Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị được miêu tả trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài

Discussion in 'Học Online' started by meonhomauxanh, Jan 30, 2023.

  1. meonhomauxanh

    Messages:
    3
    Đề: Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài miêu tả trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài. Từ đó, làm rõ tài năng phân tích diễn biễn tâm lí nhân vật của tác giả.

    Bài làm

    Tô Hoài là nhà văn lớn, với sức sáng tạo dồi dào, ông có số lượng tác phẩm đạt kỉ lục trong nền văn học hiện đại Việt Nam, đến trên 200 đầu sách. Ông cho rằng: "Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc". Nhà văn có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng miền và có ân tình đặc biệt với mảnh đẩ Tây Bắc, cũng như con người nơi đây. Với lối trần thuật tự nhiên, giọng văn lôi cuốn, hấp dẫn và sự miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật vô cùng sắc sảo, tinh tế, "Vợ chồng a Phủ" là một trong những tác phẩm đặc sắc tiêu biểu cho phong cách Tô Hoài. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952. Truyện tố cáo tội ác của bọn phong kiến thực dân, phản ánh số phận đau khổ của người lao động miền núi, cho thấy con đường tự giải phóng và sức sống mãnh liệt, đã đứng lên gỡ bỏ xiềng xích để đến với ánh sáng tự do. Sức sống đó được thể hiện rõ ràng trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài. Qua đó, ta cũng thấy được tài năng của Tô Hòa trong việc phân tích diễn biến tâm lí nhân vật.

    Mở đầu tác phẩm, Tô Hoài giới thiệu Mị bằng một giọng kể như lời của cổ tích để đưa ta về với vùng núi Tây Bắc xa xôi: "Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa". Mị xuất hiện một cách cực kì ấn tượn, gợi lên cho người đọc nhiều sự thương cảm. Cô lúc nào cũng "cúi mặt, mặt buồn rười rượi", mang một dáng vẻ lầm lũi, lam lũ, một số phận éo le, đau khổ, một con người nhẫn nhục, cam chịu và bất lực trước số phận của mình. Thế nhưng, trước đây Mị đâu có như thế, Mị ngày trước vốn là một cô gái trẻ đẹp và tài hoa, Mị có tài đặc biệt về âm nhạc, "Mị thổi sao giỏi", "có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sao đi theo Mị". Không những vậy, cô còn chăm chỉ, siêng năng, sẵn sàng lao động, không ham giàu sang phú quý. Những tưởng cô sẽ được một cuộc sống êm đẹp, hạnh phúc, nhưng vì món nợ truyền kiếp biến Mị trở thành "con dâu gạt nợ" cho nhà thống lí Pá Tra. Cũng từ đó, cô chôn vùi cuộc đời, tình yêu và tuổi trẻ trong những ngày tháng khổ đau, đen tối, "có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc" và dần dần qua mấy năm thì "mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Tuy nhiên, sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong Mị chưa bao giờ bị dập tắt, nó giống như ngọn lửa bị vùi lấp dưới đống tro tàn, chỉ chờ một cơn gió thoảng qua là ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy trở lại mạnh mẽ. Và cơn gió trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài đã thổi lên ngọn lửa trong Mị.


    Sự thức tỉnh đời sống ý thức của Mị trước hết là nhờ tác động của hoàn cảnh khá "điển hình" - mùa xuân về trên miền núi cao Tây Bắc, "gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội". Người dân Hồng Ngài đang chờ đón Tết, "những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ", đám trẻ con thì "chơi quay" cười nói ầm ĩ, hòa vào cái không khí nhộn nhịp ngày xuân. Mùa xuân gợi dậy ở con người và thiên nhiên sức sống tiềm tàng và những khát vọng. Sự sống của tạo vật và con người như được mùa xuân khơi dậy, làm bừng tỉnh. Và cả "tiếng ai thổi sao rủ bạn đi chơi", tiếng sáo gọi bạn tình cứ thiết tha, bồi hồi, "tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng". Với Mị, tiếng sáo gọi bạn là biểu tượng lôi cuốn nhất của mùa xuân, của khát vọng hạnh phúc. Cái nồng nàn của đêm xuân lại được tăng thêm bởi bữa rượu ngày Tết, trong tiếng "chiêng đánh ầm ĩ" và bữa rượu tiếp ngay bữa cơm bên bếp lửa. Có thể nói, yếu tố ngoại cảnh đã tác động mạnh mẽ đến Mị, nhất là tiếng sáo. Bởi ngày trước, Mị thổi sáo giỏi, biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Tiếng sáo chính là tiếng ca của hạnh phúc, là biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Trong tác phẩm, tiếng sao được nhắc đến năm lần, mỗi lần là một cung bậc khác nhau. Lúc "tha thiết bổi hổi", lúc "văng vẳng", có lúc "bay lửng lơ ngoài đường", rồi lại "rập rờn trong đầu Mị". Tiếng sáo đã "vọng" vào tâm hồn Mị, đánh thức con người của quá khứ, thức tỉnh con người của hiện tại, giúp Mị tìm lại mình với khát vọng yêu và khát vọng sống.

    Đầu tiên, khi mới nghe tiếng sáo, Mị "ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi", tựa như cô gái ấy đã lên tiếng sau bao ngày câm lặng. Trong không khí của đêm tình mùa xuân, Mị đã uống rượu, "Mị uống ừng ực từng bát". Mị uống để quên đi thực tại, để được sống lại với những kỉ niệm ngày xưa, men rượu đưa Mị "sống về ngày trước", nhớ lại những kỉ niệm đẹp của ngày trước, nhất là tiếng sáo dập dìu của trai làng đã bao đêm theo đuổi Mị. Cách uống rượu của Mị chứa đựng sự phản kháng. Mị uống rượu như nuốt hờn, nuốt tủi, nuốt giận vào trong. Thế rồi, Mị say, "Mị lịm mặt ngồi đấy..", Mị ngồi trơ một mình giữa nhà, dường như Mị nhận ra mình đã bij lãng quên, mình chẳng còn liên quan gì đến những tiếng sáo, đến lễ hội ngoài kia nữa. Nhưng men rượu đã giúp Mị thấy "phơi phới trở lại, trong lòng đợt nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước". Rượu và âm thanh của tiếng sáo đã đánh thức con người thật của Mị, con người tưởng như đã chết từ ngày Mị về làm dâu nhà thống lí Pá Tra. Mị cảm thấy "mình trẻ lắm", "Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi".. Khát vọng sống càng mãnh liệt thì sự căm phẫn càng thiêu đốt tâm hồn Mị. Mị nhận thức rõ hơn bao giờ hết cái vô nghĩa, bất công của cuộc sống thực tại, cho nên "nếu có ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay". Mị lại muốn được chết, chứng tỏ tinh thần phản kháng đang trỗi dậy trong Mị. Cô đã ý thức được cái hoàn cảnh đau khổ tủi nhục triền miên của đời mình. Không chấp nhận cuộc sống vô nghĩa như kiếp sống của một con vật, nghãi là sống lại tinh thần phản kháng.

    Tô Hoài vô cùng khéo léo khi đưa tiếng sáo trở đi trở lại trong từng đoạn văn. Đó là chi tiết nghệ thuật có sự dụng công của tác giả. Tiếng sáo là biểu tượng của tình yêu, hạnh phúc, tự do. Tiếng sao như ngọn gió trực tiếp thổi bùng lên ngọn lửa trong lòng Mị, cuốn Mị vào hàng loạt hành động. "Mị muốn đi chơi", "Mị cũng sắp đi chơi". Cô đứng lên "xắn miếng mỡ" bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Đây là hành động thức tỉnh. Phải chăng Mị đã thắp một ngọn đèn soi rọi vào cuộc sống của mình để thoát khỏi những đêm dài tăm tối. Rồi Mị "quấn lại tóc", "với tay lấy cái váy hoa" để đi chơi. Hình như Mị không hề quan tâm đến những ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến, những xiềng xích tàn bạo của nhà thống lí. Mị tự ý hành động như một người tự do đi theo tiếng gọi lòng mình. Tâm hồn Mị đang biến động, diễn biến tâm lí cũng phức tạp. Suy nghĩ đã chuyển thành hành động, hành động này đến hành động khác, không thể nào ngăn lại được.
    Ngay cả khi bị A Sử trói đứng, trong đầu Mị dường như quên mất bản thân đang bị trói, quên đi đau đớn, "Mị vùng bước đi" theo tiếng sáo, khát khao được đi chơi. A Sử chỉ có thể trói được thể xác Mị chứ không thể trói được tâm hồn Mị. Mị đã thức tỉnh sau bao năm tháng bị vùi dập trong đau khổ. Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc vẫn luôn ẩn sâu trong tâm hồn Mị, giống như hòn than vẫn âm ỉ cháy dưới lớp tro tàn, và chỉ cần một trận gió thổi tới là nó có thể bùng cháy mãnh liệt. Những tác động của ngoại cảnh là không nhỏ, nhưng sức mạnh tiềm ẩn, không thể nào dập tắt mới là yếu tố mấu chốt quyết định sức sống của Mị, của mỗi con người.

    Có một câu văn trong sách Nguyễn Ngọc Tư vô cùng phù hợp với hoàn cảnh và tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân: "Càng ồn ào lễ hội, người ta càng cô đơn, càng đông đúc chung quanh ta càng đơn độc, bởi có những tâm hồn không ai thấu hiểu được". Ngoài kia lễ hội tưng bừng là thế, nhưng dường như chẳng hề liên quan gì đến Mị cả. Mị đơn độc một mình trong xó bếp, cô chẳng quan tâm đến ai và cũng chẳng ai quan tâm đến cô. Và cũng từ đó mà tâm hồn Mị biến động để rồi dẫn đến những thay đổi tâm lí và hàng loạt các hành động diễn ra liên tiếp, không thể dừng lại. Những diễn biến tâm lí và hành động đó của Mị trong đêm tình mùa xuân được nhà văn khéo léo thể hiện bằng nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, tự nhiên, ngôn ngữ biểu cảm, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật.. Tác giả không đi sâu vào miêu tả hành động, mà tập trung khai thác diễn biến nội tâm nhân vật. Tất cả đã khẳng định tài năng của nhà văn và làm nổi bật được sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị.

    Bằng tài năng và tấm lòng thương cảm của mình, nhà văn Tô Hoài đã phát hiện và ngợi ca sức sống tiềm tàng của người dân lao động miền Tây Bắc, ngay cả khi họ bị đày đọa trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Ông hướng ngòi bút của mình về những số phận đang chịu cảnh áp bức, bị tước đoạt quyền sống, quyền tự do nơi vùng núi cao. Chính điều đó đã làm sáng lên giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc của tác phẩm.

    Có ý kiến cho rằng: "Nghệ thuật miêu tả tâm lí con người là thước đo tài năng người nghệ sĩ". Sự thành công của truyện ngắn "Vợ chồng a Phủ" đã minh chứng cho nhận định trên, đặc biệt là trong việc miêu tả, phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị của Tô Hoài. Tác giả đã xây dựng nhân vật Mị với nhiều điểm nghệ thuật đặc sắc. Nhân vật được giới thiệu một cách tự nhiên mà vô cùng ấn tượng. Khi khắc họa hình tượng nhân vật, ông không thiên về miêu tả hành động mà tập trung vào khai thác tâm lí nhân vật. Mị được xây dựng theo kiểu con người phân lập, một cô Mị hiện tại vô hồn, vô cảm, sống mà như đã chết, "ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi.." và một cô Mị trong quá khứ vẫn âm ỉ cháy một sức sống tiềm tàng, lòng yêu đời tha thiết. Thế nên, Tô Hoài mới tìm mọi cách để Mị trong quá khứ sống trỗi dậy bằng sự đánh thức của nhiều yếu tố trong đêm tình màu xuân, cả những yếu tố ngoại cảnh lẫn sức sống tiềm tàng bên trong Mị. Không những thế, tác giả còn rất tài tình khi miêu tả quá trình chuyển hóa tâm trạng của Mị.
    Hidden Content:
    **Hidden Content: You must click 'Like' before you can see the hidden data contained here.**


    Viết về nhân vật của mình, Tô Hoài tâm sự: "Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt". Chính sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật Mị đã làm nên sức sống trường tồn, vĩnh cửu của tác phẩm "Vợ chồng a Phủ". Có thể nói Mị là linh hồn, là hơi thở của tác phẩm. Xây dựng nhân vật Mị là một thành công đặc sắc của tác giả Tô Hoài. Qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình màu xuân, nhà văn đã khẳng định sức sống tiềm tàng mãnh liệt và khát vọng tự do của con người trong mọi hoàn cảnh.[/PROTECT]
     
    KaiserMichael, hana0, npanie and 7 others like this.
    Last edited: Jan 30, 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Loading...