Phân tích vẻ đẹp sông Hương khi rời khỏi kinh thành Huế

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 30 Tháng năm 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương trong đoạn trích sau:

    "Rời khỏi Kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vỹ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông- tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Ðối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ sông này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả:" Còn non- còn nước- còn dài- còn về- còn nhớ.. "Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở."

    (Trích: Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường)​

    Từ đó nhận xét về nét độc đáo của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong cách tiếp cận dòng sông.

    [​IMG]

    "Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu,

    Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát.

    Người đến hát khi chèo đò kéo thuyền, vượt thác,

    Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi."

    "Trăm dáng sông xuôi ấy" không chỉ đẹp trong tự nhiên mà còn trở thành những dòng sông gợi thương gợi nhớ trong trang văn, trang thơ của biết bao người nghệ sĩ. Đó là dòng Vàm Cỏ Đông trong thơ Hoài Vũ, dòng sông quê hương "xanh biếc" trong thơ Tế Hanh, là "sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh" trong thơ Hoàng Cầm, là dòng Đà giang "độc bắc lưu" trong tùy bút Nguyễn Tuân.. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng mang đến cho văn đàn một áng văn tuyệt mĩ mà cảm hứng được khơi nguồn từ dòng sông xứ Huế thơ mộng: Sông Hương. Trong bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", dòng Hương giang được Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả, cảm nhận qua nhiều phương diện và trong cả hành trình dài từ thượng nguồn đến khi ra biển cả. Đoạn văn: "Rời khỏi kinh thành.. chung tình với quê hương xứ sở." khắc họa vẻ đẹp của sông Hương khi rời khỏi kinh thành Huế. Qua đoạn văn người đọc còn cảm nhận được những nét độc đáo có tính chất khám phá của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng sông Hương.

    Hoàng Phủ Ngọc Tường có sở trường đặc biệt về bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với những suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý.. Nên không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyên Ngọc từng dành cho Hoàng Phủ Ngọc Tường cái nhìn đầy ưu ái: "Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong mấy nhà văn viết kí hay nhất nước ta hiện nay." Và tay bút kì cựu Nguyễn Tuân trong làng kí cũng phải trầm trồ: "Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa."

    Bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" được viết năm 1981, khi tác giả đã sống hơn 40 năm bên dòng sông Hương của xứ Huế thơ mộng. Tình yêu với mảnh đất cố đô đã thôi thúc tác giả tìm hiểu cặn kẽ về dòng sông từ nơi sinh thành ra nó là đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, khám phá hành trình đầy gian truân của sông Hương, tìm hiểu nó trong đời sống văn hóa xứ Huế, với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc để mang đến cho người thưởng văn cái nhìn đầy đủ, trọn vẹn nhất về dòng sông mà ông có nhiều "duyên nợ".

    Đoạn văn trên tái hiện vẻ đẹp của sông Hương khi rời thành phố về với biển cả. Trăm con sông, sông nào chẳng xuôi về biển lớn. Sông Hương cũng vậy. Nhưng nét độc đáo là nhà văn không nhìn sông Hương như một thực thể dưới phương diện địa lí. Bằng con mắt lãng mạn, đa tình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn sông Hương đoạn chảy ra khỏi thành phố Huế như cuộc chia tay của một cặp tình nhân. Đúng là: "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải là một vùng đất mới mà là một con mắt mới."

    Qua sự thể hiện của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đã đi với Huế bằng cả một mối tình trọn vẹn. Nếu sông Hương vùng thượng nguồn mang cá tính tự do, phóng khoáng của cô gái Di gan chưa vương vấn tình yêu, thì khi ra khỏi rừng, sông Hương được đánh thức bởi "người tình mong đợi" và từ đây là cuộc hành trình tìm kiếm có ý thức để tìm đến tình yêu - thành phố Huế. Khi đã gặp thành phố Huế, sông Hương cháy hết mình trong tình yêu bằng sự bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng châu thổ, bằng cách khơi nguồn cho âm nhạc, thi ca Huế và khi cần dòng sông đã cùng con người Huế "tự hiến đời mình để làm một chiến công".

    [​IMG]

    Sông Hương yêu Huế bằng tình yêu sâu đậm như vậy nên khi rời khỏi thành phố - rời xa tình yêu của mình hòa vào biển lớn mênh mông.. dĩ nhiên sẽ lưu luyến khôn nguôi. Thực ra, tâm trạng ấy là sản phẩm của trí tưởng tượng Hoàng Phủ Ngọc Tường. Còn trong tự nhiên, sông Hương chảy về hướng chính bắc, qua đảo Cồn Hến, xuôi ngoại ô Vĩ Dạ rồi rẽ ngoặt sang hướng đông tây, chạm thành phố ở góc thị trấn Bao Vinh rồi xuôi ra biển. Nếu chỉ dừng lại ở cách miêu tả "thuần" miêu tả ấy, thì sông Hương đâu còn là dòng sông đắm say, mãnh liệt như nó đã chảy từ đầu trang bút kí. Nhà văn đã không để sông Hương "ra đi" một cách nhạt nhòa như thế. Ông một lần nữa tạo hồn cho sông Hương - tâm hồn của người con gái sâu nặng ân tình.

    "Rời khỏi Kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vỹ Dạ."

    Sông Hương cho đến khi rời đi vẫn phô hết vẻ đẹp của sự thơ mộng, duyên dáng đến say đắm lòng người. Phép tu từ nhân hóa "ôm" mang đến những liên tưởng thú vị. Cái ôm ấy trước hết khiến ta hình dung dòng chảy mềm mại của sông Hương khi chảy men theo chân đảo Cồn Hến, đồng thời còn khiến ta cảm nhận được biết bao tình cảm yêu thương mà sông Hương dành cho Huế. Cái ôm dịu dàng của tình yêu, cái ôm vương vấn không nỡ xa rời. Chữ "ôm" ấy mới chính xác và tinh tế làm sao!

    Hành trình sông Hương ra biển qua cách miêu tả của nhà văn làm sống dậy cả một vùng xanh mướt và thơ mộng của thiên nhiên Huế. Từ đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói đến màu xanh biếc của tre trúc, của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Cách miêu tả đậm chất thơ, chất họa khiến tất cả: dòng sông Huế, cảnh vật Huế hiện lên như một bức tranh thủy mặc. Chữ dùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường thật gợi thương gợi nhớ biết bao. Sương khói nơi đảo Cồn Hến không phải bồng bềnh hay bao phủ bình thường mà là "mơ màng" - trạng thái rất con người. Sông Hương cũng không xuôi chảy hay trôi đi bình thường mà hết "ôm" lại "lưu luyến"; nhà văn cũng không tả tre trúc xanh biếc mà phải là màu xanh biếc của tre trúc để gây ấn tượng thật đậm về cái màu xanh mát rượi, mê đắm kia - màu xanh đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử với những vần thơ tuyệt bút:

    "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền."

    Ngòi bút tài hoa, lãng mạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tỉ mỉ, trau chuốt như đề thơ, đề họa vào từng con chữ để mang đến dòng Hương Giang xinh đẹp, thơ mộng ở nhiều góc độ: sông Hương không chỉ mang vẻ đẹp tự thân của dáng hình, sắc nước, điệu chảy.. sông Hương còn đẹp khi được tô điểm bởi thiên nhiên Huế. Giống như dòng Đà Giang "ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân" trong tùy bút Nguyễn Tuân.

    Chưa dừng lại ở đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn nhìn thấy ở sông Hương đoạn "rẽ ngoặt" sang hướng Đông Tây để gặp thị trấn Bao Vinh xưa cổ là trạng thái "sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói" của người con gái sông Hương. Khúc rẽ ngoặt kia đơn giản chỉ là khúc cua lượn rất tự nhiên của bất cứ dòng sông nào khi gặp chướng ngại giữa hành trình:

    "Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em

    Sông lượn khúc, lượn dòng mà tới biển."

    Có dòng sông nào chỉ chảy theo một đường thẳng duy nhất trong suốt hành trình của nó? Sông Hương cũng thế, có gì lạ đâu? Ấy vậy mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trao cho nó trạng thái "giật mình", "đột ngột" để tạo hồn cho sông Hương. Chia tay mà còn có điều chưa kịp nói thì sao có thể yên tâm rời đi? Nên người con gái sông Hương trở về gặp thành phố tình yêu của nó lần cuối để trao gửi chút ân tình còn vương vấn. Và thị trấn Bao Vinh nơi sông Hương gặp thành phố lần cuối ấy đã trở thành không gian lãng mạn của tình yêu qua cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Điểm gặp cuối này giống như giếng nước, gốc đa, sân đình của những chàng trai, cô gái trong ca dao xưa.

    "Với thành phố Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình." - là nơi cái nhìn của thành phố đau đáu dõi theo lưu thủy sông Hương, đến mãi khi dòng sông hòa mình vào biển cả. Mười dặm trường là mười dặm thương nhớ luyến lưu. Còn với sông Hương, khúc quanh bất ngờ này khiến Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận thấy "có cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống với con người". Con mắt tinh tế, nhạy cảm của nhà văn đã liên tưởng ngay đến tâm trạng dùng dằng, bịn rịn của người con gái khi chia tay người yêu của mình. "Và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu". Phép "nhân cách hóa" mới độc đáo làm sao? Làm thế nào mà khúc quanh của dòng sông lại khơi dậy trong tâm trí nhà văn trí tưởng tượng thơ mộng đến thế? Sức liên tưởng, tưởng tượng của người nghệ sĩ luôn đem đến người đọc nhiều bất ngờ, thú vị. Và dòng sông vốn chỉ là dòng sông trong con mắt của bao người, qua lăng kính người nghệ sĩ lại trở thành cô gái chung tình, sâu sắc lạ. Nỗi "vương vấn" trước lúc chia xa, chút "lắng lơ kín đáo" của người con gái chủ động tìm gặp lại người yêu qua ngòi bút nhân hóa của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khiến sông Hương hiện lên một cách trọn vẹn hơn. Trọn vẹn ở cái nghĩa, cái tình mà dòng nước ấy dành cho thành phố Huế. Trước khi về đến thành phố, nó tìm kiếm tình yêu. Khi đã tìm được tình yêu thì dịu dàng bồi đắp, đến lúc chia xa thì vấn vương, lưu luyến. Rõ ràng, sông Hương đã đi với Huế bằng cả một mối tình trọn vẹn.

    Không dừng lại ở phép nhân hóa, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn so sánh nỗi "vương vấn", "cái lẳng lơ kín đáo" của sông Hương khi tìm gặp lại thành phố "như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ sông này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: Còn non- còn nước- còn dài- còn về- còn nhớ.." Sông Hương giống nàng Kiều, thành phố Huế tựa Kim Trọng. Tình cảm sông Hương dành cho Huế mang cái sâu đậm, nồng nàn của mối tình Kim - Kiều trong văn học trung đại Việt Nam. Một sự so sánh đậm chất thơ, rất đẹp, rất tình. Nó khiến ta nhớ đến đêm tình tự đầy lưu luyến của nàng Kiều trước khi Kim Trọng đi xa. Nó khiến ta hình dung từng nhịp sóng Hương Giang như từng nhịp tim nàng Kiều thổn thức:

    "Dùng dằng chưa nỡ rời tay

    Vầng đông trông đã đứng ngay nóc nhà

    Ngại ngùng một bước một xa

    Một lời trân trọng châu sa mấy hàng."

    Với cách so sánh, nhân hóa ấy, con sông cũng như mang nặng tình người - tình lứa đôi thủy chung son sắt. Nước có bao giờ cạn, non chẳng khi nào dời, tình nghĩa đậm sâu dẫu cách xa mãi "còn nhớ". Lời hát dân gian điểm tô cho trang kí những giai điệu ngân nga, ngọt ngào, Điểm tô cho sông Hương vẻ đẹp ân tình, sâu đậm. Lời thề của dòng sông đã trở thành giọng hò xứ Huế hay giọng hò xứ Huế đã khiến nhà văn liên tưởng đến lời thề của dòng sông? Ai biết? Thiết nghĩ cũng chẳng ai cần biết rạch ròi, văn chương đâu phải là phép toán.

    Giọng hò khắp lưu vực sông Hương không chỉ là lời thề thủy chung của sông Hương với thành phố Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn đi đến sự khái quát đó "là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở." Ân tình của con người với mảnh đất cố đô là vẻ đẹp văn hóa tinh thần của con người Huế. Vậy đó, dõi theo thủy trình sông Hương, người đọc không chỉ thấy vẻ đẹp vừa cá tính mãnh liệt, vừa thơ mộng trữ tình của dòng nước Hương giang mà còn thấy lung linh sắc màu thiên nhiên, cảnh vật Huế, lấp lánh vẻ đẹp nhân cách tâm hồn Huế. Ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường họa nét vẽ sông Hương mà như mở ra cõi vô biên khiến người đọc đắm say hết thảy đất và người nơi đây.

    Bạn đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK và like bài viết để đọc nội dung ẩn nhé!

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Marcell Proust quan niệm: "Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập". Sông Hương từ bao đời trở thành dòng sông của âm nhạc, thi ca; biết bao tác phẩm nghệ thuật khơi nguồn từ dòng chảy Hương Giang mà khi chảy qua trang kí Hoàng Phủ Ngọc Tường lại vẫn đắm say, diệu kì đến thế. Đoạn trích đã thể hiện được những nét độc đáo, mới mẻ của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong từng con chữ công phu, tái hiện vẻ đẹp sông Hương khi rời khỏi kinh thành Huế. Từ đó, người đọc không chỉ thấy được nét tài hoa, uyên bác trong bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường mà còn cảm nhận nơi ông một tình yêu thiết tha, sâu nặng dành cho sông Hương và mảnh đất cố đô văn hiến.
     
    nwviet, Dana Lê, Giang000000105 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng năm 2023
  2. tmcxinhdep Doãn Thiên Ly công chúa

    Bài viết:
    291
    Ôi trời hóng mãi cuối cùng cũng thấy cô ra bài cuộc chia ly, yêu cô nhiều ạ
     
    Dana Lê, Diggory, Cute pikachu8 người khác thích bài này.
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bài tham khảo nhiều quá trời trên mạng luôn ý, hóng cô làm gì, cô mi tháng năm một bài, tháng mười một bài, hóng có mà chít.
     
    Chỉnh sửa cuối: 31 Tháng năm 2022
  4. tmcxinhdep Doãn Thiên Ly công chúa

    Bài viết:
    291
    Em biết nhưng mấy bài trên mạng em thấy nhiều bài tràn lan viết hơi chán với nhiều bài diễn xuôi lắm ấy cô, nhiều bài em mới đọc mở bài thôi mà đã không muốn đọc nữa ấy: < Nên giờ thời điểm ôn sâu này em chỉ trung thành với một là sgk, hai là tài liệu của cô em trên lớp, ba là bài của cô thuii
     
    Dana Lê, ThuyTrang, Tiên Nhi7 người khác thích bài này.
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bữa nghe em nói, cô thử giao bài này cho các bạn làm coi thế nào, mà làm buồn lắm, chắc do đoạn này khan tài liệu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng sáu 2022
  6. Diệp Tình yêu tính là thứ gì, ta chỉ thích độc thân.

    Bài viết:
    343
    Cô ơi cô có viết đoạn sông Hương trong lòng thành phố không ạ?
     
    Dana Lê, kreitab, Annie Dinh9 người khác thích bài này.
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Cô tính viết cho đủ bộ mà lười quá em ạ! Năm nay Diệp cũng thi sao?
     
  8. Diệp Tình yêu tính là thứ gì, ta chỉ thích độc thân.

    Bài viết:
    343
    Dạ đr cô, mà e sợ cái bài sông Hương này quá:((
     
  9. ftuttn21

    Bài viết:
    1
    Cô viết rất hay ạ, trên 1 số web khác em thấy viết rất chung chung và không có hồn mấy :(may quá e tìm được post này của cô, em xin chân thành cảm ơn cô ạ <3
     
  10. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Cảm ơn em nhé! Chúc em thi tốt nha!
     
    Dana Lê, Ngphuong125, Diggory15 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...