Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong đoạn trích sau: Đến đêm, bệnh càng nặng thêm, rồi thấy hai tên quỷ sứ đến bắt đi rất gấp, kéo ra ngoài thành về phía đông. Đi độ nửa ngày đến một dinh tòa rất lớn, chung quanh có thành sắt cao vọi đến mấy chục tượng. Hai quỷ đến nói với người canh cổng, người canh cổng đi vào một lúc rồi ra truyền chỉ rằng: - Tội sâu ác nặng, không được dự vào hàng khoan giảm. Nói rồi xua tay bảo đi ra phía bắc. Đằng phía bắc, tức là một con sông lớn, trên sông bắc một cái cầu dài ước hơn nghìn thước, gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên cầu, có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa, đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác. Hai quỷ dùng gông dài thừng lớn gông trói Tử Văn mà giải đi rất nhanh, Tử Văn kêu to lên rằng: - Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng. Chợt nghe trên điện có lời nói rằng: - Tên này bướng bỉnh ngoan cố, nếu không phán đoán cho rõ, chưa chắc nó đã chịu nhận tội. Bèn sai dẫn Tử Văn vào trong cửa điện. Tử Văn vào đến nơi, đã thấy người đội mũ trụ đương kêu cầu ở trước sân. Diêm vương mắng Tử Văn rằng: - Kẻ kia là một người cư sĩ, trung thuần lẫm liệt, có công với tiên triều, nên Hoàng thiên cho được huyết thực ở một tòa đền để đền công khó nhọc. Mày là một kẻ hàn sĩ, sao dám hỗn láo, tội ác tự mình làm ra, còn trốn đi đằng nào? Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời thổ công đã nói, lời rất cương cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào. Người đội mũ trụ nói: - Ấy là ở trước vương phủ mà hắn còn mồm năm miệng mười như thế, đơm đặt bịa tạc. Huống hồ ở một nơi đền miếu quạnh hiu, sợ gì mà hắn không dám cho một mồi lửa. Hai bên cãi cọ nhau mãi vẫn chưa phân phải trái, nhưng Diêm Vương vì thế bụng cũng sinh nghi. Tử Văn nói: - Nếu nhà vua không tin lời tôi, xin đem giấy đến đền Tản Viên để hỏi hư thực; không có sự thực như thế, tôi lại xin chịu thêm cái tội nói càn. Người kia bây giờ mới có vẻ sợ, quỳ xuống tâu rằng: - Gã kia là một kẻ học trò, thật là ngu bướng, quả đáng tội lắm. Nhưng đã trách mắng như vậy, cũng đủ trừng giới. Xin đại vương khoan tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi. Bất tất đòi hỏi dây dưa và thẳng tay trị tội, sợ có hại cho cái đức hiếu sinh. Diêm vương quát lớn rằng: - Cứ như lời hắn thì nhà người đáng tội chết. Điều luật lừa dối đã sẵn sàng đó. Nhà ngươi cớ sao dám làm sự càn bậy như vậy? Lập tức sai người đến đền Tản Viên để lấy chứng thực. Sai nhân về tâu, nhất nhất đúng với lời Tử Văn. (Trích Tản Viên từ phán sự lục - Nguyễn Dữ) Xem thêm: Phân Tích Nhân Vật Ngô Tử Văn Trong Đoạn Đốt Đền - Tản Viên Từ Phán Sự Lục Dân gian thường nói, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Ấy vậy mà có anh học trò áo vải thư sinh, một miếng võ thủ thân không tường, lại dám đấu với cả một thế giới ma quỷ. Đối đầu với người trần mắt thịt, còn chưa chắc thắng, còn dám công chiến với quỷ thần, việc ấy chẳng phải mạo hiểm và ngu ngốc lắm sao? Kẻ "ngốc" ấy chính là Ngô Tử Văn trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" (Nguyễn Dữ). Điều kì diệu là trước búa rìu của pháp luật bất công, giữa trùng trùng uy hiếp và đe dọa,Tử Văn vẫn chiến thắng – chiến thắng của chính nghĩa, của tinh thần dũng cảm. Trong cõi tối tăm, Tử Văn vẫn tỏa sáng phẩm chất của kẻ sĩ: chân chính, cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà. Phẩm chất ấy không chỉ được thể hiện qua hành động đốt đền ở phần đầu truyện mà còn ở thái độ đấu tranh đến cùng cho lẽ phải của Tử Văn trong đoạn trích sau: Đến đêm, bệnh càng nặng thêm [...], nhất nhất đúng với lời Tử Văn. Nguyễn Dữ là tác giả nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với danh tiếng của bộ truyện "Truyền kỳ mạn lục", tác phẩm được đánh giá là "thiên cổ kỳ bút" của nền văn học nước nhà. "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" là một truyện tiêu biểu cả về tư tưởng và nghệ thuật. Câu chuyện hấp dẫn người đọc không chỉ bởi những chi tiết thần linh, ma quái, hoang đường mà còn ở cách sắp xếp tình tiết theo một lớp lang chặt chẽ, nhiều kịch tính. Đoạn trích trên nằm ở phần cuối của truyện. Sau khi Tử Văn đốt đền, tên hung thần tìm đến dọa kiện Tử Văn ở Minh Ty. Hắn nói là làm. Tử Văn bị hai tên quỷ Dạ Xoa bắt đi rất gấp, qua bao nơi rùng rợn, cuối cùng bị giải đến trước cửa điện Diêm Vương. Cuộc chiến đấu với tên hung thần lần thứ hai trong phủ Diêm Vương càng tỏa sáng vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường của Ngô Tử Văn. Hiện trường lúc này đã đổi khác, không còn là cảnh trần gian mà là cảnh âm ty. Giống như trong "Thần khúc" của Đăng-tê, cảnh cõi âm hiện lên thật rùng rợn, tử khí cuồn cuộn bủa vây: "gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên cầu, có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa, đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác". Tất cả nhằm uy hiếp tinh thần của Tử Văn, bẻ gãy những gì gọi là bản lĩnh, cứng cỏi của Tử Văn. Chưa đủ, mỗi cửa còn xua đuổi Tử Văn, vu cáo, đe dọa, uy hiếp, sỉ nhục. Kẻ nào "yếu bóng vía", chỉ nghe kể đã sởn da gà. Con đường đấu tranh cho lẽ phải của Tử Văn thật là gian nan, nguy hiểm. Khi bị lũ quỷ gông dài, thừng lớn dẫn đi, nghĩa là cái chết đã đến gần kề, nhưng Tử Văn vẫn vô cùng gan dạ. Chàng không hề van xin, mà chỉ kêu to lên, tiếng kêu oan ức giữa chống quyền môn, nơi có chức năng pháp lý làm sáng tỏ mọi bất công để lập lại lẽ phải vĩnh hằng: "Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng." Như vậy, sự cứng cỏi của Tử Văn không chỉ thể hiện qua hành động (đốt đền) mà còn qua lời nói. Giữa sào huyệt của thần quyền, chàng không ngần ngại bộc lộ bản lĩnh gan dạ, chàng khẳng định chắc nịch mình là người "ngay thẳng", đòi phải được phán xét công khai, minh bạch. Nếu có phải chết thì cũng chết một cách quang minh chính đại, tâm phục khẩu phục. Chàng hiểu đạo lý có tội thì phải đền tội, chỉ là nếu chết mà không rõ tội thì chàng không phục. Chàng tin rằng việc mình đốt đền là hợp với đạo trời, hợp với lòng dân, không thể coi diệt trừ cái ác lại là tội được. Nên câu nói của Tử Văn không chỉ khẳng định niềm tin của chàng vào công lý, mà còn là lời tuyên chiến với kẻ thù, cũng là sự thách thức đối với Diêm Vương. Nếu Diêm Vương không chứng minh được Tử Văn có tội thì việc bắt chàng chết chẳng phải là hồ đồ lắm sao? Phải chăng có chân lý, bây giờ lại có thêm chứng cứ trong tay, chàng càng vững tin vào con đường mà mình đã chọn để không thoái chí nản lòng? Âm phủ, trong quan niệm dân gian, là mặt bổ sung cho pháp quyền ở trần gian. Kẻ có tội ở dương gian mà vua quan không xử lí được thì sẽ phải chịu tội ở âm phủ. Diêm Vương là kẻ nắm quyền lực tối cao ở cõi này. Đấng tối cao ấy có lúc bị gian tà lừa gạt, ban đầu chỉ nghe theo lời của tên hung thần nên đã phán quyết một cách vội vàng bằng những lời lẽ buộc tội lạnh lùng, gay gắt: "Kẻ kia là một người cư sĩ, trung thuần lẫm liệt, có công với tiên triều, nên Hoàng thiên cho được huyết thực ở một tòa đền để đền công khó nhọc. Mày là một kẻ hàn sĩ, sao dám hỗn láo, tội ác tự mình làm ra, còn trốn đi đằng nào?" Bấy giờ tên giặc đang kêu cầu trước sân, vậy còn lời ủng hộ nào cao hơn đối với nó? Nó là cư sĩ, lo cho nước, cho dân, nó có công với triều đại trước, cái miếu ấy là phần thưởng cho nó. Còn Tử Văn chỉ là tên học trò mạt, là đứa hỗn láo, đốt đền là tự mình gây trọng tội, gây tội thì phải đền tội. Tử Văn coi như bị đẩy tới chân tường, tình thế ban đầu vô cùng bất lợi. Vậy nhưng trước Diêm Vương đầy quyền lực, Tử Văn vẫn tỏ ra vô cùng cứng cỏi, bất khuất. Từ tình thế bất lợi nhất, từ chỗ thấp mọn nhất, hầu như là con số không, chỉ còn cách cúi đầu chịu tội, Tử Văn trở lại bản lĩnh cương trực, nghĩa khí, không dung cho kẻ gian tà buổi đầu. Chàng lần lượt tung ra các đòn phản công kẻ thù. Đòn thứ nhất, "Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời thổ công đã nói, lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào." Chàng đã dũng cảm vạch mặt, tố cáo tội ác của tên bại tướng "đang làm yêu làm quái trong dân gian" với thái độ trước sau như một: cứng cỏi, không chịu nhún nhường. Một sự tự tin đầy bản lĩnh. Chàng biết cái ác đã liên kết lại với nhau như một thứ mạng nhện mà người trần mắt thịt như chàng chỉ như một con mồi không dễ thoát. Nhưng không hề thoái lui, chàng vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng. Tuy nhiên, đòn đầu tiên tung ra chưa hiệu quả mấy. Tên giặc phản công lại. Nhưng sự phản công bước đầu đã yếu tỏ ra yếu ớt. Hắn không dám cãi, vì không có lí để cãi. Cho nên hắn đã lấy thái độc cứng cỏi của Tử Văn để đánh lạc hướng Diêm Vương: "Ấy là ở trước vương phủ mà hắn còn mồm năm miệng mười như thế, đơm đặt bịa tạc. Huống hồ ở một nơi đền miếu quạnh hiu, sợ gì mà hắn không dám cho một mồi lửa." Tử Văn đâu có chịu thua, chàng lập tức tung đòn thứ hai: xin cho tư giấy đến đền Tản Viên để chứng thực. Lập tức tình thế biến chuyển. Tên giặc bấy giờ có vẻ sợ. Nó tâu xin thôi không cần buộc tội tiếp mà lấy đức hiếu sinh tha mạng cho Tử Văn. Lời tâu toàn là nịnh hót nhưng tpr rõ sự gượng gạo: "đã trách mắng như vậy, cũng đủ trừng giới. Xin đại vương khoan tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi. Bất tất đòi hỏi dây dưa và thẳng tay trị tội, sợ có hại cho cái đức hiếu sinh." Rất may, Diêm Vương nơi âm ti địa ngục đã có sự minh triết, xs án công minh, dựa vào chứng cứ chứ không chỉ nghe theo lời nói suông nên đã cho người đi chứng thực, sự thật được phơi bày. Phán quyết ban đầu được đổi lại, Tử Văn từ kẻ có tội thành người có công. Diêm Vương là đại diện cho sự trong sạch của luật pháp may mắn còn tồn tại. Nhưng công đầu phải thuộc về Tử Văn, kẻ sĩ chưa bao giờ chịu khuất phục quyền uy và cái ác. Như vậy, bằng chính nghĩa và sự dũng cảm, cương trực, đấu tranh đến cùng cho lẽ phải, cuối cùng Tử Văn đã từng bước đánh lui tất cả mọi sự phản công kháng cự của kẻ thù giành chiến thắng. Chiến thắng ấy của Ngô Tử Văn có nghĩa vô cùng to lớn, đã trừng trị đích đáng hồn ma tướng giặc xảo trá, làm sáng tỏ nỗi oan khuất, phục hồi chức vị cho thổ thần nước Việt, giải trừ tai họa cho nhân dân. Đọc đoạn trích trên, ta cứ bị ám ảnh bởi người dân áo vải – Tử Văn – tức giận xông vào thẳng sào huyệt của thế lực thần quyền mà tả xung hữu đột. Qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng, chống lại cái ác, Ngô Tử Văn đã nổi bật lên là người chính trực, khảng khái, dũng cảm bảo vệ công lí đến cùng, là một kẻ sĩ cứng cỏi của nước Việt. Từ đó, tác giả Nguyễn Dữ đã khẳng định niềm tin chính nghĩa nhất định thắng gian tà, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, bộc lộ quyết tâm đấu tranh triệt để với cái xấu cái ác. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Truyện gây ấn tượng bằng một loạt những chi tiết kì ảo, cốt truyện giàu kịch tính, cách xây dựng nhân vật sắc nét, ngôn ngữ kể chuyện trau chuốt, súc tích. Truyện ca ngợi nhân vật Ngô Tử Văn, một trí thức nước Việt khảng khái, nhân cách cứng cỏi, cao đẹp, qua đó bộc lộ niềm tin vào công lí, chính nghĩa thắng gian tà.