Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối. Liên hệ đến bản thân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi luiss462, 2 Tháng năm 2023.

  1. luiss462

    Bài viết:
    8
    Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ "Chiều tối". Liên hệ đến bản thân.

    Tác giả Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ là nhà yêu nước và là nhà cách mạng vĩ đại, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào quốc tế, ngoài ra còn là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc ta. Bác đã để lại rất nhiều tác phẩm, tập thơ hay có giá trị nhưng nổi bật hơn hết là bài thơ "Chiều tối" – là bài thơ thứ 31 trong taapj "Nhật kí trong tù", bài thơ cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệp của nhà thơ, chiến sĩ Hồ Chí Minh; từ đó, khắc họa rõ nét vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ.

    Thật vậy, vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh thể hiện trong bài thơ trước hết là vẻ đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ với những rung cảm tinh tế trước vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống của con người:

    "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,


    Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không".

    Bác viết bài thơ này trong hoàn cảnh rất đặc biệt: Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô căn cứ (1942-1943), trong hoàn cảnh tù đày ấy Bác vẫn là một con người yêu đời, yêu thiên nhiên và nhạy cảm trước những biến thái tinh vi của tạo vật. Bác gợi ra bức tranh thiên nhiên buổi chiều muộn nơi núi rừng đã được phác họa bằng những nét chấm phá, tác giả không nghiêng về tả mà chỉ gợi ra một vài nét cốt ghi lấy linh hồn của tạo vật. Toàn bộ bức tranh thiên nhiên miền Sơn Cước hiện ra một cảnh đơn sơ qua cánh chim chiều mệt mỏi đang bay về tổ và áng mây lẻ loi lơ lửng trôi giữa trời không. Hình ảnh cánh chim bay về núi rừng thường mang ý nghĩa biểu tượng chiều tà nhưng nó còn vừa là nét khắc họa không gian vừa là nét mang ý niệm thời gian. Ở câu thơ thứ hai, hình ảnh chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không khiến ta liên tưởng ngay đến câu thơ xưa của Thôi Hiệu trong bài "Hoàng hạc lâu" : "Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay". Phải có tâm hồn thư thái, ung dung, làm chủ hoàn cảnh thì người tù mới có thể viết ra những câu thơ thư thái dõi theo một cánh chim trời, một chòm mây, một bầu trời như thế. Nhưng dường như mọi sự vật được tạo ra từ sự đối lập như vậy cũng đã gợi ra một nỗi buồn trong cảnh và trong cách nhìn cảnh ta có thể cảm thấy tâm hồn của Bác lúc này đã thực sự hài hòa với thiên nhiên. Bác đã xóa nhòa đi cái ranh giới giữa người tù và du khách tự do, để tâm hồn mình gắn liền với thiên nhiên, dễ dàng hòa nhập, quyến luyến. Tình yêu thiên nhiên với những rung động dạt dào của một tâm hồn thi sĩ đã gợi ra bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người.

    Vẻ đẹp tâm hồn của Bác không chỉ được thể hiện qua vẻ đẹp thiên nhiên mà nó còn thể hiện qua suy nghĩ về con người:

    "Cô em xóm núi xay ngô tối,


    Xay hết, lò than đã rực hồng".

    Bức tranh đời sống nơi xóm núi hiện lên sinh động, chân thực qua hình ảnh người thiếu nữ xay ngô tối và hình ảnh lò than đã rực hồng. Cô thiếu nữ mải miết xay ngô, ngọn lửa hồng reo vui trong bếp lửa gia đình, lòng Bác như cùng hòa vào với khung cảnh lao động bình dị ấy như đang reo vui cùng với âm thanh than hồng cháy tí tách. Đó cũng là hình ảnh trung tâm, là linh hồn của bức tranh chiều tối. Thơ xưa thường tả con người trong cảnh hoàng hôn với những hình ảnh ước lệ: Lữ thứ tha hương.. con người giữa thiên nhiên chỉ thấp thoáng, nhỏ bé, điều đó càng làm tôn thêm vẻ hùng vĩ, hoang sơ của thiên nhiên. Câu thơ như thể hiện được cái nhìn trìu mến hướng về sự sống của Bác – người luôn yêu thương quan tâm đến người lao động. Từ bức tranh đời sống, người đọc còn cảm nhận được sự vận động của thời gian và tâm trạng của con người. Thời gian không chỉ trôi dần theo cánh chim, áng mây mà còn trôi dần theo vòng quay của cối xay ngô, từ "xay" ở câu thơ thứ ba được điệp vòng ở câu thơ thứ bốn tạo nên sự nối âm liên hoàn, diễn tả vòng quay không dứt của cối xay đồng thời cũng là vòng lưu chuyển của thời gian từ chiều sang tối. Bài thơ không khép lại cảm giác về bóng đêm đang dần xuống mà lại chan hòa ánh sáng tạo nên cuộc sống đời thường giản dị, thân thuộc. Cùng với tấm lòng của Bác luôn hướng về con người là Bác lại tìm thấy niềm vui. Từ "hồng" ở cuối bài thơ được đánh giá là nhãn tự của bài thơ, nó thể hiện cái nhìn lạc quan, yêu đời dù trong hoàn cảnh khó khăn cũng thể hiện một tâm hồn hướng về sự sống, ánh sáng tương lai của người tù.

    Bên cạnh tình yêu với thiên nhiên, con người, bài thơ "Chiều tối" còn làm nổi bật lên ý chí kiên cường, tinh thần sắt đá của Bác. Ta gặp Bác trong một khoảng buồn bã, cô đơn, ảm đạm ở trong chốn lao tù ẩm ướt, bị khổ sai mà khi nhìn thấy ánh lửa hồng Bác đã quên đi chúng và quyết tâm thực hiện con đường mà mình theo đuổi, Bác vẫn làm thơ, vẫn để cho tâm hồn mình bay bổng như cánh chim, áng mây. Có thể nói, phải có một tinh thần, bản lĩnh thép thì Bác mới ung dung, thư thái, đây cũng như một cuộc vượt ngục bằng tinh thần Bác làm chủ hoàn cảnh. Tất cả những vẻ đẹp trên đều thể hiện vẻ đẹp ý chỉ, nghị lực của người cộng sản Hồ Chí Minh.

    Bằng những câu thơ mang màu sắc cổ điển, kết hợp với tính hiện đại, một mạch cảm xúc ngầm đầy tính nhân văn, bài thơ "Chiều tối" đã làm rõ vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh. Từ đó, em cảm thấy trong cuộc sống không thể thiếu ý chí và nghị lực. Cuộc sống luôn là một chuỗi khó khăn và thử thách, nếu hèn nhát và yếu đuối chắn chắn ta sẽ thất bại và gục ngã nên mỗi người chúng ta cần rèn luyện cho mình những kĩ năng sống cần thiết. Đặc biệt là nghị lực sống, đó chính là cách tốt nhất để vượt qua khó khăn và là một trong những hướng đi nhanh nhất dẫn đến thành công. Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ luôn có ý thức tự vươn lên trong học tập, tự rèn luyện ý chí và nghị lực để sau này có thể đi trên đường đời một cách vững chắc làm một công dân có ích cho đất nước.
     
    Dương2301LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...