Phân tích Sông Đà trữ tình: Thuyền tôi trôi trên sông Đà... - Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ángmây, 4 Tháng bảy 2023.

  1. ángmây

    Bài viết:
    10
    Đề: Phân tích đoạn trích sau

    "Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi không chớp mắt lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vễnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành:" Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương? ". Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên" Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình "của" một người tình nhân chưa quen biết "(Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên."

    (Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân)

    Bài làm

    Nhà văn Pautopxki từng nói: "Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp". Hơn ai hết, Nguyễn tuân chính là nhà văn như thế. Ông là người theo chủ nghĩa duy mĩ với quan niệm cuộc đời là một cuộc hành trình đi tìm cái đẹp và "suốt đời tôn thờ và phụng sự cái đẹp". Mỗi tác phẩm của ông là một bài ca về vẻ đẹp con người, của cuộc sống với tình cảm, sự gắn bó sâu nặng với quê hương đất nước. Nếu như trước cách mạng văn học của Nguyễn tuân chạm đến người đọc bởi vẻ đẹp tài hoa của những con người "vang bóng một thời" như huấn Cao thì sau cách mạng, ông tạo nên những rung cảm bởi sự tinh tế và tài năng bằng việc vẽ nên những nét vẽ gân guốc trong tác phẩm Người lái đò sông Đà. Trong đó, nét trữ tình của con sông qua cái nhìn cận cảnh đã để lại ấn tượng với độc giả, mang lại một hình tượng mới về con sông hùng vĩ của dân tộc.

    Là "cả một định nghĩa về người nghệ sĩ" suốt cuộc đời Nguyễn tuân luôn luôn khao khát theo đuổi và tìm kiếm cái đẹp. Ông lúc nào cũng muốn lăng cả cái vỏ của mình trên trái đất để thay đổi thực đơn cho giác quan. Và có lẽ sông Đà trữ tình nhìn từ đôi bờ chính là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm nghệ thuật của ông. Mở đầu đoạn trích bằng một câu văn ngắn toàn thanh bằng: "Thuyền tôi trôi trên sông Đà" nó gợi cảm giác êm ru, nhẹ nhàng, tĩnh lặng như chưa từng có dấu vết của con người xuất hiện. Nếu trong cảnh vượt thác, Nguyễn tuân tung ra hàng loạt vốn từ ngữ phong phú, chính xác, mới lạ để diễn tả cuộc chiến giữa ông đò với thần sông, thần đá có đủ quân đông, tướng dữ bằng một giọng văn mạnh mẽ, nhịp văn gấp như thác gầm, sóng réo, thì đến đoạn văn này giọng văn, nhịp điệu thay đổi hẳn: Nhẹ nhàng, lâng lâng, mơ màng. Vẻ đẹp thơ mộng êm điềm của Đà giang ở quãng hạ lưu được diễn tả đầy chất thơ: "Cảnh ven sông lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi". Tính từ "lặng tờ" được nhắc lại hai lần như nhân đôi cái êm điềm, tĩnh mịch, như khóa chặt dòng chảy của thời gian giúp người đọc xuôi về quá khứ xa xưa. Hướng về dòng chảy lịch sử càng làm nổi bật vẻ đẹp nguyên sơ của đôi bờ đá. Hình như từ buổi hồng hoang của nhân loại đến những mốc lịch sử xa xưa đời Lí, đời Trần, đời Lê, sông Đà vẫn ngủ yên ả trong cái "lặng tờ" ấy, chưa từng ai khám phá nó chưa từng ai đánh thức nó. Đúng như cách Nguyễn tuân đã so sánh: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích xưa". Dùng không gian để gợi mở thời gian, mở rộng biên độ để làm nổi bật vẻ đẹp hồn nhiên nguyên thủy của đôi bờ đá. Phải chăng những cuộc ẩn trú của "con nai, con hổ" cũng xuất phát từ sự "hoang dại" và "hồn nhiên" ấy? Nét nguyên thủy của con sông đã khiến Nguyễn tuân hoài niệm về những cũ xưa. Trong giấc mộng lớn của nhà văn dành cho sông Đà, ông vừa trầm tĩnh nghĩ về quá khứ nhưng cũng đủ một lòng thành nhã nhặn vọng ước cho tương lai nơi đây. Trong tâm tưởng, nhà văn đã trông mong sự gắn kết, hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, mong cho sự phát triển tiến bộ của dân tộc: "Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ-Yên Bái-Lai Châu". Ông còn hình dung một cuộc gặp gỡ giữa con hươu thơ ngộ với một người lữ khách: "Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: Hỡi ông khách sông Đà có phải ông cũng vừa nghe một tiếng còi sương?", Nguyễn tuân như hình dung cả tấm lòng mình khi nghĩ rằng tiếng còi tàu sẽ đến tây bắc và đưa nơi này tiến lên mạnh mẽ.

    Bờ sông ở đây còn nổi lên vẻ đẹp của thảm thực vật và muôn thú. Trong cảnh lặng tờ của thiên nhiên, sương đêm chưa tan hết, nhà văn đã nhìn thấy một vẻ đẹp đầy sức sống "một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa mà tịnh không một bóng người, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp". Cảnh tượng đó còn được ấn tượng bởi "một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm". Sắc xanh non trong lành tinh khiết của những "nõn búp" hay "lá ngô" dường như che phủ võng mạc của người nhìn ngắm, cùng với sự hiện diện của những con vật lành. Một vẻ đẹp đầy chất thơ chất họa. "Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi", cá quăng mình lên không trung để phô trương cái bụng trắng như bạc. Sự so sánh ấy khiến ta nhớ đến câu thành ngữ "rừng vàng biển bạc". Có phải đây là ngụ ý ngầm ca ngợi non sông gấm vóc của đất Việt mà cụ thể là sự giàu có của sông Đà? Bên cạnh đó ông còn vận dụng "lấy động tả tĩnh" trong đường thi để làm nổi bật nét thanh bình ở nơi đây. Thiên nhiên giống như một bức tranh thủy mặc đẹp lộng lẫy mà bất cứ ai cũng sẽ say mê trước cái sự thanh bình này. Từ vẻ đẹp của khúc hạ lưu sông, nguyễn tuân khéo léo liên tưởng đến ý thơ của tản đà "thuyền tôi trôi trên" Dải sông Đà bọt nước lênh đênh - bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình "của" một người tình nhân chưa quen biết "mang lại cho dòng sông vẻ đẹp chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp thi vị của thơ ca trong cái nhìn tinh tế độc đáo và tài hoa. Nguyễn tuân tiếp cận và bầu bạn với sông Đà, gửi vào dòng nước chảy trôi ấy biết bao là yêu thương để rồi ông cũng cảm được nỗi mong nhớ của" người bạn cố nhân "mà hạ nguồn dành cho thượng nguồn:" Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên ". Những câu văn nhịp điệu chậm, buồn như đúng dòng chảy lững lờ của nó. Không còn thác đá gào thét, không có xoáy nước, không còn trùng vi thạch trận với những cửa sinh cửa tử. Con sông" đang nhớ thương" "đang lắng nghe" một mặt khác của sông Đà, đó là "giọng nói êm êm của người xuôi", hạ lưu "nơi những con đò nở chạy buồm vải". Hình ảnh so sánh độc đáo và nhân hóa khiến con sông hiện lên như một sinh thể sống có tâm tư cảm xúc "của một người tình nhân chưa quen biết" - một người tưởng như quá quen thân nhưng thực ra chưa hiểu hết.

    Một tác phẩm nghệ thuật thành công là khi nó đến với người đọc, nó để lại ấn tượng sâu sắc, vượt qua quy luật băng hoại của thời gian để làm nên sức sống trường tồn bất diệt. "Người lái đò sông Đà" của nguyễn tuân đã làm được điều đó. Bởi khi nhắc đến tác phẩm ấy, từng nét vẽ đầy nghệ thuật của tác giả đều in tạc chân thực vào tâm trí độc giả. Đặc biệt qua đoạn trích nét lãng mạn của sông Đà qua cái nhìn cận cảnh đã đem lại một cái nhìn mới mẻ, một vẻ đẹp khỏe khoắn tràn đầy sức sống và hồn điệu của núi sông mà còn thấp thoáng cả những đường nét mềm mại tinh khôi.
     
    LieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 7 Tháng mười hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...