Phân tích niềm thành kính và biết ơn vô hạn của Viễn Phương dành cho Bác qua bài thơ Viếng lăng Bác

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 12 Tháng ba 2024.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: Phân tích niềm thành kínhbiết ơn vô hạn của nhà thơ Viễn Phương dành cho Bác qua bài thơ Viếng lăng Bác

    [​IMG]

    [​IMG]

    - Bài làm -

    "Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

    Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa..

    Chiều nay con chạy về thăm Bác

    Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!"

    Đọc những vần thơ của Tố Hữu, hồi tưởng lại sự kiện Bác mất, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nghẹn ngào và thấm thía tận đáy lòng nỗi đau trước sự ra đi của Người. 7 năm sau ngày đau thương ấy, nhà thơ Viễn Phương ra miền Bắc thăm lăng Bác vẫn không kìm nổi sự thổn thức và mất mát trong tim. Niềm thành kính và tiếc thương vô hạn của nhà thơ dành cho Bác đã được khắc họa sâu sắc qua bài thơ Viếng lăng Bác - nén tâm nhang thay mặt toàn con dân miền Nam kính dâng lên Người.

    Viễn Phương sinh năm 1928 ở mảnh đất An Giang bình dị, hữu tình. Cuộc đời ông gắn liền với quê hương trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Xuất phát từ dòng cảm xúc thăng trầm có được trên từng chặng đường chiến đấu gian khổ, những áng thơ của ông lần lượt ra đời. Với đôi mắt tinh tế và sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, Viễn Phương đã cống hiến hết bút lực của mình và gặt hái những thành công to lớn trên hai lĩnh vực truyện ngắn và thơ ca. Thơ Viễn Phương mang giai điệu dung dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng, thiết tha, đậm chất miền quê Nam Bộ. In trong tập Như mây mùa xuân, Viếng lăng Bác là một trong những tác phẩm tiêu biểu lưu lại dấu ấn thơ Viễn Phương trong lòng bạn đọc.

    [​IMG]

    Viếng lăng Bác được sáng tác năm 1976 - một năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Khi đó, lăng Chủ tịch khánh thành, nhà thơ cùng các đồng đội đã viếng thăm lăng trong sự bồi hồi sâu sắc. Tình cảm của nhân vật trữ tình được khắc họa một cách tự nhiên, chân thực và cảm động, thể hiện ngay từ phần nhan đề bình dị, mộc mạc mà trang trọng, nêu bật sự kiện kết tinh cảm xúc của nhà thơ: Viếng lăng Bác Hồ vĩ đại. Mạch cảm xúc gắn liền với hành trình vào lăng viếng Bác: Bắt đầu từ sự xao xuyến háo hức khi tác giả ngắm quang cảnh xung quanh lăng Bác, phát triển thành sự thành kính khi hòa vào dòng người đi vào lăng, rồi nghẹn ngào xúc động trong niềm biết ơn, tự hào khi đứng trước di hài của Bác, sau đó khép lại trong sự lưu luyến, bịn rịn, không muốn rời ra. Giọng thơ vì vậy mà nhỏ nhẹ, xót xa lại trang nghiêm, sâu lắng:

    "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

    Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

    Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

    Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng."

    Mở đầu bài thơ, niềm thành kính của nhà thơ đã được bộc lộ ngay trong cách tác giả xưng hô và nói giảm nói tránh. Không phải "cháu" hay "tôi", cách nói hồn hậu, chân chất "con - Bác" đã giúp tác giả tạo cảm giác gần gũi, thân thiết giữa Bác và nhân vật trữ tình, xóa nhòa khoảng cách giữa vị lãnh tụ vĩ đại với nhân dân. Viễn Phương nhớ thương và kính trọng Bác như với người thân trong gia đình. Cách xưng hô này đã trở đi trở lại trong bao tác phẩm viết về Bác, như bài thơ Quê hương Việt Bắc của Nguyễn Đình Thi:

    "Nơi đây sống một người tóc bạc

    Người không con mà có triệu con

    Nhân dân ta gọi Người là Bác

    Cả đời Người là của nước non".

    Tiếp nữa, khác với động từ "viếng" ở phần nhan đề, tác giả sử dụng từ "thăm lăng Bác" để làm giảm bớt đi phần nào sự đau buồn, xót thương khi đối mặt với sự thật là Bác đã ra đi. "Viếng" là thắp hương, tỏ lòng thương tiếc với người quá cố trước linh cữu hoặc trước mộ của họ, còn "thăm" là quan tâm, hỏi han, trò chuyện với người vẫn còn sống trên đời. Vậy nên việc việc lựa chọn từ "thăm" cũng cho thấy tác giả đang khẳng định rằng Bác vẫn còn đây, đang dang tay ôm người con miền Nam thân yêu trong tình thương vô bờ. Từ đó, câu thơ chỉ là lời thông báo giản dị nhưng lại chan chứa tình cảm. Đó là nỗi bùi ngùi, xúc động, kính cẩn đang trực trào trong trái tim của người con miền Nam.

    "Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát".

    [​IMG]

    Chữ "đã" mở đầu câu như một cử chỉ thân yêu, một hành động "tay bắt mặt mừng" vồn vã dù được thực hiện bằng thứ tiếng nói vô ngôn, bằng mắt "thấy". Ấn tượng đầu tiên của nhà thơ khi đến thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hàng tre quen thuộc. Với tất cả sự thành thực tôn kính, tác giả cảm nhận được, giây phút về thăm Bác, có cả đất nước gói trong dáng hình thân thương "Thân gầy guộc, lá mong manh" của tre, đang lặng lẽ đứng gác quanh lăng Bác, canh cho giấc ngủ của Người. Trong làn sương mơ hồ ảo thực, thấp thoáng một dáng đứng Việt Nam, dáng đứng của bốn nghìn năm dựng nước "Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng". Quả thật, "Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn" (Tố Hữu), tình cảm của tác giả đối với vị lãnh tụ vĩ đại đã hòa quyện trong tình yêu quê hương đất nước. Có thể thấy, Viễn Phương phải là một con người yêu kính Bác vô hạn, thấm nhuần tư tưởng của Đảng, thấu hiểu, trân trọng lịch sử nước nhà, bất khuất, trung kiên vào sống ra chết như thế nào trong cuộc sinh tử dữ dội mới có thể xúc động trước một hàng tre mà những kẻ vô tâm ít người để ý này. Một sự hàm ơn lấp lánh trong tim, nâng bước người con miền Nam tới gần hơn đến lăng Bác.

    "Ngày ngày mặt trời đi qua bên trên lăng

    Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

    Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

    Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân"

    Qua phép đối xứng hai hình ảnh "mặt trời" trong 2 câu thơ đầu, ta thấy được những suy nghĩ của tác giả về sự lớn lao của người lãnh tụ. Thật ra ẩn dụ Bác Hồ với thiên thể vĩ đại nhất của thiên nhiên không hiếm để bắt gặp trong thi ca, ví như "Người rực rỡ một mặt trời cách mạng/ Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng" (Sáng tháng năm của Tố Hữu). Nhưng bằng biện pháp nhân hóa "thấy" đầy khéo léo để ngầm chỉ Bác Hồ nằm trong lăng trong cái nhìn chiêm ngưỡng hàng ngày của mặt trời thì đúng là một sáng tạo độc đáo và mới mẻ của Viễn Phương. Cách ví đó vừa ca ngợi sự vĩ đại, công lao trời biển của Người đối với giang sơn Việt Nam, vừa bộc lộ rõ niềm biết ơn và tự hào sâu sắc của dân tộc khi có Bác Hồ - có được mặt trời cách mạng soi đường chỉ lối. Bằng sự kính trọng, tôn thờ, ngưỡng mộ và đề cao sâu sắc, Viễn Phương muốn khẳng định, những hào kiệt, anh linh không thể chết nếu lấy tiêu chí về sự bất tử của linh hồn.

    "Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

    Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân"

    Với phép điệp cấu trúc "Ngày ngày.. đi" và cụm từ "đi trong thương nhớ", nhà thơ nhấn mạng "dòng người" đến viếng lăng Bác nối dài không ngừng nghỉ, ẩn dụ cho cả một không gian rộng lớn bao trùm trong tình thương nỗi nhớ, mênh mang cả đất trời, thấm vào mọi cảnh vật. Từ hình ảnh những "tràng hoa" được những người con khắp mọi miền đất nước và thế giới về thăm dâng lên Bác để bày tỏ tấm lòng xót xa, tiếc thương vô hạn, tác giả liên tưởng, mỗi người là một bông hoa, từ đó dòng người kết thành vòng hoa bất tận của niềm kính yêu thành kính dâng lên Bác. Không chỉ vậy, "tràng hoa" còn đại diện cho sự ghi nhận, tôn vinh và tri ân của nhà thơ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung tới những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp thống nhất đất nước của vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Hình ảnh hoán dụ "Bảy mươi chín mùa xuân" gợi nhắc cuộc đời 79 năm cống hiến và hy sinh của Bác, đồng thời khẳng định Người là mùa xuân lớn của đất nước ta. Câu thơ kéo dài thành chín chữ, nhịp thơ chậm, kết hợp dấu chấm lửng như muốn kéo dài mạch cx đi vô tận, tạo nên 1 giọng điệu trầm lắng, thiết tha.

    "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

    Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

    Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

    Mà sao nghe nhói ở trong tim"


    [​IMG]

    Câu thơ mở ra với không gian yên tĩnh, trang nghiêm, tiếp nối mạch cảm xúc trần buồn. Bằng biện pháp nói giảm nói tránh, Bác ra đi nghìn thu nhưng tựa như "nằm trong giấc ngủ", cho thấy sự yêu thương, xót xa vô hạn của nhà thơ. Tác giả lấy những hình ảnh đẹp đẽ, trong sáng nhất của thiên nhiên để đặt bên Người. "Vầng trăng sáng dịu hiền" chính là ẩn dụ cho tâm hồn trong sáng, thanh cao của vị cha già kính yêu. Hình ảnh ẩn dụ "trời xanh là mãi mãi" tiếp tục khẳng định Bác bất tử, vĩnh hằng với đất trời. Bằng tất cả sự kính trọng, Viễn Phương coi trọng Bác như những gì thiêng liêng, quý giá nhất. Nhưng động từ "nhói" lại thể hiện một cách chân thành, xúc động nỗi đau mất Bác quặn thắt tâm khảm. Cảm giác nghẹn ngào, đau đớn đó rất thật, rất đời. Viễn Phương xót xa và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Bác bao nhiêu, bạn đọc lại càng xúc động bấy nhiêu trước tấm lòng thành kính sắt son mà người con miền Nam ấy dành cho Người. Viễn Phương đã sáng tỏ một điều rằng, Bác cũng có số mệnh của một con người bình thường, không thoát khỏi bàn tay đưa tiễn của thời gian. Vì vậy, nhà thơ không thần thánh hóa Bác, không làm Bác mờ ảo, xa vời, mà làm nổi bật sự vĩ đại của Người dưới góc độ là một con người giản dị, mộc mạc, như người cha trong gia đình. Đó chính là sự thấm thía và tri ân sâu nặng của Viễn Phương dành cho Người.

    "Mai về miền Nam thương trào nước mắt

    Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

    Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

    Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này."

    Hai chữ "miền Nam" được lặp lại so với khổ thơ đầu, nhưng từ một địa danh, nó đã đại diện cho khoảng cách xa vời vợi của địa lý. Hình ảnh "thương trào nước mắt" thể hiện một cách chân thành, mãnh liệt cảm xúc lưu luyến không muốn rời xa, hóa thành ước nguyện thiết tha, cháy bỏng: Điệp ngữ "muốn làm" cho thấy nhà thơ khát khao trở thành non sông đất nước đồng hành bên Bác, thành con chim hót, đóa hoa tỏa hương, thành cây tre trung hiếu canh giấc ngủ bình yên cho Người. Hình ảnh cây tre cuối bài tạo thành kết cấu đầu cuối tương ứng cho bài thơ, nhấn mạnh tấm lòng trung hiếu, thủy chung nguyện đi theo con đường Bác đã lựa chọn cho dân tộc. Một cách tôn kính và đầy trang nghiêm, ước nguyện đại diện cho cả dân tộc của nhà thơ Viễn Phương chính là tấm lòng thành kính, trân trọng và nhớ ơn vô hạn gửi đến Bác Hồ.

    "Bác đã lên đường, theo tổ tiên

    Mác - Lê-nin, thế giới Người Hiền

    Ánh hào quang đỏ thêm sông núi

    Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!"


    [​IMG]

    Đồng điệu với Tố Hữu, qua Viếng lăng Bác, tiếng lòng của Viễn Phương đã động đến sâu thẳm tâm hồn bạn đọc, khiến ta vừa có cảm giác gần gũi, thân thiết, vừa ngưỡng vọng, kính yêu vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. "Không bi lụy, không cường điệu nỗi đau" (Mai Văn Tạo), nhà thơ đã thành công khơi gợi trong người đọc sự thành kính và biết ơn vô hạn tới Bác Hồ. "Cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp" mà nhà văn Ai-ma-tốp đòi hỏi ở mỗi người nghệ sĩ cũng đã tỏa hương ở thi phẩm này. Bài thơ cũng như tràng hoa thơm thảo mà Viễn Phương kính cẩn dâng lên Người vậy, mãi mãi bền bỉ, thắm tươi với mọi thời đại.

    [​IMG]
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...