Phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Bắt sống con lợn lòi ở Ê - Ri - Man - Thơ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 30 Tháng mười hai 2023.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: Viết bài văn phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn trích "Bắt sống con lợn lòi ở Ê-ri-man-thơ" (Thần thoại Hy Lạp) - Ngữ Văn 10

    [​IMG]

    Thần thoại Hy Lạp - di sản văn hóa của nhân dân Hy Lạp - từ lâu đã trở thành một gia tài văn hóa quý báu của toàn nhân loại. Những bức vẽ, bức tượng, những tập thảo luận, cuốn tiểu thuyết của các nghệ sĩ thời cổ đại, thời Phục hưng, thế kỷ XVIII và cả thế kỷ XX của chúng ta nữa.. đều mang chút hơi thở của thần thoại. Điều gì khiến thần thoại Hy Lạp ra đời cách chúng ta hàng bao thế kỉ lại có sức sống lâu bền đến tận bây giờ? Có phải con người vẫn tin vào những điều tưởng tượng, hoang đường trong đó không? Không phải vậy. Chính sức hấp dẫn của từng câu chuyện nhỏ đã khiến chúng trường tồn với thời gian. Trong thần thoại Hy lạp, mỗi câu chuyện kể là một huyền thoại cuốn người đọc vào từng chi tiết. "Bắt sống con lợn lòi ở Érymanthe" là một trong những huyền thoại ấy, với đầy đủ những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.

    Về nội dung, đoạn truyện kể về chiến công thứ ba của người anh hùng Heracles: Bắt sống con lợn rừng đang hoành hành ở núi Érymanthe. Để bắt được con ác thú hung bạo này, Heracles đã phải đợi đến mùa đông lạnh giá, dọa cho con vật kinh hãi chạy ra khỏi ổ, rồi đuổi cho tới khi nó kiệt sức lăn ra đất mới thôi. Khi ấy, chàng chỉ việc ung dung tóm cổ nó vác về. Nhưng trước đó, một chuyện éo le đã xảy đến với chàng. Trên đường đến vùng núi Érymanthe, chàng vào thăm Centaure Pholos. Bạn chàng tiếp đãi rất nhiệt tình. Nhưng sau đó, chàng xảy ra xung đột với những người anh em khác của dòng họ Centaure và không may ngộ sát người thầy đáng kính Centaure Chiron.

    "Bắt sống con lợn lòi ở Érymanthe" ca ngợi vẻ đẹp người anh hùng Heracles. Ở chàng hội tụ cả ba vẻ đẹp: Sức mạnh, trí tuệ và tình nghĩa. Những vẻ đẹp ấy soi chiếu lẫn nhau khiến hình tượng người anh hùng lung linh tỏa sáng.

    Heracles là con của thần Zeus, nên sức mạnh của chàng là sức mạnh sánh tựa thần linh. Với sức mạnh ấy, chàng đã giết chết một số tên côn đồ càn quấy nhà Centaure, thét con lợn lòi chạy ra ngoài hang, rượt đuổi nó không ngừng nghỉ giữa màn tuyết rơi dày đặc. Con lợn hung dữ mà "chưa một tay thợ săn nào dám đương đầu với nó" cuối cùng vẫn bị chàng Heracles bắt sống. Chẳng những vậy, nhân vật Heracles còn là biểu tượng của trí tuệ người xưa. Chàng không ỷ mình có sức mạnh phi thường mà chủ quan khinh địch. Biết con vật có lớp da dày cứng chưa có vũ khí nào có thể đâm thủng, chàng không nghênh chiến trực tiếp với nó. Từ điều kiện "bắt sống" oái oăm, chàng đã biến nó thành gợi ý hoàn hảo để hoàn thành thử thách của Eurysthée. Thay vì liều mạng chiến đấu với nó bằng đủ thứ gươm, chùy, cung, lần này chàng đổi chiến thuật, không hao tâm tổn sức giết bằng được con lợn rừng nữa. Người người bắt gặp nó đều bị nó húc, còn chàng chủ động đuổi cho nó chạy mệt lả, khiến nó hoàn toàn mất đi tính uy hiếp cùng khả năng tấn công. Chàng lợi dụng thời tiết có tuyết, đất dễ lún và bản tính hay hoảng loạn của loài lợn để đưa ra cách chiến đấu linh hoạt, phù hợp với tình hình. Lợn là loài vật ít vận động, cơ thể sồ sề, kém bền bỉ dẻo dai, nên "một cuộc thi chạy" chính là ác mộng của nó. "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", chàng nắm rõ tuy sức mình không thể đuổi kịp con lợn, nhưng mình có sức bền cao gấp nhiều lần con vật to béo khổng lồ, nên chiến thuật của chàng đã mang lại hiệu quả. Nhận diện được điểm yếu của đối thủ mà ứng phó, đó chẳng phải là cách mà chàng vẫn áp dụng thành công trong các cuộc đương đầu với sư tử, mãng xà và sau này là thần Ăng-tê lừng danh đó sao? Vậy là, kết thúc nhiệm vụ, chàng không phải tốn một giọt máu nào. Đây là cách để một người tưởng chừng như yếu thế hơn có thể đảo ngược tình thế. Vậy mới biết, trí tuệ có vai trò vô cùng quan trọng trong mọi cuộc chiến. Bên cạnh đó, chàng bắt sống được con lợn cũng nhờ vào sự lý trí và kiên trì của mình. Trải qua cú sốc mất thầy mất bạn, chàng nuốt ngược nỗi đau đớn vào trong, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để cảm xúc chi phối. Chàng chịu khó đợi cho đến mùa lạnh tuyết rơi, rồi nhẫn nại truy con lợn rừng. Kết thúc câu chuyện, chiến thắng đã thuộc về Heracles. Quả là một phần thưởng xứng đáng dành cho người anh hùng.

    Tuy nhiên, người tài giỏi đến đâu cũng có thể mắc sai lầm. Vì tính tình nóng nảy, hiếu chiến, Heracles đã không may bắn mũi tên tẩm độc xà vào thầy của mình. Nhưng là một anh hùng tiếng tăm vang dội sau các chiến công trước đó, Heracles vẫn biết ân hận, cúi đầu xin thầy tha thứ cho sự lầm lẫn của mình và buồn rầu, dằn vặt bản thân. Chàng không phải cỗ máy chỉ biết đánh giết, mà chàng còn có tình nghĩa, biết đau xót cho sự ra đi của người mình kính trọng.

    Ngoài ra, bên cạnh nhân vật trung tâm là Heracles, câu chuyện còn có một hệ thống nhân vật phụ góp phần tích cực trong việc truyền tải chủ đề tác phẩm. Thứ nhất, nhân vật đối thủ lần này là con lợn rừng - đại diện cho những hiện tượng tự nhiên gây tai họa cho con người. Trong khi đó, cũng như các lần khác, Eurysthée đại biểu cho lòng ghen tức, sự đố kị, thói bắt nạt, cậy quyền và hèn nhát, còn những anh em nhà Centaure là lòng tham lam, ích kỷ, phân biệt đối xử và sự kỳ thị. Truyện cũng có nhân vật phù trợ khác, như người bạn chí cốt Pholos của Heracles, hay người thầy đầy bao dung, độ lượng, luôn ủng hộ Heracles - thầy Centaure Chiron. Từ đây, ta nhận ra một điều, bắt đầu từ thần thoại, con người đã là mối bận tâm lớn nhất của văn học.

    Về chủ đề, thông qua câu chuyện trên, người Hy Lạp cổ đại muốn thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và tiêu diệt các loài thú dữ, ngợi ca sức mạnh thể chất và trí tuệ của con người. Bên cạnh đó, họ còn gửi gắm mong muốn về một cuộc sống bình ổn, không có thù hằn kỳ thị, đồng thời nêu cao vẻ đẹp của tình bạn, lòng tôn trọng, bao dung, bình đẳng, ý thức nhận lỗi và sửa sai.

    Đọc truyện, ta còn thấy một thông điệp đầy ý nghĩa ẩn sau từ ngữ: Lòng kiên trì, ý chí kiên cường và chiến thuật sáng tạo, khôn khéo sẽ giúp ta vượt qua những trở ngại, khó khăn. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự kiềm chế, bình tĩnh, tỉnh táo, suy xét cẩn thận, không được để cơn nóng giận làm mất đi lý trí, để sự việc đáng tiếc xảy ra (như cuộc chiến phi nghĩa giữa Heracles với Centaure và cái chết trớ trêu của người thầy).

    [​IMG]

    Bên cạnh những bài học còn nguyên giá trị cho tới tận ngày nay, câu chuyện nằm ngoài quy luật của sự băng hoại còn bởi nghệ thuật kể chuyện đặc sắc. Cốt truyện được chia làm hai tình huống - cuộc chiến với nhân mã và cuộc chiến với lợn rừng. Ở cả hai lần chiến đấu, Heracles đều thắng, nhưng mất mát ở lần một đã giúp Heracles dằn tính lại, nhẫn nại hơn để giành thắng lợi vẻ vang ở lần đấu hai. Hai tình huống tưởng chừng như không liên kết nhau nhưng lại rất rõ ràng, mạch lạc, các sự việc liên quan và móc nối với nhau, cho thấy sự kiên nhẫn, trưởng thành, chín chắn dần của người anh hùng. Cốt truyện giàu kịch tính, sinh động, ly kỳ còn bởi sự xuất hiện của những yếu tố kỳ ảo, như con lợn khổng lồ có lớp da cứng đến nỗi không vũ khí nào đâm thủng được, thứ rượu có mùi thơm ngào ngạt bay xa khắp chốn và mũi tên tẩm độc rắn Hiđrơ gây ra đau đớn chết người. Những chi tiết hư cấu đó đã giúp tác giả dân gian xây dựng một thế giới thần diệu, đầy bí ẩn, vượt xa trí tưởng tượng của con người, đồng thời cho thấy cách người xưa lý giải và nhìn nhận về những tai họa thiên nhiên và cái chết (địa ngục tối tăm của thần Hades).

    Tiếp nữa là nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, đậm phong cách thần thoại - khắc họa phẩm chất của người anh hùng qua hành động dũng cảm, thiện chiến, trí tuệ siêu phàm, qua những chiến công, những mục tiêu. Đặc biệt, các kỳ phùng địch thủ và các thử thách khó khăn chính là thứ nước nuôi dưỡng cho bông hoa lý tưởng của Heracles nở rộ. Kết truyện có hậu, đầy nhân văn khi thế lực ác đã bị tiêu diệt cũng là đặc điểm ấn tượng của câu chuyện. Khi ta dũng cảm và có lý tưởng cao đẹp, kết thúc mọi thử thách đều là kết quả ngọt ngào, vậy tại sao chúng ta còn phải chùn chân sợ hãi trước những thử thách ngoài cuộc sống?

    Không chỉ vậy, không gian và thời gian của truyện cũng là điểm đáng chú ý. Thời gian không được nhắc đến cụ thể, mà chỉ chung chung là "mùa lạnh tuyết rơi", là thời quá khứ xa lắc, con người sống chung với những loài thú hung dữ khổng lồ. Đây là điều rất logic, vì khái niệm về thời gian của con người lúc đó còn mơ hồ, ta biết đến nó như một thời con người ta sùng bái và tôn vinh các vị thần. Không gian cũng ảnh hưởng bởi cách nhìn nhận của con người: Rộng lớn, kỳ vĩ, mang tầm vóc vũ trụ, bao hang đá, ngọn núi, cánh đồng. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất đầy khách quan, nhiều chiều, mang giọng điệu linh hoạt: Lúc ngợi ca người anh hùng, lúc cổ vũ, khích lệ, lúc lo lắng, xót xa, khi lại khinh bỉ (đối với nhân vật phản diện), diễn đạt tường minh, giúp ta dễ theo dõi truyện hơn, dễ hiểu và hình dung ra các nhân vât, dù không gian và thời gian của truyện có ít nhiều lạ lẫm, xa cách với hiện tại.

    Vậy là, câu chuyện không chỉ đơn thuần kể về cuộc sống của những vị thần, mà còn mang trong mình sự ảnh hưởng và giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Hy Lạp. Đọc truyện, ta hiểu được phần nào lịch sử xa xưa của loài người, về những kinh nghiệm sống, ước mơ, khát vọng của người xưa, cả về những tư duy chất phác và trí tưởng tượng phong phú, đáng ngưỡng mộ của dân tộc Hy Lạp. Ngày nay, vẫn còn tồn tại rất nhiều những "Eurysthée", những "Centaure" và các "Con lợn lòi vùng đất Érymanthe"..

    Vì vậy, chiến công "Bắt sống con lợn lòi ở Érymanthe" của Heracles vẫn là câu chuyện đáng học hỏi, đáng tin yêu và còn nguyên giá trị. Với nội dung và nghệ thuật đặc sắc, câu chuyện sẽ mãi ở đó để nhắc nhở chúng ta: "Hãy sống nhân ái và cao thượng hơn nữa! Hãy lập chiến công vì xã hội, vì đất nước nhiều hơn nữa! Hãy chiến đấu cho công lý, sống tốt đẹp hơn nữa và loại bỏ cái hèn nhát, hung tàn!".

    [​IMG]
     
    Nghiên Di, Dương2301LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...