Cách khai thác nhân vật của Nam Cao và tính điển hình của hình tượng nhân vật Nam Cao chính là cái tên nổi bật của dòng văn học hiện thực phê phán. Từ thuở đầu, Nam Cao vẫn có xu hướng viết về những tác phẩm trữ tình, thoát ly hiện thực, nhưng về sau nhận thức cuộc sống sâu sắc hơn, ông hướng ngòi bút về những tác phẩm hiện thực. "Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?" (Giăng Sáng). Văn chương không thể "xa lạ" với những khốn cùng của con người, văn chương phải nhìn thẳng và đào bới, lật tung lên cái hiện thực đời sống. Thật sự những truyện ngắn trong "Tuyển tập Nam Cao" chính là sự phản ánh chân thật những hiện thực đời sống thối nát, những nhân cách tồi tàn, những hoàn cảnh khốn nạn làm méo mó, biến dạng con người. Thằng Chí Phèo mà Nam Cao xây dựng đã bước ra khỏi giới hạn của một giai đoạn, trở thành hình tượng điển hình cho những lớp người như Chí ở bất kì thời đại nào. Nhắc đến Nam Cao, người ta nghĩ ngay đến một thằng Chí Phèo ngật ngưỡng trong cơn say rạch mặt ăn vạ. Chí Phèo sai, không thể phủ nhận cái sai và tàn ác của hắn. Hắn đập phá bao ngôi nhà, đạp đổ bao cảnh hạnh phúc, hắn chửi bới, và làm cái nghề thấp hèn rạch mặt ăn vạ. Nhưng từ góc độ nhân đạo, Nam Cao vẫn đồng cảm và thấu hiểu cho sự sai trái ấy của hắn. Rằng, hoàn cảnh và tính cách luôn là mối quan hệ hai chiều tác động qua lại lẫn nhau. Ở những truyện ngắn của mình Nam Cao luôn đề cập đến vấn đề này. Tự bản chất của Chí có phải kẻ tàn ác? Hắn vẫn là một kẻ lương thiện, nhưng nhà tù thực dân, nhà tù đó không giam hãm thân xác Chí, nó còn làm biến dạng tinh thần và nhân cách của Chí. Con người không thể nào tự chiến thắng được hoàn cảnh, và tất yếu bị hoàn cảnh khuất phục. Xây dựng nhân vật điển hình, nhà văn lật xới hiện thực tàn ác để chỉ ra những nguyên nhân khiến con người biến dạng nhân cách. Cách nhân vật phản ứng lại xã hội đó chính là nét điển hình của con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Đọc "Tư cách mõ", nhìn cả quá trình thay đổi của Lộ, người ta thấy hắn đáng thương nhiều hơn đáng trách. Một Lộ thiện lương trong "Tư cách mõ" cuối cùng cũng vì những ghen tị xỉa xói của người đời mà bóp méo nhân cách, trở thành "Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém một anh mõ chính tông một tí gì: Cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn". Cái nghề mõ này vốn dĩ từ đầu Lộ cũng không muốn. Hắn lương thiện và chất phác. Nhưng những kẻ đó đẩy cho hắn, đến khi thấy hắn có của lại nổi máu ganh tị. Đó không phải làng Vũ Đại nói riêng, nó là tính xấu của con người ở bất kì thời đại nào, ghen ăn tức ở. Và càng ghen tức chúng càng tìm cách cô lập Lộ, làm Lộ trở nên thấp hèn và nhục nhã. Khi dồn đến đường cùng, con người ta sẽ tìm cách phản kháng. Có điều Lộ đã không chọn cách tích cực, hắn chọn cách trả đũa, hùa theo sự khinh bỉ ấy. Càng khinh hắn lại càng trơ trẽn. Thật tâm đó cũng là một cách phản ứng bắt buộc của Lộ, vì lẽ sự quá đáng trong cách hành xử của bọn người kia không thể giải quyết bắt lẽ phải và nhân đạo. Chỉ là cảm thấy đáng thương cho những người nông dân hiền lành, cứ luôn bị đời đẩy vào những dòng xoáy. Liệu nếu chúng ta là Lộ, trong tình cảnh bị cô lập, bị chì chiết như thế có thể có cách ứng xử khác không? Ở truyện ngắn Nam Cao còn có cả những vấn đề nhức nhối của nhân cách bỉ ổi. Đây cũng là một tiếng nói vừa chung vừa riêng của nhân cách con người, khi Nam Cao nói về những kẻ sỉ diện hão nói chung. Cái nghèo không đáng sợ. Đáng sợ là nghèo nhưng lại sỉ diện hão, lại gắt gỏng và bần tiện với người nhà nhưng lại thoải mái với người ngoài. "Trẻ con không được ăn thịt chó", nhan đề truyện ngắn cũng đồng thời là cái lí lẽ của người cha khốn nạn, khi sẵn sàng mời lũ bạn ăn uống hả hê còn vợ con đói khát ngồi trong xó bếp. "Người mẹ xịu ngay xuống. Trong mâm, chỉ còn bát không. Thằng cu Con khóc òa lên. Nó lăn ra, chân đập như một người giãy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rức khóc" . Có người cha nào lại bỉ ổi và khốn nạn như hắn? Miếng ăn đã lấy đi của hắn nhân cách và cả tình thương. Con cái của hắn thèm khát hắn lại chửi mắng không cho ăn, trong khi đám bạn nhậu chỉ là người dưng? Con người như hắn, tưởng chỉ có trong trang văn Nam Cao nhưng ngoài đời không thiếu, chúng là những kẻ khôn nhà dại chợ. Trong nhà thì kiệt sỉ, với người ngoài thì sỉ diện. Văn Nam Cao bao giờ cũng là một điển hình để mỗi người tự soi chiếu . Có bao giờ chúng ta nhỏ nhẹ, ân cần với người ngoài nhưng về nhà, với gia đình mình lại mặt nặng mày nhẹ? Ở Nam Cao không chỉ có cảm xúc, có trái tim và tấm lòng nhân đạo, nhà văn còn gây ấn tượng ở kĩ thuật và cách viết. Nam Cao phản ánh bản chất con người, bản chất xã hội, đặc biệt dường như với khả năng phân tích đời sống cùng giọng văn biến đổi linh hoạt, chúng ta như vui buồn, căm phẫn cùng các nhân vật. Ta cảm thấy nhân vật vừa quen, vừa lạ, bởi đó là hiệu quả của việc nhà văn xây dựng hình tượng điển hình tạo nên. Thật sự với những ai chưa tự nhận thức được những thói xấu của mình, hoặc đánh giá người khác chỉ qua những ứng xử bên ngoài, thì đây thật sự là cơ hội để nhìn nhận lại, tự hiểu mình và hiểu người.