Phân tích tác phẩm Người Lái Đò Sông Đà - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi mèo nhỏ lạc quan, 25 Tháng sáu 2022.

  1. mèo nhỏ lạc quan

    Bài viết:
    20


    Phân tích tác phẩm Người Lái Đò Sông Đà - Nguyễn Tuân

    Bao giờ cũng thế, văn học- cuộc sống- con người luôn có một mối quan hệ hữu cơ khó có thể tách rời. Văn chương là bản nhạc của hiện thực, là nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của người nghệ sĩ. Dường như có một sợi dây vô hình cột chặt văn học vào cuộc sống. Phải chăng vì thể mà mảnh đất Tây Bắc đã mời gọi những văn nhân nghệ sĩ về để khai phá và viết lên những bài văn vần thơ hay về nơi đây. Và trong tuỳ bút "Sông Đà", nhà văn Nguyễn Tuân đã dùng những viên ngọc trai tinh chất được gạn lọc từ biển sâu của hiện thực để rồi mang lại những áng văn neo đậu trong tâm hồn chúng ta về linh hồn văn chương với tác phẩm "Người lái đò sông Đà".

    Có thể nói, nhắc đến Nguyễn Tuân chính là nhắc đến một tài năng phong phú cùng những tác phẩm có giá trị cao. Tác phẩm "Người lái đò sông Đà" là bài tuỳ bút được in trong tập "Sông Đà" sáng tác năm 1960. Nguyễn Tuân đã xây dựng hình tường sông Đà vô cùng độc đáo mang ý tứ rất hay để con sông không chỉ là một vị trí trên bản đồ mà con sông Đà như oằn mình, cựa quậy trên từng trang viết trở thành một sinh thể có hồn qua ngòi bút của ông. Tập tuỳ bút là kết quả của chuyến đi miền Bắc không những thể hiện niềm khát khao "xê dịch" và cả mục đích đi tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên. Chính bởi sự đặc sắc mà sông Đà lấp lánh hai nét tính cách vừa hung bạo, vừa trữ tình đã hấp dẫn lấy ngòi bút Nguyễn Tuân và trở thành nguồn cảm hứng bất tận.

    Sông Đà là biểu tưởng của thiên nhiên Tây Bắc- một dòng chảy vĩ đại giữ núi rừng tây Bắc, chảy qua những địa hình ghập ghềnh, trắc trở. Chính vì thế mà sông Đà có những đặc điểm riêng không lẫn với dòng sông nào. Trước hết là một sông đà với hình tượng hùng vĩ, hiểm ác và hung bạo. Diện mạo con sông hiện lên đầu tiên là "cảnh đá bờ sông dựng vách thành", bởi sự so sánh độc đáo đã khiến người đọc liên tưởng như một thành cao sừng sững. Thế mà lòng sông hẹp đến mức "có quãng con nai, con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia" hay thậm chí là chúng ta "Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách". Không chỉ có lòng sông hẹp, bờ sông dựng vách thành rất cao mà nó còn rất âm ưu và lạnh lẽo. Cũng chỉ khi đúng vào mười hai giờ trưa thì nơi đây mới có ánh nắng xuyên xuống đem thêm chút ấm áp "đúng ngọ mới có mặt trời". Nguyễn Tuân đã cho người đọc cảm nhận trực tiếp như thể chính chúng ta đang tự lái đò qua dòng sông bởi "như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một cái khung cửa sổ nào trên tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện". Một câu văn với những liên tưởng nối tiếp liên tưởng đã cho ta thấy sự so sánh tinh tế, vừa bất ngờ vừa lạ lùng. Thể rằng sự uyên thâm trong việc sử dụng ngôn ngữ củ Nguyễn Tuân như lục lọi đến cuối cùng của kho tàng trí tưởng tượng để lay động hình ảnh trong dòng suy nghĩ của chúng ta.

    Đến với nghệ thuật điệp ngữ cùng nhịp điệu dồn dập, câu văn ngắn dài đan xen: Ở mặt ghềnh hát Lóong "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió" một cách hỗn độn. Bằng kết cấu trùng điệp, tác giả đã cho ta thấy sự nguy hiểm của con sông hung dữ, sẵn sàng lấy đi tính mạng của con người. Hình ảnh sông Đà qua ngòi bút của Nguyễn Tuân, khiến người đọc bất giác rùng rợn cảm thấy sợ hãi tựa như vừa tự mình chèo thuyền qua quãng sông này mà thử cảm giác. Thế nên khi chèo thuyền men qua những vực nước sông Đà nếu không cẩn thận thuyền sẽ bị hút xuống. Ôi chao! Cái cảm giác lạnh lẽo và rợn người của câu văn tác động mạnh mẽ vào trực cảm trí tưởng tượng của mỗi chúng ta. Bằng tài năng của mình Nguyễn Tuân đã đưa chúng ta vào lối so sánh, nhân hóa độc đáo kích thích trí tưởng tượng, khơi lên những rùng rợn, nhấn mạnh sự nguy hiểm, hung bạo của sông Đà.

    Cùng với đó tiếng thác réo nghe càng ghê sợ hơn: "Như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Tiếng thác rống như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng". Qua dòng văn được miêu tả độc đáo, thác nước đã để lại ấn tượng sâu sắc. Một thác nước có đủ âm điệu, cung bậc, nó như đe dọa trấn áp tinh thần con người. Nhà văn đã sử dụng lối so sánh, nhân hóa độc đáo, lấy lửa tả nước, lấy rừng tả sông. Từ đó làm nên thứ âm thanh nghe thật ghê rợn, khủng khiếp trước cái hung bạo của con sông Đà. Phối hợp với sóng nước với tiếng thác ầm ầm là "sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này". Thạch đá trên sông hiện lên qua ngòi bút của Nguyễn Tuân đã góp phần tô đậm cái dữ dội hiểm ác của sông Đà. Thế mới thấy, qua trí tưởng tượng phong phú nhà văn đã mang đến cho người đọc cảm nhận thú vị về cảnh tượng ở lòng sông. Tác giả vận dụng kiến thức ở mọi lĩnh vực như võ thuật, quân sự, thể thao.. Để làm rõ tính cách hung bạo, hiểm ác đầy cuồn cuộn kia. Cũng vì thế mà qua trang văn của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên với diện mạo, tâm địa của một kẻ thù số một của con người Tây Bắc.

    Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến một nhà văn ưa cái lạ và độc đáo. Với ông mà nói, đã là đẹp phải đẹp tuyệt mĩ, đã là dữ dội phải dữ dội đến khác thường. Và con sông Đà đáp ứng được hai bậc cảm xúc của Nguyễn Tuân vì con sông Đà mang trong mình hai tính cách trái ngược nhưng thống nhất với nhau. Ở phần thượng lưu, con sông hung bạo, dữ dội bao nhiêu thì ở hạ nguồn, nó lại toát lên một vẻ đẹp rất trữ tình, thơ mộng bấy nhiêu. Sông Đà là một công trình nghệ thuật, một kiệt tác mà tạo hóa đã ban cho vùng đất Tây Bắc, để khám phá hết nét đẹp ấy, nhà văn đã nhìn con sông bằng nhiều góc độ. Khi nhìn từ trên cao, ông nhận ra con sông đà từng làm mình làm mẩy với con người Tây bắc chỉ như một cái dây thùng ngoằn ngoèo. Đã thế nó còn rất gợi cảm "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân". Một câu văn với nghệ thuật kết cấu trùng điệp và cách so sánh liên tưởng gần gũi, sông Đà hiện lên mang nét đẹp của một thiếu nữ Tây bắc đầy xuân sắc nhưng không kém phần e lệ dịu dàng bởi mái tóc tuôn dài, mềm mại. Từ trên cao nhìn xuống, Tây Bắc tựa người thiếu nữ duyên dáng, yêu kiều bởi dòng chảy uốn lượn tựa như áng tóc buông dài vắt ngang qua núi. Ở góc nhìn này, ta nhận thấy sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế và cả sự kì công của tác giả. Bởi thế mà ngòi bút của ông không chỉ là sự tài hoa mà còn là sự thông qua liên tưởng độc đáo và cách so sánh trùng điệp đậm chất phong tình.

    Nguyễn Tuân như thể một người quay phim, gom hết trọn những quang cảnh xung quanh vào lăng kính của mình. Khi đi rừng rồi tình cờ đổ ra sông Đà: "Trước mắt thấy loa lóa như trẻ con nghịch chiếu gương và mắt mình rồi bỏ chạy", hay cái màu nắng sông đà mang vẻ đẹp Đường thi. Gặp lại sông đà "thấy đầm đầm ấm ấm như gặp lại cố nhân". Nhìn con sông vào nhiều thời điểm khác nhau, nhà văn lại phát hiện sự khác biệt của sông Đà theo mùa. Cái ngọt ngào, xanh xanh mà trong vắt, long lanh như tấm gương phản chiếu mang nét đặc trưng riêng không lẫn vào đâu của Tây Bắc vào xuân. Hay cái thu trầm mặc khiến dòng nước xanh đỏ hẳn đi "lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì nghiện rượu". Thế mới thấy dụng công trong việc so sánh màu nước như màu da người càng làm dòng sông tựa hồ có linh hồn, biết cảm xúc và tâm trạng, Nguyễn Tuân đã biến một dòng sông vô tri vô giác trở nên sống động và thần sắc. Với nhà văn, sông Đà là một cố nhân "lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng như nước lũ" hệt như cái vẻ đẹp tính cách của tuổi xuân xanh người thiếu nữ. Lướt trên dòng nước, ngồi thuyền đi sông đà, Nguyễn tuân nhận thấy "Cảnh ven sông ở đây lặng tờ". Ngồi trên thuyền mà cảm nhận lấy cái vẻ đẹp tĩnh lặng, hoang sơ của "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". Tĩnh lặng và hoang vắng như vậy, bờ sông nguyên sơ như thể chưa từng có bàn tay nào khai phá. Có cảm giác như Nguyễn tuân đang miêu tả và giữ gìn cái hoang sơ, nguyên vẹn của con sông. Thế mới thấy, sông Đà hung bạo đến khủng khiếp và thơ mộng đến tuyệt vời. Qua đó, Nguyễn Tuân muốn ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc đồng thời tự hào về vẻ đẹp của tổ quốc. Những áng văn với dáng dấp mềm mại, êm trôi khiến người đọc không khỏi mơ màn, say đắm trước ngòi bút của ông.

    Sông Đà dữ dội hùng vĩ là thế, tuy nhiên qua ngòi bút của Nguyễn Tuân lại không kém phần thơ mộng, trữ tình. Nhà văn đã nhìn sông Đà bằng ánh sáng say đắm, bằng trái tim đa cảm đa tình của nhiều cùng bậc cảm xúc cũng như nhiều phương diện quan sát. Có lẽ rằng đều mà Nguyễn Tuân muốn nhấn mạnh là vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc. Một vẻ đẹp hoang dại nổi hình nổi sắc có hồn lay động khiến cho con sông động mãi trong kí ức độc giả mãi về sau..
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...