Phân tích tác phẩm Sang thu - Hữu Thỉnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThaoTalay, 16 Tháng tám 2024.

  1. ThaoTalay

    Bài viết:
    2
    Tác phẩm "Sang thu" là một tác phẩm quá đỗi quen thuộc với các thế hệ học sinh của chương trình SGK cũ, và hiện nay, "Sang thu' lại xuất hiện trong SGK Ngữ Văn 7 Tập 1 của nhà xuất bản Chân trời sáng tạo. Để bộc bạch lòng yêu thích của không chỉ riêng tôi mà còn đặc biệt nhiều độc giả đối với đứa con tinh thần của Hữu Thỉnh, và sự mong muốn được chia sẻ, cung cấp kiến thức cho các bạn học sinh của chương trình học SGK mới, bài viết này ra đời.

    Phân tích tác phẩm Sang thu - Hữu Thỉnh


    Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng:" Câu thơ hay là câu thơ có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong ký ức của con người. "Muốn viết được tựa như nhà phê bình ấy đã nhận định, anh phải bật tung cửa phòng để nhìn ngắm thế giới như một vị họa sĩ đang ước lệ vẻ đẹp của cuộc sống, anh phải nhắm mắt, nghiêng tai lắng nghe những chuyển động tế vi của đất trời như một nhà soạn nhạc tài ba đang góp nhặt thanh âm của trần thế, hòa mình vào dòng đời, vào thế thời. Và Hữu Thỉnh đã thực thi trọn vẹn những công đoạn ấy, để rồi một" Sang Thu "ra đời, nhẹ nhàng mà tha thiết, đọng lại dư ba trong tâm người thưởng thơ.

    Đôi lời về tác già Hữu Thỉnh, ông sinh năm 1942, tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông nguyên là bộ đội xe tăng thuộc Trung đoàn 202, tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại các chiến trường miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Về sự nghiệp văn học của mình, ông làm thơ từ nhỏ, lớn lên vẫn duy trì việc làm thơ, còn viết nhiều bút kí văn học và báo. Tài năng của thi nhân thể hiện ở sức khái quát và gợi nghĩ của ngôn từ. Hơn cả, mỗi tác phẩm của ông là một sự chiêm nghiệm, chặt chẽ, hàm súc, gợi mở và luôn nhất quán về hình tượng, luôn đậm màu triết luận.

    Mở đầu tác phẩm, Hữu Tỉnh miêu tả những tín hiệu giao mùa giữa hạ và thu nơi vùng quê Bắc Bộ:


    " Bỗng nhận ra hương ổi

    Phả vào trong gió se

    Sương chùng chình qua ngõ

    Hình như thu đã về "

    Từ" bỗng "được đảo lên đầu câu, cùng với cách viết khuyết chủ ngữ, người hình dung được không chỉ nhà thơ, mà là cả những người dân vùng quê nơi đây đột ngột, ngạc nhiên cảm nhận được" hương ổi "- sự kiện đánh thức thu tới. Tín hiệu đầu tiên để nhận ra mùa thu lại chính là hương ổi- hương thơm của loại quả mộc mạc mà lại giản dị, thân quen của trời thu phương Bắc. Thu đến trong thơ Hữu Thỉnh một cách rất riêng, không phải là làn nước trong xanh, mùi hoa thiên lí nhẹ nhàng với Nguyễn Bính:

    " Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ,


    Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu ".

    (Chiều thu -Nguyễn Bính)

    Hay với Xuân Diệu, thu tới với:

    " Đây mùa thu tới, đây mùa thu tới

    Đây áo mơ phai dệt lá vàng "

    (" Đây mùa thu tới "- Xuân Diệu)

    [​IMG]

    Thu là hương ổi chín nơi quê nhà mộc mạc, ấm nồng gợi lại kí ức tuổi thơ của những ngày xưa cũ mà ta chẳng thể quay về. Chính tác giả cũng từng tâm sự:" Giữa đất trời mênh mang, giữa cái khoảng khắc giao mùa kì lạ thì điều khiến cho tâm hồn lay động phải giật mình nhận ra đó chính là mùi hương ổi.. Nó giống như mùi bờ bãi, mùi non trẻ.. hương ổi tự nó xộc thẳng vào miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta ". Thứ hương ấy không" bay ", không" quyện "mà" phả ", là xộc thẳng vào khứu giác. Hữu Thỉnh đã dử dụng từ ngữ gợi tả rất đắt, chỉ một từ vậy thôi cũng đủ gợi hương thơm như đang đặc sánh lại, ngào ngạt và đậm đặc thành luồng trong gió, được" làn gió se "- tín hiệu thứ hai báo hiệu thu đến nơi đất bắc, đưa hương đi khắp ngõ ngách của làng quê. Dư vị của hương ổi kia, cảm giác hơi lạnh tưởng tượng như đang mơn trớn trên da neo đậu lại trong tâm trí người đọc một ấn tượng khó phai.

    " Sương "được nhân hóa qua từ" chùng chình "đầy sinh động, giống như một con người đang níu lại, chập chừng và lưu luyến, vẫn còn muốn tận hưởng những tín hiệu báo thu về thêm nữa. Đồng thời, con người cũng vậy, nhà thơ cũng vậy, cũng muốn ngắm nhìn, muốn mở rộng lồng ngực để cảm nhận sâu đậm thu về trên quê hương, bởi Hữu Thỉnh vốn là người con quê hương Bắc Bộ kia mà. Ông đã cảm nhận dấu hiệu của mùa thu bằng tất cả các giác quan và sự tinh tế trong tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ thực thụ. Trong sự ngỡ ngàng, cả khứu giác, xúc giác và thị giác đều đang mách bảo rằng thu đã về mà con người vẫn chưa còn chưa dám tin, chưa dám chắc. Thành phần tình thái" Hình như "tựa sự phỏng đoán đầy nghi hoặc, nửa khẳng định, nửa kia lại hoài nghi, là cái ngạc nhiên, bâng khuâng và xao xuyến của thi sĩ trước khung cảnh giao động của đất trời sang thu, bởi thu như chỉ đang chạm khắc bước tiến đầu tiên, chỉ mới đem chút sự vật thân quen của mình mà giao với hạ oi bức, nên Hữu Thỉnh mới chỉ thấy được" Hình như ".

    Tiếp đến, khung cảnh giao thoa giữa thu và hạ nơi thiên nhiên đất trời được khắc họa:

    " Sông được lúc dềnh dàng

    Chim bắt đầu vội vã

    Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu. "

    Tới đây, cái bỡ ngỡ ban đầu đã tan biến đâu mất, nhường lại chỗ cho những rung cảm mãnh liệt của hồn thơ. Bức trang sang thu được miêu tả ở tầm nhìn xa hơn, cao rộng hơn của bầu; dài ra và rộng thêm của dòng sông. Thiên nhiên trong thơ được Hữu Thỉnh tinh tế nhân hóa trở nên vừa có hồn vừa có tình. Dòng sông lúc sang thu không còn cuồn cuộn gấp gáp như ngày hạ mà bỗng trở nên" dềnh dàng ", cụm từ" được lúc "mới là vẻ sinh động ở sự vật ấy. Như thể sông cũng tựa con người, những tháng ngày mùa hạ hóa thành cơn bão lũ, giờ đây, về với trời thu, nhiệm vụ của sông đã tạm dừng lại, mới được phút thảnh thơi sau những ngày làm việc vất vả. Nhưng đàn chim lại khác, chúng" vội vã ", bởi trời thu đến, nghĩ là dấu hiệu rét đến, buộc phải gấp rút hướng về phía Nam tránh rét. Phải tinh tế biết bao để Hữu Thỉnh nhận ra được cái" được lúc "và cái" dềnh dàng "của thời gian mà tưởng rằng luôn nhịp đều đều không thay đổi. Đại thi hào M. Gorki từng nói:" Thơ là tâm hồn ", vậy ắt hẳn hồn nhà thơ phải luôn đong đầy cảm xúc mới có thể cho ra đời những dòng thơ sâu sắc như vậy. Và chọn được hai sự vật đối lập, hai thái cực tương phản biểu trưng cho thu và hạ, Hữu Thỉnh quả là cực khéo, tô đậm bức tranh giao thoa sắc nét. Cứ y như giữa mùa thu và mùa hè vẫn có một lằn ranh làm bằng sợi dây vô hình giăng ra giữa thinh không, khiến đám mây yêu kiều và đỏng đảnh kia có thể vắt nửa mình qua đó mà khoe sắc phô duyên vậy. Thu chỉ đang ở nơi cửa ngõ của mùa, vì vậy đám mây chỉ vừa mới" vắt nửa mình "mà thôi. Từ" vắt "sao mà đậm ý vị, duyên dáng và vô cùng gợi ảnh, gợi hình ảnh đám mây bỗng dịu nhẹ, lả lướt và đẹp đẽ vô cùng. Có lẽ, ta cũng từng bắt gặp một đám mây như vậy trong thơ của Lê Thu An:

    " Mây trời một dải trắng pha

    Vắt ngang sườn núi chiều thu ngập ngừng "

    Mây của Lê Thu An" vắt ngang "sườn núi- là một sự vật hữu hình và ta có thể nhìn, có thể cảm. Thế nhưng đám mây của Hữu Thỉnh lại khác, nó tựa như một dải lụa bồng bềnh vắt nửa mình sang thu. Trên đời này giữa hạ và thu làm gì có một" ranh giới "rạch ròi nào phân cách? Ấy vậy mà Hữu Thỉnh lại vẽ nên ranh giới cho một thứ vô hình như thế. Ông tinh tế dùng hình ảnh của không gian để diễn tả lại sự vận động diệu kỳ của thời gian. Đám mây kia là thật, nhưng ranh giới của mùa là ảo.

    Đến với khổ thơ cuối, ta ấn tượng vô vùng với lời thì thầm triết lí đầy sâu sắc:

    " Vẫn còn bao nhiêu nắng

    Đã vơi dần cơn mưa

    Sấm đã bớt bất ngờ

    Trên hàng cây đứng tuổi. "

    Thu đã hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết, vẫn là mưa, là sấm nhưng đã chẳng còn ào ạt, bất ngờ và ồn ã như lúc trước. Chúng lắng lại, chừng mực và ổn định hơn những ngày hạ, không còn dữ dội, cũng chẳng còn gay gắt, nặng nề. Nắng" vẫn còn ", tức là đã giảm ; mưa" vơi dần "rõ là giảm ; sấm" bớt bất ngờ "càng giảm. Cả ba nghiêng về chiều giảm, nhưng xem chừng, cái vế sau mới là chốt hạ. Ở hai câu thơ cuối không còn đơn thuần chỉ là miêu tả bức tranh mùa thu nữa mà đã trở thành một triết lý sống sâu sắc Hữu Thỉnh ẩn ý đan cài vào bài thơ. Cũng như chính tác giả đã từng tự bạch:" Có thể hiểu, hàng cây đã lớn, đã trải qua bao mùa thay lá sẽ trở nên vững vàng hơn trước những tiếng sấm bất ngờ ". Tuy đã sang thu, nhưng lòng vẫn còn bao nhiêu nắng. Đồng thời, bao tủi sầu yếu đuối, bao cơn mưa thở than nay cũng đã vơi dần. Bước sang thu, hàng cây trẻ hồi nào giờ đã đứng tuổi. Sự từng trải đã giúp cây trưởng thành, đủ vững trãi đối đầu với mọi ba động, mọi cú giáng của cuộc đời. Khi càng trưởng thành, càng trải nghiệm nhiều, ta lại càng trở nên bình tâm hơn khi đối mặt với nhưng cơn sấm mà cuộc đời ban tặng, không còn bồng bột như xưa. Đến đây, người đọc như vỡ òa đi khi nhận ra" sang thu "không chỉ có ở thời gian, ở thiên nhiên mà còn là sự" sang thu "của đời người. Thì ra, mùa thu đâu chỉ có chuyện tiêu sơ. Mùa thu còn là chuyện trưởng thành.

    Tác phẩm" Sang thu "có nghệ thuật đặc sắc. Tại sao không phải là" Thu sang "mà là" Sang thu "? Tất cả đều là dụng ý của tác giả cả. Với tiêu đề" sang thu ", ta dường như cảm được sự chuyển động của sự vật, mọi thứ như có hồn hơn, sinh động và không bị tĩnh lặng, Hữu Thỉnh khéo léo sử dụng nghệ thuật đảo ngữ." Sang thu "làm ta có cảm giác như mùa hạ đang chủ động chuyển mình thành một sắc trời mới, dịu dàng, mát mẻ hơn là nàng thu mộc mạc. Đây là một cách làm tuy không mới nhưng rất riêng của Hữu Thỉnh, hữu ý tạo nên sự chiêm nghiệm len lỏi trong lòng độc giả. Tác phẩm cũng xuất phát từ bao nhiêu giác quan cảm nhận, từ cái nhìn và liên tưởng độc đáo của Hữu Thỉnh. Hình ảnh thú vị đám mây mùa hạ" vắt nửa mình sang thu "khiến người đọc liên tưởng đám mây kia không phải vật vô tri vô giác mà bỗng trở nên có hồn, có cảm xúc.

    Tựu trung lại, những tín hiệu và khung cảnh giao thoa giữa hạ và thu, lời thì thầm triết lí sâu sắc qua" Sang thu' của Hữu Thỉnh luôn làm độc giả yêu mến và lưu luyến. Không chỉ có thế, bài học về tình yêu thiên nhiên quê hương, đất nước, và sự ca ngợi con người từng trải, lẽ sống kinh nghiệm đã làm nên một"Sang thu' độc và riêng hơn bao giờ hết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng tám 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...