Phân tích vẻ đẹp sông Hương từ ngã ba Tuần đến chân đồi Thiên Mụ - Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 16 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Phân tích vẻ đẹp sông Hương vùng ngoại vi thành phố trong đoạn văn sau:

    Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu "Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên". Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những sớm làng trung du bát ngát tiếng gà..

    (Trích bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - Hoàng Phủ Ngọc Tường)

    Từ đó, anh/chị hãy nhận xét về cách cảm nhận và thể hiện độc đáo, thú vị của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng sông xứ Huế.

    [​IMG]

    Bài tham khảo (ngắn gọn) :​

    Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường là bài kí đặc sắc về dòng sông Hương xứ Huế. Đọc bài kí, ai cũng dễ dàng nhận thấy nhà văn đã dành hết tâm sức và tình cảm của mình, thậm chí cả tinh hoa và tinh huyết của một đời văn để say sưa khám phá và miêu tả vẻ đẹp của Hương giang. Với bài bút kí này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem đến cho người đọc chiêm ngưỡng một thực thể thẩm mĩ tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng - đó là dòng sông Hương của xứ Huế với vẻ đẹp phong phú, lung linh, huyền ảo, tiêu biểu là đoạn:

    Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn [...] những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà.

    Trong cảm nhận tinh tế, tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hành trình của sông Hương từ đại ngàn về với Huế là hành trình tìm kiếm có ý thức của người con gái lần đầu tiên tìm đến với tình yêu, với thành phố Huế mộng mơ. Từ cửa rừng về đến ngã ba Tuần, sông Hương chuyển dòng, uốn mình theo những đường cong thật mềm trước khi về với địa điểm tiếp theo là chân đồi Thiên Mụ. Người con gái xinh đẹp dịu dàng ấy nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại và được đánh thức bởi tiếng gọi tình yêu thì sẵn sàng cuộc hành trình để đi đến thành phố của tình yêu – thành phố trong tương lai. Hành trình của sông Hương từ ngã ba Tuần về giáp thành phố được tác giả miêu tả như thế nào?

    "Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột.. người ta luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược vừa bé chỉ bằng con thoi".

    Với sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế cùng với một tình yêu mãnh liệt, nồng nàn dành cho Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành những con chữ tinh xảo, công phu nhất để viết về dòng sông của xứ Huế mộng mơ. Con sông được miêu tả từ trên cao, nó xuyên qua dư vang của dãy núi Trường Sơn. Sông Hương vững vàng, kiên định vượt qua mọi khó khăn, trắc trở của "đại ngàn", "ghềnh thác", của những "đáy vực sâu bí ẩn" để khi này, về đến vùng ngoại vi thành phố, sắc nước sông Hương trở nên "xanh thẳm", dáng hình sông Hương "mềm như tấm lụa".

    Vậy là trước khi gặp thành phố tình yêu của mình, dòng sông giống như người con gái đang tự trang điểm, chuẩn bị nhan sắc tỉ mỉ để làm vừa lòng người tình mong đợi, sắc nước bỗng "xanh thẳm" - một màu xanh thuần khiết, tao nhã, mê đắm lòng người (khác hẳn với sắc nước sông Đà "lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa"), và những đường cong thật mềm cũng khiến sông Hương trở nên đầy nữ tính, chẳng còn là cô gái Di gan "phóng khoáng và man dại" giữa rừng già.

    Khoác trên mình màu áo xanh trong quyễn rũ ấy, dòng sông kiêu sa uốn mình "trôi đi giữa hai dãy đồi sững sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo", trôi qua "những rừng thông u tịch", "những lăng tẩm đồ sộ". Phát huy tác dụng của những từ ngữ giàu chất hội họa, những liên tưởng so sánh độc đáo, Hoàng Phủ Ngọc Tường như vẽ lên trước mắt người đọc một bức tranh sơn thủy hữu tình mà bất cứ ai đứng trước nó cũng phải mê đắm ngắm nhìn.

    Điểm nhấn của bức tranh là dòng sông Hương "mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi", hai bên dòng sông là những dãy đồi sừng sững, những rừng thông và lăng tẩm.. tạo nên không gian cao thấp nhiều tầng bậc cho bức họa. Sự kết hợp giữa đường nét thô nhám của núi đồi, thánh quách với đường cong thật mềm của dòng sông; giữa màu sắc xanh thẳm của nước sông, của cây cối với những mảng phản quang "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" mà những dãy đồi tạo nên trên mặt sông.. đã tạo tạc nên một tác phẩm hội họa tuyệt mĩ.

    Thiên nhiên xứ Huế đã tô điểm cho Sông Hương thêm thơ mộng trữ tình, hay chính dòng sông ấy đã làm đẹp cho thiên nhiên xứ Huế? Có lẽ là cả hai. Chỉ biết rằng, dõi theo thủy trình của sông Hương, ta thấy hiện lên biết bao cảnh đẹp say lòng của mảnh đất cố đô này. Tình yêu của dòng sông đối với Huế đã khiến con sông như tự ý thức phải làm đẹp mình và làm đẹp "người tình mong đợi" trong lòng mình chăng?

    Nhưng thú vị nhất vẫn là những khám phá, phát hiện và miêu tả của nhà văn về đặc điểm văn hóa của sông Hương. Dấu tích văn hóa in đậm ở cả trên và hai bên bờ sông. Đó là cái vẻ trầm mặc như triết lí, như cổ thi của con sông khi chảy bên những lăng tẩm đền đài của các đời vua chúa triều Nguyễn. Miêu tả dòng sông quãng này, Ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ họa trên trang sách dòng sông Hương với vẻ đẹp của sắc nước, dáng hình, mà đó còn là vẻ đẹp toát ra từ thần thái "như triết lí, như cổ thi" – vẻ đẹp trầm mặc của dòng sông. Khác hẳn với dòng sông vùng thượng nguồn "rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc..", sông Hương khi giáp mặt thành phố lại mang một diện mạo mới. Vẻ "u tịch" của những rừng thông, nét "âm u" của những lăng tẩm, cùng "núi phủ, mây phong, mảnh trăng thiên cổ.." đã khiến dòng sông trở nên trầm mặc, tĩnh lặng. Nếu so sánh sông Hương như một bản trường ca thì có lẽ, sông Hương khi chảy qua quãng này chính là những nốt trầm sâu lắng nhất của bản trường ca kia. Phải chăng, chính vẻ trầm mặc đó của sông Hương, của xứ Huế đã khơi nguồn cảm xúc để những giai điệu da diết ngân lên trong nhạc phẩm "Huế tình yêu của tôi" :

    Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ

    Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt

    Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được

    Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư.


    Cái tài của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện ở chỗ, từ một con sông chảy giữa tự nhiên, giữa đời thường.. ông đã nhìn thấy thần thái của nó, rồi nảy một vài từ "trầm mặc.. như triết lý, như cổ thi" – chính xác đến vô cùng để người đọc có thể hình dung rõ ràng vẻ đẹp tinh tế ấy của dòng sông. Đặt trong văn cảnh cả bài kí, ta có thể lý giải vẻ trầm mặc của dòng sông như một chút lo lắng, bồn chồn của người con gái trước khi đối diện với người tình mong đợi. Dòng sông – người con gái như băn khoăn trong lòng: Liệu đã tìm đúng đường về? Vậy nên, vẻ trầm mặc ấy "kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà.." mới tiếp chuyển sang một trạng thái khác. Âm thanh ngân nga của tiếng chuông chùa Thiên Mụ như một lời nhắc nhủ: Đường về đây rồi! Chỉ chờ có vậy, dòng sông bỗng chốc "vui tươi" hẳn lên khi vào lòng thành phố vì đã tìm đúng đường về..

    Đây là một trong số những đoạn văn tiêu biểu của bài kí. Chúng cho thấy bút lực dồi dào của nhà văn. Đó là một lối hành văn uyển chuyển, ngôn từ đa dạng và giàu hình ảnh. Từng từ, cụm từ, từng vế trong câu văn giống như một nét vẽ tài hoa của người họa sĩ, một động tác chạm khắc tinh xảo của nhà điêu khắc mà sau mỗi đường cọ, mỗi động tác nhào nặn, vẻ đẹp của sông Hương lại hiện ra một cách đặc sắc, đem đến cảm giác bất ngờ, ngỡ ngàng cho người đọc.

    Đoạn văn đã thể hiện những cảm nhận và thể hiện vô cùng độc đáo, thú vị của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng sông xứ Huế . Đối với ông, sông Hương không phải là dòng sông chỉ được cảm nhận dưới góc nhìn lịch sử, địa lí.. bình thường, càng không phải là một thực thể vô tri vô giác mà sông Hương chính là một người con gái đẹp. Người con gái ấy mang trong mình tình yêu tha thiết dành cho Huế và luôn kiên định trong hành trình đi đến với thành phố tình yêu. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát huy cao độ trí tưởng tượng phong phú của mình, phát huy tác dụng đặc biệt của thủ pháp nhân hóa để tái hiện hành trình của sông Hương về với thành phố Huế chính là hành trình tâm hồn của người con gái lần đầu tìm đến với tình yêu, với đủ những cung bậc cảm xúc: Hồi hộp, băn khoăn, vui tươi, e ấp.. Làm sao mà một dòng sông bình thường, quen thuộc giữa cơ thể đất nước lại có thể đánh thức, khơi dậy ở nhà văn những liên tưởng mới lạ, độc đáo đến vậy? Thế mới biết, sức tưởng tượng, sáng tạo của con người là vô biên. Chính những cảm nhận độc đáo đó của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã truyền sức sống, sức truyền cảm đặc biệt cho bài bút kí, đồng thời còn mang đến cho dòng sông xứ Huế một vẻ đẹp riêng, không giống với bất cứ dòng Hương giang nào trong các văn phẩm, thi phẩm, nhạc phẩm khác.

    Nguyễn Tuân - một bậc thầy về thể kí đã cho rằng kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa. Nét riêng trong nghệ thuật kí Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với tư duy đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí.. Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa. Bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? nói chung, đoạn trích nói riêng vừa thể hiện những nét đẹp độc đáo của sông Hương vừa thể hiện nét tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    Đoạn văn miêu tả hành trình của sông Hương từ ngã ba Tuần về đến chân đồi Thiên Mụ phần nào tái hiện vẻ đẹp của sông Hương trong mối quan hệ với thiên nhiên Huế. Điều đặc biệt là nhà văn đã nhất quán trong sự hình dung nó như một người con gái đẹp, dịu dàng, đằm thắm trong hành trình có ý thức tìm đến với người yêu – thành phố Huế. Đoạn văn còn khiến người đọc yêu mến hơn một Hoàng Phủ Ngọc Tường với tấm lòng thiết tha với quê hương xứ sở, một Hoàng Phủ Ngọc Tường với cái tôi tài hoa, uyên bác thể hiện ở trí tưởng tượng phong phú, những am hiểu thấu đáo về dòng sông, tài năng "điều khiển" con chữ một cách điêu luyện.. để tạo nên văn phẩm tuyệt vời "Ai đã đặt tên cho dòng sông?"
     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng mười hai 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Tham khảo thêm: Sông Hương chảy giữa lòng thành phố Huế

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Các dòng sông là cái nôi của những vùng, các nền văn hóa đa sắc màu nên viết về nó các nhà thơ, nhà văn thường viết bằng cả sự am tường, bằng một tình yêu tha thiết, sâu lắng. Từ lâu, con sông Hương của xứ Huế cũng đã rất nhiều lần đi vào các tác phẩm văn hóa, thơ ca. Dòng sông ấy đã từng được nhà thơ Hàn Mặc Tử miêu tả:

    "Gió theo lối gió mây đường mây

    Dòng bắp buồn thiu hoa bắp lay

    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay"

    Hay một nhà thơ nào đó cũng ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương, xứ Huế:

    "Thiếu nữ thẫn thờ vê áo mỏng

    Nghiêng nghiêng vành nón đứng chờ ai

    Ven dòng sông phẳng con đò mộng

    Lả lướt đi về trong nắng mai"

    Bởi vậy, viết về dòng sông Hương là một thử thách. May thay, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vượt qua thử thách ấy để tặng cho đời bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Trong tác phẩm này nhà văn đã cảm nhận về đẹp của sông Hương từ nhiều góc độ, phương diện. Nhà văn đã tìm hiểu thủy trình, khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên sông Hương và nhìn dòng sông trong sự gắn bó với nền văn hóa của xứ Huế, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cảm nhận về nó một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất với một tâm hồn nghệ sĩ đầy rung cảm. Ngòi bút nhà văn đặc biệt thăng hoa khi miêu tả sông Hương chảy giữa lòng thành phố Huế. Có thể ví đoạn văn miêu tả sông Hương ở Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường như một tấm đá hoa cương đủ khắc tên nhà văn làm vẻ vang một đời nghệ sĩ.

    Trong bài kí, vẻ đẹp của sông Hương trước hết được tác giả cảm nhận từ góc nhìn địa lí qua thủy trình, cảnh sắc thiên nhiên của dòng Hương giang từ vùng thượng lưu qua vùng đồng bằng rồi về thành phố Huế. Ở mỗi khúc đoạn dòng sông lại hiện lên với một vẻ đẹp riêng đầy cuốn hút. Ở những đoạn văn trước nhà văn đã miêu tả sông Hương ở thượng nguồn mang vẻ đẹp mãnh liệt, man dại và huyền bí, nhưng có lúc lại trở nên dịu dàng say đắm. Bởi vậy, vẻ đẹp sông Hương ở thượng nguồn như một cô gái Di-gan phóng khoáng, man dại có tâm hồn tự do, trong sáng. Sông Hương khi về đến đồng bằng châu thổ mang vẻ đẹp của một người con gái đẹp và nhuốm màu cổ tích. Người con gái đẹp ấy dám dấn thân vào một cuộc hành trình đầy gian truân để tìm đến với người tình trong mộng là thành phố Huế. Theo đó, đoạn văn này miêu tả vẻ đẹp của sông Hương khi nó về đến thành phố Huế.

    Sông Hương khi chảy vào thành phố Huế được nhân hóa mang tâm trạng như con người. Khi biết đã tìm đúng đường để về gặp thành phố thân yêu, sông Hương vui tươi lên hẳn lên giữa biền bãi vùng ngoại ô Kim Long. Qua lăng kính tình yêu, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã luôn nhìn sông Hương với thành phố Huế như một cặp đôi tình nhân và dòng Hương giang khi gặp người tình trong mộng đã không che giấu niềm vui của nó.

    Khi biết đã tìm đúng đường về để gặp người tình mong đợi, sông Hương cũng không còn băn khoăn, trăn trở "đổi dòng", "uốn mình" liên tục nữa mà "kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng Tây Nam, Đông Bắc" thật yên tâm bởi nó đã nhìn thấy cây cầu trắng của thành phố. Như vậy dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường sông Hương lúc này đã là một cô gái có tâm hồn, ý thức tìm được chính mình, đi tìm tình yêu đích thực của mình để được ôm ấp trong lòng một cố đô cổ kính.

    Khi gặp người yêu, có cô gái nào lại không làm duyên, làm dáng và sông Hương ở đây cũng vậy. Khi giáp mặt thành phố ở cồn Giã Viên "sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng" vâng "không nói ra của tình yêu". Quả thực, đây là một câu văn súc tích, mang vẻ đẹp lãng mạn và đầy mê đắm của tình yêu miêu tả dòng sông Hương khi gặp người tình của nó trở nên đầy e ấp, tình tứ, thể hiện sự chấp nhận tình yêu một cách đầy kín đáo và nữ tính.

    Sông Hương ở Huế gắn liền với hình ảnh cây cầu trắng - Trường Tiền. Nổi bật trên nền xanh của dòng Hương giang ở Huế là hình ảnh đầy ấn tượng: "Chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như vành trăng non". Ai đã từng đến Huế đều biết đến cây cầu Tràng Tiền nổi tiếng vẫn soi bóng trên dòng Hương giang, gợi một vẻ đẹp rất riêng mà chỉ có xứ Huế mộng và thơ mới có. Hình ảnh cây cầu ấy của đất cố đô đã đi vào thi ca với vẻ đẹp quyến rũ kì lạ:

    "Cầu cong như chiếc lược ngà

    Sông dài mái tóc cung Nga buông hờ"

    (Nguyễn Bính)

    Nguyễn Bính và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều cảm nhận được đường cong gợi cảm của cây cầu vắt ngang dòng sông Hương. Nhưng nếu nhà thơ Nguyễn Bính so sánh cầu Tràng Tiền như chiếc lược ngà thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại so sánh với vành trăng non – một so sánh độc đáo, mới lạ để gợi tả thêm vẻ đẹp duyên dáng, tươi sáng của cây cầu. Khi sông Hương gặp Huế, vẻ đẹp của dòng sông và cây cầu như hòa vào làm một. Cây cầu như một nét đẹp bừng sáng tô điểm cho vẻ đẹp của của dòng sông cũng như thành phố Huế.

    Sông Hương còn được ưu ái so sánh với các dòng sông đẹp trên thế giới đ ể làm nổi bật vẻ đẹp đặc trưng của dòng sông Hương ở Hu ế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã so sánh sông Hương với một số dòng sông đẹp và nổi tiếng trên thế giới. Nhà văn so sánh sông Hương với sông Xen của Pa-ri và sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét để thấy vẻ đẹp riêng của dòng sông Hương là nó thuộc về một thành phố duy nhất và chỉ một mình nó còn nằm trong tổng thể một đô thị cổ. Nó trôi đi bên cạnh những cây đa cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít, mà ở đó vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ. Vẻ đẹp cổ kính ấy của Huế, của sông Hương "không có một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được" . Có thể nói lời nhận xét tràn đầy tình yêu say đắm ấy không chỉ thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng mà còn thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh của Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với dòng sông thuộc về quê hương xứ sở mình sinh ra và lớn lên.

    Sau đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn so sánh sông Hương với dòng sông Nê-va ở Lê-nin-grat để nhấn mạnh điểm khác biệt là nếu như dòng sông Nê-va chảy rất nhanh, thì sông Hương có dòng chảy chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh . Nhà văn cảm nhận dòng chảy nhanh của sông Nê-va qua hình ảnh những chú hải âu tinh nghịch co một chân trên đám băng lô xô trôi theo dòng chảy ra bể Ban-tích. Nước sông Nê-va chảy nhanh đến mức cuốn trôi băng băng những con tàu bằng thủy tinh chở theo những hành khách tí hon khiến tác giả chỉ biết ngẩn ngơ trông theo.

    Và có như thế tác giả mới thấy quý điệu chảy chậm của dòng Hương giang khi ở Huế. Nếu như dòng sông Nê-va ở nước Nga xa xôi chảy qua thành phố với tốc độ rất nhanh "không kịp cho lũ hải âu nói điều gì" với người bạn của nó thì sông Hương lại chảy lặng lờ và được so sánh như một "điệu slow" tình cảm mà Hương giang dành riêng cho xứ Huế. Sông Hương chậm rãi, lặng lờ mang đậm khí vị của xứ Huế mộng mơ qua sự miêu tả của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đây cũng rất giống với sự miêu tả của nhà thơ Thu Bồn:

    "Con sông dùng dằng con sông không chảy

    Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu"

    Nhà văn còn tô đậm dòng chảy chậm của Hương giang một lần nữa bằng cảm nhận của thị giác qua hàng nghìn ánh đèn hoa đăng bồng bềnh trên sông Hương vào dịp rằm tháng bảy, từ điện Hòn Chén trôi về đến Huế thì ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như vấn vương của một nỗi lòng . Đặc điểm dòng chảy chậm ấy được nhà văn lí giải từ nhiều góc nhìn khác nhau. Từ đặc điểm địa lí tự nhiên thì những chi lưu tỏa ra khắp phố thị cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước. Nhưng mặt khác, bằng lí lẽ của trái tim tác giả cho rằng "điệu chảy lặng lờ", "ngập ngừng muốn đi muốn ở" của sông Hương là do tình cảm của nó dành riêng cho Huế. Sông Hương do quá yêu thành phố thân thương của mình nên dùng dằng không nỡ rời xa, nó chảy chậm, thật chậm để được ở bên người tình mong đợi.

    Và chính dòng chảy chậm đầy tình yêu ấy của dòng Hương giang đã tạo nên vẻ đẹp sâu lắng, trầm mặc và rất đỗi thơ mộng cho xứ Huế. Nên có thể nói sông Hương dường như đang hòa điệu tâm hồn mình vào Huế để tôn lên vẻ đẹp thơ mộng của cố đô. Đứng trước sông Hương, người ta không chỉ cảm nhận trước một bức tranh sông nước diễm lệ mà còn đứng trước một biểu tượng của Huế, tâm hồn Huế, văn hóa Huế.

    Đoạn văn nhẹ nhàng với ngòi bút tinh tế, lối viết giàu cảm xúc, kết hợp giữa miêu tả và tự sự. Bằng sự quan sát tinh tường, tỉ mỉ, tưởng tượng phong phú, tác giả đã miêu tả sông Hương từ góc nhìn địa lí, hành trình sông Hương tìm về với Huế như về với tình nhân của mình. Các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa.. được sử dụng hiệu quả.

    Tác giả còn vận dụng những tri thức phong phú, những hiểu biết sâu sắc về nhiều mặt như địa lý, thơ ca, âm nhạc, hội họa.. để làm giàu cho giá trị nhận thức của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung. Chất thơ thể hiện rõ qua ngôn từ, hình ảnh.. tạo nên những câu văn rất hay như "chiếc cầu trắng.. nhỏ nhắn như những vành trăng non", "sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ.. một tiếng" vâng "không nói ra của tình yêu".. Vẻ đẹp của sông Hương cùng tài năng của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo nên đoạn văn đậm chất nhạc và chất họa. Nhìn bằng con mắt của hội họa, sông Hương cùng những chi lưu tạo nên những đường nét thật mềm mại, tinh tế và cổ kính. Cảm nhận bằng âm nhạc thì sông Hương đang trong điệu slow du dương, sâu lắng và ngập tràn tình cảm với Huế.

    Tất cả cho thấy một cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự tài hoa, uyên bác và chân thành, tha thiết yêu sông Hương - xứ Huế. Đoạn trích còn thể hiện phong cách sáng tác riêng biệt và đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Sự kết hợp giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...