Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa + nhận xét

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi estoulam, 2 Tháng mười 2021.

  1. estoulam

    Bài viết:
    63
    Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm CTNX, từ đó nhận xét sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu.

    Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút đi tiên phong của văn học thời kì đổi mới. Với hai chặng đường sáng tác ở hai giai đoạn trước và sau 1975, ông có những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. "Chiếc thuyền ngoài xa" là kết tinh của tâm huyết và tấm lòng của nhà văn, là thành quả của một bầu máu nóng luôn hết lòng vì cuộc đời, với những nỗi đau đời đau người tha thiết. Tác phẩm đã xây dựng thành công nhân vật người đàn bà hàng chài với những vẻ đẹp khuất lấp, từ đó góp phần thể hiện chủ đề của truyện ngắn cũng như ý đồ tư tưởng của nhà văn.

    Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác vào tháng 8 năm 1983, lúc đầu in trong tập "Bến quê", sau đó in trong tập truyện ngắn cùng tên. Tác phẩm nằm trong giai đoạn sáng tác sau 1975 của Nguyễn Minh Châu, thời điểm mà ngòi bút nhà văn hòa cùng dòng chảy của cuộc sống, tìm về với cảm hứng thế sự, phát hiện, tìm tòi bản chất tốt đẹp của con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong quá trình hoàn thiện bản thân và tìm kiếm hạnh phúc. Nhân vật người đàn bà hàng chài trong là một con người chịu nhiều khổ đau bất hạnh như giàu đức hi sinh và lòng vị tha, đây cũng là nhân vật quan trọng trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm.

    [​IMG]

    Trước hết, người đàn bà hàng chài là hiện thân cho những nỗi thống khổ. Không tên tuổi, được nhà văn gọi là "người đàn bà", "mụ", nhân vật này trở thành biểu tượng cho những số phận lam lũ, vất vả, đói nghèo trên biển những năm hậu chiến tranh. Đằng sau cách gọi phiếm định dường như là một phận đời bị vùi dập giữa cuộc sống bộn bề lo toán như nhiều con người lao động khác thời ấy. Người đàn bà trạc ngoài 40 tuổi, thân hình cao lớn thô kệch, khuôn mặt đầy những nốt rỗ, vì thế mà không ai muốn lấy làm vợ. Quần áo bạc phếch, rách rưới, nhiều chỗ vá víu, nửa thân dưới của mụ lúc nào cũng ướt sũng. Người đàn bà trông mệt mỏi, tái ngắt như đang buồn ngủ sau một đêm thức trắng kéo lứoi. Dáng vẻ của chị còn lúng túng, mang nhiều mặc cảm, tự ti về bản thân mình. Bức chân dung người đàn bà hé mở một cuộc đời nhiều khổ đau, bất trắc và một số phận kém may mắn, cuộc sống khổ sở càng làm cho ngoại hình trở nên thảm hại.

    Không những vậy, người đàn bà hàng chài còn chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống, cả về vật chất lẫn nỗi đau đớn tinh thần. Khi cách mạng về cuộc sống đỡ đói khổ hơn những nỗi lo cơm áo vẫn còn đó. Cuộc sống ở chiếc thuyền chật chội, lênh đênh trên biển, con đông, mọi sinh hoạt đều diễn ra một chỗ như thế, cả nhà hay phải chịu cảnh đói khát, có hàng tháng biển động ăn toàn xương rồng lược chấm muối. Chị phải thường xuyên chịu đựng sự hành hạ của người chồng vũ phu, năm ngày một trận nặng, ba ngày một trận nhẹ, như đã thành lệ. Cứ khi nào lão thấy khổ quá là lại xách chị ra đánh, như là để trút giận, với lời lẽ cay độc "Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ". Khi bị đánh chị không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách chạy trôn mà coi đó là một lẽ đương nhiên. Người đàn bà ấy nhẫn nhục, cam chịu, thầm lặng chịu đựng mọi đau đớn tất cả vì những đứa con.

    Nhưng đáng lưu tâm còn là nỗi đau tinh thần, chị bị mắng nhiếc, sỉ vả bởi chính người chồng mà mình yêu thương gắn bó. Người đàn bà lam lũ ấy phải lựa chọn giải pháp bị đánh để người chồng kia giải tỏa mọi bức bách, bế tắc của cuộc sống nghèo khó, cùng đường. Rõ ràng, đây là cái giá quá đắt cho một sự đánh đổi, và không phải ai cũng có thể chịu đựng nghịch cảnh ấy cả đời. Chị còn đau khổ khi cảm nhận những tổn thương trong tâm hồn của những đứa con. Chị đau đớn khi thằng Phác nhìn thấy cảnh cha đánh mẹ và cũng xót xa khi nó đánh cha: "Như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, và làm rỏ xuống những dòng nước mắt.." Có thể thấy, người đàn bà hàng chài chính là điển hình cho những kiếp đời đau khổ của người phụ nữ.

    Từ thân phận người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu muốn gợi ra cho người đọc những suy nghĩ âu lo: Cuộc chiến đấu chống lại đói nghèo tăm tối và bạo lực còn gian nan lâu dài hơn cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Và chừng nào còn chưa thoát khỏi cuộc sống đói nghèo chừng đó con người vẫn phải chung sống với cái xấu, cái ác. Chúng ta đã đổ xương máu trong bao năm qua để giành được độc lập tự do trong cuộc chiến đấu vì quyền sống của cả dân tộc. Nhưng chúng ta sẽ còn phải tiếp tục làm gì đây trong cuộc chiến đấu giành quyền sống của từng con người, làm gì để đem lại cơm ăn áo mặc và ánh sáng văn hóa cho biết bao con người đang đắm chìm trong kiếp sống đói nghèo u tối. Đây cũng chính là những băn khoăn, trăn trở của Nguyễn Minh Châu ở thời điểm ngay trong những năm chiến tranh, khi sáng tác những tác phẩm mang đậm không khí sử thi hào sảng của thời đại, ông đã thầm lặng suy nghĩ về những bước đi sắp tới của nền văn học khi cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của dân tộc đã hoàn thành. Ông viết trong nhật ký: "Bây giờ ta phải chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc. Sau này, ta phải chiến đấu cho từng con người, làm sao cho con người ngày một tốt đẹp. Chính cuộc chiến đấu ấy mới lâu dài". Đó cũng chính là sứ mệnh và tấm lòng của một nhà văn lớn một cây bút tiên phong mở đường "tinh anh và tài năng nhất của văn học hiện đại" (Nguyên Ngọc).

    Không chỉ dừng lại ở việc đi vào mạch ngầm hiện thực trong số phận đầy bất hạnh của người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu, với khao khát đi tìm "những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người", đã khắc họa chân dung nhân vật với bao vẻ đẹp khuất lấp. Trước hết, chị làmột người phụ nữ giàu đức hi sinh và yêu con vô bờ. Chị tự coi việc mình bị hành hạ là đương nhiên: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ." Chị tự nguyện hi sinh hạnh phúc của phúc của mình vì sự khôn lớn của những đứa con: "Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được." Chị không muốn đàn con phải nhìn thấy cảnh cha đánh mẹ. Chị xin chồng lên bờ mà đánh khi con lớn. Người đàn bà ấy đau đớn khi thấy các con phải chịu cảnh đói khát, phải ăn cây xương rồng luộc chấm muối, đó là nỗi đau, sự bất lực của tâm hồn người mẹ không thể lo cho con miếng cơm. Chị vui nhất là khi các con được ăn no, một niềm vui tội nghiệp, giản đơn nhưng thật cao cả, thánh thiện của người mẹ. Những đứa con là sức mạnh để chị có thể tồn tại, có thể sống sót và kiên cường đến bây giờ. Vì các con, chị sẵn sàng chấp nhận tất cả. Đó là sự nhẫn nhục của con người có nhân cách mà trên hết là một tình yêu thương con vô bờ. Thấp thoáng trong hình ảnh người đàn bà hàng chài là bóng dáng người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, kiên cường chịu đựng, giàu lòng vị tha và đức hi sinh "biết hi sinh nhưng chẳng nhiều lời" (Tố Hữu).

    Phía sau ngoại hình xấu xí là người phụ nữ có trái tim nhân hậu, bao dung, điều ấy được thể hiện trước hết ở cách chị nghĩ về người chồng. Người đàn bà ấy thấy chồng mình đáng thương, đáng được cảm thông. Chị phát hiện ra những phẩm chất tốt đẹp của người đàn ông: Hiền lành, lương thiện nhưng cục tính, hắn đánh vợ là do nhà đông con, do cái đói khổ, áp lực mưu sinh nhọc nhằn làm cho bế tắc, cùng đường. Với chị, người đàn ông ấy là ân chân, nhờ chồng mà chị có một gia đình, khi mà từ nhỏ đến lớn, cái xấu đeo bám chị, không một ai muốn lấy mình làm vợ. Người chồng ấy là điểm tựa cho cả gia đình khi phong ba bão tố, là người cùng chị làm ăn nuôi nấng để chăm sóc một sấp con. Đó là cách nhìn từ bên trong, là cách đánh giá của sự thấu hiểu, yêu thương của người phụ nữ. Hơn hết, chị luôn luôn nhận lỗi về mình: "Nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật", thậm chí còn mang một mặc cảm tội lỗi khi cho rằng "giá tôi đẻ ít đi" hoặc "chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn". Có thể thấy, chị là một người phụ nữ với tính cách hiền hậu, vị tha và đầy sự cảm thông, thấu hiểu. Nếu Đẩu và Phùng đều kinh ngạc và bất bình thay cho sự cam chịu nhẫn nhục của người vợ bị chồng hành hạ thì khi hiểu được nguyên nhân của thái độ ấy, họ càng kinh ngạc vì tấm lòng người đàn bà hàng chài.

    Thêm vào đó, người đàn bà hàng chài còn mang một tâm hồn luôn khao khát hạnh phúc. Chị không có ý định rời bỏ gia đình nghèo khó, thà bị đánh, bị phạt tù, bị bắt chứ không muốn bỏ chồng. Người đàn bà ấy luôn chắt chiu những hạnh phúc bình dị, đời thương: Chị nâng niu, trân trọng những phút giây hiếm hoi khi gia đình hạnh phúc. Tâm tình của chị khiến chúng ta vừa xót thương vừa cảm phục.

    Nhưng vẻ đẹp khuất lấp để lại cho người đọc nhiều ấn tượng nhất có lẽ là sự thâm trầm sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời ở người đàn bà hàng chài. Ở tòa án huyện, chị có cách xưng hô với Phùng và Đẩu là chị - các chú, thái độ, cử chỉ đúng mực. Trong lời kể của mình, người đàn bà cho thấy những nhận thức sâu sắc về thiên chức của người vợ, người mẹ, những gánh nặng của người đàn bà vùng biển. Với sự từng trải của mình, chị dễ dàng nhận ra sự giản đơn, ngây thơ, thiếu thực tế trong cách nhìn nhận về con người và cuộc sống của Phùng: "Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn.. cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc.." Đối với Phùng, Đẩu, nhưng con người có thiện chí giúp đỡ người đàn bà hàng chài cũng như đa phần người đọc, chị nên bỏ chồng, giải thoát mình khỏi cảnh bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng tất cả đều phải ngả mũ trước tâm tình và lí lẽ của người mẹ. Chị thấu hiểu nguyên nhân của sự tha hóa ở người chồng, lí giải cho Đẩu và Phùng về ngọn nguồn sâu xa khiến cho mình không thể li hôn. Quan niệm hạnh phúc của chị thật giản đơn và sâu sắc, sự kiên cường của chị xuất phát từ tình yêu thương con, ý thức về trách nhiệm của người làm mẹ: "Phải sống cho con chứ không thể sống cho mình được". Có thể thấy, chính người đàn bà lam lũ, thô kệch, thất học lại là người vô cùng thấu hiểu lẽ đời. Sự thấu hiểu, từng trải ấy của chị khiến cho cách nhìn nhận của Phùng và Đẩu trở thành những cách nghĩ giản đơn, phi thực tế. Chị đã dạy cho hai người những bài học quý giá về cuộc sống cũng như nghệ thuật.

    Nhân vật người đàn bà hàng chài hiện lên với những phẩm chất tiêu biểu của nhân vật nữ trong tác phẩm của nhà văn NMC, đó là thiên tính nữ: Sự chịu đựng, đức hi sinh, tính cách nhạy cảm và trái tim giàu lòng yêu thương. Ta được thấy trên trang văn Nguyễn Minh Châu một người đàn bà hàng chài sống cho con hơn là cho mình trong CTNX, một người mẹ xót xa khi biết đứa con của mình hóa ra cũng chỉ là một kẻ hèn nhát, cơ hội trong Mùa trái cóc ở miền Nam, hay bà mẹ ngất lịm đi vì đau đớn trước sự hi sinh của con trong "Phiên chợ Giát". Người đàn bà hàng chài trong CTNX, với tính cách chịu thương chịu khó, lam lũ vì gia đình cũng có nhiều điểm tương đồng với Liên trong Bến Quê, một người vợ suốt đời gắn bó cùng chồng, ngay cả lúc hoạn nạn nhất, dù cho trước nay anh vẫn thờ ơ với những hi sinh thầm lặng của chị. Có thể thấy, những nhân vật nữ xuất hiện trong các tác phẩm của NMC, dù xuất hiện ít hay nhiều, nhưng cũng để lại ấn tượng bởi tâm hồn nhân hậu, tính cách tần tảo và tình mẫu tử thiêng liêng. Đây cũng là cách mà NMC đào xới lên ở nơi tầng sâu tâm hồn người phụ nữ để tìm ra những "hạt ngọc" đằng sau sự đói khổ hay trái ngang của hoàn cảnh.

    Xây dựng hình tượng người đàn bà hàng chài, NMC đã đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống, qua đó phát lộ tính cách nhân vật. Cốt truyện giản dị, hấp dẫn, lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn trần thuật sắc sảo, thích hợp. Lời kể khách quan, chân thực khiến cho câu chuyện gần gũi, giàu sức thuyết phục. NMC đã vận dụng thủ pháp đối lập giữa ngoại hình và nội tâm, giữa số phận bất hạnh và tấm lòng bao dung, nhân hậu.. từ đó mang đến cho người đọc sự xúc động, trăn trở mạnh mẽ. Lời văn giản dị mà đa nghĩa, giọng điệu giàu sắc thái chiêm nghiệm, suy tư. Ngôn ngữ sinh động, linh hoạt, không cầu kì nhưng lại giàu ý vị triết lí, phù hợp với việc khắc họa nhân vật. NMC cũng đã lựa chọn được những chi tiết, hình ảnh phong phú, ám ảnh, gây xúc động cho người đọc, đó là giọt nước mắt, cây xương rồng luộc hay người đàn bà bước ra từ bộ lịch.

    Tìm hiểu hình tượng người đàn bà hàng chài trong CTNX cũng như chặng đường văn học của NMC, ta thấy được sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người trong các sáng tác của nhà văn. Trước năm 1975, ông khắc họa những con người lí tưởng, những nhân vật trong các sáng tác của ông thường được "tắm rửa sạch sẽ", được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng. Tiêu biểu trong số đó là nhân vật Nguyệt trong truyện ngắn "Mảnh trăng cuối rừng", với vẻ đẹp tinh khiết, nhẹ nhàng, phẩm chất lạc quan, bình thản, tinh thần quả cảm, không ngại gian khó, hiểm nguy. Nhưng đến sau năm 1975, NMC chú trọng khai thác nhiều khía cạnh khác nhau trong tính đa diên, nhiều chiều và luôn biến đổi của con người, mà tác phẩm CTNX là một minh chứng điển hình. Người đàn bà hàng chài, tưởng chừng như ù lì, chỉ biết cam chịu mà không hiểu được giá trị sống của con người, nhưng dần dần, Phùng hiểu ra rằng, sau cái vẻ quê mùa, thất học, lam lũ ấy là sự cứng cỏi, tấm lòng vị tha, tình mẫu tử cao đẹp, khát vọng hạnh phúc và một sự trải đời sâu sắc. Qua đây, ta thấy được sự vận động trong quan điểm nghệ thuật về con người của NMC: Từ đơn diện, nhìn bề ngoài đến đa diện, nhìn vào bản chất bên trong. Đó là cách mà nhà văn khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn ngay trong những con người bình thường nhất.

    Có thể nói, NMC đã khắc họa thành công nhân vật người đàn bà hàng chài, chị không chỉ là hiện thân cho nỗi thông khổ của người lao động mà con tiêu biểu cho vẻ đẹp cao cả của người phụ nữ. Từ đây, ta thấy được tài năng cũng như tấm lòng của NMC, với khát khao đi tìm những hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người cũng như sự băn khoăn, trăn trở thường trực về hành trình tìm kiếm hạnh phúc cũng như hoàn thiện bản thân của họ. Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, NMC đã bộc lộ niềm cảm thông sâu sắc cho những số phận bất hạnh, đồng thời trân trọng, nâng niu những nét đẹp tâm hồn nơi họ. Ta thấy được ở nhà văn một cái nhìn ấm áp, đầy tình người cũng như ý thức sâu sắc về hiện thực cuộc sống. Đây cũng chính là biểu hiện cho chiều sâu nhân đạo của tác phẩm.

    "Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" (Sedrin) Thời gian trôi qua, những gì vô nghĩa sẽ bị sàng lọc, trôi vào lãng quên, nhưng những giá trị đích thực sẽ còn sống mãi, qua thời gian sẽ càng chứng minh được sức sống và giá trị của mình. Thật vậy, hình tượng người đàn bà hàng chài đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về tấm lòng nhân hậu, bao dung, tình cảm thiêng liêng của người mẹ cũng như sự thấu hiểu lẽ đời sâu sắc bên trong một dáng vẻ lam lũ, quê mùa. Mang đến những băn khoăn, chiêm nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống, con người, Chiếc thuyền ngoài xa sẽ là một tác phẩm sống mãi với thời gian cùng những thông điệp mà nó gửi gắm. Đó cũng là điều làm nên dấu ấn của nhà văn cũng như sức sống lâu bền của tác phẩm.
     
    seineeThùy Minh thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...