Phân Tích Tuyên Ngôn Độc Lập Của Hồ Chí Minh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi LỤC TIỂU HỒNG, 30 Tháng tám 2021.

  1. LỤC TIỂU HỒNG "Nếu anh không biết trân trọng em thì e rời đi"

    Bài viết:
    111
    Tuyên ngôn độc lập

    - Hồ Chí Minh-

    Tóm Tắt:

    Ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-mốc son chói lọi trong lịch sử đánh dấu kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Văn bản Tuyên ngôn độc lập được Bác viết cho ai? Người viết để hướng tới "đồng bào cả nước" -những người hơn 80 năm qua rên xiết dưới ách xâm lược của thực Pháp và phát xít Nhật. Không chỉ vậy đối tượng của bản Tuyên ngôn còn là các nước thực dân xâm lược-thế lực thù địch có dã tâm cướp nước ta lần nữa, đặc biệt là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đồng thời Người còn hướng đến toàn thể nhân dân trên toàn thế giới. Bác viết như thế nào? Người đưa ra cơ sở lý luận và cơ sở thực tế cho bản Tuyên ngôn của dân tộc. Trước hết về cơ sở lí luận được Bách trích dẫn về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp. Về cơ sở thực tiễn Bác tố cáo tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho dân tộc ta hơn 80 năm qua. Từ đó đập tan luận điệu xảo trá, bẻ gãy ngọn cờ "bảo hộ" của chúng. Cuối cùng Bác viết để làm gì? Mục đích cao cả nhất, lớn lao nhất của bản Tuyên ngôn là: Tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới và khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc ta bằng tất cả "tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải". Tuyên ngôn độc lập đã hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh đồng thời cho thấy khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

    1. Giá trị nội dung:

    – Tuyên Ngôn Độc Lập là văn kiện lịch sử vô giá: Tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Vừa tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, ngăn chặn âm mưu tái chiếm nước ta của các thế lực thù địch và các phe nhóm cơ hội quốc tế.

    – Tuyên ngôn độc lập vừa là một tác phẩm văn học lớn: Bộc lộ tình cảm yêu nước, thương dân và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của tác giả và toàn dân tộc Việt Nam.

    2. Giá trị nghệ thuật:

    Tác phẩm là một áng văn chính luận mẫu mực: Hệ thống luận điểm chặt chẽ, lôgic; lí lẽ sắc bén, đanh thép; ngôn ngữ trong sáng, giản dị, hùng hồn, khúc chiết.

    Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn độc lập

    Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

    Cách mạng tháng Tám thành công, Trung ương đã cử đồng chí Lê Đức Thọ đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm (nay là Phú Thượng, Tây Hồ). Sau đó, Bác về ở tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội (nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại ngôi nhà này, trong những ngày cuối tháng 8 năm 1945, Người đã dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình thay mặt cho toàn thể Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

    Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu độc lập - tự do - hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.

    Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, khẳng định: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.

    Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776) và nhắc đến bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp (1791). Không chỉ dừng lại ở đó mà Người đã phát triển, nâng lên cái ý cốt lõi, nguyên tắc cơ bản của hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ.

    Bản Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ đã ghi: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Từ quyền cá nhân mỗi con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng, nêu quyền của dân tộc: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Và Người đã nắm chắc mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc. Dân tộc không độc lập thì cũng không có quyền con người, trong những nước thuộc địa thì điều này đã quá rõ ràng. Và nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên đã được xác nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và trong Tuyên ngôn về các quyền con người được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1948. Sự đóng góp của bản Tuyên ngôn độc lập 02/9/1945 của Việt Nam vào lý luận quyền con người gắn với quyền dân tộc là rất quan trọng.

    Trên nền tảng và tiền đề đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chính cuộc cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã giành được vào tháng Tám năm 1945 là bước đi tiếp trong sự phát triển của nhân loại, đồng thời cũng là cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con người thuộc các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhỏ yếu thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà cách mạng Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã thực hiện.

    Hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp đã đề cao và khẳng định quyền con người: "Mọi người đều sinh ra bình đẳng". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn sâu rộng, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Chính sự suy rộng ra đã thể hiện một tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng thể hiện sự vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Từ đó tới nay, các nước trên thế giới đã và đang liên tục đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản của mình.

    Bản Tuyên ngôn độc lập kết thúc cùng lời tuyên bố trịnh trọng với thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

    Có thể thấy, với trí tuệ thiên tài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp nhưng có sự điều chỉnh và phát triển thể hiện quan điểm riêng của mình về quyền con người và trên thực tế, tinh thần ấy đã được thể hiện và khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến nay. Đó chính là sự đóng góp về lý luận và thực tiễn về quyền con người, đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại. Đồng thời, thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, khả năng dự báo của thiên tài Hồ Chí Minh.

    75 năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

    Với tinh thần đó cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt 75 năm qua. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Cùng nhau đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...