Phân tích tâm trạng của người đàn bà hàng chài khi thấy đứa con đánh cha

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi estoulam, 2 Tháng mười 2021.

  1. estoulam

    Bài viết:
    63
    TÂM TRẠNG VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI TRONG ĐOẠN VĂN

    "Người đàn bà dường như lúc này mới cảm thấy.. trở về chiếc thuyền"

    (Tâm trạng và hành động khi chứng kiến cảnh đứa con đánh cha)

    Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút đi tiên phong của văn học thời kì đổi mới. Với hai chặng đường sáng tác ở hai giai đoạn trước và sau 1975, ông có những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Các sáng tác của Nguyễn Minh Châu luôn thể hiện khát vọng đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người, với cái nhìn thấu hiểu, trĩu nặng tình thương và nỗi lo âu đối với những số phận nhỏ bé, bất hạnh. "Chiếc thuyền ngoài xa" là kết tinh của tâm huyết và tấm lòng của nhà văn, là thành quả của một bầu máu nóng luôn hết lòng vì cuộc đời, với những nỗi đau đời đau người tha thiết. Đặc biệt, đoạn văn thể hiện tâm trạng và hành động của người đàn bà khi chứng kiến cảnh con đánh cha đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

    Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác vào tháng 8 năm 1983, lúc đầu in trong tập "Bến quê", sau đó in trong tập truyện ngắn cùng tên. Tác phẩm nằm trong giai đoạn sáng tác sau 1975 của Nguyễn Minh Châu, thời điểm mà ngòi bút nhà văn hòa cùng dòng chảy của cuộc sống, tìm về với cảm hứng thế sự, phát hiện, tìm tòi bản chất tốt đẹp của con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong quá trình hoàn thiện bản thân và tìm kiếm hạnh phúc.

    Người đàn bà hàng chài được khắc họa là một nhân vật không có tên gọi cụ thể, hòa lẫn trong đám đông những con người lao động trên biển. Dáng vẻ chị lam lũ, thô kệch. Chị là nạn nhân của bạo lực gia đình, phải oằn mình chịu đựng người chồng vũ phu trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, lam lũ. Đoạn trích trên nằm ở phần giữa tác phẩm, miêu tả tâm trạng, hành động của người đàn bà trước cảnh tượng đứa con mình, thằng Phác, đánh cha. Hoàn cảnh sự việc bắt nguồn từ cảnh người đàn bà bị chồng đánh đập nặng nề nhưng vẫn cam chịu. Thấy vậy, thằng Phác lao tới, giằng chiếc thắt lưng, quật vào lão đàn ông, gã ta tát thằng bé khiến nó ngã dúi xuống cát.

    Trước hết, khi chứng kiến cảnh ấy, người đàn bà hàng chài cảm thấy đau đớn, xấu hổ và nhục nhã. Chị đau đớn vì không thể tránh được cho con khỏi bị tổn thương. Tâm hồn non nớt của trẻ con không đáng phải chứng kiến cảnh bạo hành đầy bi kịch ấy. Đó là lí do mà mỗi lần bị chồng đánh, chị đều xin chồng lên bờ mà đánh. Chính vì giấu giếm như thế nên khi thằng Phác chứng kiến cảnh tượng bạo hành, người đàn bà mới nhục nhã và xót xa. Cái ngây thơ, niềm tin trong trẻo của đứa con mà chị luôn muốn gìn giữ nay đã rạn vỡ. Khoảnh khắc đó, chị rỏ xuống "những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt." Có thể thấy, từ trước tới nay, ta chưa bao giờ thấy chị khóc, kể cả bị đánh đập chị vẫn cam chịu. Nhưng lần này, chị mới thấy đau đớn và bật khóc. Đó là giọt nước mắt của một con người giàu lòng tự trọng, của một người mẹ với tình mẫu tử thiêng liêng và sự hi sinh cao thượng, khiến chúng ta vừa trăn trở vừa cảm phục sâu sắc.

    [​IMG]

    Tiếng gọi con của chị bật ra trong đau đớn, chị "mếu máo", "ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để." Hình ảnh mẹ vái lạy con quả thật ngược đời, nó là một nghịch lí khiến người ta phải băn khoăn. Ở đây, người đàn bà hàng chài thương con và không muốn nó làm ra hành động lỗi đạo với cha mình. Đó cũng chính là lí do mà chị hay gửi nó lên rừng cho ông bà nuôi vì sợ nó bốc đồng rồi gây ra chuyện không nên. Chị "bất ngờ buông đứa trẻ ra, đi thật nhanh ra khỏi bãi xe tăng hỏng." Chi tiết bãi xe tăng hỏng lại một lần nữa xuất hiện, nó không chỉ là vật chứng cho việc chiến tranh vừa đi qua không xa, nó còn là nhân chứng cho cuộc sống của người dân làng chài với những đói nghèo, khổ cực, là thứ đã tham gia vào việc che giấu hành động bạo lực gia đình. Từ đây, dường như nhà văn muốn khiến chúng ta phải nghiệm ra, cuộc đấu tranh chống lại cái ác còn gay gắt, dai dẳng hơn cả cuộc đấu tranh với kẻ thù xâm lược. Cuộc sống thời hậu chiến, đằng sau cái hào quang thắng lợi trên mặt trận quân sự, còn là biết bao nhiêu đói nghèo, cơ cực. Thật vậy, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, trong cuốn nhật kí nổi tiếng "Mãi mãi tuổi 20" của mình, đã từng viết rằng: "Cuộc sống tuyệt vời biết bao, trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu muộn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời."

    Đoạn văn sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, giản dị nhưng không kém phần sinh động và giàu tính biểu cảm. Đồng thời, Nguyễn Minh Châu cũng cho thấy giọng điệu cảm thương, xót xa cho nỗi khổ của những con người lao động nhỏ bé trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn và hành trình tìm kiếm hạnh phúc, tiêu biểu là người đàn bà hàng chài. NMC đã vận dụng thủ pháp đối lập giữa ngoại hình và nội tâm, giữa số phận bất hạnh và tấm lòng bao dung, nhân hậu.. từ đó mang đến cho người đọc sự xúc động, trăn trở mạnh mẽ. Lời văn dung dị mà đa nghĩa, giọng điệu giàu sắc thái chiêm nghiệm, suy tư. Ngôn ngữ sinh động, linh hoạt, không cầu kì nhưng lại giàu ý vị triết lí, phù hợp với việc khắc họa nhân vật. NMC cũng đã lựa chọn được những chi tiết, hình ảnh phong phú, ám ảnh, gây xúc động cho người đọc, mà trong đoạn văn này là giọt nước mắt và bãi xe tăng hỏng.

    Có thể nói, đoạn văn đã khắc họa thành công diễn biến tâm trạng và hành động của người đàn bà hàng chài, với vẻ đẹp của tình mẫu tử, sự từng trải, thấu hiểu lẽ đời cũng như tấm lòng khoan dung cao cả. Từ đây, ta thấy được tài năng cũng như tấm lòng của NMC, với khát khao đi tìm những hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người cũng như sự băn khoăn, trăn trở thường trực về số phận của họ. Người đàn bà hàng chài cũng là đại diện tiêu biểu cho cuộc đời và phẩm chất của người phụ nữ vùng biển nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung. Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, NMC đã bộc lộ niềm cảm thông sâu sắc cho những số phận bất hạnh, đồng thời trân trọng, nâng niu những nét đẹp tâm hồn nơi họ. Ta thấy được ở nhà văn một cái nhìn ấm áp, đầy tình người cũng như ý thức sâu sắc về hiện thực cuộc sống. Đây cũng chính là biểu hiện cho chiều sâu nhân đạo của tác phẩm.

    "Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" (Sedrin) Thời gian trôi qua, những gì vô nghĩa sẽ bị sàng lọc, trôi vào lãng quên, nhưng những giá trị đích thực sẽ còn sống mãi, qua thời gian sẽ càng chứng minh được sức sống và giá trị của mình. Thật vậy, hình tượng người đàn bà hàng chài đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về tấm lòng nhân hậu, bao dung, tình cảm thiêng liêng của người mẹ cũng như sự thấu hiểu lẽ đời sâu sắc bên trong một dáng vẻ lam lũ, quê mùa. Mang đến những băn khoăn, chiêm nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống, con người, Chiếc thuyền ngoài xa sẽ là một tác phẩm sống mãi với thời gian cùng những thông điệp mà nó gửi gắm. Đó cũng là điều làm nên dấu ấn của nhà văn cũng như sức sống lâu bền của tác phẩm.
     
    Diệp Minh Châu thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...