PHÚ SÔNG BẠCH ĐẰNG - TRƯƠNG HÁN SIÊU "Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp Mây, gió, hoa, trăng, tuyết, núi, sông" (Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh) Các bậc văn nhân xưa không chỉ biết dùi mài kinh sử với giấy mực, mà rất nhiều người trong số họ mang chí hướng vô cùng to lớn. Người xưa nói "lùi một bước trời cao biển rộng", sự "lùi lại" ấy đôi khi chỉ là một sự thay đổi trong lối tư duy về thưởng ngoạn cảnh sắc. Ngắm một cảnh đẹp, đề một bài thơ về cảnh sắc ấy có khi nào có thể bao quát được cả chí khí của người cầm bút? Với tráng chí bốn phương cùng tâm hồn lộng gió, Trương Hán Siêu đã viết một "Phú sông Bạch Đằng" thể hiện rõ tâm trạng và chí khí bản thân thông qua hình tượng nhân vật "khách". Các tác phẩm văn học thường được tác giả xây dựng nên một nhân vật trữ tình, nhân vật ấy sẽ thay cho tác giả để bày tở những suy nghĩ, tâm tư của mình. Đối với "Phú sông Bạch Đằng", nhân vật được gửi gắm những tâm tư ấy có lẽ chính là nhân vật "khách". Dù không được miêu tả về ngoại hình, cũng không có câu đặc tả chí khí, thế nhưng qua bài phú ta có thể thấy được hình tượng một bậc văn nhân với tư thế của một con người với tâm hồn khoáng đạt, tha thiết vươn ra thế giới rộng lớn để tận hưởng. Con người ấy còn mang trong mình tráng chí mạnh mẽ về những miền đất lạ, đứng trước Bạch Đằng giang dậy sóng ngàn năm, tâm trạng người ngắm cảnh cũng thay đổi theo từng dòng lịch sử. Ngay mở đầu bài phú, tác giả đã cho ta cảm giác về một vị "tao nhân mặc khách" vô cùng tự do, bản thân có được cho mình rất nhiều kiến thức về những địa danh "đã đi" : "Giương buồm giong gió chơi vơi, Lướt bể chơi trăng mải miết" "Khách" là một người phóng khoáng yêu thích ngao du, động từ "lướt" gợi ra cảm giác về sự di chuyển hết sức nhẹ nhàng và uyển chuyển. Bằng tư thế tiêu dao và khao khát khám phá, "khách" làm bạn cùng gió trăng giong thuyền đến với những nơi mang cảnh sắc tươi đẹp. Đối với những người mang "tráng chí bốn phương" thì có lẽ bao nhiêu cũng là chưa đủ, bởi thế nên sớm tối đều tận dụng thời gian ngao du: "Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương, Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt. Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt." Bởi sự cố gắng tìm tòi cùng sự đầu tư thời gian, công sức "khách" có thể cảm nhận được cảm giác thích thú khi biết tới thật nhiều nơi: "Nơi có người đi Đâu mà chẳng biết" Dù có nơi là "khách" trực tiếp cảm nhận, nhưng cũng có những bức tranh là do thi ca vẽ nên, người đọc sách cùng với tâm hồn phóng khoáng vẫn có thể tự đưa bản thân đi trải nghiệm một chuyến du ngoạn ngay bên bàn giấy. Nhìn trực tiếp cũng vậy, nghe kể lại cũng thế, dẫu sao "khách" cũng có trong mình được một kho tàng kiến thức. Dẫu "Đầm Vân Mộng" đã "chứa vài trăm trong dạ", "tráng chí bốn phương" của "khách" "vẫn còn tha thiết". Chỉ một cụm từ "vẫn còn tha thiết" đã lột tả được sự khao khát mạnh mẽ trong trái tim của nhân vật trữ tình, con người ấy không cam chịu sự gò bó, luôn muốn bứt ra khỏi mọi giới hạn. Để vượt ra được những giới hạn ấy khách đã: "Bèn giữa dòng chừ buông chèo Học Tử Trường thú tiêu dao" Đứng trước sông Bạch Đằng đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, "khách" không chỉ là một người có thú tiêu dao du ngoạn thông thường nữa. Cảnh sắc cùng những trang lịch sử đã gợi nên cho nhân vật trữ tình biết bao suy ngẫm, sự sâu sắc, thâm trầm, hoài niệm của nhân vật hiện lên rõ ràng qua lời miêu tả cảnh vật và những trận đánh oanh liệt trên sông. Sau khi "Qua cửa Đại Than/ Ngược bến Đông Triều", "khách" đã được nhìn thấy một Bạch Đằng với: "Bát ngát sóng kình muôn dặm, Thướt tha đuôi trĩ một màu. Nước trời một sắc, Phong cảnh ba thu" Bạch Đằng hội tụ cả cái dữ dội với "sóng kình muôn dặm" cùng sự mềm mại thướt tha như "đuôi trĩ". Sóng nước xanh biếc, "nước trời một sắc" gợi ra sự hòa quyện tuyệt hảo. Nhân vật trữ tình là người nhạy cảm, lại đã đi qua nhiều nơi những suy tư và cảm nhận so với người khác cũng có phần phong phú và đặc biệt hơn. Cảnh sông nước trước mắt có thể với nhiều người không có gì đặc biệt, nhưng trước mắt nhân vật lại là "phong cảnh ba thu" vừa thân quen vừa mới mẻ. Bạch Đằng là con sông từng ghi dấu trận đánh lừng lẫy của Ngô Quyền năm 938, Bạch Đằng khi ấy càng mạnh mẽ và oai phong bao nhiêu thì giờ đây khi chứng kiến "Bờ lau san sát/Bến lách đìu hiu/Sông chìm giáo gãy/Gò đầy xương khô", nhân vật trữ tình càng cảm thấy sầu bi bấy nhiêu. "Khách" buồn vì "Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá", tiếc thay cho "dấu vết luống còn lưu", khi lịch sử đã qua đi những cảnh vật còn sót lại khiến người ngắm cảnh man mác buồn. Dù buồn vì quá khứ đã lùi sâu tác giả vẫn muốn gợi lại không khí của những ngày oanh liệt, mượn hình tượng các bô lão để tác giả có dịp được bày tỏ tâm trạng của mình về những ngày kháng chiến: "Đây là chiến địa buổi trùng hưng nhị thánh bắt Ô Mã, Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao." Hai trận đánh oanh liệt gắn liền với tên tuổi hai vị đế vương và một vị tướng tài thiên cổ đã được tác giả khéo léo nhắc tới với thái độ vô cùng kính phục. Không khí tấp nập, khẩn trương cùng sĩ khí của quân lính cũng rất nhanh đã được gợi lại trong một bức tranh toàn cảnh: "Đương khi ấy: Thuyền tàu muôn đội, Tinh kì phấp phới. Hùng hổ sáu quân, Giáo gươm sáng chói." Trận đánh tưởng như không cân sức lại tạo ra được không khí áp đảo tới nỗi khiến cho "Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/ Bầu trời đất chừ sắp đổi". Và rồi một cái kết vốn tưởng được định sẵn sẽ "Gieo roi một lần/ Quét sạch Nam bang bốn cõi"; lại trở thành "Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay/Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi". Dòng sông Bạch Đằng với sóng nước vỗ quanh năm đã trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho sự thảm bại của quân thù, dù cho "nước sông chảy hoài" thì "nhục quân thù" vẫn không thể rửa được. Câu thơ được vận dụng những liên tưởng vô cùng khéo léo đã tạo ra hiệu ứng vô cùng hiệu quả, chỉ cần nước sông kia còn chảy thì thảm bại năm xưa vẫn như còn mãi ở nơi đây. Viết về Bạch Đằng tác giả đã hết lòng ca ngợi, dù buồn vì "cảnh còn người mất" dòng sông vẫn mang trong mình sự mạnh mẽ cuộn trào trong âm thầm, nó đã ghi dấu những dấu mốc lịch sử vĩ đại không thể quên đối với bất cứ người dân đất Việt nào. Đứng trước dòng sông lộng gió, "khách" còn nhớ tới người xưa, nhớ tới những bậc anh hùng đã tạo nên lịch sử cho Bạch Đằng, cho dân tộc. Dẫu Bạch Đằng đã góp rất nhiều công sức nhưng thành công có được cũng nhờ "nhân tài giữ cuộc điện an". Chiến thắng lẫy lừng năm xưa có được cũng bởi "đại vương coi thế giặc nhàn", đã có những kế sách thật độc đáo, thật toàn vẹn. Những bậc anh hùng ấy cũng sẽ giống như sóng nước Bạch Đằng mà "bia miệng không mòn", trường tồn với thời gian. Nếu câu ngâm của các bô lão ca ngợi sông Đằng "Sông Đằng một dải dài ghê/Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về biển Đông" thì "khách" đã bày tỏ tấm lòng sâu sắc hơn với các triều vua uy danh trên sông này "Anh minh hai vị thánh quân/ Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao". Tác giả qua nhân vật khách đã bày tỏ rõ quan điểm của mình, rằng so với sự thuận lợi từ yếu tố bên ngoài thì yếu tố con người vẫn quan trọng hơn cả. Mỗi nhân vật khi được xây dựng đều tượng trưng cho những ý nghĩa riêng, hình tượng "khách" trong bài thơ có lẽ chính là khách thể đại diện cho chính tác giả. Nhân vật khách dưới ngòi bút Trương Hán Siêu hiện lên với sự phóng khoáng, yêu thích ngao du, ham tìm tòi và khám phá; ở nhân vật khách hiện lên một "tráng chí" vô cùng mạnh mẽ với mong muốn đặt chân tới thật nhiều nơi, thu lượm thật nhiều kiến thức. "Khách" cũng có thể coi là một người có niềm hoài cổ khi vẫn nhớ tiếc khôn nguôi về "sông Đằng" lừng lẫy một thuở, sự tiếc nhớ về cảnh xưa, người xưa chính là biểu hiện của tình yêu sâu nặng cho quê hương đất nước. Có thể nói nhân vật khách trong bài phú đã làm tròn được nghĩa vụ truyền tải cả chí khí và tâm trạng của tác giả. Đã từng có nhiều người viết về sông Bạch Đằng như Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Cao Bá Quát, nhưng màu sắc của Bạch Đằng trong thơ Trương Hán Siêu lại có những góc nhìn và chiều sâu nhất định khi nhìn qua lăng kính của nhân vật "khách". Dù hiện nay thể phú đã không còn được nhiều người sử dụng, nhưng dư âm về Bạch Đằng giang trong "Phú sông Bạch Đằng" sẽ mãi là một dấu mốc, một thách thức cho các nhà thơ trẻ. Sông Đằng vẫn còn đó, chờ đợi có thêm những ngòi bút thật sắc sảo ghi lại dấu ấn theo năm tháng của mình vào văn chương.