Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong đây thôn vĩ dạ - Ngữ văn 11

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi bunrieucua, 24 Tháng mười 2018.

  1. bunrieucua

    Bài viết:
    8
    Hàn Mặc Tử là một trong những những đỉnh cao của phong trào thơ mới. Ông qua đời ở tuổi 28 do bệnh phong và những năm cuối đời phải cách li với mọi người, cô đơn một mình. Vì vậy, những nỗi đau là nguồn cơn cho những cơn sáng tạo đỉnh cao của ông. Khi còn sống, ông chỉ có một tập thơ là Gái quê, sau này có thêm những tập khác như Thơ điên, Xuân như ý.. Đây Thôn Vĩ Dạ được trích từ tập Thơ Điên, bài thơ không chỉ đơn thuần mà là vịnh người, vịnh cảnh, mà còn là tâm trạng của nhà thơ được gửi gắm vào từng con chữ.

    Đây Thôn Vĩ Dạ được sáng tác khi Hàn Mặc Tử đang bị bệnh nặng và phải cách li ở trại phong Tuy Hòa. Trước kia, khi còn làm ở sở Đạc Biền Bình Định, Hàn Mặc Tử phải lòng cô con gái chủ xưởng, Hoàng Thị Kim Cúc. Sau này, khi Hoàng Cúc biết tin ông mắc bệnh phong đã gửi tới một bức bưu thiếp có phong cảnh xứ Huế, dòng sông Hương cùng lời hỏi thăm động viên. Điều này khiến Hàn Mặc Tử bị xúc động mạnh và lập sức sáng tác bài thơ này. Vì vậy, bài thơ là nỗi nhớ, là hoài niệm của tác giả về xứ Huế, nơi có cảnh vật, có người mình yêu của một kẻ si tình. Là nỗi đau, niềm mặc cảm của một kẻ sắp chết. Và cũng là sự khát khao hạnh phúc của một tình yêu đời da diết.

    Nhà thơ mở đầu tác phẩm cùng một câu hỏi tu từ "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" Thoạt nhìn, người ta sẽ nhầm lẫn đây là lời trách móc nhẹ nhàng, của một cô gái xứ Huế, như mời gọi chàng trai trở về Vĩ Dạ. Trở về nơi chốn thân thương mà người hằng yêu. Nhưng nếu chỉ đơn giản như vậy thì thơ Hàn Mặc Tử đã không thể sống mãi trong suốt những thập kỉ qua. Câu hỏi cùng từ để hỏi "sao" được đặt ở đầu câu khiến nhịp thơ dồn dập, cảm xúc dồn nén, giục giã. Rất có thể đây là lời phân thân của chính nhà thơ để tự hỏi chính mình. Từ "anh" gợi cảm giác gần gũi, như một người con xa xứ tràn ngập tình yêu với Vĩ Dạ, nhưng lại "không về". Trọng âm của câu thơ như bị đổ dồn vào hi từ này. Tại sao lại "không về", khi mà Vĩ Dạ vốn là nới chốn thân thuộc mà Hàn Măc Tử yêu thương, nơi có người con gái mà ông trao trọn trái tim? Tác giả sử dụng từ "không", thay vì "chưa", bởi lẽ nhà thơ không thể về. Dẫu rằng ông yêu thương chốn này, dẫu rằng không phải là không muốn về, mà là không thể về được nữa. Hàn Mặc Tử ý thức rõ về tình cảnh bệnh tật của mình, nên không về được Huế, vả lại, ông yêu nơi đó, yêu người con gái nơi đó, nhưng làm sao có thể về, khi mà không một ai mong ngóng? Câu thơ là nỗi đau xót, bất lực của nhà thơ trước hiện thực tàn khóc, là niềm mặc cảm bị tách li khỏi thế giới, xa lánh mọi người. Nỗi đau ấy đã thấm vào thơ của tác giả khi mà ông từng coi mình như một nàng cung nữ với số phận hẩm hiu bị nhốt vào lãnh cung, nhớ thương vị vua của mình, cuộc đời tươi đẹp ngoài kia:

    "Ngoài kia xuân đã thắm hay chưa

    Trời ở trong đây chẳng có mùa

    Không có niềm trăng và ý nhạc

    Có nàng cung nữ nhớ thương vua"

    Chữ "không về" càng khắc sâu tình đơn phương của Hàn Mặc Tử đối với Hoàng Cúc:

    "Có một dòng sông chỉ có một bờ

    Phía bờ kia quay mặt

    Dòng sông anh không qua được bao giờ"

    Câu thơ là niềm khát khao, là niềm đau, là nỗi nhớ, là buồn tủi của nhà thơ. Và khi quá yêu một mảnh đất, nhưng lại chẳng thể quay lại, thì con người ta chỉ còn cách trở về qua những hoài niệm. Qua đó, khu vườn Vĩ Dạ hiện lên tươi mới, ngập tràn tình yêu của nhà thơ:

    "Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"

    Trong thơ mới, ta từng gặp nhiều hình ảnh nắng đặc biệt. Như cái nắng trở chiều của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, hay "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang" trong Mùa xuân chín của chính Hàn Mặc Tử. Còn ở đây, chúng ta có "nắng hàng cau". Cau vốn là cây cao nhất trong vườn, vì thê những người khách từ xa nhìn tới, sẽ thấy cau đầu tiên. Và cũng vì thế nên cáu được hứng ánh nắng sớm đầu tiên nên "nắng hàng cau" là thứ nắng tinh khôi, trong treo, sau một đêm dài cây cau như được tắm nắng, hong khô những giọt sương đêm còn vương đọng. Không chỉ vậy, cau vốn mọc thẳng đứng, lại có đốt nên nhìn từ xa, vào sớm mai, cau trở thành một chiếc thước kẻ khổng lồ, đo mực nắng. Đó không chỉ là hình ảnh của VĨ Dạ, của xứ Huế. Mà còn là hình ảnh thân thuộc ở các làng quê Việt Nam. Một hình ảnh bình dị, dân dã, gợi cho người đọc nhiều liên tưởng. Sau khi hướng lên cao cùng nắng hàng cau, nhà thơ lại hướng người đọc xuống thấp hơn để nhìn ngắm khu vườn. Cùng biện pháp so sánh, khu vườn như tràn ngập sắc xanh tươi mơn mởn. Bởi "ngọc" không chỉ đơn thuần là có màu xanh, mà còn gợi màu xanh ánh từ bên trong, lại lan tỏa được màu xanh. Vì thế, khu vườn ngập trong màu xanh nõn nà, tràn đầy nhựa sống cùng tính từ cực tả "quá" đã tuyệt đối hóa vẻ đẹp khu vườn. Nhưng cái gì càng đẹp, lại càng khó nắm bắt, càng phi thường, lại càng xa vời. Cảnh đẹp Vĩ Dạ đẹp, nhưng lại là "vườn ai" khiến cảnh đẹp ấy bỗng trở nên vô định, vô chủ. Bởi "ai" ở đây là đại từ phiếm chỉ, ý để hỏi khu vườn đẹp tuyệt trần ấy là của ai? Chính nhà thơ cũng không rõ. Cảnh mờ đi, chẳng còn là cảnh thực. Ông lấy đi một chút rõ ràng để thêm nhiều phần mơ mộng. Mà làm sao có thể rõ ràng khi mà mọi thứ chỉ còn là hồi ức của nhà thơ? Cảnh dẫu đẹp tới đâu giờ đây cũng đã thuộc một thế giới khác, một thời gian khác, nơi mà nhà thơ không còn thuộc về. Sau cùng, bức tranh thiên nhiên có xuất hiện hình ảnh con người: "Lá trúc chen ngang mặt chữ điền". Không rõ đây là gương mặt của người con gái, hay con trái, hay chính là gương mặt của Hàn Mặc Tử. Cũng có lẽ là gương mặt quen thuộc vốn hay xuất hiện nhưng ẩn mình sau thiên nhiên trong thơ ông. Các ý kiến chưa ngã ngũ, nhưng hình ảnh gợi ta nhớ đến câu ca dao xứ Huế thân thuộc

    "Mặt em vuông tựa chữ điền

    Da em thì trắng áo đen mặc ngoài

    Lòng em có đất có trời

    Có câu nhân nghĩa, có lời thủy chung"

    Khuôn mặt chữ điền vốn gợi lên sự chung thủy, đôn hậu, chất phác của con người, lại ẩn hiện sau thiên nhiên đầy thi vị, hài hòa gợi nét đẹp con người xứ Huế. Khổ thơ đầu không chỉ là tả cảnh thiên nhiên xứ Huế, mà còn gửi vào đó tâm trạng của nhà thơ. Cảnh nơi đây đẹp tới thế, yêu nơi này tới thế, nhưng Hàn Mặc Tử không thể trở về nữa. Khổ thơ đầu là nỗi nhớ nơi chốn thân thương, cũng như sự bất lực không thể quay về của nhà thơ.

    Tới khổ thơ sau, có sự thay đổi về cả cảnh lẫn tâm trạng nhà thơ. Cảnh không còn non trẻ, tươi mới đầy sức sống nữa, cảnh đều thấm đượm một nỗi buồn thân phận.

    "Gió theo lối gió, mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"

    Gió và mây vốn gắn liền với nhau, gió thổi mây bay. Nhưng giờ đây, nhà thơ lại để hai sự vật chia lìa, chia cắt, trái với quy luật thông thường. Nếu Huy Cận đã viết về cuộc chia li của thuyền và nước và để lại nỗi sầu trăm ngả, thì sự phiêu tán này của Hàn Mặc Tử để lại nỗi buồn chia cắt. Nỗi buồn ấy thấm đượm lên cả dòng sông ngoài kia, khiến nó "buồn thiu". Cùng biện pháp nhân hóa, dòng nước như không muốn chảy, trì trệ, để mong ngừng trôi như được chảy từ vạn cổ. Cảnh ngoài kia, có lẽ chẳng còn là cảnh ngoài kia, mà đã là cảnh ở trong lòng. Bởi hơn ai hết, nhà thơ hiểu rõ nối sầu biệt li. Mọi thứ đề cứ phiêu tán đi, chỉ còn lại "hoa bắp lay". Là thứ hoa bắp vô hồn, uể oải, nhợt nhạt, chỉ chuyển động khẽ khàng "lay". Cái lay đó đã lay cả vào lòng người đọc, để ta nhớ tới câu ca dao xứ Huế:

    "Ai về giồng dứa qua chuông

    Gió lay bông sợi bỏ buồn cho em"

    Hay trong bài thơ "Bờ sông vẫn gió" của Trúc Nhân

    "Lá ngô lay ở bờ sông

    Bờ sông thấy gió, người không thấy về"

    Từ "lay" gợi nỗi buồn thân phận của nhà thơ, khi mà mọi cảnh vật đều phiêu tán đi, thì hoa bắp chỉ đành ở lại, khẽ lay chuyển. Giống như nhà thơ chẳng thể cất mình lên để ra với cuộc sống ngoài kia. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh, gợi nỗi buồn chất chứa tâm can. Và lúc này, khi chứng kiến quá nhiều li biệt, ông lại chỉ mong chờ một thứ quay trở về với mình, đó là trăng.

    "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay"

    Trăng vốn là hiện thân cho vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người. Con thuyền chở trăng là con thuyền chưa tình yêu, chứa hạnh phúc. Nhưng vẫn lại là "thuyền ai", hình ảnh nửa mơ, nửa thực, mơ mộng, nhạt nhòa. Sông trăng là hình ảnh đầy thi vị, thân quen trong thi ca, dòng sông trôi chảy giữa hai bên bờ thực và ảo, khó nắm bắt được. Đó là ánh trăng trên trời cao soi xuống sông, tạo thành sông trăng, cũng hiểu được là ánh trăng chảy khắp mặt sông. Phải chăng đó là con đường trôi chảy vào cõi mộng? Nhà thơ chờ trăng, trần đời có mấy ai say trăng được như Hàn Mặc Tử? Thơ ông luôn rợn ngợp ánh trăng sáng

    "Trăng sõng soài trên cành liễu

    Đợi gió đông về để lả lơi"

    Không chỉ với riêng Hàn Mặc Tử, mọi thi sĩ khác đều coi trăng như người bạn tri kỉ không bao giờ rời xa của mình. Vì vậy, ông đã kêu lên tha thiết ở câu cuối khổ 2 "Có chở trăng về kịp tối nay". Đó không chỉ là câu nói thông thường, nó vang lên khẩn thiết, thấm một nỗi xót xa. Cùng với từ "kịp" là khoảng thời gian hạn định "tối nay". Nhà thơ mong mỏi, bất lực, vì dường như chỉ còn tối nay thôi, đó là khoảng thời gian cuối cùng rồi. Nếu không phải tối nay, có lẽ là chẳng bao giờ được nữa. Bởi quỹ thời gian còn lại của bản thân quá ít ỏi, nên câu thơ vang lên trong sự giục giã, hối hả. Đó là nỗi mặc cảm về cuộc đời ngắn ngủi của mình, có lẽ, bản thân Hàn Mặc Tử cũng cảm nhận được từng phút một của cuộc đời mình cứ dần trôi đi. Mà nếu đêm nay không thể về, có lẽ mọi thứ sẽ chìm vào bóng tối. Từ đó, bộc lộ một khát khao sống mãnh liệt cùng với tư thế sống chạy đua cùng thời gian. Như Xuân Diệu cũng từng vì quá yêu hương sắc đất trời mà chạy đua cùng thời gian, Hàn Mặc Tử cũng vậy. Ông yêu cuộc đời này, yêu Vĩ Dạ, yêu xứ Huế, yêu cuộc sống ngoài kia, "chẳng ai yêu đời hơn một kẻ sắp chết." Nhưng bở vì sắp chết, vì quỹ thời gian dần cạn nên có cố gắng chạy đua với thời gian bao nhiêu, cũng trở nên vô vọng. Khổ hai, cảnh vật thấm đượm nỗi buồn của nhà thơ. Mọi thứ chia li, phiêu tán, nhà thơ cố níu, nhưng không thể nắm giữ bởi bản thân cuộc đời nhà thơ cũng đang đi tới hồi kết. Dẫu vậy, ta vẫn có thể thấy niềm khát khao, mong mỏi mãnh liệt được tận hưởng thêm một phút giây nữa thôi để kịp đón lấy tình yêu hạnh phúc. Cảnh vật cứ mờ dần, xa dần, là vì về đêm nên mọi thứ trở nên hư ảo, hay là qua con mắt của kẻ sắp chết, vạn vật đã trở thành một thế giới vô sắc, mộng mị, ngập ánh trăng? Từ nhớ thương, bất lực không thể trở về, nhà thơ đau xót, lo âu, và khát khao mãnh liệt được sống thêm một chút, là nỗi đau của thân phận.

    Tới khổ thơ cuối, ánh nắng không còn, ánh trăng cũng tắt, sau tất cả, còn lại là một cõi hư ảo nơi kẻ si tình chới với đuổi theo nhưng mãi mãi chẳng đuổi kịp.

    "Mơ khách đường xa, khách đường xa"

    Mơ không còn là trạng thái thực, mà đã rơi vào mộng mị, nhưng lại là "mơ khách đường xa" thể hiện niềm khát khao được gần gũi với bóng hình con người. Bởi có lẽ, thế giới thực tại Hàn Mặc Tử đã phải rời xa, ông chỉ còn cách bấu víu vào cõi hư ảo. Cuộc đời ngoài kia đang nhòa dần, chìm vào cõi mộng. "Khách" vốn đã xa lạ, khách khí, vậy mà ở đây lại là "khách đường xa", được điệp lại hai lần. Vế đầu vẫn còn từ mơ, nhưng vế sau thì đã mất, con người xa lạ ấy đi mất rồi, mờ mất rồi. Dẫu là trong mơ thì hình bóng con người xuất hiện vẫn xa lạ, mịt mù, người mơ càng gọi, càng chạy theo, người khách càng lùi xa trong sự bất lực của nhà thơ. Vậy người khách ấy là ai? Phải chăng là "em" : "Áo em trắng quá nhìn không ra"? Thơ Hàn Mặc Tử luôn chứa đựng những sắc trắng tinh khôi, thanh khiết như màu trắng rợn mình

    "Ống quần vo xắn lên đầu gối

    Da thịt, trời ôi! Trắng rợn mình"

    Hay màu trắng trong Mùa xuân Chín "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang". Sắc trắng của áo được Hàn Mặc Tử ngợi ca theo cách cực tả quen thuộc, là sắc trắng khiến ông khao khát, mê say. Nhưng sắc trắng đó lại khiến người "nhìn không ra". Nhà thơ bất lực, chạy đuổi theo "em" nhưng vô vọng, cố gọi "em" nhưng em chẳng quay đầu lại. "Em" nghe sao mà thân thương, mà yêu nhớ, nhưng tại sao người cố loạng choạng bước theo, em lại cứ xa? Là em không muốn ở lại chốn này, hay là em vốn chẳng thuộc về nơi đây? Câu thơ là nỗi đau tuyệt vọng, cùng chữ "quá" khiến câu thơ run lên một nỗi xót xa cho con người cố với theo thứ chẳng thể nào chạm tới.

    "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

    Ai biết tình ai có đậm đà?"

    Trong làn sương khói hư vô, nhà thơ tự xác lập một thế giới riêng "ở đây". Nhưng không rõ ở đây là chốn nào, là trại phong Tuy Hòa, hay là thế giới trong kí ức thi nhân, hay là nơi mộng ảo nhà thơ đang chìm vào? Nghe sao mà chua xót, quặn thắt, nhà thơ có lẽ chẳng còn ý thức được gì nữa, ám ảnh làm sao khi mà mình đang ở nơi nào cũng không hay.

    "Tôi đang ở đây hay ở đâu

    Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu"

    Ở đây là nơi lãnh cung lạnh lẽo chỉ chứa sự cô đơn, nỗi niềm mặc cảm thân phận đã khiến Hàn Mặc Tử luôn có một khoảng cách với thế giới bên ngoài. Và trong làn sương khói thân thuộc của xứ Huế, nhưng lại trộn lẫn thực ảo, nhà thơ thốt lên một câu hỏi cứ xoáy vào lòng người đọc. Đại từ phiếm chỉ "ai" một lần nữa lại xuất hiện, nó biến niềm hoài niệm "vườn ai", niềm hoài vọng "thuyền ai" thành niềm hoài nghi "tình ai". Câu thơ bỗng trở nên đa nghĩ, ai là hỏi cô gái hay chàng trai, là hỏi người hay hỏi ta? Và "tình ai", phải chăng là tình đời, tình người. Có thể hiểu nhà thơ băn khoăn, khắc khoải liệu xa khi bị tách li khỏi thế giới này, liệu có còn ai nhớ tới mình. Nhưng cũng có thể hiểu đó là tình yêu da diết, mãnh liệt của nhà thơ với cuộc đời ngoài kia. Liệu có ai hay dẫu bị đẩy vào lãnh cung của sự chia li đơn côi, thì thi nhân vẫn yêu đời bằng một tình yêu da diết đậm đà, chỉ mong có ai đó thấu hiểu cho tình yêu nỗi nhớ ấy. Câu hỏi chất chứa sự hoài nghi, dằn vặt, đau đớn với khát vọng khôn nguôi được giao cảm với cuộc đời. Khổ cuối là sự thăng hoa tột đinh của cảm xúc hoài nghi. Mạch cảm xúc ấy có sự nối mạch từ những câu hỏi xuất hiện từ khổ một, khổ hai. Bản thân tác giả đang cố tin nhưng hiện thực lại khẳng định điều ngược lại, khao khát cháy bỏng được trở về với Vĩ Dạ, với cuộc đời, nới có thiên nhiên tươi đẹp, có con thuyền chở đầy hạnh phúc, có người con gái đẹp đang chờ đợi đã trở thành nỗi tuyệt vọng.

    Kết luận:

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Đọc lại bài thơ:

    Đây Thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử
     
    Thùy MinhMuối thích bài này.
    Last edited by a moderator: 29 Tháng sáu 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...