Phân Tích Tự Tình I - Hồ Xuân Hương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Alinguyen, 5 Tháng năm 2023.

  1. Alinguyen

    Bài viết:
    9
    Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật bài thơ Tự tình I - Hồ Xuân Hương

    [​IMG]

    Hồ Xuân Hương là nhà thơ tài năng của nền văn học Việt Nam, được tôn danh là "Bà chúa thơ Nôm", những tác phẩm của bà là tiếng nói quyết liệt đấu tranh cho hạnh phúc, khát vọng, vận mệnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung và bản thân nữ sĩ nói riêng và tâm sự của bà đã được thể hiện thành công qua bài "Tự tình I".

    Hai câu đề đã khắc họa cái tiếng gà gáy đầy eo óc:

    "Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom

    Oán hận trông ra khắp mọi chòm"

    Ngay mở đầu văn bản là thời điểm canh khuya, đây là lúc vạn vật đã chìm sâu trong giấc ngủ, mọi hoạt động ban ngày dừng lại và cũng là lúc tâm tư sâu lắng nhất, thế nhưng, Xuân Hương lại vẫn còn thao thức, trằn trọc. Có lẽ là bởi cái nỗi cô đơn, lẻ loi cứ đeo bám, bủa vây lấy thi nhân, khiến nỗi niềm đầy ắp trong lòng không biết ngỏ cùng ai, "đến tối chị giữ lấy chồng" nên chẳng có ai bên cạnh để sẻ chia, thấu hiểu. Nhờ vậy mà Xuân Hương mới đối diện và nhìn ra tình cảnh của chính mình, mới thấy bản thân thật đáng thương, khổ sở. Không gian đêm khuya tĩnh mịch, u tối cùng với tiếng gà xao xác từ trên bom vang xa khắp xóm làng làm khơi dậy cái nỗi oán thán, căm hận của người phụ nữ trong cảnh đầy tréo ngoe đến nỗi âm thanh đi đến đâu thì "oán hận" tràn ra ngùn ngụt đến đấy. Bút pháp lấy động tả tĩnh được vận dụng rất tài tình, tiếng gà gáy văng vẳng làm cho màn đêm nơi làng quê vốn lặng yên nay càng trở nên cô tịch, hoang vắng, quạnh hiu.

    Hai câu thực đã diễn tả nỗi uất ức như chìm sâu trong tâm hồn nhà thơ:

    "Mõ thảm không khua mà cũng cốc

    Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om"

    Tác giả dùng nghệ thuật đối chỉnh ( "mõ thảm" – "chuông sầu", "không khua" – "chẳng đánh", "mà cũng cốc" – "cớ sao om") kết hợp với ẩn dụ, nhân hóa để cực tả nỗi cô đơn của đời mình như "mõ thảm", chẳng ai khua "mà cũng cốc", tủi cho cảnh mình lẻ bóng, chăn đơn gối chiếc như "chuông sầu", chẳng đánh "cớ sao om". Ở đây đã xuất hiện thủ pháp lấy cái không để nói cái có và bút pháp tả cảnh ngụ tình: Tiếng mõ, tiếng chuông kêu dù không ai khua, ai đánh nhưng trong lòng nữ sĩ lại luôn nghe thấy. Phải chăng nó xuất phát từ tâm trạng sầu khổ ai oán vì cái kiếp hồng nhan má đào của người phụ nữ mà dường như cảnh vật không hề có đâu nhưng đối với họ, tâm trạng ấy đã bao trùm lên cảnh vật, lòng buồn khiến cảnh cũng u buồn theo, giống như Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã từng viết:

    "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?". Tiếng chuông chùa không hề ngân vang mà lại vọng lại một tiếng nghe thật là ảm đạm, bi thương! "Om" là tiếng tượng thanh, được sử dụng rất đắt thể hiện rõ sự bế tắc xót xa trước cuộc đời nghiệt ngã và nỗi thảm sầu tê tái, đau đớn đến cực độ.

    Sự bế tắc đó phần nào được lí giải ở hai câu luận:

    "Trước nghe những tiếng thêm rền rĩ

    Sau giận vì duyên để mõm mòm"

    Khi còn ở độ xuân thì, Xuân Hương là một phụ nữ rất xinh đẹp với trí tuệ thông minh, sắc sảo, vẻ đẹp ấy được khắc họa gián tiếp qua một số câu thơ: "Thân em vừa trắng lại vừa tròn", "Hai hàng chân ngọc duỗi song song", "Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng". Thế nhưng người xưa nói "Hồng nhan bạc mệnh" quả không sai, cuộc đời bà vốn đã bấp bênh mà đường tình duyên cũng không được trọn vẹn, làm kiếp lẽ mọn đến hai lần và về sau sớm trở thành góa bụa. Một lần nữa, nữ sĩ lại dùng biện pháp đối chỉnh, "trước nghe" đối với "sau giận", "tiếng" đối với "duyên", "rền rĩ" là tâm trạng đối với "mõm mòm" là trạng thái. Vậy "những tiếng rền rĩ" ở đây là những tiếng gì? Phải chăng đó là tiếng đưa chuyện của người đời, tiếng gièm pha, đàm tiếu của miệng lưỡi thế gian rằng bà phong lưu, không hề tuân thủ theo những lễ giáo phong kiến đó là tam tòng tứ đức vì giao lưu với nhiều đàn ông, văn nhân tài tử, là tiếng gà réo rắt trong đêm khuya, tiếng chuông sầu não, tiếng mõ bi ai hay là tiếng gào thét đang "cốc", đang "om" trong lòng nhà thơ? Để rồi sau cùng lại giận vì duyên để mõm mòm. Bà căm giận, phẫn uất cho cái phận lỡ làng, dù muốn làm lại từ đầu cũng chẳng còn kịp nữa vì đã quá lứa lỡ thì, tình duyên đã quá chín, quá nẫu, úng cả rồi.

    Những câu thơ trên là lời tự trách, là nỗi buồn tủi, thương xót cho cái "phận hẩm duyên ôi" của nhân vật trữ tình nhưng hai câu kết lại ngược lại với tâm trạng ấy:

    "Tài tử văn nhân ai đó tá?

    Thân này đâu đã chịu già tom!"

    Vừa nghi vấn, vừa cảm thán, hai câu kết đầy trái ngược. Ngỡ cứ tưởng Xuân Hương sẽ bị xô đẩy, vùi dập không thương tiếc sau trận phong ba, sóng gió của cuộc đời, nhưng không, bà không chịu cúi đầu, đầu hàng trước số phận và ngồi yên chờ cho thân xác già cỗi mà sẽ tự đi dành lấy hạnh phúc, tình yêu của chính mình. Hơn nữa, thi sĩ còn hi vọng rằng tài năng có thể làm xoay chuyển được tình thế, duyên phận và giúp mình tìm được người tri âm tri kỷ trăm năm trong đám tài tử văn nhân kia. Qua đó, ta thấy bà là người rất cá tính, rất mạnh mẽ, kiên cường, ngạo nghễ, có phần bướng bỉnh và dám đấu tranh cho những bất công ngang trái ở đời, hiên ngang thách thức xã hội, dư luận "Thân này đâu đã chịu già tom".

    Tác phẩm "Tự tình I" đã đạt được những thành công nhất định cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Về nghệ thuật, thi sĩ sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với chữ Nôm vừa mang đến sự mới mẻ vừa gần gũi, thân thuộc với người Việt, ngoài ra còn có bút pháp tả cảnh ngụ tình, lấy động tả tĩnh, nghệ thuật đối, ẩn dụ, nhân hóa, lấy cái không để nói cái có, từ láy, gieo vần "om" đầy hiểm hóc.. Về nội dung, nó đã nói lên vận mệnh bất hạnh, bi kịch, đầy cay đắng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nam quyền xấu xa, tàn bạo và sự vươn lên đầy mãnh liệt trước nghịch cảnh để đối đầu với số phận, qua đó ta thấy cái khát vọng được sống, được hạnh phúc, được yêu thương của họ cũng như là của tác giả.
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng năm 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...