Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong đoạn đốt đền - Tản Viên từ phán sự lục

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 20 Tháng tư 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong đoạn trích sau:

    Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khẳng khái nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực. Trong làng trước có một ngôi đền linh ứng lắm. Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang lấn cướp, vùng ấy thành một nơi chiến trường. Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách hộ họ Thôi, tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian. Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, họ sợ thay cho Tử Văn, nhưng chàng vãn vung tay không cần gì cả.

    Đốt xong về nhà, chàng thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét. Trong khi sốt, chàng thấy một người khôi ngô đĩnh đạc, đầu đội mũ trụ đi đến, nói năng, quần áo, rất giống người phương Bắc, tự xưng là cư sĩ, đến đòi làm trả lại tòa đền như cũ, và nói:

    - Nhà ngươi đã theo nghiệp nho, đọc sách thánh hiền, há không biết cái đức của quỷ thần ra sao, cớ gì lại dám lăng miệt, hủy tượng đốt đền, khiến cho hương lửa không có chỗ tựa nương, oai linh không có nơi hiển hiện, vậy bảo làm sao bây giờ? Biết điều thì dựng trả tòa đền như cũ. Nếu không thì vô cớ hủy đền Lư sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ.

    Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên, người kia tức giận nói:

    - Phong Đô không xa xôi gì, ta tuy hèn, há lại không đem nổi nhà người đến đấy. Không nghe lời ta thì rồi sẽ biết.

    Nói rồi phất áo đi.

    ( Trích Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, SGK Ngữ văn 10)

    [​IMG]
    Dân gian thường nói, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Ấy vậy mà có anh học trò áo vải thư sinh, một miếng võ thủ thân không tường, lại dám đấu với cả một thế giới ma quỷ. Đối đầu với người trần mắt thịt, còn chưa chắc thắng, còn dám công chiến với quỷ thần, việc ấy chẳng phải mạo hiểm và ngu ngốc lắm sao? Kẻ "ngốc" ấy chính là Ngô Tử Văn trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên"(Nguyễn Dữ). Điều kì diệu là trước búa rìu của pháp luật bất công, giữa trùng trùng uy hiếp và đe dọa,Tử Văn vẫn chiến thắng – chiến thắng của chính nghĩa, của tinh thần dũng cảm. Trong cõi tối tăm, Tử Văn vẫn tỏa sáng phẩm chất của kẻ sĩ: chân chính, cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà. Phẩm chất ấy phần nào được thể hiện trong đoạn Tử Văn châm lửa đốt đền:

    "Ngô Tử Văn tên là Soạn [...] Nói rồi phất áo ra đi."

    Nguyễn Dữ là tác giả nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với danh tiếng của bộ truyện "Truyền kỳ mạn lục", tác phẩm được đánh giá là "thiên cổ kỳ bút" của nền văn học nước nhà. "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" là một truyện tiêu biểu cả về tư tưởng và nghệ thuật. Câu chuyện hấp dẫn người đọc không chỉ bởi những chi tiết thần linh, ma quái, hoang đường mà còn ở cách sắp xếp tình tiết theo một lớp lang chặt chẽ, nhiều kịch tính.

    Đoạn trích trên nằm ở phần đầu của truyện, kể lại sự việc Tử Văn đốt đền và đối mặt với tên hung thần lần thứ nhất.

    Theo phương pháp truyền thống của văn học trung đại, nhân vật chính của truyện "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" xuất hiện ngay từ những dòng đầu tiên bằng mấy dòng giới thiệu về tên họ (tên là Soạn), quê quán (Lạng Giang – Bắc Giang), tính tình, phẩm chất (khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được, vùng bắc người ta vẫn khen là một người cương trực). Lời giới thiệu không vòng vo, dài dòng mà trực tiếp, ngắn gọn, mang giọng ngợi khen, gây ấn tượng với người đọc về nhân vật chính với những nét tính cách cơ bản.

    Tính cách đó của Tử Văn được thể hiện xuyên suốt tác phẩm: sự tưc giận trước việc hưng yêu tác quái của tên hung thần và hành động đốt đền; thái độ điềm nhiên không hề khiếp sợ trước những lời đe dọa của tên hung thần; sự gan dạ trước bọn quỷ dạ xoa nanh ác; thái độ cứng cỏi, bất khuất trước Diêm Vương đầy quyền lực. Đoạn trích trên đã khắc họa nhân vật Tử Văn qua hai chi tiết đầu tiên.

    Cái hay của truyện bắt đầu từ việc tác giả đã chọn một chi tiết có ý nghĩa nổi bật nhất để nhân vật bộc lộ tính cách. Chi tiết ấy là Tử Văn châm lửa đốt đền. Đền là nơi thờ cúng linh thiêng, ai đến đây cũng đều tỏ lòng thành kính, tôn nghiêm, vậy tại sao Tử Văn lại đốt? Sở dĩ Tử Văn có hành động "không bình thường" ấy là bởi ngôi đền trước kia vốn linh ứng, quanh năm độ trì cho dân, từ khi hồn ma tên tướng giặc đến cướp đền, hắn đã biến nơi đây thành "sào huyệt", thành nơi để hắn hưng yêu tác quái, gây hại cho dân lành. Tử Văn vốn tính nóng nảy, cái nóng nảy của một con người dị ứng với cái ác đến mức không đội trời chung, nên chàng "rất tức giận". Với thái độ dứt khoát "một mất một còn" với cái ác đã khiến chàng dám làm một việc kinh thiên động địa: châm lửa đốt đền, xóa đi cái ung nhọt chướng tai gai mắt. Chàng hành động một cách nhanh chóng, quyết liệt, không hề đắn đo, do dự, không bàn suông, tính hão. Hành động ấy chính là sự tuyên chiến với hồn ma tên tướng giặc.

    Phạm đến nơi thờ tự là việc trước nay chưa từng có, bởi đâu ai dám khinh nhờn thần thánh, quả báo là nhỡn tiền. Tử Văn đốt đền nhưng không có nghĩa là chàng vô đạo vô thần, không coi trọng chuyện tâm linh. Bằng chứng là trước khi đốt đền, chàng đã tắm gội chay sạch, sau đó mới châm lửa. Chi tiết này cho thấy, chàng tin vào chính nghĩa, tin việc làm của mình là đúng đắn, phù hợp với đạo trời, thần linh sẽ chứng giám và phù trợ cho chàng. Niềm tin mãnh liệt ấy đã tiếp sức mạnh và động lực cho chàng hành động.

    Hành động của Tử Văn là hành động đầy nghĩa khí, bởi đốt đền là đốt nhà tên giặc, không cho nó có chốn dung thân để làm ra những việc khiến nhân dân điêu đứng. Có người sẽ cho rằng, đó là hành động vô ích và ngu ngốc. Còn chàng, chàng coi việc trừ hại cho dân là việc quan trọng nhất, còn những chuyện khác, kể cả sự sống chết của cá nhân mình, chàng đâu có suy nghĩ nhiều. Con người của chàng là con người của hành động, con người sẵn sàng đấu tranh cho công lí, lẽ phải, cho sự yên bình của nhân dân. Nếu có phải chết, có lẽ chàng cũng đã nghĩ đến việc này, nhưng chàng chấp nhận đánh cược sự sống của mình để mang đến sự yên ổn cho bao nhiêu người dân vô tội khác. Chính vì thế, trong lúc mọi người "lắc đầu lè lưỡi" lo sợ thay cho Tử Văn thì Tử Văn vẫn "vung tay không cần gì cả" – cái vung tay của một người sẵn sàng gạt phăng mọi nguy hiểm cá nhân sang một bên để làm việc lớn.

    Hành động đốt đền của Tử Văn khiến ta nhớ đến hành động nghĩa khí của biết bao nhiêu anh hùng hảo hán:

    "Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

    Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha."

    Tử Văn đốt đền không phải để được tôn vinh là anh hùng, chàng dám đốt đền tà, tuyên chiến với tên hung thần xảo quyệt không màng tới sự sống chết cá nhân vì mục đích cao cả: trừ hại cho dân.

    Sự cương trực, khảng khái của Ngô Tử Văn còn bộc lộ rõ qua thái độ của chàng với hồn ma tên tướng giặc trong lần đối đầu thứ nhất. Tướng giặc khi sống là kẻ xâm lược nước ta, tàn hại dân ta, khi chết rồi vẫn quen thói ỷ mạnh hiếp yếu, cướp nơi trú ngụ của thổ thần nước Việt, lại còn gian trá bày trò đút lót rồi tác yêu tác quái với nhân dân trong vùng. Hắn bị Tử Văn đốt đền là đáng đời nhưng lại hiện hình, xảo quyệt làm như mình là kẻ bị hại, dùng tà phép khiến cho chàng bị sốt nóng sốt rét, đầu lảo đảo.

    Hắn tìm đến tử Văn và kết tội, mắng mỏ chàng: "dám khinh nhờn hủy tượng, đốt đền". Mục đích của hắn là đòi Tử Văn xây trả đền cho hắn. Để đạt được mục đích đó, hắn đe dọa xa xôi: "vô cớ hủy đền Lư Sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ". Nếu là người dễ thỏa hiệp, lo cho sự sống chết cá nhân, Tử Văn sẽ chịu khuất phục mà làm theo lời hắn. Nhưng Tử Văn không phải là người như vậy. Khi đốt đền chàng cứng cỏi, khảng khái bao nhiêu, thì giờ đây, khi kẻ thù đã hiện nguyên hình, sự cứng cỏi, bất khuất ấy không hề mảy may bị lung lay. Chàng vẫn ngạo nghễ "cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên". Đó là thái độ tự tin của người có bản lĩnh, có khí phách cứng cỏi, có niềm tin mạnh mẽ vào chính nghĩa. Thái độ ấy đã khiến tên hung thần vô cùng tức giận và tuyên bố thẳng thừng: "Phong đô không xa xôi gì, ta tuy hèn, há lại không đem nổi nhà ngươi đến đấy. Không nghe lời ta thì rồi sẽ biết."

    Hắn đe dọa sẽ kiện Tử Văn xuống tận Diêm Vương. Nhưng sự ngang ngược trắng trợn, quyền phép đáng sợ của hồn ma tướng giặc đâu có khiến Ngô Tử Văn run sợ. Không một chi tiết nào nói về việc Tử Văn tỏ ra sợ hãi. Như vậy, có thể nói, tên hung thần diễn biến đủ mặt (kết tội, đòi xây đền, đe dọa xa xôi, quyết kiện Tử Văn) nhưng Tử Văn vẫn "bất biến" ở thái độ cứng cỏi. Chàng đã lấy cái bất biến ấy để chiến đấu với cái vạn biến của kẻ thù. Quả là bản lĩnh lắm thay!

    Tử Văn đã nắm thế chủ động trong cuộc đối đầu thứ nhất. Cái phất áo ra đi trong giận dữ của tên hung thần dự báo biết bao sóng gió sẽ ập đến với Tử Văn. Và sự thật thì sau đó hắn đã kiện Tử Văn, chàng cũng phải xuống Minh Ty để hầu kiện. Nhưng giữa trùng trùng nguy hiểm, đe dọa, cuối cùng chiến thắng thuộc về chính nghĩa.

    Truyện gây ấn tượng bằng một loạt những chi tiết kì ảo. Cốt truyện giàu kịch tính với những tình tiết lôi cuốn. Cách dẫn dắt truyện khéo léo. Cách kể và tả tự nhiên. Ngôn ngữ kể chuyện trau chuốt, súc tích. Đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật sắc nét: Tính cách của Tử Văn không chỉ thể hiện qua lời dẫn truyện của tác giả mà bộc lộ cụ thể qua ngôn ngữ, hành động cảu nhân vật.

    Qua hành động đốt đền của Ngô Tử Văn trong đoạn trích trên, người đọc đã phần nào thấy được tính cách cương trực, khảng khái, dũng cảm của nhân vật chính - một kẻ sĩ cứng cỏi của nước Việt. Những vẻ đẹp ấy tiếp tục được khắc họa qua phần sau của truyện. Từ hành động nghĩa khí của Tử Văn trong cuộc đối đầu với cái xấu, cái ác, tác giả Nguyễn Dữ đã khẳng định niềm tin vào chính nghĩa, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, bộc lộ quyết tâm đấu tranh với các thế lực tàn ác gây hại cho dân.

    Xem thêm: Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong đoạn chiến đấu dưới Minh Ti
     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng tư 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...