Phân tích sự biến đổi nhận thức của Phùng và Đẩu trong Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ột Éc, 18 Tháng mười hai 2022.

  1. Ột Éc

    Bài viết:
    2,950
    Phân tích sự biến đổi nhận thức của Phùng và Đẩu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

    Nguyễn Minh Châu là nhà văn nổi tiếng trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông được mệnh danh: "Người mở đường tinh anh và tài năng nhất" Truyện ngắn: "Chiếc thuyền ngoài xa" là một trong những tác phẩm tiêu biểu, nổi tiếng của Nguyễn Minh Châu. Tác phẩm nói về nghệ thuật chân chính phải gắn liền với đời sống thực tế; người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách đơn giản, phiến diện, một chiều mà cần phải có cái nhìn về cuộc sống, con người đa dạng, nhiều chiều.

    [​IMG]

    Nhân vật trong tác phẩm: "Chiếc thuyền ngoài xa" là những con người đời thường, dung dị trên hành trình đầy vất vả, gian nan, nhọc nhằn tìm kiếm hạnh phúc. Nhân vật Phùng, Đẩu có sự chuyển biến, thay đổi nhận thức sâu sắc về cái đẹp, luân thường đạo lý khi nghe câu chuyện đàn bà hàng chài ở tòa án huyện. Nguyễn Minh Châu không chỉ khắc họa thành công tính cách, phẩm chất, tâm lý thông qua nhân vật người đàn bà hàng chài mà còn làm nổi bật những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của nhân vật Phùng và Đẩu.

    Phùng là nhiếp ảnh gia, anh được giao nhiệm vụ đi thực tế chụp bức ảnh về đề tài thuyền và biển. Anh cất công, bỏ cả thời gian, công sức cả tuần để "phục kích" thì cuối cùng anh cũng phát hiện ra vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên, tạo hóa ban tặng: "một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ" Khi bắt gặp, chứng kiến khung cảnh thiên nhiên, thơ mộng, lãng mạn trên biển, anh vô cũng vui mừng, phấn khích liền lấy máy ảnh chụp nhanh khoảnh khắc, khung cảnh tuyệt vời. Đó là cảnh chiếc thuyền lưới vó đang tiến vào bờ trong buổi sáng có sương mù pha chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Bóng người lớn và trẻ em ngồi im phăng phắt như pho tượng trên chiếc mui khum khum. Hình ảnh ấy được nghệ sĩ Phùng nhìn qua cái mắt lưới nằm giữa hai gọng vó như một cánh dơi. Vẻ đẹp thiên nhiên "trời cho" thật gần gũi, mộc mạc, thân thượng. Phùng nhận định đó là vẻ đẹp "thật đơn giản và toàn bích" Đứng trước khoảnh khắc thiên nhiên đầy choáng ngộp khiến Phùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên, bất ngờ, cảm thấy như "trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào" Phùng xao xuyến, xúc động khi nhận ra vẻ đẹp tự nhiên của cuộc sống và vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn của người nghệ sĩ chân chính "khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn"

    Trong suốt hành trình đầy gian nan, vất vả, nhọc nhằn đi tìm kiếm cái đẹp, hạnh phúc thì cuối cùng Phùng cũng tìm thấy một cảnh đẹp toàn bích. Anh nhận ra, "bản thân của cái đẹp chính là đạo đức", bởi vì đạo đức chính là kim chỉ nan giúp ta tìm thấy cái đẹp chân chính và lĩnh hội được những điều có giá trị, ý nghĩa trong cuộc sống. Niềm vui, hạnh phúc khi Phùng nhận thức được vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống nằm ngay chính sự giản đơn, mộc mạc, dân dã thường ngày mà đôi khi ta vô tình không để ý hoặc bỏ quên. Nhưng phía sau cái đẹp bề ngoài Phùng nhìn thấy lại tồn đọng bên trong sự thật trớ trêu, phũ phàng và đau lòng.

    Khi chiếc thuyền tiến gần vào bờ, cảnh tượng kinh hoàng diễn ra, người đàn bà "trạc ngoài bốn mươi" với những "đường nét thô kệch", "rỗ mặt", "khuôn mặt mệt mỏi", ăn mặc nghèo khổ"tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá", "cặp mắt nhìn xuống chân", tay "buông thõng xuống" ra vẻ "nhẫn nhục, cam chịu", người đàn ông có dáng vẻ to lớn, dữ tợn "lưng rộng và cong như một chiếc thuyền", "mái tóc tổ quạ", "chân đi chữ bát", "hàng lông mày cháy nắng rủ xuống", "hai con mắt đầy vẻ độc dữ", cảnh tượng bạo lực diễn ra trên biển khiến Phùng không khỏi xót xa "chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà", vừa đánh "vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két" và nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ, đau đớn "Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!" Trong suốt thời gian làm nghề cầm máy ảnh, lần đầu Phùng chứng kiến cảnh thương tâm xảy ra. Phùng sững sờ, không tin được vào mắt mình "cứ há mồm ra mà nhìn", sau đó "vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới"

    Anh không thể khoang tay đứng nhìn người đàn bà đáng thương, tội nghiệp kia bị tra tấn, anh định ra tay cho lão ta một trận vì tội hành hung, hiếp đáp người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng thằng Phác đã nhào tới bảo vệ mẹ nó, nó giật chiếc thắt lưng và ra sức đánh trả người cha, lão ta đánh thằng Phác "ngã dúi xuống cát" rồi trở lại thuyền. Vài hôm sau cảnh bạo lực vẫn tiếp diễn, lần này Phùng lao ra đánh trả lão ta, muốn lão ta chấm dứt hành động sai trái này và hậu quả là Phùng bị thương và đưa về tòa án huyện để điều trị.

    Tại tòa án huyện khi lắng nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài đã làm thay đổi nhận thức của Phùng và Đẩu. Phùng và Đẩu mong muốn người đàn bà bỏ tên vũ phu, vì nếu cứ tiếp tục chung sống với lão ta thì người đàn bà hàng chài lại chịu nhiều tổn thương về mặt tinh thần lẫn thể chất. Khi người đàn bà van xin "Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó" khiến Đẩu vô cùng tức giận, phẫn nộ và thắc mắc, tại sao một người gây ra cho mình nhiều tổn thương, nỗi đau mà mình cứ không chịu từ bỏ để bắt đầu cuộc sống mới tốt đẹp hơn chứ! Còn nghệ sĩ Phùng khi nghe câu nói van xin của người đàn bà hàng chài, cảm thấy ngột ngạt, khó thở, tỏ ra bất ngờ trước quyết định tiếp tục sống với lão vũ phu của người đàn bà hàng chài. Nhưng khi nghe những lời bộc bạch, giãy bày nỗi lòng, tâm tư, tình cảm của chị, Phùng và Đẩu mới "vỡ ra" nhiều điều về cuộc đời, số phận của người chị. Đằng sau vẻ bề ngoài cam chịu, tủi nhục, đáng thương của chị là cả tấm lòng hy sinh, đầy vị tha, bao dung, yêu thương "đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình" khiến Phùng và Đẩu không khỏi xúc động. Chính sự từng trải, thấu hiểu lẽ đời một cách sâu sắc nên chị mới không từ bỏ lão vũ phu: "đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sấp con mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa"

    Chị vẫn có được niềm vui, hạnh phúc, động lực sống chứ không như Phùng và Đẩu nghĩ cuộc đời của chị chỉ có đau khổ: "Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no", "trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ" Từ những lời tâm sự chân thành của người đàn bà hàng chài đã giúp Phùng và Đẩu ngộ ra nhiều điều về nghệ thuật chân chính, những góc khuất của cuộc sống. Người nghệ sĩ chân chính, người đại diện cho công lý, lẽ phải cần có cái nhìn khách quan, đa chiều. Cái nhìn phiến diện, ở vẻ bề ngoài có thể dẫn đến nhiều sai lầm trong suy nghĩ, nhận thức lẫn hành động.

    Đẩu nhận ra, lòng tốt đáng quý nhưng chưa đủ, luật pháp là cần thiết nhưng phải đi vào đời sống. Cách giúp người khác bớt đau khổ là lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu. Giải pháp mang lại hiệu quả nhất phải thiết thực, hợp tình hợp lý.

    Phùng đã có sự trải nghiệm thực tế cuộc sống, trên con đường đi tìm cái đẹp nghệ thuật, hạnh phúc đích thực. Anh nhận ra, nghệ thuật phải gắn liền với cuộc đời. Đừng vội đánh giá cuộc sống thập toàn thập mỹ chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài, bức tranh thiên nhiên mà nên dấn thân để hiểu hơn cuộc sống đích thực. Bức tranh nghệ thuật có nhiều gam màu sáng tối, cũng như cuộc đời mỗi người có nhiều khía cạnh, góc khuất. Niềm vui, hạnh phúc luôn đi đôi với nỗi khổ, niềm đau.

    Hạnh phúc chỉ thực sự đến với những ai từng trải qua nhiều tổn thương, mất mát. Phùng là người yêu cái đẹp, ghét cái xấu, bất công nên anh có hành động muốn loại trừ cái xấu nhưng rồi anh đã thay đổi nhận thức khi nhận ra, con người luôn có hai mặt tốt - xấu, chẳng có ai là hoàn thiện. Cuộc sống nghèo khó, áp lực về mọi thứ đã khiến người đàn ông thay đổi tâm tính. Người đàn bà có vẻ cơ cực, đau khổ vẫn có lúc cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình. Nghệ thuật chân chính phải phản ánh được cuộc đời, đừng nhìn vào sự hào nhoáng bên ngoài mà vội kết luận, đánh giá bất cứ điều gì.

    Nguyễn Minh Châu thật tài tình khi miêu tả, khắc họa diễn biến tâm lý, nhận thức của các nhân vật một cách sắc sảo, tinh tế. Nhân vật Phùng và Đẩu đã có sự trải nghiệm trong cuộc hành trình tìm kiếm cái đẹp, sự hoàn hảo, ý nghĩa, giá trị đích thực của cuộc sống. Phùng đại diện nghệ sĩ yêu cái cái đẹp, Đẩu đại diện cho công lý, lẽ phải. Cả hai đã ngộ ra nhiều điều, nghệ thuật cốt lõi phải từ đời sống thực tế, luật pháp chỉ hữu ích khi ta biết lắng nghe, thấu hiểu và áp dụng sao hợp lý với từng trường hợp cụ thể.

    Niềm vui, hạnh phúc không ở đâu xa xôi mà luôn ở hiện tại nếu như ta biết đủ và cảm thấy hài lòng. Ta chỉ đau khổ khi tâm ta cứ tìm kiếm sự thập toàn thập mỹ ở nơi xa, mà quên mất đi thực tại được sống đã là hạnh phúc.


    Xem thêm: Đọc Hiểu Chiếc Thuyền Ngoài Xa - Nguyễn Minh Châu
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng ba 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...