MỞ ĐẦU Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nhằm xây dựng ASEAN trở thành tổ chức quốc tế năng động, thịnh vượng, vững mạnh và mang bản sắc chung. Để hoạt động và điều phối một cách linh hoạt cộng đồng ASEAN có các cơ quan chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, chức năng riêng biệt. Trong các cơ quan đó tổng thư kí và ban thư kí có vai trò hết sức quan trọng trong cộng đồng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này em xin chọn đề bài: "Phân tích vai trò của Tổng thư kí ASEAN và ban thư kí ASEAN trong việc đảm bảo thực thi pháp luật Cộng đồng ASEAN theo quy định của Hiến chương ASEAN năm 2008". NỘI DUNG 1. Khái quát chung về Tổng thư kí ASEAN và ban thư kí ASEAN Tổng thư kí ASEAN và ban thư kí ASEAN được quy định tại điều 11 của Hiến Chương ASEAN năm 2008. 1.1. Tổng thư kí ASEAN Tổng thư kí ASEAN do Hội nghị cấp cao bổ nhiệm với nhiệm kì 5 năm vad không được tái bổ nhiệm. Tổng thư kí được lựa chọn trong số công dân các quốc gia thành viên ASEAN luân phiên theo thứ tự tên nước bằng chữ cái tiếng Anh, có tính đến sự liêm khiết, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn và sự cân bằng về giới. Tổng thư kí là cơ quan chức năng hành chính cao cấp nhất của ASEAN, tiến hành các chức năng và nhiệm vụ của mình theo các quy định của Hiến chương, các văn kiện, nghị định thư liên quan và tập quán đã có của ASEAN. Tổng thư kí có các chức năng và nhiệm vụ: Tạo điều kiện và giám sát tiến độ triển khai các thỏa thuận và quyết định của ASEAN, đệ trình báo cáo hàng năm về các hoạt động của ASEAN lên hội nghị cấp cao ASEAN. Tham gia các cuộc họp của Hội nghị cấp cao, các hội đồng Cộng đồng, Hội đồng điều phối, các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng và các cuộc họp khác có liên quan đến ASEAN. Thể hiện quan điểm của ASEAN và tham gia vào các cuộc họp với các đối tác bên ngoài phù hợp với với chức năng và nhiệm vụ của tổng thư kí. Khuyến nghị việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các phó tổng thư kí lên Hội đồng điều phối ASEAN phê duyệt. Tổng thư kí được hỗ trợ bởi phó tổng thư kí với hàm thứ trưởng. Các phó tổng thư kí sẽ chịu trách nhiệm trước Tổng thư kí trong việc thự thi chức trách của mình. Bốn phó tổng thư kí sẽ không cũng quốc tịch với Tổng thư kí và đến từ 4 quốc gia thành viên ASEAN khác nhau, bao gồm: Hai phó tổng thư kí có nhiệm kì 3 năm, không được tái bổ nhiệm và được lựa chọn trong số công dân của các quốc gia thành viên ASEAN trên cơ sở luân phiên, có tính đến sự liêm khiết, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn và sự cân bằng về giới. Hai phó tổng thư kí có nhiệm kì 3 năm, có thể được gia hạn một nhiệm kì. Hai phó tổng thư kí này sẽ được tuyển chọn công khai, dựa trên năng lực. 1.2 Ban thư kí ASEAN Ban thư kí ASEAN bao gồm Tổng thư kí và các nhân viên khác, tùy theo yêu cầu đặt ra. Tổng thư kí và các nhân viên Ban thư kí thực thi nhiệm vụ vì lợi ích của ASEAN mà không nhân danh bất kì chính phủ nào. Theo đó ban thư kí sẽ: Giữ vững các chuẩn mực cao nhất về sự liêm khiết, hiệu quả và năng lực trong khi thi hành nhiệm vụ. Không tìm kiếm hoặc nhận sự chỉ đạo từ bất kì chính phủ hoặc đối tượng nào ngoài ASEAN. Không tham gia và bất kì hành động nào có thể ảnh hưởng đến vị trí của mình là các quan chức của Ban thư kí ASEAN và chi chịu trách nhiệm với ASEAN. Các quốc gia thành viên ASEAN cam kết tôn trong tính chất đặc thù trong chức năng của Tổng thư kí, các nhân viên Ban thư kí và không tìm cách gây ảnh hưởng đến họ trong quá trình họ thực thi nhiệm vụ. 2. Phân tích vai trò của Tổng thư kí ASEAN và ban thư kí ASEAN trong việc đảm bảo thực thi pháp luật Cộng đồng ASEAN theo quy định của Hiến chương ASEAN năm 2008. Tổng thư kí và ban thư kí ASEAN có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo thực thi pháp luật Cộng đồng ASEAN. Thứ nhất, Tổng thư kí và ban thư kí ASEAN tạo điều kiện và giám sát tiến độ triển khai các thỏa thuận và quyết định của ASEAN. Mục tiêu của ASEAN là Thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các nước thành viên. Xây dựng khu vực có nền hòa bình, ổn định. Giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ và bất đồng, khác biệt giữa nội bộ với bên ngoài. Để thực hiện được mục tiêu trên tổ chức ASEAN đã đưa ra những thỏa thuận, hiệp định nhằm xây dựng một cộng đồng vững mạnh. Với mục đích như vậy tổng thư kí và ban thư là lực lượng nòng cốt tạo điều kiện và giám sát tiến độ triển khai các thỏa thuận và quyết định. Ta có thể kể đến thỏa thuận về dịch vụ kiến trúc giữa các nước ASEAN: Bước chuẩn bị cho hành nghề của KTS trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong quá trình chuẩn bị cho hội nhập và hình thành AEC, các nước thành viên ASEAN đã tiến hành đàm phán và đi đến ký kết "Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN" (ASEAN Multual Recognition Arrangement on Architectural Services – MRA), sau đây viết tắt là Thỏa thuận về dịch vụ Kiến trúc. Thỏa thuận về dịch vụ Kiến trúc này đã được đại diện các nước thành viên ASEAN ký kết tại Singapore ngày 20/11/2007. Mục tiêu chính của Thỏa thuận về dịch vụ Kiến trúc nhằm phù hợp với tinh thần hoạt động hợp tác của ASEAN trên cơ sở phân phối công bằng các nguồn lực, lợi ích thông qua các tiêu chuẩn nghiên cứu, thiết lập hợp tác và cam kết chuyển giao công nghệ trong kiến trúc giữa các nước thành viên ASEAN. Đối với thỏa thuận này tổng thư kí và ban thư kí tiến hành giám sát việc thực hiện thỏa thuận của các quốc gia thành viên. Trong quá trình thực giám sát, kiểm tra các quốc gia có thực hiện đúng như nội dung mà thỏa thuận đưa ra hay không? Có đạt được mục tiêu mà thỏa thuận đã nêu không. Hành động này góp phần vào việc đảm bảo thực thi pháp luật Cộng đồng ASEAN. Thứ hai, tổng thư kí và ban thư kí ASEAN tham gia vào các cuộc họp cấp cao ASEAN, các hội đồng Cộng đồng ASEAN, Hội đồng Điều phối ASEAN, và các cơ quan chuyên ngành ASEAN cấp bộ trưởng và các cuộc họp liên quan khác của ASEAN. Tổng thư kí và ban thư kí tham gia vào các cuộc họp của ASEAN nhằm ghi chép, tổng hợp lại những nội dung cốt lõi. Đồng thời là cầu nối giữa các quốc gia thành viên hợp tác cùng phát triển góp phần thực thi pháp luật theo hiến chương ASEAN. Một sự kiện gần đây Ngài Lim Jock Hoi - Tổng Thư ký ASEAN và ban thư kí ASEAN ngày 2/12/ 2019 đã có chuyến thăm và làm việc với bộ Tài chính Việt Nam nhằm trao đổi về các nội dung ưu tiên trong kênh tài chính năm ASEAN 2020 và khả năng hợp tác và hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN cho Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ngài Lim Jook Hoi khẳng định: Ban Thư ký ASEAN sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện giúp Việt Nam có thể tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN. Đồng thời Tổng Thư ký ASEAN bày tỏ tin tưởng Hội nghị lần này sẽ đạt được kết quả tốt, đóng góp tích cực vào Tiến trình hợp tác tài chính của ASEAN năm 2020. Phát biểu tại buổi tiếp Tổng Thư ký ASEAN Lim Jook Hoi bày tỏ lời cảm ơn trước lời mời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Đồng thời, Tổng Thư ký ASEAN cũng cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng để phát triển nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Thứ ba, tổng thư kí và ban thư kí thể hiện quan điểm của ASEAN và tham gia vào các cuộc họp với các đối tác bên ngoài phù hợp với các đường lối chính sách đã được thông qua và quyền hạn của Tổng thư ký. Việc thể hiện quan điểm này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đóng góp vào hoạt động giao lưu kết hợp với các đối tác bên ngoài. Tổng thư kí và ban thư kí phát biểu trong các cuộc họp nói lên tiếng nói của mình thể hiện quan điểm riêng thúc đẩy sự phát triển hợp tác quốc tế. Mới đây Ngày 30/1/2020, tại New York, Hội đồng Bảo an đã tổ chức phiên thảo luận về quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc (LHQ) và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế dưới sự chủ trì của Việt Nam, Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020. Phiên họp có sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ António Guterres và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Thư ký ASEAN điểm lại các tiến triển trong hợp tác ASEAN và LHQ, nhấn mạnh ASEAN chia sẻ tầm nhìn và sự tương đồng về mục tiêu với LHQ, các nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của các đối tác, trong đó có LHQ; khẳng định ASEAN cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và sẽ tham gia, đóng góp tích cực cùng LHQ hướng tới xây dựng "Tương lai chúng ta muốn" và "LHQ chúng ta cần". Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh quan hệ đối tác hiệu quả giữa LHQ với các tổ chức khu vực có ý nghĩa thiết yếu trước tình trạng gia tăng các thách thức đối với hòa bình, an ninh quốc tế, đánh giá cao sự tham gia tích cực, chủ động của ASEAN trong công việc của LHQ, nhất là các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới, và các sáng kiến khu vực về ngoại giao phòng ngừa, ngăn chặn xung đột và xây dựng hòa bình, cũng như vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực. 3. Đề xuất nâng cao vai trò của tổng thư kí và ban thư kí ASEAN Tổng thư kí và Ban thư ký ASEAN phải tích cực chủ động và trau dồi kiến thức hơn nữa, phải làm sao để hỗ trợ các quốc gia thành viên tốt hơn, phải tự cải thiện năng lực để giúp các nước thành viên chuẩn bị tốt trong các vấn đề có thể ảnh hưởng đến toàn hiệp hội. Tổng thư kí và Ban thư ký ASEAN cần nhạy bén trong việc phân tích và đưa ra các báo cáo, sắc bén hơn trong việc phân tích chính sách, chủ động và sáng tạo trong việc suy nghĩ giúp ASEAN đưa ra các ý tưởng mới. Chủ động giám sát tiến độ triển khai các thỏa thuận và quyết định của ASEAN, đệ trình báo cáo hàng năm về các hoạt động của ASEAN lên hội nghị cấp cao ASEAN có như vậy mới đảm bảo việc thực thi pháp luật của các quốc gia thành viên. KẾT LUẬN Tóm lại Tổng thư kí ASEAN và ban thư kí ASEAN có vai trò hết sức quan trong việc đảm bảo thực thi pháp luật Cộng đồng ASEAN theo quy định của Hiến chương ASEAN năm 2008. Hai chủ thể này có ý nghĩa trong việc điều phối các hoạt động của ASEAN. Trong thời kì hội nhập hiện nay việc hình thành cộng đồng ASEAN dưới sự giúp sức của tổng thư kí và ban thư kí Tổ chức ASEAN đã và đang đứng vững trên trường quốc tế, khẳng định được vị thế, xây dựng cộng đồng ngày một phát triển và đi lên.