Phân tích tác phẩm Tràng Giang - Huy Cận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi vivutheogio, 6 Tháng mười 2021.

  1. vivutheogio Thời gian là tĩnh, thứ lưu động là con người

    Bài viết:
    37

    Phân tích tác phẩm văn học Tràng Giang - Huy Cận


    [​IMG]

    Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới. Thơ Huy Cận mang phong cách suy tư, triết lý đặc biệt là những sáng tác trước Cách Mạng tháng 8. Khi bàn về cái đa dạng trong thơ mới, nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận định về ông là "ảo não như thơ Huy Cận". Thật vậy, tác giả "Lửa thiêng" thường cảm nhận sự cô đơn lạnh lẽo và buồn bã trong một không gian bao la trống trải. Tác phẩm "Tràng giang" in trong tập "Lửa Thiêng" chính là tiêu biểu cho nỗi buồn của cả một thế hệ khi nhận ra cái tôi của mình trước vũ trụ bao la rộng lớn. Tác phẩm được sáng tác khi nhà thơ lên Hà Nội học. Mỗi chiều nhớ nhà, ông thường ra bến Chèm, đứng trước sông Hồng để thả hồn vào cảnh sông nước bao la. Điều đó được thể hiện rõ nét qua

    Hai khổ đầu của bài thơ:

    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

    Con thuyền xuôi mái nước song song.

    Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả

    Củi một cành khô lạc mấy dòng.

    Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

    Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

    Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

    Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

    Âm hưởng chung của khổ thơ bang bạc không khí Đường thi cổ điển. Ngay từ nhan đề, nhà thơ đã khéo léo gợi lên một vẻ đẹp cổ điện lại hiện đại. "Tràng Giang" đã gợi lên hình ảnh một con sông dài, rộng lớn. Ở đây, Huy Cận đã sử dụng từ Hán Việt để gợi không khí cổ kính trang nghiêm. Tác giả còn sử dụng từ biến âm "tràng giang" thay cho "trường Giang", hai âm "ang" đi liền nhau đã gợi lên trong người đọc cảm giác về con sông, không chỉ dài vô cùng mà còn rộng mênh mông, bát ngát. Câu thơ đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" gợi nỗi buồn sâu lắng trong lòng người đọc. Đồng thời cho người đọc thấy rõ hơn cảm xúc chủ đạo của tác giả xuyên suốt tác phẩm. Đó là tâm trạng "bâng khuâng"; nỗi buồn mênh mang, không rõ nguyên cớ nhưng da diết, khôn nguôi. Đó còn là không gian rộng lớn "trời rộng sông dài" khiến hình ảnh con người càng trở nên nhỏ bé, lẻ loi, tội nghiệp.

    Bài thơ mở đầu bằng một khổ thơ mang vẻ đẹp thiên nhiên, đậm chất cổ thi. Cảnh vật thiên nhiên ấy lại được cảm nhận qua tâm hồn "sầu vạn kỉ" của nhà thơ:

    "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

    Con thuyền xuôi mái nước song song

    Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

    Củi một cành khô lạc mấy dòng."​

    Ở đây, nhà thơ đã sử dụng một loạt các thi liệu trong thơ Đường như "thuyền, nước, sóng..". Đó là một bức tranh đẹp như bức tranh thủy mặc nhưng buồn đến tê tái. Trên dòng Tràng Giang ấy, những cơn sóng không dữ dội, nó chỉ gợn lên. Thế nhưng dòng sông lại được nhân hóa với nỗi buồn "điệp điệp". Hai tiếng "điệp điệp" tạo nên một không gian bao la bát ngát của dòng sông, quyên nỗi buồn cảnh vật với hồn người. Mỗi cơn sóng mang một tâm sự buồn, cả cơn sóng là hằng hà sa số những nỗi buồn. Cách dùng từ thật mới lạ, độc đáo, không phải là buồn bã da diết mà là buồn "điệp điệp", nghĩa là một nỗi buồn tuy không mãnh liệt nhưng lại vô tận triền miên hết lớp này đến lớp khác không thôi.

    Trong bài "Thuyền và biển", Xuân Quỳnh đã viết như thế này:

    "Chỉ có thuyền mới hiểu

    Biển mênh mông nhường nào

    Chỉ có biển mơi biết

    Thuyền đi đâu về đâu"​

    Nếu trong những câu thơ ấy, thuyền và nước thấy hiểu nhau, đi đôi như hình với bóng thì ở bài "Tràng Giang" của Huy Cận lại ngược lại. Ở câu thơ thứ 2, hình ảnh "thuyền", "nước" còn sóng đôi, "song song" nhưng đến câu 3 thì ta thấy hai sự vật này đã chia ly tan tác "thuyền về nước lại sầu trăm ngả". Nghệ thuật đối giữa "Thuyền về" và "nước lại" nhằm nhấn mạnh sự chia ly, xa cách, thể hiện sự nuối tiếc trong lòng tác giả. Nếu nỗi buồn ở câu 1 còn mơ hồ chưa định hình rõ ràng thì đến đây nó đã trở thành nỗi sầu lan tỏa khắp không gian. Từ trước đến giờ, thuyền và nước là hai vật gần gũi nhau nhưng không phải bao giờ cũng gắn bó vì mỗi con sóng chỉ xuôi theo thuyền trong chốc lát, vì những dòng nước nên "Tràng Giang" sẽ chia ra trăm ngả xa xôi. Nỗi buồn của dòng thơ thứ 3 là nỗi buồn của sự tan tác chia ly. Huy Cận đã quá đau buồn và ông lúc nào cũng mang trong mình một nỗi u hoài, một nỗi chia ly, chia xa. Đó cũng chính là tâm lý có phần bế tắc của những con người Việt Nam thời Pháp thuộc.

    Nỗi buồn càng được đẩy lên cao khi có sự xuất hiện của hình ảnh đời thường - mang màu sắc hiện đại:

    "Củi một cành khô lạc mấy dòng"​

    Hiện tượng đảo ngữ đã dồn thông báo vào từ "củi", nó gợi cả một thân phận từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Quá khứ là một cành cây xanh tươi mà giờ đây chỉ còn là một cành củi khô bập bềnh trên sóng. Cành củi ấy rất thụ động, nó bị xô dạt theo những dòng tràng giang. Thân phận cành củi đã trải qua bao đau thương khô héo, bao trao dạt đổi thay. Đến đây, khổ thơ đã tạo nên cái tương phản giữa sự mênh mang vĩnh hằng của không gian với sự nhỏ bé của cành củi. Tất cả chỉ làm sâu thêm nỗi sầu nhân thế của nhà thơ trên dòng tràng giang cuộc đời. Ông cũng như bao người dân mất nước mang thân phận bọt bèo giữa cuộc đời rộng lớn. Hình ảnh cành củi kia còn tượng trưng cho kiếp người nhỏ bé, những văn nghệ sĩ đang băn khoăn, ngơ ngác, lạc lõng trước nhiều trường phái văn học, ngã rẽ của cuộc đời. Câu thơ nhiều tầng ý nghĩa, khiến cho ý thơ sâu sắc. Đến đây, ta nhận ra nỗi buồn của Huy Cận là nỗi buồn của một kiếp người bởi cuộc đời vốn có nhiều thay đổi, bất ngờ, không báo trước mà con người thì rất nhỏ nhoi và cô độc, lẻ loi. Khổ thơ đầu gợi một cảm giác bâng khuâng, lo lắng, lạc lõng, chơi vơi của tác giả giữa dòng đời vô định, không biết sẽ đi đâu về đâu.

    Đến với khổ thơ thứ hai, không gian sông nước được mở rộng theo nhiều chiều, nhiều hướng nhưng vắng lặng hơn, rợn ngợp hơn khiến cho cái tôi của nhà thơ càng trở nên cô đơn, nhỏ bé:

    "Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

    Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

    Nắng xuống, trời lên sâu chót vót,

    Sông dài, trời rộng, bến cô liêu"​

    Lúc này, góc nhìn của nhân vật trữ tình đã thay đổi, bao quát hơn, rộng hơn khi từ cảnh sông Hồng chuyển sang không gian bao la của trời đất, bến bờ. Đó là một không gian vắng lặng, yên tĩnh: Có cảnh vật (cồn, gió, làng, chợ) nhưng cảnh vật lại quá ít ỏi, nhỏ nhoi (cồn nhỏ, làng xa, chợ vãn). Từ láy "lơ thơ" diễn tả sự thưa thớt, rời rạc của những cồn đất nhỏ nhoi mọc lên giữa dòng tràng giang. Trên những cồn đất nhỏ đó, mọc lên những cây lau, sậy, khi gió thổi qua thì âm thanh phát ra nghe man mác, nghe "đìu hiu" não ruột. Có âm thanh nhưng âm thanh ấy lại phát ra từ ngôi "chợ chiều" đã "vãn" mà làng lại xa nên không đủ sức làm cho cảnh vật sinh động, có hồn.

    Chỉ một câu thơ mà mang nhiều sắc thái gợi lên âm thanh xa xôi, không rõ rệt. "Đâu tiếng làng xa" có thể là câu hỏi "đâu" như một nỗi niềm khao khát, mong mỏi của nhà thơ về một chút sự hoạt động, âm thanh sự sống của con người. Đó cũng có thể là "đâu có", một sự phủ định hoàn toàn, vì chung quanh đây chẳng hề có chút gì sống động để xua bớt cái tịch liêu của thiên nhiên. Phiên chợ vãn buổi chiều của thôn quê Việt Nam ngàn đời vẫn rất tiêu sơ và ảm đạm. Nó không giống như một phiên chợ "lao xao chợ cá làng ngư phủ của Nguyễn Trãi". Chợ vãn gợi lên cái buồn nhưng vẫn còn dấy vết của con người. Ở đây ngay cả tiếng của phiên chợ ấy cũng không có. Nỗi buồn nhân thế được nhân lên gấp bội.

    Đến hai câu thơ tiếp theo thì không gian được mở ra bát ngát:

    "Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót."

    Sông dài trời rộng bến cô liêu​

    Huy Cận đã vẽ nên một khung cảnh không gian ba chiều rộng lớn: Có chiều cao (nắng xuống, trời lên), có chiều rộng (trời rộng) và cả chiều dài (sông dài), thậm chí là có cả độ "sâu". Vũ trụ thì bao la, vô tận, còn con người thì quá nhỏ bé, cô độc lẻ loi. Nhà thơ nhìn lên bầu trời và thấy bầu trời "sâu chót vót". Cách dùng từ thật độc đáo vì nhà thơ không dùng từ "cao" mà dùng từ "sâu". "Cao" chỉ độ cao vật lý của bầu trời. Còn "sâu" không chỉ diễn tả được độ cao vật lý mà còn diễn tả được sự rợn ngợp trước không gian ấy. Đó chính là sự rợn ngợp trong tâm hồn của thi nhân trước cái vô cùng của vũ trụ. Cách sử dụng từ hết sức mới lạ bởi tác giả đã lồng chiều cao vào chiều sâu; ông đang ngắm cảnh bầu trời cao "chót vót" dưới mặt nước "sâu" thăm thẳm. Không gian càng rộng, hình ảnh con người lại càng nhỏ bé, cô độc, lẻ loi đến tội nghiệp Hình ảnh "bến cô liêu" với âm hưởng man mác của hai chữ "cô liêu" ấy, một lần nữa lại gợi ra một nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn về sự sống quá nhỏ nhoi, rất hữu hạn trong thiên nhiên, mà vũ trụ thì cứ mở ra mãi đến vô tận, vô cùng. Vẻ đẹp cổ điển của khổ thơ hiện ra qua các thi liệu quen thuộc trong Đường thi như: Sông, trời, nắng.. cuộc sống con người thì buồn tẻ, chán chường với "vãn chợ chiều", mọi thứ đã tan rã, chia lìa. Vẻ đẹp rất hoang sơ và hung vĩ nhưng chỉ làm cho nỗi buồn thêm dằn vặt và lan rộng. Con người lại càng thêm cô đơn, nhỏ bé và rợn ngợp trước cái bao la của vũ trụ.

    Tràng Giang là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và hiện đại. Cổ điển ở thể thơ, cách đặt nhan đề, bút pháp "tả cảnh ngụ tình". Còn hiện đại trong việc xây dựng thi liệu, đặc biệt là hình ảnh "cành củi khô" gây ấn tượng, cách dùng từ mới lạ "sâu chót vót". Ngoài ra, Huy Cận còn sử dụng nhiều từ Hán Việt tạo nên vẻ trang trọng cổ kính của bài thơ.

    Với ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm xúc, hai khổ thơ cho ta thấy được tâm trạng buồn bã, băn khoăn, ngơ ngác trước những ngã rẽ của cuộc đời. Thi nhân cảm nhận rõ sự nhỏ bé, lẻ loi, cô độc của một kiếp người giữa dòng đời rộng lớn. Đây không phải là nỗi buồn của cá nhân ông mà là cảm xúc chung của cả một thế hệ, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ đầu thế kỉ XX.

    *2 khổ thơ sau:

    Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

    Mênh mông không một chuyến đò ngang

    Không cầu gợi chút niềm thân mật

    Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

    Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

    Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

    Long quê dợn dợn với con nước

    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.​

    Tràng giang nghĩa là sông dài. Nhưng hai chữ nôm na "sông dài" không có được sắc thái trừu tượng và cổ xưa của hai âm Hán Việt "tràng giang". Với hai âm Hán Việt, con sông trong thơ tự nhiên trở thành dài hơn, trong tâm tưởng người đọc, rộng hơn, xa hơn, vĩnh viễn hơn trong tâm tưởng người đọc. Một con sông dường như của một thuở xa xưa nào đã từng chảy qua hàng nghìn năm lịch sử, hàng nghìn năm văn hóa và in bóng trong hàng nghìn áng cổ thi. Cái cảm giác Tràng giang ấy lại được tô đậm thêm bởi lời thơ đề là "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" - Nhớ hờ - Lửa thiêng.

    Nếu như trong 2 khổ đầu bài thơ ta thấy tâm trạng buồn của một "nỗi buồn" thế hệ, một nỗi buồn không tìm ra lối thoát, như kéo dài triền miên của thi nhân thì đến hai khổ thơ sau, tâm trạng ấy được nâng lên chiều cao, lan tỏa trong khói hoàng hôn của buổi chiều tàn.

    Khổ thơ thứ 3 như mở ra cái khung cảnh dường như không có chút dấu vết của sự sống, một khung cảnh như có gì bị chìm đẳm trong thế giới của sự ngột ngạt đến vô cùng:

    "Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

    Mênh mông không một chuyến đò ngang

    Không cầu gợi chút niềm thân mật

    Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng"​

    Nỗi buồn càng được mở rộng ra hơn, dù cảnh có mở ra thêm bờ bờ bãi bãi, thêm ít màu xanh sắc vàng tô điểm giữa bức tranh và thay thê. Những cánh bèo dìu dắt nhau lê thê, hàng nối hàng theo nhau đi mãi nhưng dù vậy thiên nhiên vẫn hắt hiu, vẫn xa vắng lạ lùng. Những cánh bèo ấy sẽ dạt về đâu? Tự hỏi rồi lại bất lực trước câu trả lời, đành để cho tâm hồn mình trở thành chiếc đảo cô đơn giữa trời mây sông nước. Những cụm bèo trôi dạt trong thơ gợi người đọc nhớ đến nỗi buồn của một lớp nhà thơ thời nước mất chưa tìm được hướng đi cho mình và cũng chưa làm được gì hữu ích cho đời như Huy Cận. Từ đây ta hiểu được lòng yêu nước thầm kín của ông, tuy là thầm kín nhưng cũng không kém phần thiết tha thắm đượm.

    Cảnh mênh mông buồn vắng càng được nhấn mạnh hơn bằng hai lần phủ định:

    "Mênh mông không một chuyến đò ngang

    Không cầu gợi chút niềm thân mật.."​

    Dòng sông là bức tường ngăn cách, phương tiện đi qua nó là "đò", "Cầu" là cái khiến con người xóa bớt sự cô đơn. Nhưng ở đây đã có sự phủ định tuyệt đối "không cầu", "không đò" đó là sự khẳng định không có bất kì tín hiệu, mối liên hệ nào để con người gần gũi với nhau, nghĩa là hoàn toàn không bóng người hay một cái gì gợi đến tình người. Điều này cho thấy nội tâm của tác giả đã tăng lên rất nhiều: Càng lúc nỗi sầu, nỗi khao khát tình người càng trở nên cồn cào vò xé và bức bách hơn. Không thơ tiếp theo như như một tiếng thở dài, đành phải chấp nhận chỉ đứng bên này tràng giang để ngắm bên kia mà không hề gặp được.

    "Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng". Đọc câu thơ, ta như thấy xuất hiện hai màu, hai sự vật chứa đựng sắc thái lạc quan đó là bờ xanh và bãi vàng nhưng lại không có một chút liên hệ ràng buộc nào. Hai bờ sông mà như hai thế giời, dù gần cũng thành xa xôi không thể với tới được. Từ "lặng lẽ" đặt trong câu thơ bưng bức một nỗi đau gợi lên sự u buồn của nhà thơ và của Tràng Giang. Như vậy, cùng lúc Tràng Giang cũng mang tính chất biểu tượng – đây là con sông cuộc đời, là hoang mạc vắng tanh của cuộc đời. Giưa trời đất bao la nhưng không tìm được những tâm hồn đồng điệu cới mình, không ai có thể hiểu mình. Nỗi cô đơn cứ thế chất chồng, làm cho con người ta thấy nhỏ bé giữa thiên nhiên càng khát khao hơn sự đồng càm, yêu thương. Đó không còn là nỗi buồn mênh mông trước vũ trụ mà còn là nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn trước cuộc đời.

    Và dường như tất cả những cảm xúc, những ấn tượng, những suy nghĩ của của Huy Cận đã dồn lại ở khổ thơ cuối cùng này:

    "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

    Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

    Lòng quê dờn dợn vời con nước

    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"​

    Ở dòng thơ đầu, ta thấy đôi mắt của nhà thơ dường như đang nhìn thấy rất xa nơi cuối chân trời "Tràng Giang". Không gì vui vằng lúc rạo rực bình minh, nhưng cũng không gì buồn tan tác bằng cái buổi ngày tàn "bóng chiều sa". Nhưng chính lúc ấy trong thơ Huy Cận với "Tràng Giang" lại gợi lên một vẻ đẹp tráng lệ với lớp lớp những tầng mây hợp thành núi mây khổng lồ, được vạt nắng chiếu rọi thành "núi bạc". Đây là một hình ảnh rất đẹp, chứa đựng biết bao yêu mến cả nhà thơ đối với thiên nhiên, xứ sở. Và không gian dường như có sự vận động lặng lẽ: Mây cứ đùn lên mãi chiếm lĩnh bầu trời cao, khiến cho ở đấy mây cũng đầy nỗi buồn rợn ngợp. Tác giả đã dùng cái có của thiên nhiên để nói về cái không của tình người trong cái bể trời bao la ấy. Câu thơ cũng gợi nỗi buồn của Đỗ Phủ khi ông không chốn nương than da diết nhớ quê hương: "Mặt đất mây đùn cửa ải xa".

    Giữa tầng tầng lớp lớp mây núi chất chồng ấy, nổi bật hình ảnh một cánh chim nhỏ đang sa xuống: "Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa". Đôi cánh lấp lánh hoàng hôn khiến nó trông như một giọt nắng từ trên cao rải xuống. Nhà thơ có cảm giác cả không gian vũ trụ đang đè nặng lên đôi cánh nhỏ bé ấy khiến choc him phải chao nghiêng đi. Xuân Diệu đã từng bình "bóng chiều sa nặng đến nỗi nó phải nghiêng cánh lệch cánh đi". Đây một cái nhìn rất lạ, chỉ có các nhà Thơ Mới quan niệm được như vậy.

    Không gian là hữu hình không khối lượng, đám mây xốp cũng như vậy. Thế nhưng không gian làm nghiêng cánh chim, những đám mây cứ ùn ùn tạo nên hòn núi bạc. Hình như cái nặng cái nặng của núi mới có khả năng đè lên cánh chim trời ấy. Hai dòng thơ có thế tương phản: Một bên lớp mây cao hung vĩ và một bên là sự nhỏ bé đơn độc của cánh chim. Cái mênh mông của vũ trụ và cái nhỏ bé của một than phận đã gợi nên sự vĩnh viễn của vũ trụ và cái hữu hạn nhỏ bé cô đơn của kiếp người. Không gian tối sầm theo bóng chiều sa, cánh chim nhỏ bé cô đơn đến tội nghiệp. Đó cũng là sự thể hiện của cái Tôi thi sĩ cô đơn lạc long trước hiện thực đất nước.

    Cả bà thơ Tràng Giang hoang vắng là người đọc chỉ thấy cảnh, thấy không gian. Nhưng đến 2 dòng thơ cuối, con người mới bắt đầu hiện hữu không phải với dáng vẻ bề ngoài mà là nội tâm ở bên trong:

    "Lòng quê dợn dợn vời con nước

    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"​

    Khi thời gian đã chuyển vào buổi chiều muộn, tầm nhìn của con người đã bị thu hẹp nhưng "dờn dợn" gợi một cảm giác về một tâm trạng rất lạnh lẽo, rất ghê sợ. Cái "dờn dợn" ấy đang dần xa, cái hoang lạnh đang chuyển dần về phía tia tắp của bóng tối. Con nước ở đây chính là những con sóng, những lớp sóng. Kết hợp với những từ ngữ ấy ta sẽ thấy lớp sóng cứ gợn lên rồi trôi về phía mênh mông, càng xa càng lạnh lẽo ghê sợ. Nếu ở câu đầu là sóng của tràng giang gợi lên nỗi buồn điệp điệp thì ở câu này cái làm thành lớp sóng tạo nên nỗi buồn chính là "lòng quê". Nói đùng hơn những lớp sóng này không phải gợn lên từ Tràng Giang mà là từ nơi sâu thắm nhát của lòng quê. Do đó những lớp sóng như đang vỗ về nơi xa xôi ấy lại chính là những lớp sóng ào ạt dâng trào trong nhân vật trữ tình. Như vậy "Dờn dợn vời con nước" là hình ảnh cũng là tình cảm diễn tả nỗi buồn của lòng quê, nỗi buồn của con người đang sống giữa đất đai quê hương mình mà như "thiếu quê hương", cứ như người xa xứ chạnh lòng nhớ quê nhà.

    Câu thơ cuối "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" đã gợi rõ nhất, sâu nhất nỗi buồn của Huy Cận. Câu thơ gợi nhớ ngay một ý thơ rất nổi tiếng của thôi Hiệu:

    "Quê hương khuất bóng hoàng hôn

    Trên sông khói trắng cho buồn lòng ai"​

    Ở đây có sự gặp gỡ giữa cổ điển và hiện đại. Câu thơ này kết thúc cả bài vì vậy nó có khả năng khơi gợi sự mênh mang cho độc giả. Nếu Thôi Hiệu nhìn khói hoàng hồn mà chạnh lòng nhớ nhà, nỗi nhớ gợi cảm giác yên bình thì nỗi buồn của Huy Cận thực thể hơn, hiện đại hơn nỗi buồn đầy khí vị triết học của Thôi Hiệu. Huy Cận nghĩ đến cái nhà – nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có cha mẹ an hem hàng xóm bầu bạn, nhớ nhà bằng một tấm lòng quê rất thật thà, dù không khói vẫn nhớ nhà, nỗi nhớ ấy là một nỗi nhớ của tâm hồn chống chếnh bất an, cô đơn lạc long, không còn nơi bám víu, phải tìm về điểm tựa cuối cùng của lòng mình là gia đình và quê hương. Cho nên ẩn trong nỗi bơ vơ của một cá thể trước trời đất vũ trụ là nỗi bơ vơ của một người dân mất nước và thiết tha với tạo vật ở đây cũng chính là thiết tha với chính giang sơn tổ quốc mình.

    Tràng Giang là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển, nhất là yếu tố Đường thi với yếu tố thơ mới. Nhiều yếu tố hiện đại thể hiện "tinh thần Thơ mới" và sự sáng tạo mới mẻ của Huy Cận, đó là một cái "Tôi" thơ mới lãng mạn, giàu cảm xúc trước tạo vật. Hình ảnh sinh động, cảm giác tinh vi phong phú, nhiều sáng tạo bất ngờ bằng cách sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng "cánh chim nhỏ", từ điệp ngữ "dờn dợn", phép đối ngẫu để thể hiện đúng tâm trạng lẻ loi, cô đơn của người lữ khách xa quê.

    Bằng ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm xúc, 2 khổ thơ cuối đã cho ta thấy những hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi với người Việt Nam: Một dòng sông mênh mang, một con thuyền xuôi dòng, một bến bờ xa vắng.. có cái gì đó như hồn dân tộc, hồn đất nước quê hương thấm đượm trong từng cảnh vật giản dị nhưng gợi cảm ấy. Cảnh hoàng hôn tuy có buồn vắng nhưng là một bức trang đẹp bởi được vẽ bằng một ngòi bút có tình yêu tha thiết đối với quê hương đất nước. Âm điệu trầm buồn, vừa dư ba vừa sâu lắng: Nhịp điệu, thanh điệu, từ láy, sự lặp đi lặp lại tạo âm hưởng trôi chảy miên man cùng nỗi buồn vô tận của cảnh vật và hồn người.

    Đọc bài thơ:

    Tràng Giang - Huy Cận
     
    Last edited by a moderator: 15 Tháng hai 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...