Nếu trong Truyện Kim Vân Kiều, nhân vật Kiều là con người tài tử, con người trung nghĩa, con người kỹ nữ thì trong Đoạn trường tân thanh, Kiều là "con người tài mệnh" ( "Tài mệnh chi nhân" - lời Thập Thanh Thị, cũng là ý kiến của Phan Ngọc sau này). Song, có một số vấn đề cần lưu ý là: Nguyễn Du (1766-1820) đã sống và viết Đoạn trường tân thanh khi bi kịch xã hội Việt Nam lên tới đỉnh điểm. Trong triều đình, cung cấm, những cuộc tranh giành địa vị, giết hại lẫn nhau, huynh đệ tương tàn diễn ra thảm khốc. Bọn vua chúa, công khanh ăn chơi, dâm dật vô độ. Phong trào Tây Sơn bùng nổ rồi thất bại, nông dân không tự cứu được mình. Giai cấp phong kiến tưởng đã bị tiêu vong, trở lại nắm quyền thống trị. Thân phận của bao kiếp người bị chà đạp. Bi kịch xã hội bị đẩy đến tột cùng Nguyễn Du muốn khái quát bi kịch thời đại qua bi kịch nhân vật Kiều. Và như vậy, qua bi kịch nhân Kiều, chúng ta thấy được bi kịch thời đại. Nhưng tại sao Nguyễn Du lại chọn một tác phẩm "mà người Trung Quốc cho là tầm thường.. để làm một thứ như là quốc tuý" vậy?