Phân tích thơ có yếu tố tượng trưng: Tỳ bà (Bích Khê)

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 6 Tháng hai 2025.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    208
    [​IMG]

    Chắc hẳn khi học về thơ Đường, cả lớp 9 và năm lớp 10, chúng ta đã từng nghe qua cái tên Tỳ bà hành - một tuyệt phẩm thi ca của nhà thơ lớn đời Đường Bạch Cư Dị - tác phẩm được rỉ tai nhau là một trong những bài thơ Trung Hoa có "tầm phủ sóng" rộng nhất với người thưởng thức Việt Nam nhiều thế hệ. Lời thơ được Phan Huy Chú dịch ra chữ Nôm đã rất hay rồi:

    Cung đàn trọn khúc thanh tao,

    Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.

    Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,

    Một vầng trăng trong vắt lòng sông

    Tỳ bà hành là sự giao hòa âm nhạc và cảnh sắc trong một bút pháp thần diệu, gây cảm hứng cho rất nhiều nhà thơ yêu Đường thi. Trong đó có Bích Khê, nổi tiếng với bài thơ Tỳ bà, mượn tinh thần của Tỳ bà hành, nhưng thay đổi toàn diện bối cảnh, kiến trúc âm nhạc và kiến trúc hình ảnh, để tạo ra một thi phẩm hiện đại mang dấu ấn riêng bởi sự sử dụng nhuần nhuyễn thi pháp tượng trưng:

    [Trích thơ]

    Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, là con út trong gia đình tám anh chị em. Ông làm thơ từ 15 tuổi, theo các thể cổ điển như: Đường luật, từ khúc, hát nói, đăng trên các báo Tiếng dân (Huế), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), và báo Đông Tây (Hà Nội). Khoảng 1936, Bích Khê chuyển sang Thơ mới. Ông mất năm 1946, ở tuổi ba mươi, do bệnh lao phổi - một trong tứ chứng nan y lúc bấy giờ. Thơ Bích Khê là sự giao lưu giữa thơ cổ và thơ hiện đại, trong một kiến trúc âm nhạc và hội họa. Đặc biệt trong lối tạo hình, ông đã sử dụng một phương pháp mới, lúc ấy chưa thịnh hành ở Việt Nam: Phương pháp cắt dán, cũng xuất hiện trong đôi câu ở bài thơ Tỳ bà.

    Tại sao lại nói Tỳ bà của Bích Khê là một tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa tượng trưng của phong trào Thơ mới 1932-1945? Vậy phải xem cách mà Tỳ bà đáp ứng nguyên tắc của thơ tượng trưng như thế nào.

    Trước hết là tính họa với sự tương giao các giác quan trong thơ. Bài thơ tượng trưng phải là một khu vườn ngôn từ mà những bông hoa của mùi hương, màu sắc và âm thanh cùng nở rộ và tương hợp lẫn nhau. Bích Khê rất tinh tường trong việc sử dụng kỹ thuật về ngôn từ để họa nên bức tranh mùa thu độc đáo. Đây là điều rất mới và cũng là thành công vượt trội của ông so với các thi nhân đương thời. Cái mới mẻ của ông là tạo ra ấn tượng thị giác trong thơ rất mạnh, thể hiện được khả năng tư duy tượng trưng cao độ:

    Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm

    Trăng đan qua cành muôn tay êm


    Bài thơ mở đầu bằng lời reo vui như tha thiết, gọi mời. Hình ảnh nhân hóa "trăng đan qua cành" gợi ấn tượng mạnh về những cành cây khô cứng cũng phải mềm ra, nhũn ra vì tắm đẫm những giọt trăng. Một buổi đêm thanh bình, êm ái ngập tràn ánh trăng.

    Quả nhiên, trăng tròn đầy và sáng đẹp như vậy chỉ có thể là giữa tiết trời thu. Tính họa đến đây mới được bộc lộ rõ qua cách tác giả gợi thu về. Miêu tả thiên nhiên, Bích Khê dường như chỉ chú ý đến những mảng màu theo phong cách của các họa sĩ lãng mạn thế kỉ XIX: Chút sắc vàng của lá thu, chút ánh bạc của trăng đầy, đôi sắc tía của mây nhung, vài sắc xanh của sương lam.. Chúng đối lập với phong cách "thi trung hữu họa" trong trường phái thơ cổ điển - rằng điều đặt lên hàng đầu phải là hình thể, đường nét của cảnh vật. Nhưng không chỉ có thế, cảnh vật trong Tỳ bà cũng chẳng chịu nằm im lìm trên tấm canvas trắng của nhà thơ. Nó mang những sắc màu động đậy, phát đi những tín hiệu tinh tế. Nó là sự tương giao, hòa hợp giữa hương, nhạc và thơ. Nhân hóa để chỉ ra mùa thu là màu của mây sương:

    Mây nhung pha màu thu trên trời

    Sương lam phơi màu thu muôn nơi,


    Ẩn dụ để báo hiệu mùa thu là mùa của chia ly:

    Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề

    Hoa vừa đưa hương gây đê mê,


    Rồi lại so sánh để bảo mùa thu là tiếng đàn du dương gợi tình:

    Tình tang tôi nghe như tình lang

    Sự tương ứng các giác quan (thị giác - màu mây sương, khứu giác - hương hoa ngát, thính giác - đàn tình tang) đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa, đan xen nhiều tầng cảm xúc và thực sự đem lại cho thơ những cảm nhận mới lạ. Bằng thủ pháp tượng trưng, tất cả những chi tiết nhỏ đó đã giúp tác giả mang thu tới độc giả - thứ trừu tượng mà ta không thể nhìn, chạm hay cảm nhận trực tiếp, mà chỉ có thể nhận biết thông qua những biểu hiện của tự nhiên.

    Phần tạo hình huy động các giác quan này chưa dừng lại ở đó, vì Bích Khê còn sử dụng một thủ pháp cắt dán mới lạ. Các hình ảnh được xếp cạnh nhau, nhưng chẳng dính dáng gì với nhau: Vàng sao nằm im trên hoa gầy.

    Bích Khê đem hình ảnh sao vàng (ở trên trời) xuống cho "nằm im" trên hoa gầy (ở dưới đất). Hóa ra khung cảnh thơ mộng trên là nền cho một thứ còn lãng mạn hơn thế: Ái tình triền miên. Thi ca thuở nào cũng tìm thấy yếu tố giao cảm giữa tâm tư và cảnh vật. Thi nhân ngày nay trong lĩnh vực văn chương bác học, cũng nhờ gió trăng diễn tả tâm tình, mượn hoa lá gởi lời ái ân. Trong khát vọng yêu đương, chúng ta sinh ra những điều sâu xa, đằm thắm lại tràn trề, mà cảnh vật chính là nơi lý tưởng chất chứa những cảm giác yêu đương ấy. Chính hai yếu tố này đã giúp cho nhà thơ cởi mở nỗi lòng. Một vì sao vàng đẫm sương nằm im trên đóa hoa hoang sơ, lúc quyến luyến nhau, hình bóng ấy đã giúp cho cặp đôi thêm đắm đuối.

    Diễn tả chuyện ái ân, Hàn Mặc Tử làm động tác tưởng tượng "Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối", trong khi Nguyễn Gia Thiều lại dùng biện pháp ẩn dụ "Bóng gương lồng bóng đồ mi chập chờn". Còn Bích Khê thì khác, ông dùng tượng trưng để họa ra một bức tranh chỉ gây cảm xúc mà không mô tả. Người thương ở đây không có nghĩa là một hình hài cố định, không phải là một ý-trung-nhân đã chọn sẵn! Nó chỉ là mãnh lực của ái tình. Một khát vọng của cảm giác con người, một sự ngưỡng vọng và ái mộ. Nó có thể là một áng mây bay, một dòng trăng chảy, một làn sương tỏa.. hoặc tất cả những gì gợi lên ý nghĩa của lẽ sống. "Nàng ơi" kia là gọi người tình hay là gọi nàng thơ? Một cảm giác tò mò thôi thúc ta kéo xuống đọc tiếp.

    Khi đọc đến câu thơ sau thì trường liên tưởng mới được hé lộ, nhưng chỉ là hé chứ không phải mở toang. Tương tư người xưa thôi qua đây, vừa như đang yêu nồng cháy: "Tương tư", lại vừa như tan vỡ sầu bi: "Người xưa thôi qua đây". Làm thế nào ngăn cản được con tim đang rạo rực khi tình xuân chớm nở! Thật tội nghiệp cho chàng trai tương tư. Âm hưởng buồn thương bắt đầu được khơi gợi trong lòng người đọc. Anh buồn vì cảm thấy tình yêu của lòng mình mở rộng mà đón nhận chửa được bao nhiêu, buồn vì duyên kiếp con người chẳng bao giờ được toại nguyện. Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề, anh vừa đau khổ, thất vọng, luyến tiếc vì tình cảnh trước mắt đang dang dở, nhưng đồng thời lại mê hoặc, say mê trong những kỷ niệm đã qua, Hoa vừa đưa hương gây đê mê. Ái tình đã cho anh những tháng ngày khoái lạc, nhưng yêu đương là một khát vọng không bờ bến, xưa nay từ bậc vua chúa đến dân giả đã ai cảm thấy mình toại nguyện bao giờ?

    "Trời sanh con mắt là gương,

    Người ghét ngó ít, người thương ngó nhiều."

    Ngó nhiều! Nhưng ngó đến bao giờ mới thỏa lòng? Dù ngày nay khoa học có tiến bộ đến đâu cũng chẳng thể nào đo lường được! Sự si mê của tình ái chính lại là nguồn cảm hứng dẫn đến ước mơ:

    Cây đàn yêu đương làm bằng thơ

    Cây đàn yêu đương run trong mơ

    Hồn về trên môi kêu: Em ơi

    Thuyền hồn không đi lên chơi vơi


    Nguồn cảm giác nhớ nhung dồi dào đến nỗi "Cả trong mơ còn thức", đến nỗi bật ra tiếng đàn yêu đương, gảy cho phần hồn lang thang chơi vơi, lan ra khắp đất trời cũng chỉ làm một việc: Da diết thổ lộ tấm chân tình.

    Tôi qua tìm nàng vay du dương

    Tôi mang lên lầu lên cung Thương

    Tôi không bao giờ thôi yêu nàng

    Tình tang tôi nghe như tình lang

    Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

    Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

    Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi

    Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi


    Cái tình xưa cứ ám gợi, cứ mê hoặc rồi miên man trong lòng thi nhân. Rõ chỉ là những mộng tưởng, những tiếng đàn du dương người con gái ấy gảy giữa tiết trời thu, cũng khiến chàng trai thấy say, thấy si mê, trân quý. Yêu cuồng điên, yêu cháy bỏng. Đã không ngủ trong cõi thực, chìm đắm trong tiếng đàn tình, chàng lại thao thức cả trong cõi mộng để nâng niu, chắt chiu từng khoảnh khắc hạnh phúc. Bước vào thơ Bích Khê như lạc vào cõi mộng đầy huyền diệu và quyến rũ. Khi nhập thân vào cõi mộng, con người hoàn toàn tin vào sự tồn tại khách quan của những ảo huyền do mình tưởng tượng ra. Để rồi thi nhân thốt lên: Tôi không bao giờ thôi yêu nàng. Và cái xa xăm, huyền hồ, ẩn giấu những khát vọng và sự sùng mộ lớn nhất của con người đấy - Đào Nguyên - dẫu là mộng tưởng cũng lại rất gần gũi, cứ thôi thúc thi nhân kiếm tìm. Đoạn thơ như chùng xuống, gây mềm lòng người đọc bởi sự khát khao đầy thi vị. Sự luyến ái nữ nam quả đã bộc lộ trong trạng thái tự do của bản năng tình cảm. Tuy nhiên, nếu bảo tâm tư luyến ái là nguồn gốc của tính chất lãng mạn thì lại là vội vàng. Ái tình ấy không đòi hỏi những lạc thú riêng của cá nhân, mà lại cố đưa tình yêu mình đến chỗ chung thuỷ:

    Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu

    Sao tôi không màng kêu: Em yêu

    Trăng nay không nàng như trăng thiu

    Đêm nay không nàng như đêm hiu


    Người ta nói, đối với thi nhân, cảnh vật xung quanh cũng dễ là tri kỷ, là điều tôn thờ. Nhưng ở đây, nàng yêu dấu lại được thi nhân đặt lên cả trăng sao, thiếu nàng là thế giới quanh thi nhân héo tàn. Tác giả đẩy câu "Người tình trong mắt tựa Tây Thi" lên một tầng khác: Nàng đã hóa thân thành thu bao la, thành sắc nước hương trời, thành sợi dây diều níu cho hồn kia thôi phiêu diêu mải miết kiếm tìm. Đến đây ta hiểu tại sao nhà triết học Leonardo da Vinci lại nói:

    "Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm". Yếu tố tượng trưng phủ lên bài thơ những hình ảnh đầy ngụ ý, mơ hồ, gợi mở như vậy quả thật hấp dẫn độc giả.

    Một đặc điểm khác không kém phần quan trọng của thơ tượng trưng là tính nhạc. Có lẽ trong lịch sử thơ ca nhân loại, chưa có thời đại nào nhạc tính lại được đề cao và thực hiện một cách có ý thức như thi phái này. Các nhà thơ xưa có hẳn một tiêu chí: "Thi trung hữu nhạc". Tuy nhiên, tính nhạc ấy được tạo ra "bằng âm thanh những từ được lựa chọn, sắp đặt cốt sao khuôn theo những thi điệu có sẵn (miễn là đúng niêm luật), thành ra trong thơ cũ âm thanh và ý nghĩa bị tách ra, mỗi thứ đi một đường. Vì âm thanh của từ được khuôn vào thi điệu có sẵn nên nhạc điệu thơ" trống rỗng" ". Còn với thơ tượng trưng, nhạc tính xuất hiện bằng sự kết hợp điêu luyện, linh động giữa các yếu tố ngôn từ, ngắt nhịp, gieo vần, đặt câu.. với giai điệu tâm hồn của chủ thể sáng tạo. Vì thế, nó" luôn luôn biến đổi, nó phối hợp hòa âm với nghịch âm, tính nhạc hòa hợp với tâm trạng thi nhân chuyển động từng giây, từng phút ". Do đó, nhạc điệu không tách rời ý nghĩa, nói như Valéry:" Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa ". Đó cũng là nguyên tắc sáng tạo của các nhà Thơ mới theo khuynh hướng tượng trưng.

    Yếu tố nhạc trong thơ tượng trưng được khai thác tối đa ở Tỳ bà. Nhạc tính nổi bật nhất là bình thanh. Ta để ý toàn bộ bài thơ được viết bằng thanh bằng, các tiếng mang dấu huyền và ngang đan xen dìu dặt như một bản đàn. Bích Khê đã khoác cho thơ một bộ cánh âm thanh mượt mà như những cung thần tĩnh diễm ảo, đẩy cảm xúc người đọc vào cõi sương khói thực hư. Nhiều nhà phê bình thường liên hệ bài thơ này với các bài" Nhị hồ "của Xuân Diệu," Bình tàn thu "của Nguyễn Xuân Sanh, nhưng ở cả hai bài của Xuân Diệu và Nguyễn Xuân Sanh, chỉ những chữ cuối câu mới mang thanh bằng (chứ không phải tất cả các chữ trong bài).

    Chưa kể ở bài" Nhị hồ "còn có một khổ mà hai chữ kết của câu thứ 2 và câu thứ 4 mang thanh trắc, và ở bài" Bình tàn thu "thì nhiều câu chỉ có tác dụng về âm điệu chứ nội dung rất vô nghĩa (kiểu như:" Cổ mây người nhạc dịu vườn tươi/ Da xuân mười tám tuổi buồn người/ Mi thơm chanh buổi chĩu buồn da/ Rượu tóc loan tháng đượm mùa ngà "). Như vậy ta thấy, viết được một bài rặt một kiểu âm vận, lại khá sáng sủa về ngữ nghĩa như trường hợp Tỳ bà của Bích Khê là một trường hợp hiếm hoi. Nó khó như việc vừa phải lặn từ bờ này sang bờ kia của một con sông rộng lại không được quờ quạng lung tung làm ngầu dòng nước.

    Bước vào cõi thơ của Bích Khê là bước vào một không gian đầy nhạc: Nhạc từ đàn, nhạc vọng từ không gian, nhạc từ môi thiếu nữ, trong một thế giới huyền ảo hư hư, thực thực xen lẫn cảnh trần gian với cõi thiên tiên. Bích Khê đã tạo ra hẳn một nhạc điệu mới cho thơ 7 chữ. Cùng với nghệ thuật sử dụng thanh điệu, Bích Khê còn chú trọng sử dụng vần điệu để tăng sức ám gợi. Cách gieo vần đầy sáng tạo và đặc sắc như vần chân, vần cách, vần hỗn hợp xuất hiện ngập tràn:

    " Tôi qua tìm nàng vay du dương

    Tôi mang lên lầu lên cung Thương

    Tôi không bao giờ thôi yêu nàng

    Tình tang tôi nghe như tình lang "


    Chẳng những vậy, Bích Khê còn sử dụng khá thành công những biện pháp trùng điệp ở nhiều cấp độ khác nhau như: Điệp từ, điệp ngữ, điệp cú, tạo ấn tượng nối kết và tăng tiến trong cảm xúc, diễn tả:

    " Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

    Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

    Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi

    Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi. "


    Bên cạnh những âm điệu phong phú, Bích Khê còn tạo dựng những tiết tấu đặc sắc, như ngắt câu, ngắt nhịp, có khi là 2/5, khi thì 4/3, khi lại chuyển sang 2/2/3:

    " Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm

    Trăng đan qua cành muôn tay êm

    * * *

    Cây đàn yêu đương làm bằng thơ

    Cây đàn yêu đương run trong mơ

    * * *

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng

    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông. "


    Nhận xét về bài thơ này trong tập Tinh huyết, Hàn Mặc Tử viết" Ở địa hạt huyền diệu, ta thấy thi nhân chú trọng về âm thanh và màu sắc. Trong khi nói đến nhạc, thi nhân nghĩ ngay đến những cung cầm chơi vơi, vần điệu rung động cả không gian.. và nhạc lúc bấy giờ cũng không còn là nhạc nữa. Nó đã bay ra hương, ra hoa, ra thơm, ra mát, ra ngọt, ra ngào, ra gì mê tơi run rẩy hay âm thầm nức nở lanh lảnh như giọng cười mơn man như ân tình đòi hỏi.. Đây là cả một trời yêu thương da diết một trời tương tư, trời âm hưởng buồn não, buồn nề.. ". Bài thơ không xuất hiện âm thanh hùng tráng, ồn ào, giòn giã hay nhịp điệu dữ dội, mạnh mẽ, mà cứ bằng bằng đều đều tạo ra sức gợi đi vào một cõi vô hình khó có thể tách bạch đâu là hương thơm, là màu sắc, là thanh âm.

    Đặt trong dòng chảy về nhạc tính trong thơ, chúng ta thấy rõ phong cách thơ Bích Khê. Sự thể hiện nhạc tính trong thơ Bích Khê vô cùng phong phú, đa dạng và mới lạ. Thành công này là cả một quá trình tiếp thu tinh hoa thi ca Pháp và nuôi dưỡng vốn nhạc tính truyền thống của thi ca dân tộc, kết hợp với sự ý thức về ngôn từ một cách sâu sắc của thi nhân.

    Mã Giang Lân nhận xét:" Thế giới đầy nhạc, đồng vọng ở lòng người và cõi vật, nhạc đàn, nhạc vang từ không gian ". Tỳ bà còn đi xa hơn, đặt âm nhạc đi trước ý thơ. Tỳ bà lấy cái vô thanh để tả cái hữu thanh, lấy cái" không nghe thấy cái gì "để hiểu cái hồn cốt của âm nhạc, lấy cái im lặng thanh tĩnh để gợi nhạc xao động, diệu kỳ. Bài thơ có tên Tỳ bà nhưng tác giả không chỗ nào lấy âm thanh để tả âm thanh, mà tả âm thanh bằng sức cuốn hút của tâm hồn.

    Chính vì là" tranh truyền thần "của tâm hồn, lời thơ dù bóng bảy đến đâu vẫn là lời gan ruột, thật chân không giả dối, giấu diếm. Cánh diều tưởng tượng chao liệng đến đâu rồi cũng có lúc ngậm ngùi hạ xuống, trở về với gió lặng im lìm:

    Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân

    Buồn sang cây tùng thăm đông quân


    Mộng tỉnh, tất cả niềm thăng hoa tan ra, biến mất, khuất lấp. Khổ thơ cuối chìm trong sâu lắng, u hoài. Nỗi buồn phải chăng đã định vị, đã nhập sâu trong lòng thi nhân kể từ những cuộc tình xa, những nỗi đau bệnh? Và từ đó ý niệm" buồn "đã dịch chuyển từ cõi lòng thi nhân đến" lưu cây đào tìm hơi xuân "rồi dịch chuyển theo vòng tuần hoàn của mùa cuối trong trời đất: Buồn sang cây tùng thăm đông quân. Dòng cảm xúc ấy vẫn đi theo trực giác tưởng tượng và trực cảm lãng mạn. Thế rồi lại rơi vào thảng thốt:

    Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

    Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.


    Cây đào, cây tùng vừa mang biểu tượng cho mùa, vừa mang ý niệm siêu việt. Nỗi lòng thi nhân cũng nhóm lên nỗi buồn miên man:" Buồn lưu cây đào "," buồn sang cây tùng ". Giờ lại:" Buồn vương cây ngô đồng ". Nhưng cái buồn ấy không bi lụy mà sang trọng trong cõi vô thường. Nhắc đến cây ngô đồng, người ta lại nhớ đến chim phượng hoàng, loài chim khi xuất hiện chỉ đậu trên cây ngô đồng. Ngô đồng là loài cây đại diện cho sự quý phái, vương giả, xưa chỉ được trồng ở những nơi quyền quý thiêng liêng, như trong Kinh thành hay lăng tẩm vua Nguyễn. Ngô đồng tuy đứng đơn điệu, chơi vơi một mình nhưng vẫn tạo ra phong thái thanh tao dịu dàng. Khi đến mùa, cây trổ một màu hồng phai, tạo nên nỗi bâng khuâng lơ lửng trên bầu trời xứ Huế. Và hoa càng nở, lá rụng càng nhiều. Những chiếc lá vàng khẽ khàng bay trong gió, gieo vào lòng người bao cảm xúc.

    Trong khổ thơ cuối cũng có hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường. Tác giả dùng dấu chấm than ở câu" Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng ", bổ sung chức năng mới cho dấu câu. Thông thường dấu chấm than dùng để bộc lộ cảm xúc hoặc kết thúc câu cầu khiến. Ở trong câu thơ này, dấu chấm than chia câu thơ làm hai vế, vừa để bộc lộ cảm xúc, nhưng vừa như cũng có ý để hỏi.

    Bích Khê đã từng học tập, dạy học ở Huế. Ông đã chiêm cảm được điều này. Giờ những chiếc lá vàng rơi trong chiều gió xa xăm hiện về trong tâm thức, cùng nỗi niềm riêng mà ông nhận ra sắc vàng mang mang trời đất và chỉ có sắc vàng và vàng dệt nên Thu mênh mông. Một cách cảm nhận mùa thu quá đỗi sâu sắc và súc tích. Chỉ hai câu thơ thôi mà Bích Khê đã vẽ nên một mùa thu man mác buồn. Nỗi buồn của thi nhân trước cõi phù trầm dâu bể, mà trở về với linh ngã. Chính vì vậy Hoài Thanh khi đọc đến những dòng thơ này đã hết lòng xưng tụng:" Tôi gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam ": Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông".

    Vườn thơ Bích Khê đẹp, đẹp một cách lộng lẫy và tinh tế, song cũng rất mơ hồ về nghĩa, bởi trong thơ ông thiếu đi những cảm xúc thật và những chi tiết đời sống hiện thực. Thế giới thơ ông thuyết phục và quyến rũ người đọc chủ yếu bằng khơi gợi, bằng ám thị, bằng suy tưởng. Với vai trò của một nhà thơ trong phong trào Thơ mới, thiên nhiên trong thơ ông mang dáng dấp Tây phương. Những hình ảnh thơ vừa cổ điển lại vừa cách tân, sáng tạo. Tỳ bà, với những câu thơ viết toàn thanh bằng, mang âm hưởng Đường thi nhưng lung linh sắc màu tượng trưng, đã chứng minh điều đó. Với những dòng thơ tinh khiết và mang dấu ấn sâu sắc, Bích Khê đã tạo nên một cõi thơ riêng, vừa thuần túy mà mang tính biểu tượng cao, vừa mời chào mà kén người đọc. Thơ Bích Khê qua đôi dòng chưa thể nói được nhiều về giá trị vượt không gian và thời gian. Nhưng những dòng thơ ấy luôn kích thích người đọc tìm đến.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng hai 2025
Trả lời qua Facebook
Đang tải...