Phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi estoulam, 2 Tháng mười 2021.

  1. estoulam

    Bài viết:
    64
    PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG TRUYỆN CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

    Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút đi tiên phong của văn học thời kì đổi mới. Với hai chặng đường sáng tác ở hai giai đoạn văn học trước và sau 1975, Nguyễn Minh Châu có những đóng góp to lớn cho nền văn học hiện đại. "Chiếc thuyền ngoài xa" là kết tinh của tâm huyết và tấm lòng của nhà văn, là thành quả của một bầu máu nóng luôn hết lòng vì cuộc đời, với những nỗi đau đời đau người tha thiết. Với "Chiếc thuyền ngoài xa", Nguyễn Minh Châu đã sáng tạo một tình huống độc đác mang ý nghĩa khám phá về đời sống, đem đến cho người đọc cái nhìn đầy trăn trở và phát hiện đầy nghịch lý về nghệ thuật, cuộc sống và con người.

    [​IMG]

    Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác vào tháng 8 năm 1983, lúc đầu in trong tập "Bến quê", sau đó in trong tập truyện ngắn cùng tên. Tác phẩm nằm trong giai đoạn sáng tác sau 1975 của Nguyễn Minh Châu, thời điểm mà ngòi bút nhà văn hòa cùng dòng chảy của cuộc sống, tìm về với cảm hứng thế sự, phát hiện, tìm tòi bản chất tốt đẹp của con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong quá trình hoàn thiện bản thân và tìm kiếm hạnh phúc.

    Tình huống truyện là gì? Như Nguyễn Minh Châu từng nói: "Tình huống là một khúc cưa của đời sống mà qua đó ta thấy được trăm năm đời thảo mộc" Hay như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng phát biểu: "Tình huống truyện giống như một thứ nước rửa ảnh để làm nổi hình, nổi sắc nhân vật, nổi bật vấn đề tư tưởng của tác phẩm, sáng tạo tình huống trở thành nơi thử thách tài nghệ của nhà văn" Như vậy, tình huống truyện là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất. Đối với cốt truyện, tình huống đóng vai trò góp phần thúc đẩy cốt truyện phát triển, tạo kịch tính. Còn đối với nhân vật, tình huống này còn tạo điều kiện cho việc thể hiện tính cách, tâm lí nhân vật 1 cách rõ nét, chân thật nhất. Ngoài ra, tình huống truyện còn giúp chúng ta làm sáng rõ tư tưởng, chủ đề tác phẩm, làm nổi bật ý nghĩa thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm.

    Tình huống truyện của "Chiếc thuyền ngoài xa" là tình huống mang tính nghịch lý và nhận thức. Phùng là nghệ sĩ nhiếp ảnh được giao nhiệm vụ chụp bức ảnh về biển ở vùng biển miền Trung để cho tờ lịch sắp xuất bản. Sau bao công sức tìm kiếm, cuối cùng anh cũng chụp được bức ảnh tuyệt tác, "giản dị mà toàn bích". Thế nhưng, ngay sau đó anh chứng kiến cảnh bạo hành tàn nhẫn, độc ác của một gia đình hàng chài, và sự việc vẫn tiếp diễn như thế. Mọi việc càng trở nên khó hiểu khi ở tòa án, người đàn bà hàng chài nhất định không chịu bỏ người chồng đã đánh đập chị tàn nhẫn. Đến khi người đàn bà đưa ra những lí lẽ giải thích, thì dường như cả Phùng và Đẩu đều rút ra được cho mình những bài học về nghệ thuật và cuộc sống.

    Trước hết, tình huống truyện được hé mở ngay ở nhan đề tác phẩm. Nhan đề bao gồm đối tượng quan sát là "Chiếc thuyền", cự li quan sát là "ngoài xa", người quan sát là nghệ sỹ nhiếp ảnh Phùng. Cùng một người quan sát, cùng một đối tượng quan sát, nhưng ở các cự li khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau, dẫn đến nhận thức khác nhau. "Chiếc thuyền" vừa là cảnh đắt trời cho, vừa là biểu tượng cho hiện thực cuộc sống phong phú, "ngoài xa" là khoảng cách nhìn chiếc thuyền của người nghệ sĩ, nhưng cũng là biểu trưng cho khoảng cách muôn đời giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống. Từ đây, nhan đề "Chiếc thuyền ngoài xa" là một khái quát giản dị về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật đích thực luôn gắn bó khăng khít với hiện thực cuộc sống, người nghệ sỹ phải có bản lĩnh trung thực để khám phá những hiện thực, dẫu là tàn nhẫn của cuộc sống con người. Nhà văn đã mang đến cho người đọc một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống con người: Phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, tránh cái nhìn giản đơn, sơ lược, hời hợt, nhìn hình thức, phát hiện ra bản chất thực sự sau bề ngoài của sự vật, hiện tượng.

    Tiếp đó, tình huống truyện còn được thể hiện ở những phát hiện đầy nghịch lí của nghệ sĩ Phùng mà mở đầu là phát hiện ở bãi biển với một bức tranh thiên nhiên đẹp như "bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ". Bức tranh ấy có cận cảnh là "những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi", có viễn cảnh là chiếc thuyền ngoài xa. Bức tranh ấy có hình ảnh cụ thể với mũi thuyền trôi trong bầu sương mù buổi sớm, có cảnh huyền ảo bởi bầu sương mù trắng như sữa, tinh khiết với màu hồng của ánh mặt trời. Đó cũng là sự kết hợp giữa cái tĩnh tại của bóng người lớn lẫn trẻ em ngồi im phăng phắc với cái sống động của mũi thuyền đang vào bờ. Các từ láy lòe cùng với biện pháp so sánh, tô đậm chất tạo hình của bức tranh, khiến cho cảnh vật thêm huyền ảo như thực, như hư. Đó là một cảnh tuyệt mỹ, vừa tĩnh, vừa động, có sự phối màu độc đáo của hội họa và có sự phối cảnh xa gần cùng những góc ảnh đặc sắc của nhiếp ảnh. Chính vì thế nó mang vẻ đẹp "tuyệt đỉnh", vẻ đẹp "giản dị mà toàn bích".

    Khung cảnh ấy khiến Phùng có những rung động rất mãnh liệt, phát hiện ra "bản thân cái đẹp chính là dạo đức", "khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện". Dường như người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã được thanh lọc tâm hồn bằng một "khoảnh khắc trong ngần". Trong tâm trạng hạnh phúc trước vẻ đẹp tuyệt đỉnh ấy, Phùng đã "bấm liên thanh một hồi hết một phần tư cuốn phim" để thâu tóm được hết cái thần, cái hồn của cảnh vật. Có thể thấy, nghệ thuật chân chính bao giờ cũng mang đến những rung động tinh tế, mãnh liệt, cái đẹp bao giờ cũng có tác dụng thanh lọc tâm hồn, hướng con người đến những giá trị chân thiện mĩ.

    Nhưng bức tranh thiên nhiên càng đẹp bao nhiêu, càng lộng lẫy bao nhiêu, thì khi nó đối nghịch với hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ càng bàng hoàng, choáng váng bấy nhiêu. Bởi đằng sau đó là cảnh bạo hành trong gia đình làng chài khi chiếc thuyền vào bờ: Chồng đánh vợ, con đánh cha đánh con, người mẹ phải quỳ lạy con. Khoảnh khắc ấy, hiện thực trần trụi của cuộc sống hiện ra trước mắt, đối lập hẳn với cái tuyệt mĩ mà Phùng thưởng thức trong bức tranh ngoại cảnh. Điều ấy khiến Phùng kinh ngạc, chỉ biết há mồm ra nhìn. Anh "vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới." Lần hai trông thấy cảnh tượng ấy, Phùng chạy đến can thiệp nhưng bị lão đàn ông đánh cho bị thương nhẹ. Như vậy, đằng sau cảnh đắt trời cho lại chứa đựng bao cảnh đời ngang trái, bao cái ác, cái xấu, cái tàn nhẫn, trái với luân thường đạo lí.

    Phát hiện tiếp theo diễn ra trong tòa án hiện. Phùng nhờ Đẩu can thiệp để giúp người đàn bà hàng chài li hôn bởi họ tin rằng đó là giải pháp đúng đắn, nhân đạo nhất. Nhưng rồi hai người mới nhận ra rằng cái nhìn của họ mới thật giản đơn và ngây thơ biết nhường nào. Đứng trước sự việc ấy, người đàn bà từ chối sự giúp đỡ của tòa án, thậm chí còn cầu xin, sẵn sàng đánh đổi, thà bị bắt, bị phạt tù còn hơn là phải li hôn. Đây là nghịch lí mà trong suy nghĩ của Phùng chưa bao giờ hình dung. Người đàn bà kể lại cuộc đời mình và lí giải nguyên nhân vì sao không bỏ chồng. Đầu tiên, cuộc sống trên biển cần có một người đàn ông để chèo chống khi phong ba. Người đàn bà chấp nhận thiệt thòi về mình để cùng chồng nuôi sống các con. Thêm vào đó, trên thuyền cũng có những niềm vui bình dị, đó là khi hai vợ chồng hòa thuân vui vẻ, vui nhất là lúc nhìn đàn con chúng nó được ăn no.

    Sau khi nghe những lời từ người đàn bà, Đẩu phải nghiêm túc suy nghĩ, "một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển." Đó là khi những lí lẽ sắc sảo của một người có học, một chánh án huyện, phải thua lí lẽ của tình mẫu tử, của lòng mẹ: "Đàn bà trên thuyền chúng tôi phải sống cho con", "Vui nhất là thấy lũ con tôi chúng nó được ăn no". Người đàn bà không thể bỏ người đàn ông vì đàn con, bà cần lão để "chèo chống khi phong ba", để nuôi đặng một đàn con "trên dưới chục đứa". Đó là cái uẩn khúc của tình người mà Đẩu không thể ngờ trước được, đã đánh tan giải pháp hời hợt, thiếu thực tế của anh, là khuyên người đàn bà bỏ chồng. Chính điều đó đã làm sáng lên giây phút nhận thức trong Đẩu. Đằng sau cái đơn giản là cái phức tạp, và để giải quyết mọi chuyện không chỉ nhìn bằng lý thuyết suông, mà phải biết lắng nghe, thấu hiểu, nắm rõ hiện thực của cuộc đời, của lòng người để tìm ra nguồn gốc và giải quyết tận gốc vấn đề. Trong cuộc sống, cần nhìn nhận con người trong cái nhìn đa diện, nhiều chiều, đặt trong quan hệ hàng ngày để nhìn ra bản chất đích thực của họ.

    Còn với Phùng, anh đã hiểu ra nhiều điều về cuộc đời và con người. Cuộc sống đa sự, đầy những éo le, nghịch lí, đằng sau cái ác, cái xấu cũng chứa đựng những sự thật đáng được cảm thông. Người đàn bà xấu xí, thất hohc, lam lũ nhưng lại hiểu được những triết lí, lẽ đời, mang trong mình vẻ đẹp của đức hi sinh, sự khoan dung, tấm lòng dành trọn cho mái ấm gia đình, người mà đa phần chúng ta từng nghĩ là nhu nhược, ngu ngốc, không ý thức được quyền sống của mình. Người đàn ông, thủ phạm gây ra đau khổ cho những người thân của mình cũng lại là nạn nhân của hoàn cảnh sống khốn cùng, bế tắc. Có thể thấy, cái ác vốn không phải bản chất của người đàn ông, bởi khi đánh ai đó để hả giận, ta ắt hẳn phải thấy sung sướng, hay nếu cái ác thấm vào bản chất, thì việc hành hạ ấy càng hiển nhiên, như không có gì. Trong "Vợ chồng A Phủ", A Sử trói Mị và hành hạ Mị mà nó còn thể thể chỉnh lại dây lưng, đi ra ngoài, tắt đèn, khép cửa, nó coi mọi việc như hiển nhiên phải thế, đó là bởi vì cái xấu xa, tàn nhẫn đã thành bản chất của nó. So sánh với A Sử, ta càng thấy người đàn ông này có nhiều điểm khác biệt. Đánh người khác, nhưng bản thân mình cũng đau đớn, cực nhọc như chính mình bị đánh. Cái tiếng nguyền rủa, "mày chết đi" thì là nguyền rủa, nhưng "cho ông nhờ" lại là van xin. Còn thằng Phác, tuy có những hành động trái đạo lí với cha nhưng đều xuất phát từ tình yêu thương mẹ vô bờ bến. Đồng thời, Phùng cũng hiểu thêm về chính mình, tuy anh có lòng nhiệt tình, ý tốt muốn tháo gỡ vấn đề, nhưng suy nghĩ còn đơn giản, cách nhìn nhận. Đánh giá về sự việc, con người còn chưa sâu sắc.

    Cuối cùng, tình huống truyện còn được thể hiện qua những bài học nhận thức mới mẻ. Trước hết, cái đẹp của ngoại cảnh nhiều khi che khuất đi sự xấu xí, xù xì, gai góc của cuộc sống bên trong, nhưng cũng có khi chính cái xấu xí, tàn nhẫn ấy cũng khiến con người ta không nhận ra những vẻ đẹp khuất lấp. Thông qua tình huống truyện, ta thấy con người thật bé nhỏ, đáng thương trên hành trình vất vả để mưu sinh để tìm kiếm và hoàn thiện hạnh phúc. Hiện thực cuộc sống thời hậu chiến còn biết bao những trái ngang, bạo lực, đói nghèo, lạc hậu..

    Tình huống truyện cũng mang đến bài học về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống cũng như thái độ cần có của người nghệ sĩ. Thứ nhất, nghệ thuật cần tâm huyết, cần sự kiên trì, miệt mài sáng tạo, Phùng nhận ra điều này khi phải chụp đi chụp lại mới được một tấm hình đắt giá. Để được tập ảnh có hồn, đó là cả một quá trình miệt mài lao động! Thứ hai, người làm nghệ thuật cần tỉnh táo trước cái đẹp: Cái đẹp có hoàn mỹ cách mấy, nhưng bên trong nó chưa chắc đã là cái toàn bích, mà còn có thể là cái vô luận và tàn nhẫn, là bạo lực, là đau thương, là bất hạnh, người nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở cái đẹp, mà còn phải đi sâu vào bên trong nó, vượt qua cái thỏa mãn ban đầu để nhìn sâu vào hiện thực, khám phá nỗi đau con người. Đó là điều Phùng nhận ra giữa hai bức tranh chiếc thuyền ngoài xa, và chiếc thuyền ở gần – một thứ "nước rửa ảnh quái đản" làm đảo lộn những gì anh ghi được trên phim. Và bức tranh ấy cũng đã gợi lên bài học muôn thuở về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật: Cuộc đời sinh ra nghệ thuật nhưng cuộc đời và nghệ thuật không đồng nhất, người nghệ sĩ phải biết đi sâu vào hiện thực, vượt qua những hiện tượng nhất thời để khám phá bản chất, và phải nhìn cuộc đời bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều. Nguyễn Minh Châu quan niệm về vấn đề này: "Cuộc đời và nghệ thuật là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người". Nam Cao nói: "Sống đã rồi hãy viết". Chế Lan Viên: "Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép". Đó là vấn đề muôn thuở của nghệ thuật, là trách nhiệm mà cũng là thiên chức cao cả của người nghệ sĩ.

    Tình huống truyện đã thể hiện sâu sắc tư tưởng chủ đề của tác phẩm và làm nổi bật đặc điểm của nhân vật. Phùng là một người nghệ sĩ chân chính, không chỉ biết cảm nhận cái đẹp mà còn biết đau trước nỗi đau của con người và cuộc đời, một người nghệ sĩ biết trăn trở trước những số phận khổ đau, nhỏ bé. Người đàn bà hàng chài, bên ngoài vẻ thất học, nghèo khó lại mang trong mình đức hi sinh cao cả, đặc biệt là ý chí, tinh thần kiên cường để bám trụ với cuộc sống, để vươn lên không ngừng đến một cuộc đời tốt đẹp hơn. Người chồng vì gánh nặng mưu sinh nên đã thay đổi, từ người đàn ông hiền lành trở thành kẻ vũ phu thô bạo. Đồng thời, tình huống truyện cũng phản ánh một vấn đề hiện thực nhức nhối đang diễn ra, đó là bạo lực gia đình. Nạn nhân của nó là người vợ, người mẹ và những đứa con tội nghiệp. Tình huống truyện cũng cho thấy bản chất cuộc sống thời kì hậu chiến, đó là bức tranh hiện thực về những con người bộn bề trăn trở giữa những ngổn ngang, khi mà họ phải đối diện với những mất mát không thể nào bù đắp được sau chiến tranh, những khó khăn, nhọc nhằn của đời sống khiến họ phải chật vật để tìm kiếm hạnh phúc, ấm no.

    Trong Chiếc thuyền ngoài xa, tình huống truyện còn là yếu tố kết nối cốt truyện, nhân vật, chi tiết.. tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Cuối cùng, tình huống truyện đã thể hiện phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975, đó là ngòi bút hướng về đời tư thế sự và thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời. Tình huống truyện còn là chìa khóa để khám phá tư tưởng, tình cảm của nhà văn, đặc biệt là cái nhìn nhân đạo của Nguyễn Minh Châu. Qua tình huống truyện, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện rõ cái tâm của một nhà văn chân chính, một "nhà nhân đạo từ trong cốt tủy" (Sê-khốp) khi khắc họa nhân vật bằng cái nhìn khách quan, thấu hiểu, thấp thoáng đâu đó sau vẻ cam chịu của người phụ nữ, trong cử chỉ vuốt ve gương mặt mẹ của thằng Phác, tiếng nguyền rủa rên rỉ của người đàn ông, ta bắt gặp một Nguyễn Minh Châu trầm lắng với những nỗi đau nhân thế, ta bắt gặp những giọt nước mắt xót xa, thương cảm. Phải thấu hiểu, phải yêu thương con người, Nguyễn Minh Châu mới có thể nhập thân vào nhân vật và diễn đạt những chuyển biến tâm lý tinh vi, phức tạp, một cách tinh tế, chân thực, xúc cảm. Về nghệ thuật, tình huống truyện làm nên kịch tính và sức hấp dẫn cho tác phẩm, cuốn hút người đọc vào mạch diễn biến câu chuyện, kích thích trí tưởng tượng của họ, thôi thúc họ khám phá những chiều sâu tư tưởng của tác phẩm.

    Thưởng thức Chiếc thuyền ngoài xa và tìm hiểu về Nguyễn Minh Châu trên chặng đường sáng tác, chúng ta không khỏi cảm phục ông với tư cách là một cây bút tài hoa, một con người nặng lòng với sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại. Trong công cuộc đổi mới văn học, Nguyễn Minh Châu ngoài việc mang đến sự đổi mới trong ý thức nghệ thuật, mở rộng quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, ý thức cao độ về bản lĩnh, trách nhiệm của nhà văn cũng như sự tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, ông còn cho thấy một sự khác biệt trong cách khám phá và nhìn nhận con người mà Chiếc thuyền ngoài xa là một minh chứng tiêu biểu. Với tấm lòng của một nhà văn chân chính, NMC luôn đặt niềm tin ở con người, muốn dùng ngòi bút tham gia trợ lực cho con người trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, thức tỉnh ở con người ý thức tự vấn để hướng tới hoàn thiện. Nhờ thế mà trên trang văn NMC, ta được thấy một nghệ sĩ Phùng vỡ lẽ sự đa chiều của cuộc sống, để rồi tự nhìn nhận ra cái non nớt trong cách đánh giá sự việc của mình, ta thấy được Nhĩ, một người từng "in gót khắp chân trời xa lạ", bôn ba kiếm tìm những gì phù phiếm để rồi ngỡ ngàng trước những hạnh phúc ấm áp, gần gũi của mái ấm gia đình mà mình bỏ quên bấy lâu (Bến Quê), ta được chứng kiến một ông họa sĩ biết vượt qua mọi sự biện bạch, giả dối để tự nhìn thẳng, nhìn đúng vào cái phần khuất tối, hèn kém của bản thân mình (Bức tranh). Cứ như thế, Nguyễn Minh Châu từng bước, từng bước thực hiện sứ mệnh của một nhà văn chân chính, đó là chiến đấu vì sự tốt đẹp hơn của con người, cũng như trở thành cây bút tài hoa tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học nước nhà.

    Như vậy, Chiếc thuyền ngoài xa đã xây dựng thành công tình huống truyện mang đậm tính nghịch lý và nhận thức. "Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" (Sedrin) Thật vậy, mang đến những băn khoăn, chiêm nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống, con người, Chiếc thuyền ngoài xa sẽ là một tác phẩm sống mãi với thời gian cùng những giá trị đích thực mà nó gửi gắm. Đó cũng là điều làm nên dấu ấn của nhà văn cũng như sức sống lâu bền của tác phẩm.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...