Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng về bức tranh cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Đề bài: Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng về bức tranh cuộc sống trong đoạn văn sau:
    "Ngay lúc ấy, chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ tôi đứng..
    ... Như trong câu chuyện cổ đầy quái đản, chiếc thuyền lưới vó đã biến mất"

    (Trích "Chiếc thuyền ngoài xa" - Nguyễn Minh Châu, SGK Ngữ văn 12, NXB Giáo dục)
    Từ đó, anh/chị hãy nhận xét về quan niệm của nhà văn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

    [​IMG]

    Trong "Trăng sáng", nhà văn Nam Cao từng gửi gắm quan niệm nhân sinh về nghệ thuật: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than". Đúng vậy, nghệ thuật chân chính luôn có điểm xuất phát từ cuộc đời và vì cuộc đời. Không chỉ Nam Cao, mà nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng luôn tâm niệm thiên chức "nâng giấc cho những kiếp người cùng đường tuyệt lộ" như vậy. Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" được Nguyễn Minh Châu viết từ những quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh đó. Nên không chỉ tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ qua phát hiện thứ nhất, nhà văn còn dựng lên bức tranh sần sùi, thô nhám về một lát cắt cuộc sống của gia đình hàng chài nghèo khổ qua phát hiện thứ hai (đoạn văn: "Ngay lúc ấy.. đã biến mất") . Qua đó nhà văn đã nói lên mối quan hệ khăng khít giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống.

    Nguyễn Minh Châu là nhà văn quân đội trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới với những sáng tác mang cảm hứng đời tư, thế sự, qua đó gửi gắm những vấn đề đạo đức và nhân sinh.

    Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" viết năm 1983, mang đậm phong cách tự sự, triết lí của Nguyễn Minh Châu. Trong truyện, tác giả đã chọn ngôi kể là nhân vật Phùng – một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Được sự phân công chụp một bức ảnh về thuyền và biển cho bộ lịch năm sau, anh đã tìm đến vùng biển miền Trung – chiến trường cũ của anh để tác nghiệp.

    Sau một tuần phục kích, Phùng đã chứng kiến cảnh tượng biển mờ sương với chiếc thuyền lưới vó tuyệt đẹp. Đứng trước khung cảnh "đắt trời cho" ấy, Phùng đã bấm máy liên tục như sợ để lỡ mất dù chỉ là một khoảnh khắc. Đó là bức họa diệu kì do thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người, là sản phẩm quý hiếm của hóa công mà đời người nghệ sĩ nào cũng khao khát kiếm tìm.

    Đắm chìm trong bức tranh cảnh biển với chiếc thuyền ngoài xa, người nghệ sĩ ấy tưởng chừng đã bắt gặp được cái chân – thiện - mĩ, tâm hồn cũng được gột rửa để trong trẻo, tinh khôi hơn. Nhưng, cũng chính trong khung cảnh lung linh, tuyệt mĩ ấy, Phùng ngỡ ngàng phát hiện ra cảnh tượng phi đạo đức, phi thẩm mĩ – cảnh bạo lực trong một gia đình làm nghề chài lưới. Đoạn trích là phát hiện thứ hai của nghệ sĩ Phùng – phát hiện về góc khuất của cuộc sống ẩn sau vẻ đẹp tuyệt bích của thiên nhiên.


    Từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy bước ra những con người có vẻ ngoài xấu xí . Đó là người đàn bà "trạc ngoài bốn mươi", "thân hình cao lớn với những đường nét thô kệch, mụ rỗ mặt, khuôn mặt mệt mỏi.. tái ngắt và dường như đang buồn ngủ, tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới" . Hình ảnh người đàn bà với sự đẽo gọt thô sơ của tạo hóa và vẻ rách rưới, mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới đã hé lộ sự lam lũ, khó nhọc của những người lao động vùng biển. Hình ảnh lão đàn ông cũng chẳng lấy gì làm đẹp: "tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền, mái tóc tổ quạ. Lão đi chân chữ bát, hàng lông mày cháy nắng rũ xuống, hai con mắt đầy vẻ độc dữ" . Ngoại hình ấy đã phần nào bộc lộ vẻ dữ dằn, hung bạo trong tính cách người đàn ông. Như vậy, vẻ ngoại hình của những con người này thật xấu xí, thô tháp, không có một chút "thơ" nào, nó hoàn toàn đối lập với vẻ lãng mạn của khung cảnh thiên nhiên mà Phùng vừa thu được trong bức ảnh nghệ thuật.

    Không chỉ bất ngờ và pha chút thất vọng vì ngoại hình của cặp vợ chồng dân chài khiến người nghệ sĩ đang thăng hoa trong cảm xúc bỗng mất hứng. Phùng còn kinh ngạc vô cùng khi người đàn ông không hiểu vì lí do gì, chẳng nói, chẳng rằng, dùng chiếc thắt lưng "quật tới tấp vào người đàn bà". Vừa đánh, gã vừa nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ, đau đớn: "Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ". Lão ta đánh vợ như một sự giải tỏa, để trút bỏ "cơn giận như lửa cháy" . Không cần biết vì lí do gì, chỉ cần nhìn những hành động vũ phu của người đàn ông, cũng có thể thấy đây là cảnh bạo lực gia đình vô cùng tàn ác, thô bạo.

    Điều kì lạ khiến người đọc tò mò và không khỏi cảm thấy vô lí là thái độ của người đàn bà. Mặc dù bị chồng đánh đập tàn nhẫn nhưng chị "không hề kêu van, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn". Cái thân hình vập vạp ấy như đã quen với việc bị đánh, trở thành nơi để hứng chịu những trận đòn kỳ quặc của chồng. Nhưng có một chi tiết chen ngang khiến chị ta không cầm nổi nước mắt. Đó là sự xuất hiện của thằng Phác - đứa con trai mà chị ta hết mực yêu thương. Việc thằng Phác chứng kiến mẹ bị hành hạ, xông vào bênh vực mẹ bằng cách giằng chiếc thắt lưng từ tay người cha rồi quật vào khuôn ngực vạm vỡ của cha nó đã khiến người đàn bà vừa trước đó tỏ ra vô cảm, trơ lì với những trận đòn bỗng "chắp tay vái lấy vái để" thằng bé rồi lại "ôm chầm lấy nó" mà khóc tức tưởi. Toàn bộ cảnh bạo hành gia đình diễn ra trong một thời khắc ngắn ngủi "như trong một câu chuyện cổ đầy quái đản".

    Trước tình cảnh ấy, nghệ sĩ Phùng có thái độ kinh ngạc đến sững sờ, trong mấy phút đầu, anh "cứ đứng há mồm ra mà nhìn", sau đó anh "vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới" toan cứu người đàn bà. Phùng đã thể hiện bản chất người lính không thể làm ngơ trước sự bạo hành của cái ác, anh đã xông vào can ngăn. Hành động của Phùng bất ngờ, nhưng hợp lí đã gửi gắm thông điệp: Khi cần người nghệ sĩ cần phải biết hi sinh nghệ thuật để làm tròn bổn phận của con người trước cuộc đời.

    Phát hiện thứ hai này mang đến cho Phùng những nhận thức sâu sắc về cuộc sống . Phùng cay đắng nhận ra bên trong cái đẹp vẫn có thể ẩn chứa cái xấu . Đằng sau vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên còn tồn tại biết bao nghịch lí, trái ngang của cuộc sống đời thường. Nghịch lí đó có thể xuất hiện ở nơi khó ngờ nhất.

    Dựng tình huống ở bãi xe tăng hỏng, dấu tích của chiến trường ngày trước, có lẽ Nguyễn Minh Châu muốn kí thác một điều, không phải cứ đánh đuổi được ngoại xâm, đất nước hòa bình là cuộc sống của người dân đều yên bình . Chẳng biết sau này, cuộc sống của gia đình làng chài ấy sẽ tiếp diễn ra sao, liệu rằng cái bãi xe tăng hỏng của Mĩ Ngụy có còn là nơi diễn ra nạn bạo hành? Liệu cái thắt lưng da của lính Nguy có còn tác quái với gia đình làng chài ấy không? Và thằng Phác - cái thằng bé giống bố như lột ấy rồi đây sẽ trở thành con người như thế nào? Nếu cuộc sống này còn tiếp diễn thì ai dám chắc nó sẽ không trở thành kẻ tha hóa điên rồ như cha mình. Cái kết bỏ lửng của câu chuyện nhấn sâu hơn bức thông điệp khắc khoải đau đáu về số phận con người: Cuộc chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu còn diễn ra dai dẳng lâu dài. Nó cũng khốc liệt chẳng kém gì cuộc chiến chống ngoại xâm vừa qua đi.

    Phát hiện ra hai bức tranh đối lập giữa vẻ đẹp thiên nhiên và cảnh bạo lực gia đình xấu xí đằng sau vẻ đẹp ấy đã giúp Phùng nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc đời. Giữa nghệ thuật và cuộc đời có mối quan hệ song hành: Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc đời, và cuộc đời là hiện thực phong phú khơi nguồn cho cảm hứng nghệ thuật. "Nghệ thuật chân chính phải gắn với cuộc và vì cuộc đời, vì con người".

    Từ nhận thức ấy, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm bức thông điệp đến người nghệ sĩ: Người nghệ sĩ - theo nhà văn - phải đào sâu, phải nhìn cuộc đời bằng đôi mắt toàn diện, phải thấy được những góc khuất của cuộc đời. Chiếc thuyền trong sương sớm đẹp vì nó là viễn ảnh, được nhìn từ xa. Nó có thể thanh lọc tâm hồn người nghệ sĩ, khơi dậy những xúc cảm đẹp đẽ. Nhưng khi đến gần, cũng chính từ chiếc thuyền ấy lại là cảnh bạo lực gia đình phi đạo đức, phi thẩm mĩ. Nghệ thuật chân chính không thể chỉ dừng lại ở sự phản ánh vẻ đẹp bề ngoài của cuộc sống, nhìn cuộc sống từ cái nhìn ngoài xa, hời hợt. Giá trị nhân văn trong tác phẩm này đã thể hiện ngay trong quan điểm nghệ thuật tiến bộ đó của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

    Đoạn trích là phát hiện của nghệ sĩ Phùng về bức tranh cuộc sống gai góc, sần sùi, đối lập hẳn với bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ được miêu tả ở đoạn văn trước đó. Qua bức tranh ấy, tác giả đã gửi gắm những suy tư, trăn trở về cuộc sống nghèo khổ, đầy bạo lực của những con người thời hậu chiến. Từ đó nhà văn gióng lên tiếng nói tố cáo cảnh bạo lực gia đình, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đến những mảnh đời bất hạnh, đồng thời khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa nghệ thuật và cuộc sống, yêu cầu người nghệ sĩ phải tôn trọng hiện thực, đi sâu vào quần chúng nhân dân mà nói lên những thống khổ của cuộc đời..

    Đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói lôi cuốn người đọc ở cách xây dựng tình huống truyện độc đáo - tình huống phát hiện để mang đến những nhận thức mới cho nhân vật và người đọc. Đặc sắc nghệ thuật của truyện còn thể hiện cách khắc họa nhân vật, cốt truyện hấp dẫn, ngôn ngữ giản dị mà đậm chất triết lí, giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở phù hợp với nhận thức của nhân vật..
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...