Phân tích nhân vật vũ nương trong chuyện người con gái nam xương - Nguyễn dữ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thư Min MIn, 10 Tháng tám 2020.

  1. Thư Min MIn

    Bài viết:
    12
    "Đau đớn thay thân phận đàn bà

    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

    Câu thơ trên của Nguyễn Du cũng tựa như một điệp khúc rợn người về số phận đầy nước mắt của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ phải chịu nhiều đau khổ, oái ăm, nhiều đắng cay, chua xót trong cuộc đời. Và chính vì phải chịu đựng những hẩm hiu đó mà những người phụ nữ trong xã hội cũ đã làm rung động biết bao trái tim nghệ sĩ, khiến những người cầm bút bức xúc cái chế độ thối nát đã chà đạp lên thân phận mềm yếu của họ để rồi cầm bút vẽ lên người phụ nữ trong xã hội cũ – một hình ảnh bóng sắc trong văn học trung đại Việt Nam phải chịu nhiều bi ai dù có đẹp đẽ cách mấy vào tác phẩm của mình. Đặc biệt trong đó phải kể đến ngòi bút nhân đạo - Nguyễn Dữ với tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương". Xuyên suốt truyện nổi bật lên người phụ nữ Vũ Nương đẹp người, đẹp nết nhưng những trang cuộc đời nàng lại đầy bi đát, đau thương.

    "Chuyện người con gái Nam Xương" là thiên truyện thứ 16 trong hai mươi thiên truyện của "Truyền kì mạn lục". Truyện được Nguyễn Dữ viết bằng chữ Hán, xoay quanh nhân vật chính là Vũ Nương – người con gái đức hạnh khao khát một cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng các thể lực tàn bạo và cả lễ giáo khắc nghiệt lại xô đẩy nàng vào những cảnh ngộ éo le, oan khuất, bất hạnh.

    Vũ Nương hay còn gọi là Vũ Thị Thiết – người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp. Mến vì dung hạnh nên chàng Trương cưới nàng về làm vợ. Buổi giặc giã tung hoành, chàng phải đi đầu quân, Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ chồng và nuôi dạy con khôn lớn. Chẳng may mẹ chồng qua đời, nàng lo ma chay tế lễ chu đáo như đối với cha mẹ đẻ mình. Giặc tan, Trương Sinh trở về, chỉ vì nghe lời con trẻ nên đã nghi oan vợ không chung thủy. Chàng đánh đập, chửi mắng, xua đuổi nàng đi. Đau đớn, tủi nhục, Vũ Nương trầm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Một đêm, Trương Sinh ngồi với con bên ánh đèn mới biết được nỗi oan của vợ nhưng việc đã trót qua rồi. Ở thủy cung, Vũ Nương tình cờ gặp Phan Lang, người cùng làng. Ngày Phan Lang trở về, Vũ Nương gửi thiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh lập đàn giải oan ở bến Hoàng Giang ba ngày. Vũ Nương hiện về trên chiếc kiệu lúc ẩn, lúc hiện.

    Cụ thể, tác giả Nguyễn Dữ đã đặt Vũ Thị Thiết vào những hoàn cảnh khác nhau, qua đó bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Không như Nguyên Du miêu tả Kiều với nét đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" mà Nguyễn Dữ chỉ điểm nét đẹp của Vũ Nương: "Tính tình thùy mị nết na", "tư dung tốt đẹp". Cũng bởi "mến vì dung hạnh" của nàng mà chàng Trương Sinh trong làng "xin mẹ đem trăm lạng cưới về". Dẫu nghèo khó nhưng có công dung ngôn hạnh đầy đủ, không hề khiếm khuyết nên chàng Trương mới quyết lấy nàng làm vợ như thế, điều đó đã tô đậm hơn giá trị con người Vũ Nương. Khi lấy chồng, vì để vợ chồng không phải thất hòa và bởi vì Vũ Nương hiểu tánh chồng hay nghị kỵ nên ơ vai trò là người vợ, nàng luôn khéo léo cư xử đúng mực cũng như giữ gìn khuôn phép hết sức nghiêm ngặt.

    Nàng tôn trọng hanh phúc gia đình là thế nhưng chăn ấm nệm êm mà nàng gìn giữ chưa được bao lâu thì chàng Trương phải lên đường đi lính đồng nghĩa với việc hai người phải chia xa. Khi tiễn chồng ra trận, Vũ Nương rót chén rượu và nói những lời thiết tha, tình nghĩa khiến ngay cả người đọc là chúng ta cũng xúc động khôn nguôi: "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi." Phận là vợ, ai chẳng mong phu quân mình được phong chức tước, áo gấm về làng nhưng từng lời, từng chữ nàng thốt ra như thế đấy đã thể hiện nàng chẳng màng tới thứ danh lợi, vinh họa phù phiếm đó mà chỉ mong ước chồng mình được bình an trở về. Điều ước ấy thật giản dị những cũng thật cao quý bởi nổi bật lên mơ ước cao cả, thấm đượm cái tình nghĩa của người làm vợ - chỉ mong gia đình có thể được sum vầy bên nhau.

    [​IMG]

    Chồng đi đánh giặc ngoài biên ải chưa đầy mười ngày thì Vũ nương hạ sinh đứa con đầu lòng, cuộc vượt cạn vất vả, đau đớn lại không có trượng phu vậy mà nàng vẫn không hề than vãn. Chịu bao đắng cay, cơ cực, Vũ Nương một tay săn sóc đứa con từ lúc lọt lòng cho đến lúc biết nói với tất cả tình yêu thương vô bờ vừa là xuất phát từ trái tim người mẹ vừa là thay cho tình cảm của một người cha. Nàng tâm lí, lo con phải thiếu thốn tình cha nên thậm chí còn chỉ vào cái bóng rên vách và bảo đó là cha Đản (tên con nàng), điều đó đã cho thấy thứ nàng muốn hơn hết là định hình cho con một mái trọn vẹn. Trong thời gian xa chồng, phải gánh vác vai trò trụ cột trong gia đình, Vũ Nương vẫn một lòng dạ son sắt, mong đợi chồng về trong sự lẻ loi, cô đơn mòn mỏi: "Mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi" thì nàng lại "thổn thức tâm tình, nhớ thương da diết". Và việc chỉ vào cái bóng trên vách bảo đó là cha Đản cũng còn thể hiện sâu sắc sự thủy chung, yêu thương, nhớ nhung tha thiết mà nàng dành cho chồng ấy – nàng mơ về tương lai gần sẽ lại gắn bó với chồng như hình với bóng. Hơn nữa, không những yêu chồng, thương con hết lòng, hết dạ mà đối với mẹ chồng, Vũ Nương vẫn luôn là một người con dâu hết mực hiếu kính, biết yêu thương và tận tụy chăm sóc mẹ chồng đầy chu đáo – "nàng hết sức thuốc thang lế bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn" khi mẹ chồng ốm vì thương con chinh chiến. Cho đến khi dầu cạn đèn tắt, sự tình không thể cữu vãn được nữa, mẹ chồng đã nhắm mắt xuôi tay thì nàng lại một thân tần tảo lo tang sự - "hết lời thương xót, ma chay tế lễ như đối với cha mẹ đẻ của mình."

    [​IMG]

    Rồi khoảng thời gian dài đằng đẵng trôi qua, binh đạo loạn lạc cũng chấm dứt, chồng Vũ Nương ra lính trở về, niềm hạnh phúc hân hoan của nàng chưa đong đầy trọn vẹn thì bi kịch, sóng gió ập đến. Đến đây, chúng ta hãy nhìn lại chi tiết chỉ vào cái bóng những ngày chồng tòng quân xa của Vũ Nương, ngờ đâu hành động tâm lí đó lại dẫn đến bi kịch, thảm họa về sau khi Đản tin đó là sự thật và cứ lầm tưởng rằng cha mình hằng đêm đến, mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi để rồi từ lầm tưởng ấy mà Đản kể lại với cha một cách hồn nhiên. Đáng trách thay bởi cái tính vốn hay ghen tuông nông nổi của một kẻ vô học như Trương Sinh từ lời nói ngây thơ đó của bé Đản mà dễ dàng bị kích động dữ dội và chàng đã một mực nghi ngờ sự thủy chung, son sắt của vợ nên la um lên khi vừa về đến nhà dù chưa hỏi rõ ngọn ngành. Vũ Nương đau khổ, khóc lóc phân trần để chồng Trương hiểu rõ tấm lòng của mình: "Thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu..", nàng cũng khẳng định tấm lòng trinh bạch với chồng: "Cách biệt ba năm giữ gìn một tiệt" hay thậm chí tha thiết cầu xin: "Dám xin bày tỏ để vơi mối nghi ngờ..". Nhưng dù đã nói đến thân phận của mình, khẳng định sự thủy chung, hết lòng van nài hàn gắn lại hạnh phúc gia đình đang đứng bên bờ vực của sự tan vỡ như thế thì chàng Trương vẫn buộc tội vợ chắc nịch, thậm chí còn to tiếng "mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi". Họ hàng, làng xóm chứng kiến được bèn bênh vực, biện bạch cho nỗi ngang trái mà Vũ Nương gánh chịu những cũng không thay đổi được thái độ phũ phàng của Trương Sinh đối với nàng lúc này. Bất đắc dĩ, Vũ Nương thống thiết: "Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy.. đâu còn có thể lên núi Vọng Phu kia nữa." Mấy năm trời cách biệt chồng, một mình chèo chống vất vả, vừa mệt mỏi thể xác lẫn tinh thần. Khi chồng trở về, hạnh phúc, sự đoàn viên của một mái ấm – niềm khao khát cả đời của nàng tưởng chừng có thể thực hiện thì ngờ đâu lại bị cháy lụi tàn, cháy thành tro, vụn vỡ đi vì nỗi oan lạ lùng nàng hứng chịu từ chính chồng Trương của mình và cũng bởi xuất phát từ lời nói vô thưởng vô phạt của đứa con nhỏ. Thất vọng tột cùng, tình yêu không còn, nỗi đau khổ chờ chồng giờ đây hóa đá. Vũ Nương – một còn người phẩm hạnh như thế lại mang tiếng nhuốc nhơ vì bị chồng ghi oan, cự tuyệt. Nỗi oan khuất tày trời không phương giãi bày, cứu chữa mà nàng phải gánh đó khiến nàng vô cùng đau đớn, tuyệt vọng, giờ đây bi kịch dồn nén đến mức cao độ, nàng đành tìm đến con đường chết để chứng tỏ tiết hạnh trong sáng của mình.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Ta thấy, tấm bi kịch này của Vũ Nương bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa, đầu tiên, cũng như dễ thấy nhất là từ con Đản của nàng với những lời nói ngây ngô, dại khờ. Tiếp đến là do cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối, không phần bình đẳng giữa Vũ Nương và Trương Sinh – cưới hỏi không hề bắt nguồn từ tình yêu mà là từ trăm lạng Trương Sinh xin mẹ mình. Nguyên nhân đó cũng là do hiện thực nghiệt ngã của lễ giáo phong kiến trong xã hội cũ, với chế độ "nam quyền" rẻ rúng thân phận phụ nữ, hơn nữa chàng Trương lại có tính đa nghi, thói hung bạo, gia trưởng, đối với vợ thì phòng ngừa quá mức. Và cũng bởi vì từ cuộc chiến tranh phi nghĩa khiến hai người phải chia xa, cách biệt, khi đi lính trở về, chàng Trương lại phải mang tâm trạng nặng nề: Mẹ mất, con vừa học nói. Lòng buồn bã, trong hoàn cảnh như thế thì từ lời nói ngô nghê của Đản, Trương Sinh càng dễ dàng bị kích động tính hay ghen hơn nữa. Tất cả, tất cả những chi tiết này đã chuẩn bị cho hành động độc đoán của Trương Sinh về sau.

    Cái cảnh ngộ ấy của nàng đã khiến bao người đọc phải xót xa, đau đớn lòng. Nhưng có phải Nguyễn Dữ đã đặt dấu chấm than cho mọi chuyện đã rồi? Không, cái kết ấy vẫn là chưa vẹn toàn, Nguyễn Dữ đã tạo nên một cái kết có hậu cho chuyện. Bắt đầu khi bé Đản hân hoan mừng cha đến lúc chỉ vào cái bóng của chàng Trương trên vách, vậy là bao nhiêu oan khiên gây thảm kịch đã xảy ra từ cái bóng, từ lời nói ngây ngô của bé Đản thì trong phút chốc cũng dược sáng tỏ bởi cái bóng, bởi câu nói hồn nhiên từ Đản. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Dữ đã thêm yếu tố truyền kì để cho Vũ Nương khi gieo mình xuống sông Hoàng Giang thì lại được sống ở chốn thủy cung. Rồi một ngày, nàng gửi thiếc hoa vàng cho Phan Lang mang về để nhờ Trương Sinh lập đàn giải oan. Khi bóng Vũ Nương hiện về thoắt ẩn thoắt hiện trên bến sông Hoàng Giang, nàng không một lời oán trách chuyện cũ mà chỉ hết lời cảm tạ chồng Trương: "Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng về chốn nhân gian được nữa..", cho thấy nàng đã tha thứ cho chồng mình, giải thoát chồng khỏi những ân hận, đau xót vì trách lầm vợ. Nhưng qua lời nói "thiếp chẳng trở về chốn nhân gian được nữa" lại cho ta thấy một điều đáng buồn rằng Vũ Nương vẫn chưa được hạnh phúc thật sự khi nàng giờ đây vẫn phải xa chồng, xa lìa đứa con thơ mới tập nói mà không được đoàn tụ vì "âm dương đôi đường". Và cũng bởi lẽ sự thật thì những người phụ nữ trong xã hội phong kiến như Vũ Nương – họ chưa bao giờ được hạnh phúc trọn vẹn cả. Việc tái tạo thêm yếu tố truyền kì từ cố tích ở đây của Nguyễn Dữ ngoài tạo ra một thế giới nghệ thuật lung linh huyền ảo thì cũng đã nâng lên những giá trị tư tưởng mới và quan trọng là thỏa đáng niềm mong ước của nhân dân - "ở hiền gặp lành".

    Không dừng lại ở Nguyễn Dữ với tác phẩm "Chuyện người cin gái Nam Xương" mà đến với Hồ Xuân Hương ta cũng bắt gặp một người nghệ sĩ dám dùng ngòi bút của mình để lên án cái chế độ phong kiến thối nát cũng là để lên tiếng bảo vệ cho những người phụ nữ có thân phận nhỏ bé trong cái xã hội ấy, cụ thể là qua bài thơ trữ tình đặc sắc của bà – "Bánh trôi nước" :

    "Thân em vừa trắng lại vừa tròn

    Bảy nổi ba chìm với nước non

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặng

    Mà em vẫn giữ tấm lòng son"

    Ở đây, ta thấy được tài năng sáng tạo của nữ thi sĩ khi ngay trong câu thơ đầu, bà đã chọn lựa ít nhưng kĩ càng những chi tiết, đặc điểm của chiếc bánh trôi và đặt trước những từ miêu tả ấy hai từ "thân em" khiến câu thơ sinh động hẳn lên: "Thân em" - lời xưng hô của cái bánh trôi được nhân hóa cũng chính là lời giới thiệu về người phụ nữ trong xã hội cũ, nhờ hai từ này thì trí tưởng tượng của độc giả mới thật sự được chắp cánh, hình ảnh người phụ nữ thời phong kiến mới dần hiện ra trong tâm trí người đọc. Đó là người phụ nữ có hình thể thật đẹp – da thì trắng nõn như tuyết, thân hình thì đầy đặn, xinh xắn và tâm hồn thì trắng trong, hiền hậu, đoan trang – "vừa trắng lại vừa tròn" - cặp quan hệ từ "vừa.. vừa" đã phụ trợ cho giọng thơ của tứ thơ hàm chứa ý thức về vẻ đẹp hình thể đó cũng như bày tỏ một chút hài lòng, kiêu hãnh về nó. Thế rồi, đọc sang câu thứ hai, ta thấy giọng thơ đột ngột chuyển hẳn khi từ thoáng chút tự hào về vẻ ngoài, nội tâm đẹp đẽ chuyển sang than vãn về số phận hẩm hiu: Đời người phụ nữ "tốt gỗ, tốt nước sơn" như vậy đáng lẽ phải có được cuộc sống sung sướng nhưng không, sống trong chế độ nam quyền, đời họ gặp nhiều biến cố, nhiều lận đận, vất vả cùng cực, phải phiêu dạt, long đong giữa cái xã hội rộng lớn và đầy rẫy những bất công mà không biết phải đi về đâu, phải nương tựa vào ai – "bảy nổi ba chìm" – nhà thơ đã tạo nên cách nói mới qua cách đảo lại thành ngữ quen thuộc "ba chìm bảy nổi" và tác giả cũng đã cho thành ngữ này đi liền với hình ảnh "vừa trắng lại vừa tròn" tạo ra sự đối lập bất ngờ nhằm tô đậm hơn vào sự trắc trở, bất hạnh mà người phụ nữ phong kiến phải trải qua. Và từ giọng thơ than vãn, lời thơ giờ đây chuyển sang giọng ngậm ngùi, cam chịu – "rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn" – người phụ nữ bị đối xử bạc bẽo, phũ phàng, bị vùi dập, không thể làm chủ cuộc đời mình mà phải phụ thuộc vào tay kẻ khác nhưng đáng nói là dù vậy họ vẫn kiên trì cố gắng giữ gìn trọn vẹn phẩm giá và tâm hồn cao cả, tấm lòng son sắt của mình – "mà em vẫn giữ tấm lòng son" – ý thơ đột ngột chuyển lại lúc này cho ta thấy kết cấu đối lập được tác giả khai thác triệt để - nếu ở hai câu thơ đầu là sự đối lập giữa hồng nhan với bạc phận thì giờ đây ở câu ba, bốn là sự đối lập giữa thái độ cam chịu và thái độ quả quyết bảo vệ phần trong sáng trong tâm hồn con người mình của người phụ nữ. Sự đối lập ở hai câu thơ cuối đó càng thêm sắc, mạnh khi thể hiện qua quan hệ từ đối lập "mặc dầu.. mà". Nhìn lại bốn dòng thơ, ta thấy việc dám đối lập tấm lòng son, phẩm hạnh của người phụ nữ với tất cả sóng gió trong cuộc đời họ đã càng khẳng định rõ giá trị đáng kính nơi người phụ nữ trong cái chế độ nam quyền, coi trọng đồng tiền đó.

    Phải nhận thấy rõ ràng rằng dù là "Chuyện người con gái Nam Xương" ngòi bút tài năng - Nguyễn Dữ hay "Bánh tôi nước" của bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương thì cũng đều khắc họa lên hình tượng người phụ nữ vẫn giữ gìn được vẻ đẹp sáng ngời từ trong ra ngoài của mình dù cuộc đời có trải qua bao thăng trầm, bất hạnh. Đáng nói, với tác phẩm truyện ngắn đầu tiên viết bằng chữ Hán – "Chuyện người con gái Nam Xương" thì tác giả Nguyễn Dữ đã có mặt thành công trong nghệ thuật xây dựng truyện, xây dựng những đoạn đối thoại làm cho câu chuyện trở nên sinh động hơn. Cách kể chuyện hấp dẫn, với chi tiết nhỏ - cái bóng đã làm nên nhà văn lớn, tạo nên nét chấm phá hết sức độc đáo trong việc xây dựng tình tiết – thắt nút, gỡ nút đầy bất ngờ, kịch tính, đã làm cho nỗi oan tình của nhân vật hiện ra với tất cả nét thảm khốc, đau thương, nhói lòng độc giả qua đó cũng là thể hiện cái bất công chung mà người phụ nữ trong xã hội cũ phải chịu đựng. Còn với tác phẩm "Bánh trôi nước", ta thấy nhờ tài quan sát cùng khả năng liên tưởng tinh vi, Hồ Xuân Hương đã phát hiện được những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi nước tầm thường và hình ảnh cũng như cuộc đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến từ đó mà đưa ra những nhận xét riêng biệt, mới mẻ, hình tượng thơ của bà cũng dần được xây dựng: Với biện pháp nhân hóa cái bánh trôi gắn liền những chi tiết tả thực cùng những từ ngữ đa nghĩa tạo lên một trường liên tưởng rộng rãi cho người đọc - liên tưởng về chuyện chung của người phụ nữ trong thời phong kiến có vẻ đẹp hình thể lẫn tâm hồn, vẫn giữ trọn vẹn phẩm giá của mình dù thân phận thì thấp bé, "bảy nổi ba chìm", đời sống thì bị phụ thuộc, định đoạt bởi kẻ khác. Dù có những nét rất riêng như thế nhưng quy chung lại thì cả hai tác phẩm đều gặp gỡ nhau khi cùng hướng tới việc lên tiếng phê phán xã hội phong kiến cũng như bảo vệ người phụ nữ dù tốt đẹp đủ điều nhưng số phận thì đầy cay đắng.

    Tóm lại, "chuyện người con gái Nam Xương" là tác phẩm có giá trị tố cáo, phản ánh hiện thực cuộc sống về chiến tranh phong kiến, chế độ cố hủ và có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Nghĩ về Vũ Nương, ta lại nhớ về những người phụ nữ có nét đẹp từ trong ra ngoài, hiền thục, đảm đang, tháo vát nhưng lại bị buộc chặt trong khuôn khổ khắt khe của lễ giáo, bị đối xử bất công, bị áp bức, phải chịu nhiều khổ đau, bất hạnh. Và chính tác phẩm này, chính cái chết thương tâm của Vũ Nương đã khiến mỗi chúng ta nhìn nhận cũng như thông cảm hơn cho những người phụ nữ có số phận bi đát trong xã hội cũ. Qua đó, ta cũng càng thấy rõ giá trị cuộc đời của những người phụ nữ Việt Nam trong thời bình, trong xã hội tốt đẹp ngày hôm nay. Họ được tôn trọng, được đề cao nhân phẩm, được làm chủ cuộc đời mình. Những người pụ nữ giờ đây được sống hạnh phúc với chồng với con và họ đã trở thành một phần quan trọng, không thế thiếu trong xã hội của thời đại mới.


    P/s: Vì là phân tích văn học nên dù là một học sinh giỏi văn thì mình cũng đi tham khảo ở những nguồn tài liệu khác (nguồn mình hay tham khảo nhất là thuthuat) để chỉnh chu câu văn của mình hơn đồng thời biết được những điều mới mẻ mà có thể là mình chưa kịp chiêm nghiệm ra cho nên khi đọc chắc chắn sẽ có một số hay thậm chí là nhiều câu văn các bạn sẽ ồ lên rằng "cái này hình như mình thấy ở đâu đó rồi" hihi. Và điều mình ngán ngẩm nhất khi làm văn là việc đọc lại thế nên khi các bạn đọc thấy có thiếu sót hãy thông cảm cho mình và bình luận phía dưới để mình còn biết mà sửa nhé <3.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng chín 2020
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...