Phân tích nhân vật Phương Định khi cơn mưa đá xuất hiện ở cuối truyện

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nalhna, 7 Tháng sáu 2022.

  1. Nalhna

    Bài viết:
    41
    Những trang sử hào hùng của dân tộc ta đã qua đi nhưng vẫn còn sống mãi với hình ảnh của biết bao người chiến sĩ dũng cảm trên tuyến đường Trường Sơn. Những hình ảnh ấy đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho biết bao văn nghệ sĩ: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mĩ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm.. Hòa vào mạch cảm xúc ấy, nhà văn Lê Minh Khuê -một nhà văn tài ba của nền văn học Việt Nam cũng đã cho ra đời tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi". Đọc tác phẩm, đặc biệt là khi cơn mưa đã xuất hiện ở phần cuối truyện, người đọc không khỏi ấn tượng với nhân vật Phương Định -một cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn rất hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng và mộng mơ, luôn sống với những hoài niệm.

    Tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" được sáng tác vào năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra rất gay go, ác liệt ở nước ta. Khi ấy, bản thân tác giả cũng đang là một nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, được trải qua cuộc sống của người lính, nhà văn đã có cảm hứng để viết nên tác phẩm. Chuyện kể về ba cô gái trong tổ trinh sát: Phương Định, chị Thao và Nho. Tuy cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng họ vẫn rất trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên, yêu đời.

    Phương Định là một cô gái trẻ đến từ Hà Nội. Vì lòng yêu nước nồng nàn, cô đã gác lại bút sách, gác lại giảng đường, gác lại những ước mơ, hoài bão để xung phong tham gia vào tổ trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn. Tại đây, cuối cùng chị Thao, Nho sống tại một hang dưới chân cao điểm. Công việc của cô là chạy trên cao điểm cả ngày. Khi có bom nổ thì chạy lên đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Trong cuộc sống nơi quân ngũ đầy khó khăn, gian khổ, Phương định đã bộc lộ rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp.

    Trong một lần đi phá bom, sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ trở về, Phương Định và chị Thao đang chăm sóc Nho bị thương. Bỗng những đám mây đen kéo đến. "Cơn giông đến. Cát bay mù. Gió quật lên, quật xuống những cành cây khô cháy. Lá bay loạn xạ". Và rồi cơn mưa đá xuất hiện thật bất ngờ.

    Vào chiến trường đã ba năm nhưng Phương định vẫn giữ được một tâm hồn ngây thơ, trong sáng. Ngay khi cơn mưa đã xuất hiện, Phương Định ánh lên những tia sáng của niềm vui, cô ngay lập tức reo lên như một đứa trẻ: "Mưa đá!

    Cha mẹ ơi! Mưa đá!" Đây là tiếng reo vui, sự thích thú, vui sướng của Phương Định. Cô reo lên vì kể từ khi cô vào chiến trường, suốt ba năm làm nhiệm vụ phá bom, cô chưa bao giờ thấy mưa đá. Trong tiềm thức của Phương Định, Ở một nơi núi rừng nguy hiểm như thế này sẽ không bao giờ xuất hiện mưa đá. Chính vì thế mà mưa đá xuất hiện đã khiến cho tâm trạng của cô và những người đồng đội vơi đi phần nào sự lo lắng, căng thẳng khi Nho bị thương. Trong lòng Phương Định tràn ngập sự thích thú, dường như cô đã quên hết đi sự căng thẳng ở phía trước, quên hết đi những khung cảnh khóc liệt nơi chiến trường. Trước mắt cô bây giờ chỉ còn là mưa đá. Lúc đó, kèm theo tiếng reo, "những niềm vui con trẻ của tôi lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy." Lúc này, Phương Định đã không còn là một nữ chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, kiên cường trên mặt trận nữa mà cô đã trở thành một đứa trẻ nhỏ đang đắm mình trong cơn mưa đá. Cô đang tận hưởng cái niềm vui tràn đầy, niềm vui ngây thơ không vấn chút bận tâm, lo âu, nhọc nhằn, để được sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc đời. Niềm vui ấy bừng sáng trong tâm hồn Phương định như một đó hoa tươi tắn đầy hương sắc. Ngay sau đó, Phương Định liền chạy ra, nhặt những viên đá rồi lại "chạy vào, bỏ trên bàn tại đang xoè ra của Nho mấy viên đá nhỏ". Cô muốn chia sẻ niềm vui cho Nho, muốn Nho cũng được tận hưởng niềm vui ấy vì Nho đang bị thương, không thể ra ngoài được. Rồi cô lại "chạy ra, vui thích cuống cuồng". Niềm vui của Phương Định Đã được thể hiện qua hành động, cử chỉ, ánh mắt, lời nói. Cô như được sống lại quãng đời tuổi thơ của mình ở nơi quê nhà. Và niềm vui này của Phương Định đã lan tỏa sang cả hai người đồng đội. Chị Thao nếu lúc trước còn lúng túng, đau xót vì sợ máu, không thể chăm sóc cho Nho thì bây giờ chị lại đang "lúi húi hốt cái gì dưới đất. Chắc là đá". Có lẽ, tiếng reo vui, sự cuống cuồng của Phương Định cũng đã khiến chị Thao không thể kìm lòng. Chị mãi mê, vui thích với những viên đá là cơn mưa mang lại. Nếu lúc trước Nho hãy còn đang đau đớn, mệt mỏi thì bây giờ đã có sức sống hơn. Cô "ngồi nhổm dậy, môi hé mở: Nào, mày cho tao mấy viên nữa". Câu nói giản dị thân tình và cũng có gì đó rất đáng yêu. Cơn mưa đá, những viên đá là những niềm vui nho nhỏ, nhưng rất đáng quý với các cô gái ở nơi chiến trường khóc liệt này. Nó đã giảm đi phần nào không khí ngột ngạt, căng thẳng nơi chiến trường. Xua tan đi mùi bom đạn khét lẹt mà những chiếc máy bay Mĩ thả xuống. Cơn mưa đá đã làm dịu đi những căng thẳng, lo lắng trong công việc của các cô. Và chính cơn mưa đá ấy đã khơi dậy trong tiềm thức của Phương Định bao hoài niệm về tuổi thơ khi còn sống bên mẹ.

    Điều đó đã thể hiện tâm hồn mơ mộng của Phương Định. Khi các cô gái đang vui vẻ, thích thú với cơn mưa đá thì bỗng nhiên cơn mưa "tạnh mất rồi. Tạnh rất nhanh như khi mưa đến. Sao chóng thế?" Cơn mưa đột ngột tạnh và đánh thức trong Phương Định những nỗi bâng khuâng tiếc nuối. Sự tiếc nuối, sự ngẩn ngơ như lan tỏa khắp tâm hồn Phương Định. Cơn mưa đá đã làm cho Phương Định nhớ một cái gì đấy. Nó gợi lại trong Phương Định những hoài niệm tuổi thơ khi còn sống cùng mẹ ở Hà Nội. Từng hình ảnh ký ước ào ạt tràn về, mới đổ mồ hô, miên man, càng lúc càng rõ rệt. Đó là "mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố.. là cây, hoặc là cái vòm tròn của nhà hát, hoặc là bà bán kem đẩy chiếc xe chở đầy thùng kem, trẻ con háo hức bâu xung quanh, con đường nhựa ban đêm.. những ngọn đèn điện trên quảng trường, hoa trong công viên, những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Tiếng rao của bà bán xôi sáng có cái mủng đội trên đầu. Những ký ức thân thương và sống động ấy được soi chiếu qua lăng kính của hoài niệm, huyền ảo, lung linh như thế giới cổ tích. Cơn mưa đã kéo về cho cô nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ thành phố Hà Nội- quê hương cô, và nhớ cả những nơi cô đã đến. Cơn mưa đá ấy đã gợi ra trong Phương Định những kỷ niệm đẹp gắn bó với tuổi thơ cô mà suốt ba năm làm nhiệm vụ cô chưa từng được trải nghiệm lại. Tất cả như một cơn mưa tưới mát cho tâm hồn Phương Định, tiếp thêm sức mạnh để làm nhiệm vụ, tiếp thêm cho cô niềm tin, hy vọng về một ngày mai tươi sáng, để cô cùng những người đồng đội khác sớm được trở lại quê hương, sống bên những người thân yêu. Cơn mưa đá đã góp phần hoàn thiện thêm những nét đẹp trong cuộc sống đời thường của các chiến sĩ: Sự nhí nhảnh, hồn nhiên, dễ thương.. và đây cũng là động lực để các cô vượt lên trong mọi nghịch cảnh.

    Như vậy, đoạn trích đã khép lại với bao nét nghệ thuật đặc sắc. Bằng ngôn ngữ giản dị tự nhiên kết hợp với nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật qua các hành động, cử chỉ, lời nói và các yêu tố đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm. Đồng thời tác giả cũng sử dụng một loạt các câu văn ngắn liên tiếp nhau. Tất cả đã góp phần hoàn thiện thêm những nét đẹp đời thường của nhân vật Phương Định với sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng và thơ mộng.

    Có thể nói, tác phẩm" Những ngôi sao xa xôi"là một trong những tác phẩm hay nhất viết về các chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn. Qua tác phẩm, đặc biệt là đoạn trích ở cuối chuyện, khi cơn mưa đã xuất hiện, nhà văn Lê Minh Khuê đã ca ngợi bao điều về cô thanh niên xung phong Phương định. Đó là một cô gái với tâm hồn ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên và rất mơ mộng. Đoạn trích đã khép lại nhưng gọi lên trong lòng chúng ta đầu vào tốt đẹp: Phải biết trân trọng những kỉ niệm tốt đẹp của tuổi thơ, những gì là thân thiết với chúng ta. Phải biết sống lạc quan, yêu đời.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...