết tiếng sáo mà không phải một chi tiết nào khác bởi tiếng sáo gắn liền với phong tục tập quán của đồng bào Tây Bắc, gắn liền với tuổi trẻ, thanh xuân và tài năng của Mị. Chỉ có tiếng sáo mới mở cửa được tâm hồn đã đóng băng, phá bỏ được bức tưởng ngăn cách Mị với thế giới bên ngoài. Một chi tiết nhỏ này, người ta đã thấy được trái tim vốn chai sạn của Mị hình như đang dần sống lại, bởi lẽ làm gì có người nào lại hát khi tâm hồn đã nguội lạnh. Những câu hát ấy, dù không thành tiếng, thành lời thế nhưng nó lại là tiếng vang của tâm hồn, một tâm hồn khởi sắc, dần bước ra khỏi lớp vỏ chai lì bấy lâu nay vẫn mang.

    Cảnh vui ở đầu bản và cảnh ăn tết nhộn nhịp trong nhà thống lý Pá Tra cũng đã tác động mạnh tới tâm hồn Mị. Nhà văn tập trung miêu tả lễ hội của mùa xuân ở Hồng Ngài: "Ở đầu mỗi lành đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi chung ngày tết. Trai gái, trẻ con ra sân ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy. Trong nhà thống lý, cả nhà thống lý Pá Tra vừa ăn xong bữa cơm tết cúng ma. Xung quanh, chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm này lại tiếp ngay nữa rượu lên bếp lửa." Khung cảnh tưng bừng ấy khiến Mị nhớ lại thời con gái chưa xa. Lúc đầu Mị hành động theo thói quen một cách vô thức: "Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu uống ực từng bát." Cách uống rượu của Mị thật lạ. Uống ực không phải cách mà người ta nhâm nhi thưởng thức mà uống để nuốt hết đắng cay. Mị uống lấy được, uống như chưa bao giờ được uống, uống cho bõ hờn, bõ tức. Uống để cuốn phăng đi bao cay đắng tủi nhục của quãng đời đã qua. Uống cho thỏa khát khao say mê, phía trước. Men rượu nồng nàn tiếng sao tha thiết đã nhấc bổng Mị thoát khỏi thực tại, dìu Mị trở về miền quá khứ đẹp tươi với bao khát khao nồng cháy. Mị say, cứ lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người hát trong lòng Mị đang sống về ngày trước. Men rượu đã làm Mị say còn hơi men lại đưa Mị về sống cùng với quá khứ vàng son một thời. Mị bỗng nhớ về những ngày xa xăm, khi Mị còn chưa bị ép làm dâu nhà thống lý, cô cũng có một cuộc sống tươi đẹp, tương lai đầy hứa hẹn, khi bản thân Mị là người con gái tài sắc vẹn toàn, chăm chỉ lao động, lại có một tình yêu đẹp sắp đơm bông cùng tài năng thổi sáo giỏi "Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.". Thế nhưng chỉ trong một đêm tất cả đã trở thành ác mộng, càng nghĩ Mị lại càng ngẩn ngơ trong hoài niệm. Thế rồi người cũng về hết, còn lại một mình Mị ngồi trơ giữa nhà, trong lòng Mị bỗng nảy ra điều gì đó, Mị đứng dậy đi vào buồng "Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước". Không chỉ là về cảm xúc mà dấu ấn chứng minh cho sự sống lại của tâm hồn Mị còn nằm ở nhận thức về cuộc đời về tuổi trẻ của mình "Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ lắm, Mị muốn đi chơi". Câu văn sử dụng biện pháp điệp cấu trúc tô đậm khao khát tự do, mạnh liệt của cô gái người Mèo, câu nói ấy đánh dấu bước ngoặt cho quá trình chuyển biến và nhận thức của Mị. Phải lâu lắm rồi Mị mới thấy phơi phới như vậy sau nhiều năm câm lặng trong nỗi cô đơn. Lần này sự hồi sinh ấy không chỉ le lói hay nhen nhóm nữa mà nó đã cháy mạnh mẽ, Mị đã tìm lại được tuổi thanh xuân và tìm lại được chính mình, tìm lại được cô Mị yêu đời, yêu vui của ngày xưa. Ngày trước Mị trẻ trung yêu đời, ngày trước Mị đã từng yêu và được yêu. Những kí ức hạnh phúc đã thôi thúc Mị nổi loạn. Chính vì thế mà Mị không cam chịu sống trong căn buồng có cửa sổ bằng bàn tay, không biết ngày hay đêm, là sương hay nắng nữa. Từ một cô gái chỉ biết phó mặc cuộc đời của mình cho người khác, mặc kệ sự dày vò chà đạp của cha con nhà thống lý, Mị giờ đây đã nhận thức được tuổi trẻ của chính mình: Mị còn trẻ mà còn trẻ là còn được bay nhảy. Nhưng đau đớn thay, cùng với cảm xúc tìm lại được chính mình là một nỗi tủi hờn sâu sắc. Mị hiểu rõ rằng "A sử và Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau". Đó là hiện thực. Chưa bao giờ Mị cảm nhận được đến tận cùng của nỗi đau đớn và đọa đày của số phận mình như thế. Mị đã có chồng nhưng người chồng ấy không những không có tình cảm với Mị, không đem lại hạnh phúc cho Mị mà còn là rào cản giam hãm sự tự do của cuộc đời Mị. Quả không ngoa khi nói Tô Hoài là bậc thầy trong việc xây dựng tâm lý nhân vật, ông đã rất tinh tế, nhập tâm vào tâm hồn của nhân vật để làm sống dậy một miền ký ức, sống dậy sức sống tiềm tàng mà bấy lâu nay đã chết cứng, đã ngủ quên trong con người con gái này.

    Với cách xây dựng nhân vật điển hình cùng tài năng trong cách miêu tả, cách kể linh hoạt tự nhiên cùng nhiều chi tiết nghệ thuật độc đáo, Tô hoài đã tái hiện thành cônh bức tranh về tâm trạng Mị trong những đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài. Qua đoạn trích ngắn thôi, chất thơ trong văn chương của ông hiện lên rất rõ. Nhà văn miêu tả rất tinh tế một phong tục rất đẹp, rất thơ của đồng bào vùng cao là lễ hội mùa xuân tràn ngập màu sắc và âm thanh, ấn tượng nhất về màu sắc là vẻ đẹp của váy hoa, của âm thanh là tiếng sáo. Và đặc sắc nhất của chất thơ biểu hiện ở tâm hồn nhân vật mị. Ẩn sâu trong tâm hồn mị một cô gái tưởng chừng như héo hắt, sống một cuộc đời lầm lũi "đến bao giờ chết thì thôi" ấy có ai ngờ vẫn le lói những đúng lửa của khát vọng tự do tình yêu cuộc sống. Có thể nói chất thơ trong văn xuôi của tô hoài được tạo nên bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn cái khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng cái duyên mượt mà của một văn phong điêu luyện. Chính chất thơ ấy đã bộc lộ tài năng nghệ thuật độc đáo thể hiện tình yêu thiên nhiên con người, sự am hiểu các phong tục tập quán của nhà văn về mảnh đất Tây Bắc.

    "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Có lẽ thời gian chính là phép thử lớn nhất để một tác phẩm văn học có thể coi là "viên ngọc sáng" trong kho tàng văn chương hay không. Và vượt qua sự băng hoại của thời gian, truyện ngắn "VCAP" vẫn được bạn đọc nhiều thế hệ đón nhận và yêu thích. Đó chính là thành công to lớn của người cầm bút - Tô Hoài- cây cổ thụ lớn trong làng văn học.
     
    LieuDuongTiên Nhi thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng ba 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...