Phân tích thơ: Tiếng hát sông hương - Phan cự đệ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ơ Lin, 23 Tháng sáu 2018.

  1. Ơ Lin Nam Yên

    Bài viết:
    60
    Cảm hứng lãng mạn cách mạng về sự thắng lợi tất yếu trong tương lai của cách mạng là cảm hứng chủ đạo của tập thơ Từ ấy làm nên nét phong cách độc đáo của Từ ấy: Lãng mạn cách mạng. Cảm hứng lãng mạn này bắt nguồn từ chủ nghĩa lạc quan cách mạn của Tố Hữu, không phải cái tinh thần lạc quan mang màu sắc kinh nghiệm chủ nghĩa của văn học dân gian, mà là lạc quan biện chứng của những người nhận thức được quy luật tất yếu của lịch sử.

    Đêm đang biến nghĩa là ngày đang dậy

    Lãng mạn cách mạng của Tố Hữu là một phong cách trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vì nó bắt nguồn từ chủ nghĩa xã hội khoa học, trong khi trào lưu lãng mạn tiến bộ và cách mạng trong thế kỷ XIX (Huygô, Birơn) thường dừng lại ở chủ nghĩa xã hội không tưởng (1)

    Hai bài thơ tiêu biểu cho phong cách lãng mạn cách mạng của Tố Hữu trong tập Từ ấy là Tiếng hát sông HươngBà má Hậu Giang. Khi phân tích hai bài thơ này, ta cần thấy rõ sự khác biệt giữa đề tài và tư tưởng chủ đề. Tiếng hát sông Hương viết về cuộc đời đau khổ, ô nhục của người kỹ nữ trên sông Hương, nhưng thực chất tư tưởng – chủ đề, lại là niềm tin lãng mạn về sự thắng lợi trong tương lai của phong trào cách mạng. Bài thơ trước đây có ghi: "Gửi Nhất Linh và Khái Hưng, tác giả Đời mưa gió"

    Qua tiểu thuyết Đời mưa gió (Phong Hóa 1934, xuất bản 1935) hai nhà văn xuôi chủ chốt của Tự lực văn đoàn đã chứng minh rằng cuộc đời giang hồ của Tuyết là một định mệnh không thể nào cưỡng được. Tiếng gọi quyến rũ của đời mưa gió chính là tiếng gọi thoát ly một cuộc sống mà người ta cho là tẻ nhạt, bình thường để chạy theo một cuộc sống phóng đãng với những cảm giác cháy bỏng, sống "không tình cảm, chỉ coi lạc thú ở đời như một vị thuốc trường sinh", một cuộc sống chỉ cần biết hiện tại không cần biết tương lai. Một buổi sáng mùng ba tết, Tuyết đã xé tan những bức ảnh kỷ niệm trong phòng ông giáo Chương, lê tấm thân ốm yếu, tiều tụy ra đi theo tiếng gọi cám dỗ của đời mưa gió!

    Nếu như Đời mưa gió là một định đề - thèse thì Tiếng hát sông Hương là một phản đề - antithèse. Tố Hữu cho ta thấy "đời mưa gió" chẳng có gì là thú vị, hấp dẫn, trái lại đầy tủi nhục ê chề, Tố Hữu phê phán cái chủ nghĩa định mệnh duy tâm, siêu hình và khẳng định một niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Thủ pháp đối lập cái lý tưởng của ngày mai với hiện thực đen tối ngày hôm nay là một thủ pháp quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng. Cuộc đời ô nhục, không lối thoát của cô gái sông Hương được phản ánh trong nhạc điệu và cấu trúc phần đầu bài thơ:

    Trên dòng Hương Giang

    Em buông mái chèo

    Trời trong veo

    Nước trong veo

    Em buông mái chèo

    Trên dòng Hương Giang


    Cấu trúc bao gồm nhiều câu trùng lặp, nhiều chỗ trùng lặp, cứ như một vòng tròn khép kín, xoáy vào bên trong, vào giữa. Vần cũng trùng lặp và tính chung 6 câu thơ có 22 âm thì 19 âm bằng. "Có một cái gì lơ lửng, buông xuôi, quang quẩn, rã rời, được thể hiện ngay trong cách điệp vần: chèo, veo, veo, chèo. Cuộc sống như teo lại, mà bầu trời, sông nước, trăng trong cũng đánh mất cái mênh mang của nó" (2)

    Với cách kết cấu vòng tròn, với những âm bằng lơ lửng, buông xuôi và cách gieo vần vừa trùng lặp, vừa khép xoáy vào giữa, đoạn thơ làm hiện ra trước mắt người đọc một cuộc đời quẩn quanh không lối thoát của người kỹ nữ trên sông Hương thời ấy.

    Theo Tố Hữu, mấy câu thơ mở đầu có phảng phất cái nhạc điệu u hoài, buồn bã trong bài Bên thành của Lưu Trọng Lư:

    Bến thành con chim non

    Hót nỉ non

    Giục lòng em bồn chồn


    Buổi hoàn hôn

    Em trách gì con chim non?

    Em oán gì con chim non?


    Em chỉ hận

    Sao em ngơ ngẩn

    Đa để tình lang em lận đận


    Chốn xa xôi

    Nơi tuyệt vời

    Trong lúc con chim giời

    Bên em nó hót những lời.. Nước non

    Ở đây, tiếng "hót nỉ non" của "con chim non" đã làm cho người thiếu nữ bồn chồn, xao xuyến, bỗng nhớ đến tình lang ở "chốn xa xôi".. Còn cái thiên nhiên trong phần mở đầu bài Tiếng hát sông Hương dường như không màu sắc, không âm vang, không bồng bột, say đắm như trong những bài thơ khác của Tố Hữu; đó là một thiên nhiên hờ hững khách quan, không ăn nhập gì với cuộc đời đáng thương của cô gái giang hồ, từ cái bầu trời và mặt nước trong veo - không gian đến cảnh "trăng lên, trăng đứng, trăng tàn" - thời gian.

    Một con thuyền lững lờ trôi xuôi trên sông nước gợi thêm ấn tượng một con người bé nhỏ, tội nghiệp trong khung cảnh trời nước vô định, cuộc đời buông xuôi phó mặc số mệnh cũng như chiếc thuyền nan xuôi dòng. Và cái khung cảnh êm đềm, phẳng lặng, đượm một chút thơ mộng trong trẻo đó chỉ là cái vẻ bên ngoài che giấu một hiện thực đau xót: Một cuộc đời ô nhục bị giày vò day dứt năm canh. Cô Tuyết trong Đời mưa gióbuông xuôi theo tiếng gọi dường như không cưỡng lại được của định mệnh, nhưng người kỹ nữ trên sông Hương là một con người có ý thức về cuộc đời và nhân phẩm của mình. Cô cảm nhận sâu sắc nổi tủi nhục của cuộc đời "gian dối", cô vùng vẫy muốn thoát ra khỏi "dòng dâm ô", muốn hoàn lương, muốn làm lại cuộc đời của mình. Những câu thơ miêu tả tâm trạng đau khổ, dằn vặt của cô gái giang hồ hay là tấm lòng ưu ái, cảm thông của nhà thơ trước sự thức tỉnh của một cuộc đời bị giày xéo, một nhân phẩm bị chà đạp? Với tình cảm nhân đạo sâu sắc, nhà thơ nhìn những tầng lớp ở dưới đáy xã hội (em bé ăn mày, lão đầy tớ, cô gái giang hồ) như những nạn nhân bị chà đạp, bị nhấn chìm vào vũng bùn ô nhục nhưng tâm hồn vẫn tràn đầy những khao khát, những ước mơ trong sáng, lương thiện.

    Tiếng hát sông Hương xuất hiện vào tháng 8 - 1938. Đúng một năm sau khi Tố Hữu được kết nạp vào Đảng (3)

    Ngày ấy, anh quan niệm người chiến sĩ cộng sản như người "cầm chân lí ban phát cho mọi người" như Người gieo hạt (Le semeur) chân lý ra bốn phương trời - cái hình ảnh hấp dẫn mà anh đã trông thấy ngoài bìa cuốn Từ điển Larousse. Mặt khác, trong thời kì Mặt trận dân chủ, một bộ phận báo chí của Đảng ra công khai, mở những cuộc giao phong đầu tiên trên lĩnh vực tư tưởng, nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh.. Chàng thanh niên Tố Hữu cũng xông vào các lĩnh vực (triết học, tôn giáo, thẩm mỹ, chiến tranh và hòa bình..) để tranh luận, tuyên truyền cho lý tưởng cộng sản (Tiếng hát sông Hương, Tháp đổ, Dửng dưng, Tiếng chuông nhà thờ, Tình thương với chiến tranh..)

    Tố Hữu chống lại cái triết lí định mệnh buông xuôi và mù quáng trong tiểu thuyết Đời mưa gió. Anh khẳng định niềm tin vào tương lai.

    Cuộc đời tủi nhục năm canh của cô gái giang hồ trên sông Hương sẽ thay đổi trong một thiên nhiên khác, một hoàn cảnh khác với "gió mới ngàn phương" của cách mạng:

    Ngày mai gió mới ngàn phương

    Sẽ đưa cô đến một vườn đầy xuân

    Ngày mai trong giá trắng ngần

    Cô thôi sống kiếp đầy thân giang hồ

    Ngày mai bao lớp đời dơ

    Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay.​

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    (1) Chỉ có một mình Henrích Hainơ (Henrich Heine), bạn thân của Marx, cuối đời tiến gần đến chủ nghĩa xã hội khoa học.

    (2) Lê Đình Kỵ - Thơ Tố Hữu – NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp – Hà nội, 1979, trang 487.

    (3) Gần đây, nhà thơ Tố Hữu xác nhận mình được kết nạp vào Đảng năm 1937.


    In trong Tác phẩm văn học: Bình giảng và phân tích.

    NXB Văn học, 2001​
     
    Last edited by a moderator: 8 Tháng mười 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...