Phân tích vai trò của các yếu tố ngữ âm trong thơ Xuân Diệu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 23 Tháng tư 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    1. MỞ ĐẦU

    Trong kho tàng văn chương Việt Nam những bài thơ của nhà thơ Xuân Diệu đã chiếm một vị trí rất quan trọng, trở thành những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả cũng như trở thành các tác phẩm giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Để đạt được thành công về các tác phẩm đó, không thể không nhác đến vai trò của các yếu tố ngữ âm – một yếu tố giữ vai trò quan trọng trong những bài thơ đặc sắc của "ông hoàng thơ tình".

    2. NỘI DUNG

    2.1 Một số vấn đề khái quát.

    2.1. 1 Khái niệm, đặc điểm của các yếu tố ngữ âm.

    Ngữ âm là toàn bộ các âm (âm vị, âm tố), các thanh (thanh điệu), các kết hợp âm thanh và giọng điệu (ngữ điệu, trọng âm) nằm ở trong từ và câu của ngôn ngữ. Các đơn vị này có quan hệ với nhau, được cấu tạo theo những quy tắc nhất định, lập thành kiến trúc ngữ âm của một ngôn ngữ.

    Âm tố là đơn vị âm thanh nhỏ nhất của lời nói. Âm tố được chia ra thành âm tố phụ âm và âm tố nguyên âm.

    Nguyên âm tiếng Việt là những dao động của thanh quản hay những âm mà khi ta phát ra luồng khí từ thanh quản lên môi không bị cản trở. Nguyên âm có thể tự đứng riêng biệt hoặc có thể đứng trước hoặc sau các phụ âm để tạo thành tiếng trong lời nói, ví dụ như [a, i, ie] .

    Khác với nguyên âm, phụ âm được phát ra khi luồng hơi bị cản trở. Sự cản trở này do hai bộ phận cấu âm (cả hai đều chủ động, hoặc một chủ động, một thụ động) khép đường thông từ phổi ra ngoài miệng, ví dụ [p, t, d, z] .

    Âm vị là tổng thể các đặc trưng khu biệt được thể hiện đồng thời. Âm vị là đơn vị đoạn tính nhỏ nhất có chức năng khu biệt nghĩa và nhận diện từ. Mỗi âm vị mang một số đặc trưng về cấu âm và âm học. Ví dụ: Âm "tờ" [t]có các đặc trưng: Tắc, bật hơi, đầu lưỡi – răng; âm [ i] có cấu tạo ngữ âm: Nguyên âm hàng trước, độ mở hẹp, không tròn môi. Trong một ngôn ngữ nhất định, ở một trạng thái nhất định, nếu đặc trưng nào đưa tới sự phân biệt về ý nghĩa thì đặc trưng đó được gọi là đặc trưng thỏa đáng, còn đặc trưng nào không đem lại sự khu biệt nào về ý nghĩa thì gọi là đặc trưng không thỏa đáng, nó chỉ là nét dư hay nét rườm.

    Thanh điệu là hiện tượng nâng cao hay hạ thấp giọng nói trong phạm vi một âm tiết, có chức năng phân biệt nghĩa và nhận diện từ. Mỗi thanh điệu được xác định bằng một chùm các tiêu chí khu biệt về âm vực, âm điệu và đường nét. Mỗi ngôn ngữ có một hệ thống thanh điệu riêng và sắp xếp theo một trật tự nhất định, trong Tiếng Việt có sáu thanh, đó là thanh ngang, thanh huyền, thanh sắc, thanh hỏi, thanh ngã và thanh nặng.

    Trọng âm là hiện tượng nhấn mạnh vào một yếu tố nào đó của từ. Sự nhấn mạnh làm cho yếu tố đó được phát âm mạnh hơn, dài hơn và cao (hay thấp) hơn.

    Ngữ điệu là âm điệu của toàn bộ câu nói do người nói phát âm lúc mạnh, lúc yếu, lúc nhanh, lúc chậm; liên tục hay ngắt quãng; lên giọng hay hạ giọng..

    Từ lâu các nhà nghiên cứu chú ý đến giá trị gợi tả hình ảnh hay cảm xúc của các yếu tố ngữ âm ở cấp độ dưới âm tiết như phụ âm, nguyên âm, vần, thanh điệu.. đặc biệt trong phạm vi ngôn từ thơ ca, văn học. Muốn nhận diện ý nghĩa ngữ âm phải đặt những đơn vị ngữ âm trong những phạm vi hành chức cụ thể, đặc biệt là ngôn từ thi ca; khi mà mỗi chữ có thể là một thực thể đứng vững độc lập, "một tác phẩm nghệ thuật toàn diện", có thể liên kết với các chữ khác trong câu thơ, bài thơ mà không cần quá chú trọng đến trật tự kết hợp từ như trong văn xuôi. Trong thơ Xuân Diệu, những đơn vị ngữ âm được sử dụng khéo léo đã tạo thành những biểu tượng ngữ âm đã góp phần tạo nên thành công của nhiều tác phẩm của ông.

    2.1. 2 Đặc điểm phong cách sáng tác và ngôn ngữ thơ Xuân Diệu.

    Xuân Diệu là một trong những nhà văn nổi bật nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại, thơ của ông có nhiều nét đặc biệt khiến độc giả càng đọc càng thích thú, say mê. Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam từng nhận xét về Xuân Diệu: "Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn non nước lặng lẽ này ." [3-tr. 129] .

    Đặc điểm phong cách thơ Xuân Diệu có sự khác biệt rõ rệt giữa trước cách mạng tháng Tám và sau cách mạng tháng Tám. Trước cách mạng tháng Tám, với hai tập "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió" nhà thơ Xuân Diệu đã đóng góp vô cùng to lớn cho nền văn học nước nhà: Tiếp thu phần tích cực của thơ tượng trưng Pháp với lý tưởng thẩm mĩ tiến bộ, lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp, thơ Xuân Diệu thoát khỏi hệ thống biểu hiện ước lệ, của thơ cũ, ông mạnh dạn đề xướng "cái tôi" say đắm, chân thành, khao khát sống, khao khát yêu thương mãnh liệt. Bên cạnh đó nhà thơ còn thể hiện hai tâm trạng trái ngược nhau, một bên là yêu đời, tha thiết với cuộc sống và một bên là hoài nghi, chán nản. Sau cách mạng tháng Tám, hồn thơ Xuân Diệu mở rộng như muốn hòa nhập tâm hồn mình vào cuộc đời mới. Hai trường ca "Ngọn quốc kì" và "Hội nghị non sông" mang giọng điểu sử thi, hùng tráng chứa chan niềm tin yêu vào cuộc sống mới của đất nước, của dân tộc. Thơ Xuân Diệu thể hiện sự nổ lực muốn hòa nhập cái tôi vào cái ta chung rộng lớn của đất nước.

    Ngôn ngữ thơ Xuân Diệu mang đầy nhạc tính, ngôn từ mang tính nghệ thuật cao, điều đó thể hiện xuyên suốt các bài thơ của ông.

    2.2 Vai trò của các yếu tố ngữ âm trong thơ Xuân Diệu.

    2.2. 1 Vai trò của các yếu tố nguyên âm, phụ âm.

    Yếu tố nguyên âm, phụ âm, góp phần tạo nên biểu tượng ngữ âm về một sự nhấn mạnh hoặc sự đồng vọng, tương thích trên một phương diện ý nghĩa nào đó, được thể hiện qua phép điệp phụ âm đầu, cách kết thúc âm tiết, cách tạo đỉnh âm tiết và quy luật đồng hóa, dị hóa.

    2.2. 1.1 Phép điệp phụ âm đầu.

    Phép điệp phụ âm đầu là biện pháp tu từ ngữ âm lặp lại phụ âm đầu để tạo ra sự trùng điệp về âm hưởng, tăng tính tạo hình và diễn cảm cho câu thơ. Tuỳ theo đặc điểm của phụ âm đầu được chọn làm phương tiện mà nó có thể gợi những liên tưởng tinh tế khác nhau.

    Trong bài thơ "Đây mùa thu tới", Xuân Diệu đã sử dụng phép điệp phụ âm đầu đầy tinh tế:

    "Hơn một loài hoa đã rụng cành

    Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;

    Những luồng run rẩy rung rinh lá..

    Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh." [5-tr. 1]​

    Với việc nhà thơ Xuân Diệu sử dụng liên tiếp phụ âm đầu "r" trong câu "Những luồng run rẩy rung rinh lá" đã tạo nên sự ấn tượng mạnh mẽ, nhạc điệu và mang ý vị xúc giác. Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh có nhận xét: "Trong cảnh mùa thu rất quen với thi nhân Việt Nam, chỉ Xuân Diệu mới để ý đến" Những luồng run rẩy rung rinh lá ", cùng cái" cành biếc run run chân ý nhỉ ". [3-tr. 130] . Nhà thơ đã dùng những từ ngữ độc đáo để miêu tả hình ảnh những luồng gió thổi qua các hàng cây, làn gió lạnh khiến những chiếc cành cây, lá cây run rẩy, thật giống như hình ảnh con người trước cái lạnh của làn gió mùa thu tác động vào xúc giác của mình. Từ đó có thể thấy sự tài tình và thần thái của nhà thơ Xuân Diệu qua việc dùng từ ngữ.

    2.2. 1.2 Cách kết thúc âm tiết.

    Trong phần vần âm cuối giữ vai trò kết thúc âm tiết và quy định loại hình âm tiết. Tùy vào âm kết thúc là nguyên âm hay phụ âm mà có những tác dụng khác nhau. Trong bài thơ, Xuân Việt Nam, nhà thơ Xuân Diệu đã sử dụng phụ âm"... "

    là phụ âm vang mũi, hữu thanh, âm tiết nửa đóng, gợi cảm giác về sự vang, sáng, lan tỏa.

    " Đẩy tan tành một thế kỷ mùa đông,

    Xuân Tháng Tám đặc nghìn xuân, bất tận.

    Rượu đã đổ trong cành leo, bụi quấn.

    Men đã trùm trên nội cỏ, đồng sương . "[2-tr. 1]​

    2.2. 1.3 Cách tạo đỉnh âm tiết.

    2.2. 1.4 Các quy luật đồng hóa, dị hóa ngữ âm.

    Quy luật đồng hóa là hiện tượng một trong hai âm tố biến đổi đi để phù hợp, thích ngi với âm đi bên cạnh, xảy ra với các âm cùng loại: Nguyên âm – nguyên âm, phụ âm – phụ âm. Trong tiếng Việt, đặc biệt là thơ ca, đồng hóa thường xảy ra ở các thanh điệu, trong bài thơ

    Quy luật dị hóa là hiện tượng giữa hai phụ âm hoặc hai nguyên âm có cấu âm gần nhau có một âm biến đổi đi để cho chúng trở nên khác nhau. Quy luật dị hóa xảy ra chủ yếu ở các từ láy, giúp cho câu thơ tăng sức gợi tả. Trong bài thơ" Vì sao ", Xuân Diệu đã viết:

    " Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

    Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

    Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

    Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.. " [9-tr. 1]​

    Tính từ chỉ trạng thái trong khổ thơ" nhè nhẹ "được biến đổi từ" nhẹ nhẹ ". Sử dụng từ nhè nhẹ tăng sức gợi tả, khiến cho độc giả cảm nhận được áng mây trên bầu trời xanh di chuyển nhẹ nhàng, bồng bềnh nhờ những cơn gió hiu hiu thổi.

    2.2. 2 Vai trò của phần vần.

    Vần là phần rất quan trọng của âm tiết tiếng Việt. Vần được cấu tạo gồm âm đệm, âm chính, âm cuối. Trong phần vần, âm chính giữ vai trò hạt nhân, quy định âm sắc chủ yếu của âm tiết, tạo quan hệ, tương tác về nghĩa, nhấn mạnh, cộng hưởng ngữ nghĩa và tạo nhạc tính.

    Từ vần"... "

    nếu kết hợp thành" eo "hay" ueo "thì trạng thái phát âm chuyển sang hình thái gợi lên những gì không thẳng, mà cong queo, ngoằn ngoèo, quăn queo, quặt quẹo. Nhà thơ Xuân Diệu đã khai thác các vần này để tạo ra nhạc tính để gợi hình và miêu tả đám xác máy bay B52 Mỹ:

    " Một lũ xác sè sè, le te, đui què, bẹp gí

    Những dáng hình ma quỷ còng queo

    Thấy tro than tưởng nghe tiếng cháy xèo

    Vết đạn lửa hãy còn đeo trên cánh! " [4-tr. 53]​

    Những đám xác máy bay B52 của Mỹ nằm quặt quẹo trên đất, được nhà thơ Xuân Diệu miêu tả bằng những tính từ như" sè sè "," le te "," đui què "," bẹp gí "và" còng queo ". Những xác máy bay vỡ thành những mảnh nhỏ nằm trên mặt đất, bẹp gí, trơ trọi nên không đáng kể so với mặt đất xung quanh. Chỉ bằng một vài tính từ miêu tả, nhà thơ đã giúp chúng ta cảm nhận được sức mạnh của nhân dân ta khi đã bắn rơi những chiếc máy bay có sức tàn phá lớn như B52, đồng thời chúng ta còn cảm nhận được sự hoang tàn, xơ xác sau mỗi cuộc đánh phá của đế quốc Mỹ đối với người dân Việt Nam.

    2.2. 3 Vai trò của thanh điệu, trọng âm, ngữ điệu.

    2.2. 3.1 Vai trò của thanh điệu

    Thanh điệu là thành phần có vai trò quan trọng, góp phần tạo nhạc tính cho câu thơ, đoạn thơ trên cơ sở chia sáu thanh thành hai nhóm đối lập đó là cao/thấp và bằng/trắc. Như vậy, xét trên từng từ riêng lẻ, ta đã thấy trong quy luật phát âm của tiếng Việt ẩn chứa rất nhiều mối liên quan giữa thanh điệu và ngữ nghĩa. Trong các thanh điệu thì thanh nặng có âm sắc trầm và nặng nhất. Khai thác điểm này, Xuân Diệu đã viết trong bài thơ" Tương tư chiều ":

    " Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều

    Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh. " [8-tr. 1]​

    Từ láy" chậm chậm "và từ" hiu quạnh "với thanh nặng đã diễn tả sự cô đơn của nhân vật" anh "với nỗi buồn da diết thấm vào trong lòng.

    Xuân Diệu cực tả tiếng đàn trong đêm khuya, đêm trăng, bằng thanh huyền và thanh bằng trong hai câu liền trong bài thơ Nhị hồ.

    " Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

    Tương tư nâng lòng lên cho vơi " [7-tr. 1]​

    Tiếng nhạc nhẹ nhàng du dương khiến lòng tương tư

    2.2. 3.2 Vai trò của trọng âm.

    Khái niệm trọng âm trong những ngôn ngữ đa âm tiết là để chỉ sự nhấn mạnh âm tiết nào đó trong phạm vi một từ, còn với tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm thì trọng âm được hiểu là sự nhấn mạnh về âm thanh vào một từ nào đó nằm trong phạm vi của một đoạn thơ, đoạn văn hay cả một câu thơ, câu văn. Đối với thơ, trọng âm rất quan trọng, là yếu tố đầu tiên tạo nên nhạc điệu của đoạn thơ, câu thơ. Điều này rất khó cảm nhận bằng thị giác. Do nhu cầu của cảm xúc và ý tưởng, chỉ có nhà thơ và những người có năng lực cảm thụ thơ mới nhận ra chính xác vị trí của trọng âm. Trọng âm thường rơi vào những từ mang ngữ nghĩa quan trọng trong câu thơ. Trong bài thơ" Xuân rụng ", ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã viết:

    " Sắc tàn, hương nhạt, mùa xuân rụng! " [1-tr. 2]​

    Ở đây, nhà thơ nhấn mạnh vào từ" tàn "," nhạt "và" rụng ". Một năm có bốn mùa, mùa xuân kết thúc nhường lại cho mùa hạ đến. Vào cuối mùa xuân, nhà thơ không nói rằng" xuân qua "hay" xuân hết "mà lại nói rằng xuân" rụng "kèm theo nhấn mạnh sắc" tàn "và hương" nhạt "thể hiện sự tinh tế của Xuân Diệu trong việc quan sát và miêu tả những sự vật khi đã cuối xuân. Qua việc cảm nhận bằng thị giác và thính giác, nhà thơ đã nhận ra những đặc trưng của mùa xuân đã dần mờ nhạt, dần biến mất để chuyển sang mùa hạ - mùa có những tí nắng vàng như rót mật, nóng bức và oi ả nhưng rất quyến rũ.

    2.2. 3.3 Vai trò của ngữ điệu

    Ngữ điệu bao gồm tính giai điệu (cao thấp, lên xuống, mạnh nhẹ), tính nhịp điệu, tiết tấu (đọc nhanh chậm, cách ngắt đoạn, độ dừng, sự móc nối, bắc cầu và xuống dòng trong văn bản) và cả hơi thơ hay mạch thơ. Ngữ điệu được xác định trong cả đoạn dài, thậm chí cả bài thơ. Trong bài" Giục giã ", nhà thơ có viết:

    " Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!

    Em, em ơi! Tình non đã già rồi! " [6-tr. 1]​

    Cách ngắt nhịp dồn dập 3/5 và 1/2/5, âm tiết điệp âm" vội vàng "(láy phụ âm đầu /v/: Phụ âm xát, hữu thanh), khiến câu thơ đọc lên giống như một lời giụ giã, gấp rút. Nhân vật trữ tình nói với người thương của mình, với một giọng điệu rạo rực và lo lắng, thúc giục người thương hãy tận hưởng những hạnh phúc trong tình yêu, vì cuộc đời rất vô thường, tình đến rồi đi, hợp rồi lại ly biệt, không thể biết trước ngày mai như thế nào. Vì vậy hãy tận hưởng những giây phút này khi còn có thể, khi tình non vẫn còn, chưa già cỗi và biến mất. Những nét nhạc như thế giúp nhà thơ chuyển tải được đến người đọc cả hồn và xác của câu thơ, cùng lúc tác động lên cả lý trí và tình cảm của họ.

    3. KẾT LUẬN.

    Như vậy, qua việc tìm hiểu vai trò của một số yếu tố ngữ âm trong thơ Xuân Diệu, ta có thể thấy rằng nhà thơ đã vận dụng sáng tạo các yếu tố ngữ âm trong các bài thơ của mình. Xuân Diệu là niềm tự hào của nền văn chương Việt Nam từ phong trào Thơ Mới cho đến hiện tại, thơ ông vẫn để lại tiếng vang lớn trong lòng độc giả. Trải qua một nửa thế kỉ, thơ Xuân Diệu đã vượt qua lớp bụi của thời gian, cắm rễ sâu vào tâm tư, tình cảm của những con người yêu văn chương.

    4. TÀI LIỆU THAM KHẢO.

    1. Chiều tà – Bài thơ Xuân rụng: Bài Thơ:" Xuân Rụng "(Xuân Diệu - Ngô Xuân Diệu) Tập Gửi Hương Cho Gió (1945)

    2. Chiều tà – Bài thơ Xuân Việt Nam: Bài Thơ:" Xuân Việt Nam "(Xuân Diệu - Ngô Xuân Diệu) Tập Dưới Sao Vàng (1949)

    3. Hoài Thanh – Hoài Chân (2006), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

    4. Lê Kim Nhung – Nguyễn Thị Hiền (2016) : Tập bài giảng Ngữ âm tiếng Việt, trường Đại học sư phạm Hà Nội 2.

    5. Thi viện – Bài thơ Đây mùa thu tới: Bài thơ: Đây mùa thu tới (Xuân Diệu - Ngô Xuân Diệu)

    6. Thi viện – Bài thơ Giục giã: Bài thơ: Giục giã (Xuân Diệu - Ngô Xuân Diệu)

    7. Thi viện – Bài thơ Nhị hồ: Bài thơ: Nhị hồ (Xuân Diệu - Ngô Xuân Diệu)

    8. Thi viện – Bài thơ Tương tư chiều: Bài thơ: Tương tư chiều (Xuân Diệu - Ngô Xuân Diệu)

    Thi viện – Bài thơ Vì sao: Bài thơ:" Vì sao"(Xuân Diệu - Ngô Xuân Diệu)
     
    Đậu Đậu111 thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...