Phân tích những đặc trưng của thuế thu nhập cá nhân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mộc Nguyệt, 22 Tháng chín 2021.

  1. Mộc Nguyệt

    Bài viết:
    13
    MỞ ĐẦU

    Thuế là một công cụ quan trọng của Nhà nước, nó vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Về cơ bản hệ thống thuế Việt Nam hiện nay gồm hai loại là thuế trực thu và thuế gián thu và theo thông lệ của các quốc gia, thuế trực thu sẽ chiếm tỷ trọng lớn, ngược lại, giảm dần thuế gián thu. Đóng một vai trò không hề nhỏ trong cơ cấu của thuế trực thu cũng như nguồn ngân sách nhà nước đó chính là thuế thu nhập cá nhân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này em xin chọn đề bài: "Phân tích những đặc trưng của thuế thu nhập cá nhân. Tại sao pháp luật thuế thu nhập cá nhân lại phân biệt việc đánh thuế giữa thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công với các khoản thu nhập khác chịu thuế? Tìm hiểu những" thủ đoạn "chủ yếu để một cá nhân gian lận thuế thu nhập cá nhân hiện nay và cho ví dụ từ thực tiễn để minh họa".

    NỘI DUNG

    1. Quy định về thuế thu nhập theo pháp luật Việt Nam.

    1.1 Bản chất và đặc điểm của thuế thu nhập

    Trong hệ thống thuế nước ta thuế thu nhập là một loại thuế quan trọng được áp dụng phổ biến ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Nguyên nhân có sắc thuế này là do xuất phát từ yêu cầu thực hiện chức năng tái phân phối thu nhập đảm bảo công bằng xã hội; bắt nguồn từ nhu cầu tài chính của nhà nước; là công cụ để nhà nước quản lí và điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội.

    Thuế thu nhập cũng là một trong các loại thuế được nhà nước quản lí và tổ chức thu vậy thuế thu nhập khác với những loại thuế khác ở điểm gì? Thuế thu nhập là một loại thuế trực thu, đánh vào thu nhập của các tổ chức kinh doanh (thuế thu nhập doanh nghiệp) và các cá nhân (thuế thu nhập cá nhân) có thu nhập phát sinh từng lần hoặc trong một khoảng thời gian xác định từ một số nguồn nhất định. Sự khác biệt giữa thuế thu nhập và các loại thuế khác:

    Thuế thu nhập có đối tượng đánh thuế là thu nhập. Cái tên thuế thu nhập cũng đã thể hiện rất rõ đối tượng bị đánh thuế. Thuế thu nhập đánh trực tiếp vào thu nhập của tổ chức, cá nhân khi có thu nhập chịu thuế phát sinh. Do thuế thu nhập có đối tượng đánh thuế là thu nhập phát sinh, vì thế, một trong những nội dung quan trọng trong chính sách thuế thu nhập là phải xác định được thu nhập chịu thuế. Có rất nhiều khoản thu nhập khác nhau tuy nhiên không phải khoản thu nhập nào cũng là thu nhập chịu thuế. Thu nhập chịu thuế được hiểu là thu nhập hợp pháp, đã thực tế phát sinh, có tính phổ biến và Nhà nước có thể kiểm soát được.

    Thuế thu nhập là thuế trực thu, ngoài mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nó còn có mục tiêu điều tiết kinh tế, điều hòa thu nhập xã hội nên thường gắn liền với chính sách kinh tế xã hội của nhà nước. Bởi vậy, pháp luật thuế thu nhập ở các nước thường có những quy định về chế độ ưu đãi, miễn, giảm thuế để bảo đảm chức năng, khuyến khích của thuế thu nhập hoặc thực hiện việc áp dụng đánh thuế theo biểu thuế lũy tiền từng phần đối với một số khoản thu nhập chịu thuế để thực hiện các mục tiêu điều tiết. 1

    Thuế thu nhập là một loại thuế phức tạp có tính ổn định không cao, việc quản lí thuế, thu thuế tương đối khó khăn, chi phí quản lí thuế thường lớn hơn so với các loại thuế khác. Đối với thuế thu nhập, ngoài việc xác định các khoản thu nhập chịu thuế còn phải xác định nguồn gốc thu nhập, địa điểm phát sinh thu nhập, thời hạn cư trú của chủ sở hữu thu nhập, tính ổn định của thu nhập. Ngoài ra còn phải xác định được các khoản khấu trừ hợp lí để tiến hành khấu trừ khi tính thuế nhằm đảm bảo mục tiêu công bằng và khuyến khích đối với đối tượng nộp thuế.

    Nguồn luật điều chỉnh quan hệ thuế thu nhập bao gồm các văn bản pháp luật quốc gia và cả luật quốc tế. Bởi vì thuế thu nhập là thuế trực thu nên nó là đối tượng được điều chỉnh bởi hiệp đinh đánh thuế hai lần.

    1.2 Các loại thuế thu nhập

    Các loại thuế thu nhập bao gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Cách phân chia này phụ thuộc vào đối tượng nộp thuế thu nhập là doanh nghiệp hay cá nhân.

    Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập của các tổ chức kinh doanh có thu nhập trong kì tính thuế. Kỳ tính thuế được quy định tại điều 5 văn bản hợp nhất 14/VBHN-VPQH hợp nhất luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Thu nhập chịu thuế được tính trên cơ sở là doanh tu trừ chi phí hợp lí cộng với các khoản thu nhập khác.

    Pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp sử dụng dấu hiệu cư trú hoặc không cư trú làm căn cứ xác định các khoản thu nhập chịu thuế. Theo quy định tại khoản 2 điều 2 văn bản hợp nhất 14/VBHN-VPQH hợp nhất luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp cư trú và không cư trú tại Việt Nam sẽ phải chịu các khoản thuế thu nhập khác nhau:

    "Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

    a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam;

    b) Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó;

    c) Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;

    d) Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam"

    Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập thực nhận của các cá nhân trong một năm, từng tháng hoặc từng lần, là hình thức thuế thu vào các khoản thu nhập của các cá nhân kinh doanh hoặc không kinh doanh. 2 Vì thế thuế thu nhập cá nhân đánh vào tất cả các cá nhân có thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật, thuế thu nhập cá nhân luôn gắn với chính sách xã hội của mỗi quốc gia, việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc lũy tiến từng phần. Việc đánh thuế thu nhập cá nhân nhằm thực hiện việc điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện công bằng xã hội về thu nhập và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thu nhập cá nhân bao gồm cơ quan thuế và các cá nhân có thu nhập chịu thuế. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân gồm: Cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cá nhân cư trú theo quy định tại điều 2 luật thuế thu nhập cá nhân 2014:

    "1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

    2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

    a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

    b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

    3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều nà.".

    Các khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân được quy định tại điều 3 (trừ các trường hợp được miễn thuế được quy định tại điều 4) luật thuế thu nhập cá nhân 2014 gồm thu nhập từ hoạt động kinh doanh sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ; thu nhập từ tiền lương tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ nhận thừa kế; thu nhập từ nhận quà tặng. Căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân bao gồm thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế và thuế suất. Kỳ tính thuế với cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú cũng khác nhau như sau: Đối với cá nhân cư trú kỳ tính thuế có thể tính theo năm (thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, thu nhập từ tiền lương tiền công, một vài trường hợp có thể là thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán) hoặc theo từng lần thu nhập (tất cả các thu hập còn lại) ; còn đối với cá nhân không cư trú kỳ tính thuế chỉ tính theo từng lần thu nhập. Điều này tạo nên sự công bằng đối với thu nhập của tất cả các cá nhân cư trú và không cư trú. Căn cứ tính thuế bao gồm cả tuế suất với cá nhân cư trú quy định tại chương 2, với cá nhân không cư trú quy định tại chương 3 luật thuế thu nhập cá nhân 2014. Phương pháp quản lí thu nộp thuế thu nhập cá nhân gồm 2 phương pháp đó là phương pháp khấu trừ tại nguồn và phương pháp thu trực tiếp.

    2. Những đặc trưng của thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) theo pháp luật Việt Nam.

    Những đặc điểm chung của thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập thực có của mỗi cá nhân có thu nhập nằm trong những thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật phát sinh theo từng lần hoặc theo một khoảng thời gian nhất định; thu nhập là đối tượng của loại thuế này là những thu nhập đã phát sinh trên trên thực tế; nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước ngoài ra còn điều tiết vĩ mô nền kinh tế, tái phân phối thu nhập xã hội, kích thích tiêu dùng đầu tư; pháp luật điều chỉnh không chỉ có pháp luật Việt Nam mà còn có sự điều chỉnh của pháp luật quốc tế. Ngoài ra thuế thu nhập cá nhân mang những đặc trưng như sau:

    Thuế TNCN có diện đánh thuế rất rộng. Đối tượng chịu thuế của thuế TNCN là gần như toàn bộ các khoản thu trong tổng thu nhập của cá nhân mà không cần phân biệt nguồn gốc phát sinh thu nhập đó, bao gồm: Thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh, từ đầu tư gián tiếp như cho vay, tham gia mua cổ phần, góp vốn liên doanh, thu thập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập về trúng thưởng, từ tiền bản quyền, thu nhập từ quà biếu, quà tặng, thừa kế, thu nhập khác.. Thuế này được áp dụng với hầu hết các cá nhân có thu nhập, không kể nguồn thu nhập phát sinh trong nước hay ngoài nước, công dân nước sở tại hay những người nước ngoài cư trú thường xuyên hay không thường xuyên. 3

    Là loại thuế đánh lên tất cả cá nhân có thu nhập chịu thuế. Vì là loại thuế trực thu nên người chịu thuế thường khó có thể chuyển gánh nặng về thuế cho người khác mà chính bản thân họ phải là người nộp thuế tính theo thu nhập thực có của mình. Cho nên tâm lý của người chịu thuế thường nặng nề hơn khi thực hiện nghĩa vụ thuế này so với các loại thuế gián thu. Cần lưu ý là vai trò của người chi trả thu nhập khác với vai trò của người chịu thuế. Người chi trả thu nhập theo quy định của pháp luật là phải khấu trừ số thuế mà cá nhân có nghĩa vụ nộp cho nhà nước trước khi chi trả thu nhập (theo phương pháp khẩu trừ tại nguồn với các loại thu nhập mang tính chất ổn định)

    Thuế thu nhập cá nhân là một hình thức động viên mang tính bắt buộc trên nguyên tắc theo luật định. Nhà nước có thể sử dụng loại thuế này để khuyến khích làm việc hay nghỉ ngơi thông qua biểu thuế. Ví dụ như nhà nước có thể khuyến khích người lao động làm thêm giờ, tăng thu nhập bằng cách đánh thuế nhẹ hoặc không đánh thuế lên khoản thu nhập tăng thêm do làm thêm giờ hoặc có thể khuyến khích nghỉ ngơi bằng cách đánh thuế nặng lên khoản thu nhập này. Nhà nước cũng có thể khuyến khích người dân đầu tư hay không đầu tư, tiết kiệm hay không tiết kiệm thông qua việc đánh thuế hay không đánh thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, thu nhập từ lãi tiết kiệm..

    Thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế phức tạp. Việc quản lý thuế, thu thuế đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao, chi phí quản lý thuế lớn. Cơ quan quản lý thuế phải nắm được các nguồn thu nhập của người chịu thuế, tình trạng cư trú của họ ở Việt Nam.. bởi vì mặc dù pháp luật thuế thu nhập cá nhân chỉ quy định 10 loại thu nhập phải chịu thuế nhưng trong 10 loại đấy lại có rất nhiều những loại thu nhập nhỏ lẻ khác ví dụ như thu nhập từ tiền lương tiền công quy định tại khoản 2 điều 3 luật thuế thu nhập cá nhân 2014 bao gồm không chỉ có tiền lương tiền công hiểu theo nghĩa thông thường mà còn rất nhiều các thu nhập khác có tính chất như tiền lương tiền công cũng là đối tượng phải chịu thuế. Vậy những khoản thu nhập nào có tính chất như tiền lương tiền công mà cũng phải chịu thuế? Tuy pháp luật cũng đã điều chỉnh tương đối đầy đủ về các khoản thu nhập phải chịu thuế cũng như các căm cứ tính thuế qua các luật thuế thu nhập cá nhân, các luật sửa đổi bổ sung cùng với các nghị định, nghị quyết kèm theo tuy nhiên trên thực tế đôi khi còn phát sinh rất nhiều trường hợp ngoài sự dự liệu của các nhà làm luật. Xã hội ngày càng phát triển kéo theo nền kinh tế cũng ngày một phát triển ở một tầm cao hơn vì vậy các khoản thu nhập cũng từ đấy mà ngày một đa dạng hơn rất nhiều. Vì thế trong những tình huống mà pháp luật chưa quy định thì cần phải có một người thực sự có kiến thức, kinh nghiệm, tài giỏi để có thể vừa thu nộp được số thuế cần thu mà cũng vừa làm thỏa mãn "nỗi lòng" của người phải nộp thuế.

    Thuế thu nhập cá nhân luôn gắn liền với những chính sách xã hội của mỗi quốc gia. Xuất phát từ vai trò tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng cho xã hội, để thuế thu nhập đạt hiệu quả cao trong quá trình áp dụng phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa người nộp thuế và nhà nước. Điều này phụ thuộc chính và những chính sách xã hội của mỗi quốc gia. Chính sách xã hội có tốt có toàn diện thì người nộp thuế mới có thể tận tâm tận tụy đóng góp phần công sức của mình vào công trình xây dựng xã hội giàu mạnh, phát triển tốt đẹp hơn.

    3. Sự phân biệt việc đánh thuế giữa các loại thu nhập trong pháp luật thuế TNCN.

    Về bản chất thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương tiền công là những thu nhập mang tính chất ổn định nhất và tính thuế của các thu nhập này là tính theo kỳ tính thuế thường xác định là 1 năm. Theo quy định tại điều 10 luật thuế thu nhập cá nhân 2014: "1. Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. 2. Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu theo quy định của pháp luật về quản lý thuế".

    Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu. Ở khái niệm này, hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường có thể hiểu là các hoạt động mà cá nhân đã đăng ký trong giấy phép đăng ký kinh doanh trước đó. Khi đó khoản thu từ các hoạt động này được gọi là doanh thu. CNKD nộp thuế theo phương pháp khoán (nộp thuế khoán) là CNKD có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ CNKD nộp thuế theo từng lần phát sinh, cá nhân cho thuê tài sản và cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.

    Đánh thuế từ tiền lương, tiền công quy định tại điều 11 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2014 "Điều 11. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công:

    1. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số thu nhập quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật này mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.

    2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập".

    Theo đó ta có thể thấy được thu nhập từ tiền lương, tiền công là một khoản thu nhập khá so với thu nhập từ cá nhân kinh doanh, là thuế trực thu mà nhà nước điều tiết vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động trong kì tính thuế. Thuế thu nhập cá nhân từ tiền công, tiền lương là thuế trực thu do đó người chịu thuế và người nộp thuế là một không thể chuyển giao cho người thứ 2. Thuế thu nhập cá nhân từ tiền công, tiền lương là loại thuế có độ nhạy cảm cao vì nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của người nộp thuế và liên quan đến hầu hết mọi người lao động trong xã hội. Mức độ điều tiết phần thu nhập cao là rất lớn theo mức thuế suất tỉ lệ lũy tiến từng phần. Đặc trưng này xuất phát từ vai trò chủ yếu của thuế thu nhập các nhân là điều tiết mạnh giữa người có thu nhập cao và sự động viên đóng góp của người có thu nhập trung bình, góp phần thực hiện công bằng xã hội. 4 Thuế thu nhập cá nhân từ tiền công, tiền lương là loại thuế phức tạp vì diện thu rất rộng, tất cả các cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương bao gồm: Người lao động là công dân nước sở tại và người nước ngoài cư trú thường xuyên hay không thường xuyên tại nước đó và hầu như tất cả số thu nhập từ tiền công, tiền lương có được của người lao động phải tính thuế không thể kể nguồn thu nhập phát sinh trong nước hay ngoài nước, khi tính thuế phải xem xét đến hoàn cảnh người lao động và luôn hết hợp chính sách xã hội.

    Các khoản thu nhập chịu thuế khác: Là các khoản thu nhập góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ các hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu. Bản chất của các thu nhập khác là phát sinh theo từng lần, tức là lần nào phát sinh thì tính thuế lần đấy. Những loại thu nhập này là những thu nhập không ổn định, không xác định trước nó có thể xuất hiện vào thời điểm nào và giá trị của nó là bao nhiêu. Đây cũng chính là những thu nhập mà nhà nước khó có thể xác định, quản lý nhất vì sự bất thường của nó. Hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu chính là các hoạt động tạo ra nguồn thu (hợp pháp) nhưng không phải là các hoạt động mà cá nhân đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ hoạt động thanh lý tài sản cố định: Rõ ràng thanh lý tài sản cố định sẽ thu về được một khoản tiền, tuy nhiên trên giấy phép đăng kí kinh doanh của cá nhân thì không có hoạt động này, do đó khoản thu về từ hoạt động thanh lý này sẽ được đưa vào thu nhập khác chứ không phải doanh thu. Thuế Thu nhập cá nhân được quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC, theo đó thu nhập từ kinh doanh được quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư 111 này; còn các thu nhập khác được quy định từ Điều 10 Thông tư 111 này.

    Như vậy ta có thể thấy trong pháp luật thuế thu nhập cá nhân có sự phân biệt việc đánh thuế giữa thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công với các khoản thu nhập khác chịu thuế là hoàn toàn hợp lí. Việc phân biệt này đảm bảo tính rõ ràng, công bằng, phù hợp với từng đối tượng, tránh việc sai sót, góp phần kiếm soát tốt đối tượng chịu thuế.

    4. Những thủ đoạn chủ yếu để một cá nhân gian lận thuế thu nhập cá nhân hiện nay và cho ví dụ từ thực tiễn để minh họa.

    4.1 Những thủ đoạn chủ yếu để một cá nhân gian lận thuế thu nhập cá nhân hiện nay.

    Thuế thu nhập cá nhân được xác định và thu dựa trên hình thức kê khai thu nhập cá nhân. Đây là một hình thức tạo sự chủ động cho người nộp thuế, tuy nhiên cũng lại là lỗ hổng để các cá nhân trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế có thể dễ dàng lách qua. Như vậy có thể nói, phần lớn Nhà nước dựa vào sự tự giác của người dân trong việc thu thuế thu nhập cá nhân, mà sự tự giác này lại không có gì đảm bảo được. Do đó, việc gian lận thuế trong kê khai thu nhập cá nhân là một điều tất yếu.

    Việc thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký, kê khai thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động hành nghề tự do như giảng dạy, bác sĩ khám bệnh ngoài giờ, luật sư, môi giới.. chưa được cơ quan thuế quản lý đầy đủ. Trong khi đó, những khoản thu nhập bên ngoài cũng là những khoản đáng kể của những người lao động tự do. Có những trường hợp, các khoản thu nhập góp phần chủ yếu vào tổng thu nhập lại không phải thu nhập từ tiền lương, mà là từ các khoản tiền thưởng và bổng lộc khác không mang tính đều đặn.

    Để tránh các khoản thuế đánh trực tiếp vào mình, các cá nhân chịu thuế cũng cố tình chuyển những khoản thu nhập ấy thành các khoản thu nhập được miễn thuế hoặc chỉ hưởng những mức thuế suất hưu đãi thấp hơn, điều này hoàn toàn là dễ dàng với những cá nhân không muốn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình. Hoặc bằng cách nào đó làm cho thu nhập của mình thấp xuống để chỉ phải chị những mức thuế suất thấp hơn hoặc thấp nhất.

    Gian lận lợi dụng quy định miễn thuế trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất. Khoản 2 Điều 4 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2014 quy định: Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì được miễn thuế. Ngoài ra, Luật này cũng quy định người chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm về tính trung thực về việc kê khai của mình. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đối chiếu trên thực tế lại mất rất nhiều thời gian, cùng với điều kiện hệ thống quản lý thông tin cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước về bất động sản nói chung và ngành thuế nói riêng còn chưa đáp ứng được thực tế. Từ đó dẫn đến việc không thể kiểm soát được từng cá nhân có bao nhiêu nhà ở, đất ở, và có cả những trường hợp một người có nhiều bất động sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cũng không thể quản lý được. Lợi dụng kẽ hở này, rất nhiều người có nhiều nhà ở, đất ở khi chuyển nhượng đã kê khai đó là tài sản duy nhất để không phải nộp thuế.

    Gian lận lợi dụng quy định miễn thuế trong trường hợp chuyển nhượng bất động sản cho người nhà. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2014 thì thu nhập từ chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho bất động sản giữa vợ với chồng; giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; giữa cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; giữa mẹ chồng, cha chồng với con dâu; giữa cha vợ, mẹ vợ với con rể; giữa ông nội, bà nội với cháu nội; giữa ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; giữa anh chị em ruột với nhau thì được miễn thuế. Như vậy, việc chuyển nhượng bất động sản giữa những người trong gia đình, dù mang lại thu nhập lớn đến đâu, thì cũng thuộc diện được miễn thuế. Điều này dẫn đến tình trạng người dân "đi đường vòng" để không phải nộp thuế.

    4.2 Ví dụ thực tiễn

    Hành vi chuyển nhượng bất động sản bắc cầu giữa người thân trong gia đình

    Theo quy định tại khoản 1 điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2014, trường hợp miễn thuế gồm có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.

    Ví dụ, trong trường hợp hai chị em dâu A và B chuyển nhượng bất động sản cho nhau là đối tượng phải nộp thuế. Nhưng để lách luật, người chị dâu A làm thủ tục chuyển nhượng cho bố chồng là C, sau đó bố chồng lại chuyển nhượng tiếp cho người em dâu là B. Cả hai lần chuyển nhượng này đều thuộc đối tượng được miễn thuế. Vì vậy, việc chuyển nhượng bắc cầu cho bố chồng thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.

    Như vậy ta thấy rằng hành vi của chị A và B là hành vi gian lận trốn thuế. Để lách luật chị A đã làm thủ tục chuyển nhượng cho bố chồng là ông C. Việc lách luật này dựa trên khoản 1 điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2014, trường hợp miễn thuế gồm có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa cha chồng với con dâu.

    5. Giải pháp hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân.

    Thứ nhất, cần có chế tài đủ sức răn đê đối với các đối tượng cố tình khai man thu nhập hoặc giấu thu nhập để giảm bớt thuế thu nhập cá nhân mà phải nộp cho nhà nước. Trong quá trình kê khai quyết toán, nếu phát sinh các vấn đề kiên quan, cơ quan thuế sẽ yêu cầu người khia phải khai lại và sẽ truy thu, nếu phát hiện người khai không đúng với thực tế. Nếu phá hiện và truy thu nhưng người nộp không thực hiện thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ cho các cơ quan điều tra, tố tụng để tiến hành các bước tiếp theo.

    Thứ hai, tăng cường tuyên truyền luật thuế thu nhập cá nhân trên các phương tiện truyền thông để mọi người trong xã hội hiểu rõ được ý nghĩa, vai trò của hệ thống thuế nói chung và thuế thu nhập cá nhân nói riêng. Góp phần phát triển xã hội, giúp cho mọi người có nhận thức đúng đắn, có một cái nhìn khác về thuế thu nhập cá nhân.

    Thứ ba, nên thay đổi thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch. Có như vậy mới khuyến khích được những người lao động có tài năng, đồng thời cũng giảm được hiện tượng khai man thu nhập, hiện tượng gian lận thuế.

    Thứ tư, Luật nên quy định mức khởi điểm của thuế theo một cách rõ ràng, cụ thể với mức tiền công, tiền lương tối thiếu. Có như vậy khi nhà nước điều chỉnh tiền lương, tiền công tối thiểu sẽ không ảnh hưởng đến luật thuế thu nhập cá nhân. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để tạo ra sức sống lâu bền cho luật thuế thu nhập cá nhân.

    KẾT LUẬN

    Thuế thu nhập cá nhân luôn là một lĩnh vực thuế đầy sự phức tạp về công tác quản lí hoạt động thu thuế. Tuy nhiên pháp luật về thuế nói chung và pháp luật về thuế thu nhập cá nhân nói riêng đang ngày hoàn thiện hơn các quy định để các cá nhân phải chịu thuế không thể lách luật, lợi dụng những khe hở của pháp luật mà trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế của mình. Để pháp luật thuế thu nhập cá nhân nhanh chóng phát huy được vai trò trong cuộc sống, đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế bản thân mỗi người cần kê khai thu nhập đầy đủ, nộp thuế đúng theo pháp luật góp phần xây dựng xã hội ngày một phát triển.

    1 Trang 211, giáo trình Luật thuế Việt Nam, năm 2019

    2 Trang 214, giáo trình Luật thuế Việt Nam, năm 2019

    3 Trang 34, Huỳnh Văn Diện, luận án tiến sĩ Luật học, pháp luật thuế thu nhập cá nhân từ thực tiễn thành phố Cần Thơ.

    4 Báo cáo tốt nghiệp về thuế thu nhập cá nhân về tiền công, tiền lương.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...