Phân Tích Thu Vịnh - Nguyễn Khuyến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Alinguyen, 5 Tháng năm 2023.

  1. Alinguyen

    Bài viết:
    9
    Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật bài thơ Thu vịnh - Nguyễn Khuyến

    [​IMG]

    Nguyễn Khuyến được mệnh danh là "Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam" với kho tàng văn chương rất đồ sộ. Và chùm thơ thu với ba bài: "Thu điếu", "Thu ẩm", "Thu vịnh" đã tôn vinh tên tuổi của ông lên vị trí hàng đầu trong các thi sĩ viết về quê hương Việt Nam. Trong chùm thơ đó, "Thu vịnh" là tiêu biểu nhất, in đậm phong cách nghệ thuật của ông.

    Mở đầu bài thơ là hình ảnh bầu trời trong xanh với mấy cành trúc mảnh mai trong gió:

    "Trời thu xanh ngắt mấy từng cao

    Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu"

    Trời thu được tô điểm bằng một màu xanh thăm thẳm "xanh ngắt" giống như trong bài "Thu ẩm" có viết: "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?". Nó trong trẻo và cao vời vợi, tạo cảm tưởng như có nhiều lớp, nhiều tầng đang được xếp chồng lên nhau "mấy từng cao". Trong cái nền trời xanh ấy, tác giả đã chấm phá một vài cần trúc thanh mảnh, mềm mại khẽ phất phơ, đung đưa trong gió (cây trúc non dáng cong cong như chiếc cần câu thế nên mới gọi là "cần trúc"). Ở đây, bút pháp lấy động tả tĩnh được vận dụng rất phù hợp, từ láy "lơ phơ" gợi sự thưa thớt của lá trúc lay động bởi những làn gió heo may hiu hắt càng tôn lên cái vẻ cô tịch, đìu hiu, mênh mang, khiến ta nhớ đến câu thơ "Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo".

    Tiếp đến hai câu thực là sự hiện diện của làn nước mùa thu cùng với ánh trăng sáng:

    "Nước biếc trông như tầng khói phủ

    Song thưa để mặc bóng trăng vào"

    Xanh biếc là màu đặc trưng của làn nước mùa thu khi khí trời bắt đầu se se lạnh và nó cho thấy sự trong trẻo như tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời sâu thẳm. Sáng sớm, trên mặt ao, mặt hồ thường có một lớp sương mỏng nhẹ và lớp sương ấy như ngày một dày thêm, nó không phải phảng phất nữa mà là dày đặc như tầng khói phủ, giống như làn sương trong thơ của Hàn Mặc Tử "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh". Nước biếc có tầng khói phủ nên màu nước không còn được trong veo nữa mà hóa mông lung, kì ảo như đang lạc ở chốn bồng lai tiên cảnh. Trong đêm lạnh lẽo, u tịch, bỗng vầng trăng xuất hiện, thi sĩ để "song thưa" mặc bóng trăng ùa vào tràn ngập phòng thơ, từ đó cho thấy tâm hồn của tác giả đầy rộng mở, phóng khoáng, lãng mạn. Giữa thời điểm canh khuya đầy những nỗi cô đơn thì trăng chính là người bạn tri âm tri kỷ của thi nhân, có ánh trăng, bức họa đồ càng thêm sáng, thêm huyền ảo. Và còn gì tuyệt vời hơn khi còn có cả sự góp mặt của những nhành hoa và tiếng chim:

    "Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái

    Một tiếng trên không ngỗng nước nào?"

    Đang say sưa thưởng nguyệt, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp thì đột nhiên nhà thơ trông ra bờ giậu ngoài sân, ở đó nở mấy chùm hoa thu, nhưng điều kỳ lạ là ông cảm thấy đây là hoa năm ngoái. Có lẽ là bởi nỗi u hoài, âu sầu trong lòng đã làm ông có cảm giác năm tháng dường như ngưng đọng lại trên những nhành hoa (nhìn hoa nở năm nay mà cứ ngỡ là hoa năm ngoái) khiến nó nhuốm màu nhạt nhòa, màu úa tàn của thời gian. Từ đó, hình ảnh này gợi cho ta liên tưởng đến câu thơ "Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ" trong bài "Thu hứng" của Đỗ Phủ. Nếu như cảnh vật được miêu tả qua cái nhìn khách quan của thi nhân thì cảm xúc trái tim đã khoác lên nó một màu sắc chủ quan và chính cảm xúc này đã khiến ông nghe tiếng ngỗng lạc đàn từ trên trời cao văng vẳng xuống mà giật mình tự hỏi: "Ngỗng nước nào?". Câu hỏi tu từ "Một tiếng trên không ngỗng nước nào?" cho thấy nỗi đau đáu khôn nguôi, băn khoăn trăn trở của ông trước cảnh mất nước.

    Hai câu kết đã nói lên nỗi lòng thầm kín của tác giả:

    "Nhân hứng cũng vừa toan cất bút

    Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào"

    Cảnh thu vừa đẹp, vừa thơ mộng trữ tình đã khơi dậy cái thi hứng tràn đầy, nồng đượm, dạt dào trong tâm hồn ông. Nguyễn Khuyến rất say mà rất tỉnh, ông say mê trước cảnh đẹp mùa thu nhưng vẫn tỉnh trước lương tâm của chính mình. Vậy ông "thẹn với ông Đào" là vì cái gì? Phải chăng là thẹn vì tài văn chương thua kém hay là thẹn vì bản thân còn thiếu cái nhân cách trong sáng, khí phách cứng cỏi của ông Đào, người đã từ quan một cách dứt khoát, trở thành một nhân vật nổi tiếng về khí tiết trong giới quan trường Trung Hoa? Đã từ quan về ở ẩn rồi mà nhà thơ vẫn còn vướng phải vòng danh lợi chốn quan trường, dính líu đến bọn quan lại; chưa nguôi nghĩ về vận nước, nỗi lo lắng ưu phiền luôn đầy ắp trong lòng "thân nhàn nhưng tâm không nhàn". Có lẽ nên hiểu theo nghĩa thứ hai bởi Nguyễn Khuyến chưa từng thẹn về tài thơ với bất cứ ai nhưng lại luôn ngưỡng mộ Đào Tiềm, con người "không thể vì năm đấu gạo mà khom lưng uốn gối, khúm núm hầu hạ kẻ tiểu nhân", đã lập tức từ quan trở về vui với ba luống cúc. Nỗi u sầu nhuốm màu sắc thời thế này làm cho bức tranh cảnh trời thu quê hương Việt Nam thêm gợi cảm, làm xao xuyến, say đắm lòng người.

    Tóm lại, nhờ việc vận dụng tài tình thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cùng với chữ Nôm và những nghệ thuật: So sánh, nhân hóa, câu hỏi tu từ, từ láy.. hay bút pháp chấm phá, lấy động tả tĩnh, tác giả đã để lại cho độc giả ấn tượng sâu sắc về cảnh thu làng quê Việt Nam vừa đẹp, vừa trữ tình nhưng ẩn sâu trong đó là nỗi buồn xót xa, ưu tư về vận mệnh dân tộc và tình yêu tha thiết, sâu nặng với thiên nhiên, đất nước.
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 12 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...