Phân tích nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân - Nguyễn Thùy

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 16 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Phân tích nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân

    [​IMG]

    Tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân gây tò mò ngay từ khi đọc nhan đề. "Vợ" mà cũng có thể "nhặt" được sao? Người vợ ấy là người như thế nào mới có thể dễ dàng nhặt được như thế? Nhặt trong tình huống như thế nào? Để rồi khi đọc xong câu chuyện, người đọc không khỏi day dứt, xót xa cho số phận của người đàn bà này, chỉ vì đói khổ mà phải theo không một người đàn ông xa lạ. Đồng thời cũng thêm trân trọng một con người dù trong hoàn cảnh bi đát, bị cái đói, cái chết rượt đuổi, chị vẫn cố gắng vùng vẫy, quẫy đạp để vượt thoát khỏi hoàn cảnh bằng một sức sống mãnh liệt. Nhân vật người vợ nhặt là nhân vật để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

    Bắt đầu viết văn và có tác phẩm đăng báo từ những năm 1941-1944, Kim Lân được coi là nhà văn thành công về đề tài nông thôn với những con người bé nhỏ và cam phận, những vẻ đẹp chân quê bình dị và những phong tục tập quán độc đáo của làng quê Bắc bộ. Từng trang viết của nhà văn sinh ra từ đồng ruộng này đều như mang trong đó mùi của rơm rạ, khói bếp, lúa đồng, mùi của cuộc sống nông thôn cơ cực, nhọc nhằn...

    "Vợ nhặt" được viết lên mang cái tình của Kim Lân dành cho những người nông dân nghèo khổ, lam lũ mà chất phác, yêu đời. Nhân vật chính của truyện là anh cu Tràng. Hắn là một anh chàng kéo xe thuê nghèo khổ, lại là dân ngụ cư. Gia cảnh Tràng neo đơn, nhà chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau. Hắn có ngoại hình xấu xí, thô kệch, tính tình lại có chút ngốc nghếch. Giữa những ngày đói khủng khiếp của năm Ất Dậu, hắn bỗng dưng "nhặt" được vợ chỉ qua hai lần gặp gỡ và mấy bát bánh đúc. Hắn đưa vợ về nhà trong sự ái ngại những người dân xóm ngụ cư, trong trạng thái ngạc nhiên, ngỡ ngàng của bà mẹ hắn.

    Xét trên phương diện thể hiện chủ đề của tác phẩm thì người vợ nhặt hoàn toàn có thể coi là nhân vật chính của truyện. Bởi lẽ, từ chính nhân vật này, Kim Lân đã phản ánh tình cảnh khốn quẫn của con người trong nạn đói, sự rẻ rúng của giá trị con người do bị cái đói xô đẩy. Quan trọng hơn, nhân vật này còn góp phần khẳng định khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và niềm hi vọng vào tương lai của chính những con người cùng khổ.

    Người vợ nhặt của Tràng tiêu biểu cho số phận những người phụ nữ trong nạn đói 1945: nghèo đói, bị rẻ rúng. Chị là người đàn bà không rõ lai lịch, không có gia đình, không có nhà cửa. Chị thậm chí không có tên và khi xuất hiện lúc được gọi là thị, là cô ả, lúc là người đàn bà. Chỉ có bà cụ Tứ xem vợ Tràng là nàng dâu, con dâu, là con và được Tràng gọi là nhà tôi mà thôi. Tên gọi vốn là dấu hiệu để phân biệt người này với người kia, xóa đi tên riêng của nhân vật, Kim Lân muốn làm bật lên ý nghĩa phổ biến của thân phận người phụ nữ trong cảnh đói khổ. Đâu phải vợ Tràng mới là người không tên, không tuổi, còn biết bao người đàn bà như thế.

    Trước khi về nhà chồng, người vợ nhặt cùng với mấy chị con gái ngồi vêu ra ở cửa nhà kho thóc Liên đoàn chờ nhặt hạt rơi, hạt vãi, hay ai có công việc gì gọi đến thì làm. Cái đói thảm khốc đã khiến cho người vợ nhặt mang bộ dạng thảm hại của một "con ma đói" : đôi mắt trũng hoáy, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, quần áo tả tơi, cái ngực gầy lép nhô lên...

    Khi mới gặp Tràng, thị là người đanh đá, táo bạo tới mức trở nên trơ trẽn. Nghe anh chàng phu xe hò một câu cho đỡ nhọc (Muốn ăn cơm trắng mấy giò này / Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì), thị đã cong cớn bám lấy rồi vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng. Gặp lần thứ hai, khi Tràng vừa trả hàng xong, thị ở đâu xầm xầm chạy đến. Thị đứng trước mặt mà sưng sỉa nói: Điêu! Người thế mà điêu! Nhận ra anh Tràng có vẻ dễ bắt chẹt, thị tiếp tục cong cớn. Thấy có miếng ăn, hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên rồi thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong, thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng mà thở. Như vậy, cái đói đã khiến cho chị không còn giữ được sự dịu dàng mà trở nên cong cớn, sưng sỉa, chủ động làm quen với Tràng, chủ động gặp Tràng ở cổng chợ. Người phụ nữ khốn khổ ấy có thể đánh mất cả lòng tự trọng, gợi ý chuyện ăn uống một cách lộ liễu. Cuối cùng, còn biến đùa làm thật để theo không Tràng.

    Phải chăng đấy là tính cách vốn có của người đàn bà này? Không, từ đầu đến lúc theo Tràng về nhà, người phụ nữ ấy hành động hoàn toàn theo bản năng của mình. Thị làm tất cả chỉ để được... ăn!

    Nhưng khi đã chấp nhận làm vợ Tràng, trên con đuờng trở về nhà của Tràng, thị thay đổi hẳn, thị trở nên vô cùng dịu dàng, hiền thục... Trong khi Tràng mặt có một vẻ gì phớn phở khác thường, hay tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh, thì thị lại đi sau hắn chừng ba bốn bước, cắp cái thúng con, cái nón tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Rõ ràng so với người đàn bà lúc Tràng gặp ở trên tỉnh, bây giờ thị đã là người khác.

    Từ khi theo không Tràng, thị đã ý thức được mình chỉ là người vợ nhặt, theo không người ta, điều đó cho thấy, chị là người có ý thức về giá trị của bản thân. Trên đường về nhà chồng, khi anh Tràng lấy làm thích thú trước cảnh lũ trẻ con chọc ghẹo, thì thị có vẻ khó chịu lắm, đôi lông mày nhíu lại, đưa ta y lên xóc lại tà áo. Trẻ con nghịch ngợm chọc ghẹo còn được, đằng này đến người lớn cũng tò mò, thị càng ngượng nghịu, chân nọ díu cả vào chân kia, thị mong sớm đến nhà "chồng" để tránh sự dòm ngó của mọi người.

    Về nhà của Tràng, thị càng khác hơn. Người đàn bà ấy có cái tò mò của nàng dâu mới. Thị đảo mắt nhìn chung quanh. Quả là nghèo quá. Thị nén tiếng thở dài. Anh Tràng muốn vợ mình được tự nhiện, cứ giục ngồi, nhưng thị thật ý tứ, chỉ dám ngồi mớm xuống mép giường. Khi bà cụ Tứ về, người đàn bà ấy lễ phép chào bà bằng u. Trước mặt người mẹ chồng, thị càng rụt rè, vẫn đứng nguyên chỗ cũ, khẽ nhúc nhích. Chính thái độ ấy cùng hoàn cảnh của thị đã khiến bà cụ Tứ , trái với sự dò xét thông thường của những người mẹ chồng đối với nàng dâu, nhìn thị lòng đầy thương xót. Bà nhanh chóng chấp nhận thị là dâu dù chỉ mấy phút trước đó cả hai đều hoàn toàn xa lạ.

    Sáng hôm sau, thị đã trở thành người vợ đảm đang, hiền hậu. Cùng với bà cụ Tứ , thị thức dậy sớm, lo dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn sạch sẽ. Người vô tâm như anh Tràng vẫn nhận ra sự thay đổi kỳ lạ ở thị: Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không có vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần gặp ngoài tỉnh. Bữa cơm nghèo buổi sáng hôm ấy, thị cũng như bà cụ Tứ và anh Tràng đều thấy một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mình khi phải cố nuốt những miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Song, thị cũng như hai mẹ con Tràng, đều cố tránh nhìn mặt nhau, đều không muốn làm người khác phải buồn đau hơn. Thái độ bình thản của thị khi đưa đón bát cháo cám mà cụ Tứ đưa cho cũng cho thấy cách ứng xử đầy cảm thông của thị với gia cảnh nghèo nhà chồng, cũng như sự ý tứ, tế nhị của thị khi không muốn làm đau lòng người mẹ nghèo.

    Không những thế, thị còn là người đem đến một sinh khí mới cho gia đình Tràng khi kể cho cả nhà nghe chuyện trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa mà đi phá kho thóc Nhật, chia cho người đói. Bà cụ Tứ vì thế đã chuyển từ lo âu, tủi hận sang chứa chan hi vọng. Căn nhà mục nát như cũng bừng sáng bởi sự hiện diện của nàng dâu vợ nhặt.

    Hoá ra cái đanh đá, trở trẽn trước kia ở người đàn bà Tràng lấy làm vợ chẳng qua là do đói khát mà ra. Khi được sống trong tình thương, trong mái ấm gia đình, người đàn bà ấy đã sống với bản chất tốt đẹp của mình, của một người phụ nữ Việt Nam.

    Kim Lân không hề khinh bạc, chế nhạo những hành động của người đàn bà trong hai lần đầu gặp Tràng ở tỉnh. Trái lại, nhà văn đã nhận thấy động lực thôi thúc những hành động của thị chính là khát vọng sống chính đáng. Bởi lẽ, đặt trong hoàn cảnh bình thường, thì sự cong cớn, sưng sỉa đến mất cả lòng tự trọng của người vợ nhặt để được ăn, để theo không Tràng... là không thể chấp nhận, thì trong năm đói Ất Dậu – một hoàn cảnh bất thường thì những hành động không bình thường của người phụ nữ đói khát lại cần được cảm thông chia sẻ . Khao khát sống mãnh liệt đã thôi thúc thị hành động như thế, để bám lấy sự sống, bám lấy Tràng như cố víu vào chiếc phao cứu sinh duy nhất. Có thể nói, khát vọng cấp thiết nhất của thị là khát vọng sống, nên dù chỉ là người vợ nhặt thì đối với thị cũng là một may mắn quá lớn. Thế mới biết, lòng ham sống của thị mãnh liệt đến chừng nào.

    Cảm thông với điều đó, nên nhà văn đã trả lại bản tính tốt đẹp của người phụ nữ cho người vợ nhặt kể từ khi thị theo Tràng về xóm ngụ cư. Đó chính là chiều sâu tấm lòng nhân đạo của nhà văn dành cho nhân vật của mình.

    Nhân vật người vợ nhặt tiêu biểu cho số phận những người phụ nữ trong nạn đói 1945: nghèo đói, bị rẻ rúng, bị cái đói tước mất cả lòng tự trọng, nhưng khi người đàn bà ấy may mắn được sống trong tình người, trong mái ấm gia đình mặc dù cuộc sống còn nhiều đe doạ của sự đói khát, thì những phẩm chất tốt đẹp đã sống lại. Nhà văn đã khắc hoạ nhân vật người phụ nữ ấy bằng ngòi bút miêu tả điêu luyện, ông không tập trung miêu tả tâm lý nhân vật mà chú trọng khắc hoạ hành động, cử chỉ, nét mặt của nhân vật để người đọc tự hiểu tâm trạng của người phụ nữ, từ chi tiết thị lấy nón che mặt, đi sau Tràng mấy bước, chỉ dám ngồi mép giường, đến chi tiết thị nén một tiếng thở dài khi đảo mắt nhìn chung quanh căn nhà của Tràng, chi tiết thị đón lấy bát cháo cám, đưa mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại rồi điềm nhiên và vào miệng ... tất cả những chi tiết nhỏ nhặt ấy đã khiến người đọc hiểu rõ hơn về tâm tư, nỗi niềm cũng như vẻ đẹp tính cách của nhân vật này.

    Xây dựng nhân vật vợ nhặt, nhà văn đã gián tiếp tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến đã đẩy con người đến tình cảnh phải bán rẻ cả nhân phẩm để được sống. Đồng thời, nhà văn cũng thể hiện sự trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất, vẻ đẹp của tình người nơi họ cũng như đem đến cho người đọc bức thông điệp: trong cảnh ngộ vô cùng bi đát, con người vẫn luôn vươn tới sự sống, ánh sáng, tương lai, hướng tới những điều tốt đẹp và ở một hoàn cảnh nhân đạo hơn, phẩm giá con người luôn tỏa sáng.

     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...