Đề bài: Bằng đoạn văn tổng phân hợp khoảng 12 câu, anh/chị hãy làm rõ tình yêu nghề của anh thanh niên. Trong đoạn có sử dụng phép liên kết và thành phần biệt lập. Dàn ý: * Tình yêu nghề của anh trước hết được thể hiện ở việc anh vượt qua những gian khổ, khó khăn để làm việc, hoàn thành nhiệm vụ: - Công việc: Đo gió, đo mưa, đo chấn động, tính mây, dự báo thời tiết.. phục vụ đời sống sản xuất và chiến đấu -> Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, độ chính xác cao, cũng như tinh thần trách nhiệm. - Hoàn cảnh sống và làm việc: Trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét, xung quanh chỉ có mây mù, cỏ cây, sương tuyết làm bạn. => Hoàn cảnh sống cô đơn, khắc nghiệt, công việc đầy khó khăn nhưng vượt lên tất cả để làm việc, hoàn thành nhiệm vụ. * Anh coi công việc là bạn, là niềm vui lớn: - Lời tâm sự với ông họa sĩ: "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?" : + Đại từ "ta" -> Đó là suy nghĩ không chỉ của riêng anh mà còn là của mọi người => Anh coi công việc là bạn, là niềm đam mê, khát khao cháy bỏng => Công việc là niềm vui, hạnh phúc lớn lao - Anh hiểu rõ và tự hào về công việc của mình gắn liền với cuộc sống chung của đất nước "Huống chi, công việc của cháu gắn liền với biết bao anh em đồng chí dưới kia.." * Anh tự giác làm việc, không cần người nhắc nhở: - Chưa từng bỏ lần "ốp" nào, kể cả lúc một giờ sáng - Nhiều đêm phải chống chọi với gió tuyết và lặng im đáng sợ hay phải thức dậy giữa đêm khuya khiến anh có những lúc thấy cô đơn nhưng vượt lên tất cả, anh vẫn yêu và tự hào về công việc của mình. Bài làm gợi ý: Trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa", nhà văn Nguyễn Thành Long đã khắc họa hình ảnh anh thanh niên với tình yêu công việc, tinh thần trách nhiệm cao. Trước hết, điều đó được thể hiện ở việc anh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành công việc. Đọc văn bản, ta thấy dù phải sống một mình trên đỉnh núi cao hơn hai nghìn mét, xung quanh chỉ có mây mù, sương tuyết làm bạn, ngày qua ngày khác lặp lại công việc đơn điệu, tẻ nhạt đến nhàm chán, nhưng anh vẫn yêu, tự hào về công việc của mình. Không chỉ vậy, anh còn coi công việc là bạn, là niềm vui, đam mê lớn. Qua lời tâm sự với ông họa sĩ: "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?", ta thấy đối với anh, công việc là người bạn thân thiết, là niềm đam mê, khát khao cháy bỏng, anh hạnh phúc khi được làm việc, được cống hiến. Hơn ai hết, có lẽ anh hiểu rõ công việc của mình là có ích với mọi người, nó gắn liền anh với cuộc sống chung của đất nước. Bên cạnh đó, tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao với công việc của anh thanh niên còn được thể hiện rõ khi anh tự giác làm việc, không cần người thúc giục. Trong suốt bốn năm trời, anh chỉ có một mình nhưng chưa bao giờ bỏ một lần "ốp" nào, kể cả những lần "ốp" khó nhất vào lúc một giờ sáng. Nhiều đêm anh phải đối chọi với gió tuyết và lặng im đáng sợ hay phải thức dậy giữa đêm khuya khiến người thanh niên ấy có những lúc thấy cô đơn, nhưng sau tất cả, anh vẫn yêu và tự hào về công việc của mình. Thật đáng ca ngợi! Tóm lại, khi diễn tả tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc của anh thanh niên, nhà văn Nguyễn Thành Long muốn ca ngợi những người lao động làm việc thầm lặng, cống hiến sức mình cho Tổ quốc và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Chú thích: Có lẽ: Thành phần biệt lập tình thái Trước hết: Phép nối (Lưu ý khi làm bài cần gạch chân chú thích rõ)