Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ Nhăt - Kim

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thư Viện Ngôn Từ, 26 Tháng mười một 2023.

  1. Phân tích nhân vật anh Tràng trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân

    [​IMG]

    Nếu như Nguyễn Công Hoan đời là mảnh ghép của những nghịch cảnh, với Thạch Lam đời là miếng vải có nhiều lỗ thủng, những vết ố, nhưng vẫn nguyên vẹn, với Nam Cao cuộc đời là tấm áo cũ bị xé rách tả tơi từ cái làng Vũ Đại đến mỗi gia đình, mỗi số phận thì đối với Kim Lân lại xem đời là những khổ đau mà ở đó có những con người vô cùng phi thường trong bể khổ. Mỗi tác phẩm của ông đều khắc họa lên nỗi khổ của con người một cách đầy khốc liệt nhưng lại có chí hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông được mệnh danh là nhà văn của nông thôn, là cây bút chuyên viết về truyện ngắn, ông đã viết về cuộc sống và con người nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là "con đẻ của đồng ruộng". Tiêu biểu trong sáng tác của ông đó chính là truyện ngắn Vợ nhặt đã làm nổi bật lên cuộc sống nghèo khổ của con người ở những năm 1945 đồng thời là ca ngợi tình thương, khát vọng hướng đến cuộc sống tốt đẹp mà đại diện đó chính là hình tượng nhân vật anh Tràng hiện thân cho số phận của những người nông dân trong giai đoạn này.

    Đúng là như vậy, tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật. Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân đã đọng lại trong tâm trí độc giả cái nỗi ám ảnh về một cuộc sống nghèo đói của năm 1945, cái cảnh khốc liệt mà "Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người" mà Kim Lân đã miêu tả lại trong truyện ngắn. Tác phẩm Vợ nhặt được in trong tập Con chó xấu xí mà tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), ông dựa vào một phần truyện cũ để viết truyện ngắn này. Có thể nói nhân vật Tràng đã thể hiện được hình tượng cho người nông dân trong thời kì đó, từ ngoại hình cho đến tích cách nhân vật, Kim Lân đã rất thành công cho việc khắc họa và đưa ra tình huống truyện vô cùng đặc biệt "nhặt vợ". Tràng sống trong một xóm Ngụ cư, giữa nạn đói của năm 1945, người chết như ngã rạ, cuộc sống của mẹ con Tràng không khá khẩm cho mấy, hai người nương tựa nhau mà sống qua nạn đói, nhưng anh cũng rất chăm chỉ, ngày ngày làm công việc kéo xe bò thuê để kiếm sống. Nếu như trước kia nạn đói chưa ập đến, Tràng thường xuất hiện với "dáng đi ngập ngưỡng, mắt một mí lại gà gà đắm vào bóng chiều. Thân hình to lớn vập vạp quai hàm bạnh ra, lưng to như thân một con gấu lớn". Tràng giữ cho mình nét thô kệch của một người nông dân chính gốc. Nhưng khi nạn đói kéo đến, vẻ ngất ngưỡng ấy đã biến mất mà thay vào đó là dáng anh tỏ ra mệt mỏi, vẻ mặt đăm chiêu, lo lắng, đầu thì chúi về đằng trước mặt cúi gầm lại . Cái đói đã làm mụ mị cả con người Tràng. Anh trở nên xấu xí, thô kệch hơn nhiều, mọi người cho rằng anh ế vợ, không ai mà có thể lấy một người trong dáng vẻ ấy đặc biệt còn là dân ngụ cư, nhưng trong nạn đói tàn tạ ấy anh đã có vợ mà thực tế hơn là "nhặt vợ". Qua ngòi bút miêu tả cảnh khốc liệt của xã hội trước cách mạng tháng Tám năm 1945, hiện thưc hiện lên đầy bi thảm tột cùng, nó thảm khốc khiến con người như Tràng thay đổi theo hoàn cảnh, một gã trai quê nông nỗi, liễu lĩnh nhưng lại khát khao hướng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Con người trong văn học đều có số phận hẩm hiu, đều bị dồn đến tận cùng của ranh giới sự sống và cái chết, đều bi thảm nhưng tất cả mọi nghịch cảnh, họ đều đứng lên, đều muốn một lần phá vỡ và giải thoát chính bản thân mình, khát khao hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ta đã từng gặp một Lão Hạc tưởng như gàn dở nhưng lại sâu sắc biết bao; một Chí Phèo mất trí nhưng lại tỉnh táo nhất làng Vũ Đại và một anh Tràng ngật ngưỡng "thỉnh thoảng ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch" nhưng đầy nhân hậu, yêu thương, quên sự sống đang bên bờ vực thẩm để đón nhận một con người. Vẻ đẹp tâm hồn của Tràng được nhà văn Kim Lân tô điểm qua tâm trạng và hành động được tác giả xây dựng lên. Có thể nói Tràng là chàng thanh niên chăm chỉ, tốt bụng và khát vọng về hạnh phúc gia đình đó còn là tình thương người. Tràng tốt bụng nhưng khao khát có vợ của Tràng rất mãnh liệt, dẫu trong vài chi tiết hé lộ khá kín đáo, nhà văn đã cho bạn đọc thấy được điều đó: Trong lần thứ nhất, Tràng đẩy xe bò lên tỉnh gặpThị, Tràng hò một câu tưởng tình cờ cho đỡ mệt nhưng thật ra lại đầy tình ý:

    "Muốn ăn cơm trắng mấy giò này


    Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì"

    Khi Thị nhận lời, Tràng thích lắm. "Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế". Chính trong lần gặp cơ duyên ấy đã khiến cho số phận họ gắn kết lại với nhau, để rồi ở lần gặp lại thứ hai đã đưa hai người có cùng số phận trở thành vợ chồng. Ta có thể thấy sự hiền lành, chất phác và tốt bụng hiện nhẫn lên qua hành động của anh khi bị Thị mắng "Điêu! Người thế mà điêu!" . Lúc ấy chàng chỉ cười toét miệng và không ngần ngại mời cô ăn dù biết bản thân cũng không dư dả gì. Đây là tiêu biểu cho hành động của người nông dân hiền lành, tốt bụng. Và khi người đàn bà quyết định theo mình về, cảm xúc của Tràng hơi đắng đo, nhưng sau đó bỏ qua cái nghèo, anh quyết định đùm bọc và cưu mang lẫn nhau "mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn tặc lưỡi một cái: Chậc, kệ!". Niềm khao khát về hạnh phúc đã thôi thúc chiếm trọn cả tâm trí Tràng, bỏ qua mọi rào cản của cái nghèo đói, khát vọng về hạnh phúc gia đình vẫn luôn dạt dào, mãnh liệt. Tình người, hạnh phúc luôn mang đến những điều kỳ diệu, tươi đẹp cho cuộc sống để con người cảm thấy muốn sống, sống đẹp hơn trong những ngày cằn cỗi, khắc nghiệt. Tràng chu đáo, ân cần quan tâm đến Thị khi đưa cô về nhà mình "Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về", đây còn khẳng định cho sự nghiêm túc của Tràng đối với người đàn bà. Chính điều đó đã làm cái vẻ xấu xí, thô kệch của Tràng bị lấn át bởi vẻ đẹp tỏa sáng từ bên trong. Đây chính là điểm sáng trong cách Kim Lân xây dựng hình tượng nhân vật cũng giống như ông từng nói "khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý nghĩa khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người". Và Tràng đã tin tưởng vào điều đó, chỉ cần có khát vọng, có tình thương thì dù nghịch cảnh có khốn khổ đến đâu thì tình người vẫn hiện hữu muôn nơi.

    Tâm trạng của Tràng ngày càng trở nên hưng phấn hơn trên con đường về nhà. Khát vọng về hạnh phúc đã lấn át nỗi lo của Tràng. Sự kiện tương phản với hiện thực là buổi chiều Tràng về làng cùng người đàn bà lạ mặt. Điều không bình thường hiện ra trên khuôn mặt phớn phở khác thường và nụ cười tủm tỉm trở lại trên khuôn mặt Tràng. Điều khác lạ trong thái độ của Tràng thay đổi với đám trẻ con vốn quen suồng sã với anh ta. Sự kiện tạo ra sự tò mò ngạc nhiên từ trẻ con đến người lớn. Con đường trở về nhà Tràng – sự thay đổi tâm lý nhân vật: Sự thật quá lớn lao vượt qua suy nghĩ mơ ước thường nhật của anh Tràng nghèo khổ, xấu xí khiến Tràng không nhận biết hoàn cảnh giống mọi người. Choáng ngợp tâm trí Tràng lúc này là hạnh phúc của riêng anh. Kim Lân đã khắc họa những chi tiết thật sống động về một gã trai được vợ thích ý "cái mặt cứ vênh vênh tự đắc với mình", "trên đường về nhà, người đàn bà thì ngượng nghịu, còn Tràng thì tỏ ra thích chí và tự đắc" . Cũng là tiếng càu nhàu nhưng khác hẳn với cái càu nhàu của người đàn bà cảm thấy sự hẩm hiu của thân phận, Tràng tỏ ra bối rối thật sự trước hạnh phúc đang được tận hưởng. Mọi cử chỉ thật buồn cười: lật đật, nhìn ngang nhìn ngửa, như người xấu hổ chạy trốn. Tràng mang vẻ tập tâm hồn giữa thời thế khốn khổ, tấm lòng nhân hậu ấy đã dang tay cứu vớt một cuộc đời, sẵn sàng cho người đàn bà xa lạ ăn, thậm chí không từ chối khi người đàn bà theo về.

    Khi về đến nhà, Tràng trở nên bối rối, ngượng ngùng vì nhà cửa bừa bộn "Tràng xăm xăm bước vào trong nhà, nhấc tấm phên rách sang một bên, thu dọn những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất", cố tỏ ra vẻ tự nhiên cho thị và cũng cho cả mình Tràng nói đùa "không có người đàn bà nhà cửa thế đấy" để xua tan cái không khí ngượng ngùng. Sự bối rối trong Tràng vừa chân thật, vừa mộc mạc thể hiện nỗi lo bấy giờ của Tràng. Tràng "nhặt" được một người đàn bà nhưng rồi lại sợ mất thị. Cảnh nghèo đói đã hiện lên rõ ràng. Tràng thấy có tội vì đã che giấu mà không thể kể cho thị nghe trước. Sự im lặng của thị, nỗi mặc cảm của thị Tràng không hiểu nổi. Hơn nữa Tràng khôngthể tự quyết được tất cả mọi việc. Còn ý kiến của bà cụ Tứ nữa chứ. Liệu mẹ có đồng ý không? Sự chờ đợi mẹ về thật nặng nhọc với Tràng. "Tràng đứng tây ngây ra giữa nhà một lúc" rồi "lấm lét bước vội" ra sân. Tràng sợ rằng người đàn bà sẽ bất ngờ từ chối không làm vợ Tràng nữa. Tràng không dám trở lại nhà mà chỉ luẩn quẩn ở sân, ở ngõ. Một lần nữa, Tràng sợ đối diện với thị "chợt hắn thấy sờ sợ. Chính hắn cũng không hiểu sao hắn sợ" nhưng không phải vì sự "xa lạ" như trước mà sợ sự "đột nhiên từ chối". Vẻ lo lắng, sốt ruột đợi mẹ về hiện rõ trong từng hành động của Tràng qua đó ta thấy được sự lễ nghĩa của một người con. Khi thấy hình bóng mẹ về, Tràng vui mừng khôn xiết như một đứa trẻ chờ mẹ về cho bánh"thấy mẹ, Tràng reo lên như một đứa trẻ", hắn thưa chuyện đàng hoàng với bà cụ Tứ, vẻ mặt nghiêm túc, tìm lí do là phải duyên để mong sự chấp thuận từ bà cụ Tứ. Một chàng trai dù mong hạnh phúc gia đình đến đâu nhưng vẫn hiểu lễ nghĩa, vẫn nghĩ đến bà cụ Tứ, căng thẳng mong mẹ vun đắp cho hạnh phúc của mình. Khi được sự chấp thuận của mẹ Tràng như trút bỏ được gánh nặng trong lòng "Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi". Cái tài tình của Kim Lân không chỉ thuật lại cái khủng khiếp của nạn đói mà còn là miêu tả cảm xúc, tâm lí nhân vật một cách sâu sắc và rõ nét, ở nhân vật Tràng, mọi cảm xúc, hành động như được hiện lên trên từng con chữ, khát vọng về một hạnh phúc gia đình nhem nhói trong Tràng đã thành hiện thực, dù hiện tại có khốc liệt, trong nạn đói ấy con người có bần cùng đến đâu nhưng họ đã nương tựa vào nhau bằng tình thương, họ tin vào một tương lai tươi sáng sẽ đón chờ họ như cách mà Tràng thắp sáng ngọn đèn nhà Tràng "hầm hầm bước vào" và "đánh diêm đốt đèn". Hành động kiên quyết tạo ra một hình tượng "Ngọn đèn tỏa sáng căn nhà tối tăm". Tại sao Tràng không thắp đèn ngay khi về nhà? Bởi Tràng chỉ thắp khi phải củng cố niềm tin dù là nhỏ nhoi cho người khác. Ngọn đèn vừa mang biểu tượng cho một tương lai tươi sáng, vừa liên kết gắn bó ba người lại với nhau – ba con người đói rách. Ngọn đèn là niềm yêu thương, cảm thông lẫn nhau để cùng vượt lên trên số phận buồn thương của họ. Và khi thấy sáng, bà lão "vội vàng lau nước mắt". Rõ ràng là căn nhà và trong lòng bà lão đều tối như nhau. Ánh sáng như một lời hứa quyết tâm của người con trai gửi đến bà mẹ. Dầu đắt thế nhưng bởi có vợ mới nên con trai bà cũng mua được cơ mà. Tuy nhiên đèn sáng lên bà cũng chỉ "uể oải" đứng dậy đi nằm. Cái rạng rỡ của ánh sáng cũng chỉ là một viễn cảnh quá xa nhưng họ vẫn tin vào nhau.

    Nhân vật là phương tiện để phản ánh đời sống, khái quát hiện thực. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống và của con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kì vọng về đời sống. Và ở Tràng, một nhân vật được xây dựng lên trong hoàn cảnh đầy thảm khốc của nạn đói năm 1945, từ người thô kệch, xấu xí nhưng ẩn hiện lên tấm lòng rạng ngời về chí hướng của cuộc sống, từ mong ước về hạnh phúc gia đình, Tràng trở nên trưởng thành hơn, có trách nhiệm với gia đình. Nhà văn đã mang đến cho người đọc hơi thở mới của Tràng vào sau cái đêm tân hôn. Tràng thức dậy, đầu tiên đó là một cảm giác dễ chịu trong người êm ái lững lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc Tràng có vợ có lẽ là giấc mơ đẹp nhất của cuộc đời anh. Đó cũng là cảm xúc rất tự nhiên và chân thật của một con người đang sống, đang choáng ngợp trước hạnh phúc lớn lao và bất ngờ đến. Tràng cảm động khi thấy mẹ và vợ dọn dẹp lại nhà cửa, nhất là khi nghe tiếng chổi tre quát từng nhát sàn sạt trên sàn. Một nỗi lòng yêu thương, một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng "Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà" đó là suy nghĩ, là ý thức của người đàn ông trưởng thành, nghiêm túc trong hôn nhân. Tràng đã thực sự coi rằng việc lấy vợ là hệ trọng của đời mình. Từ ý thức đến hành động: hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà . Như vậy ở Tràng đang diễn ra một cuộc vận động rất tích cực từ vô tình, vô tâm thành hữu tình, từ dửng dưng không quan tâm đến hạnh phúc lứa đôi đến khát khao hạnh phúc. Tuy nhiên Kim Lân không phải là một nhà cải cách xã hội theo chiều hướng cải lương, con người không thể sống hạnh phúc thuần tuý bằng tình yêu, khát vọng và niềm tin. Trong văn học thời kì này, ta cũng đã từng bắt gặp một nhân vật đã có sự thức tỉnh đáng kinh ngạc đó là Chí Phèo trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao. Quá trình thức tỉnh của Chí vào buổi sáng hôm sau khi hắn thức dậy sau cơn say rượu, từ sự chăm sóc ân cần, chu đáo của Thị Nở, tình người đã đánh thức một chàng Chí lương thiện đã ngủ bất lâu nay.

    Chuyện Tràng sung sướng và hạnh phúc vì có vợ không thể quyết định cuộc sống ấm no cho gia đình tội nghiệp ấy. Sự thực, họ đang phải đối mặt là chuyện nồi cháo cám đắng chát được ăn nghẹn ngào trong tiếng thúc thuế dồn dập, vội vã. Tương lai của Tràng chỉ báo hiệu sự thay đổi thực sự khi Tràng không còn sống vô tư, chỉ biết việc trước mắt mà biết quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khao khát sự đời. Đó là niềm tin vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn ở phía trước. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên vội vã, dồn dập, Tràng đã thần mặt ra nghĩ ngợi, đây là điều hiếm có đối với Tràng xưa nay. Trong ý nghĩ của anh vụt hiện ra những cảnh người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp để cướp kho thóc của Nhật và đằng trước là lá cờ bay phấp phới . Ở Tràng có khát vọng sống mãnh liệt, có niềm tin. Trên bờ vực thẳm của cái chết, Tràng đi tìm sự sống. Tràng đã mở đầu cho câu chuyện bằng những bước ngật ngưỡng trên con đường khẳng khiu luồn qua cái xóm chợ vào một buổi chiều chạng vạng và cũng chính anh đã kết thúc chuyện ấy vào buổi sớm mai với một hình ảnh mới là về đoàn người với bóng lá cờ đỏ bay phấp phới. Có thể nói đây là sự nhận thức tất yếu từ bóng tối tới ánh sáng, sự giác ngộ lí tưởng cách mạng, lí tưởng tự do của Đảng bước đầu trong anh. Quy luật tự nhiên là như vậy, tận cùng của một ngày là đêm tối, tận cùng đêm tối là bình minh. Cuộc sống của con người cũng không nằm ngoài quy luật đó.

    Thành công của tác phẩm trong việc xây dựng nhân vật Tràng là nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật. Kim lân đã rất xuất sắc vẽ nên một hình tượng Tràng một cách mới mẻ và độc đáo, từ một con người thô kệch, vô lo nghĩ trửo thành một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, có niềm khao khát hạnh phúc và có một niềm tin vào tương lai tươi sáng. Bằng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, gần gũi, đặt nhân vật vào tình cảnh éo le để bộc lộ được tính cách, tâm trạng, Kim Lân đã cho độc giả thấy được hình tượng nhân vật Tràng là hiện thân cho những người nông dân thời kì ấy.

    Trong truyện ngắn Vợ nhặt hành trình giành giật sự sống từ cái đói, cái chết của nhữngngười nông dân nghèo trong nạn đói 1945 đã được nhà văn Kim Lân dồn nén đến mức căng thẳng, đến tận cùng của giới hạn ở tình huống truyện độc đáo. Tình huống trở trêu, éo le từ việc Tràng nhặt vợ được tạo ra trong hoàn cảnh đối đầu khốc liệt giữa sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa hi vọng và tuyệt vọng, giữa cái ấm áp của tình người và cái lạnh lẽo thê lương của chết chóc.. bằng cách xây dựng hình tượng nhân vật Tràng, tác phẩm đã chạm đến trái tim người đọc từ cảm xúc chân thật nhất, qua đó cho ta thấy được sức sống mãnh liệt của con người thời kì ấy, dù trong hoàn cảnh thảm khốc, bần cùng như thế nào thì họ vẫn luôn hướng về ánh sáng, tìm ra chân lí của đời mình, đó là chân lí cách mạng Đảng. Qua tác phẩm, ta thấy được sự đồng cảm của nhà văn, tấm lòng nhân đạo của ông dành cho những người nông dân khốn khổ thời kì ấy và sự gửi gắm, niềm hi vọng và một tương lai tươi sáng cho họ.



     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...