Phân tích Nhân vật Huấn Cao trong Chữ Người Tử Tù

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nguyentrang005, 29 Tháng ba 2022.

  1. Nguyentrang005

    Bài viết:
    93
    ĐỀ: Phân Tích Nhân Vật Huấn Cao



    I. Mở bài

    Có câu nói đã khái quát được thế giới văn chương giúp ta hiểu rõ được nó hơn đó là "Nhà văn là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp. Bước vào thế giới văn chương nghệ thuật là bước vào thế giới của cái đẹp". Tuy nhiên mỗi một nhà văn lại có một quan điểm một cách thể hiện rất riêng. Nếu Thạch Lam đưa người đọc đến với thế giới của cái đẹp bình dị êm đềm trong "Hai đứa trẻ" thì Nguyễn Tuân - người nghệ sĩ tận hiến suốt đời cho cái đẹp lại dẫn lối cho ta trở về với thế giới thanh cao, trong sáng nhưng cũng không kém phần cổ kính, thiêng liêng. Ngòi bút của ông luôn hướng đến những cái lý tưởng để rồi mỗi tác phẩm luôn để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Trong cái thế giới nghệ thuật độc đáo ấy, "Chữ người tử tù" được đánh giá là một đóa hoa rực rỡ giữa vườn hoa đầy hương sắc của đời văn Nguyễn Tuân. Nổi bật nhất trong câu chuyện ta có thể kể đến với người tử tù Huấn Cao - một nhân vật được xây dựng với vẻ đẹp hoàn hảo, lý tưởng hiện thân cho tài năng, thiện lương và khí phách hiên ngang.

    II. Thân bài

    1. Khái quát chung


    Nhắc đến Nguyễn Tuân, ta nhớ ngay đến một nhà văn lãng mạn, một người nghệ sĩ suốt đời rong ruổi trên hành trình tìm kiếm khám phá sáng tạo cái đẹp cho đời. "Chữ người tử tù" là tác phẩm tiêu biểu của ông ở chặng đường trước cách mạng. Truyện ngắn lúc đầu có tên là "Dòng chữ cuối cùng" được đăng trên tạp chí "Tao Đàn". Sau đó khi in lại trong tập truyện "Vang bóng một thời" đổi tên thành "Chữ người tử tù". Khi viết truyện ngắn này, Nguyễn Tuân như muốn đưa người đọc tìm về với những thú chơi tao nhã của người xưa ra như: Uống trà, chơi chữ, đánh thơ, thả thơ.. để rồi kín đáo trao gửi vào đó tấm lòng yêu nước thầm kín sâu nặng mà tha thiết. Nhân vật Huấn Cao chính là chân dung người anh hùng dân tộc Cao Bá Quát, con người đã đi vào trong tiềm thức của nhân dân ta không chỉ bởi văn hay chữ tốt mà còn bất tử với câu nói để đời "Nhất sinh để thủ bái mai hoa".

    2. Phân tích và cảm nhận hình tượng nhân vật Huấn Cao



    Luận điểm 1: Vẻ đẹp tài năng

    Trước hết nhân vật Huấn Cao được nhà văn tập trung hướng ngòi bút để tô đậm vẻ đẹp ở tài năng. Ngay từ trang văn mở đầu cho truyện ngắn này, khi Huấn Cao chưa bị áp giải đến trại giam thì viên quản ngục đã trầm trồ thán phục trước tài năng viết chữ Hán rất nhanh rất đẹp rất vuông của Huấn Cao. Tài năng này nổi tiếng khắp cả vùng tỉnh Sơn, ai cũng biết đến để rồi họ nói với nhau rằng "chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm." Quản ngục đã hỏi thầy thơ lại về khả năng đặc biệt này của Huấn Cao "Có phải đó là cái người cái vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen tài viết chữ rất nhanh rất đẹp đó không". Từ bao lâu nay rất nhiều những những tri thức, nhà nho tri thức muốn thể hiện tài năng của mình trong nghệ thuật viết chữ. Tuy nhiên để viết được chữ đẹp đòi hỏi người viết phải có tài năng nghệ thuật. Điều này chứng tỏ Huấn Cao hội tụ được đầy đủ cả hai yếu tố đó để rồi những nét chữ của ông viết ra thực sự là một tài sản tinh thần vô giá "có được chứ ông Huấn Cao mà treo như có báu vật ở trên đời". Ngoài tài viết chữ đẹp, Huấn Cao còn có tài bẻ khóa vượt ngục. Có lẽ với khả năng đặc biệt này của Huấn Cao đã khiến cho bọn lính canh chú ý bảo nhau đề phòng và canh chừng cẩn mẩn. Huấn Cao thực sự là một con người văn võ song toàn.

    Luận điểm 2: Vẻ đẹp của thiên lương trong sáng

    Bên cạnh đó, Nguyễn Tuân còn đi sâu khám phá để cho người đọc thấy được một Huấn Cao luôn tỏa sáng qua vẻ đẹp của thiên lương trong sáng mà cao quý. Trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân, tài năng của những nhà nho những tri thức phong kiến như Huấn Cao sẽ luôn gắn bó song hành với cái tâm hướng thiện và cao quý. Chính vì thế mà ở nhân vật Huấn Cao ta cũng thấy được vẻ đẹp tỏa ra từ tâm hồn và nhân cách rất đáng nể và đáng trân trọng. Huấn Cao là một con người có nhân cách ngay thẳng, liêm khiết, chính trực, trọng nghĩa khinh tài. Con người ấy thẳng thắn trong từng lời nói, suy nghĩ đến hành động, chưa bao giờ đánh giá và ý thức quá cao về tài năng của bản thân. Ở Huấn Cao ta cảm thấy được vẻ đẹp của một con người không mang đến danh lợi, tiền bạc, địa vị, mặc dù có tài viết chữ mà bao nhiêu người áo ước mua được chữ Huấn Cao thế nhưng con người ấy không lạm dụng tài năng để mua lợi cho cá nhân. Câu nói của Huấn Cao với thầy thơ lại đã chứng minh cho tất cả vẻ đẹp ấy "Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi." Nếu gặp gỡ tiếp xúc với Huấn Cao lần đầu, người ta sẽ có cảm nhận về vẻ bề ngoài của con người ấy rất lạnh lùng, khoảnh tính. Thế nhưng thẳm sâu trong tâm hồn của ông lại rất dễ mềm lòng, dễ rung động trước cái đẹp, trước tấm lòng cao quý của người khác. Lúc đầu Huấn Cao tỏ rõ thái độ khinh thường ra mặt với viên qua mục. Thái độ này được thể hiện qua câu nói của Huấn Cao khi quản mục bước vào trong buồng giam của ông "Ta chỉ muốn một điều là người đừng đặt chân vào đây nữa". Trong suy nghĩ của người tử tù, quản ngục chỉ là một kẻ tiểu nhân tầm thường, là một công cụ là tay sai của triều đình phong kiến thối nát. Thế nhưng khi biết rằng quản ngục vẫn là một người biết yêu cái đẹp, có thiện lương trong sáng cao quý, vẫn giữ được ngăn cách giữa chốn bùn nhơ tăm tối, Huấn Cao đã hoàn toàn thay đổi và cảm động "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào tạo có biết đâu một người như thầy quản đây lại có sở thích cao quý đến như vậy, thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." Thiên lương của Huấn Cao có sức mạnh và khả năng cảm hóa được vẻ đẹp trong tâm hồn và nhân cách của người khác. Sau khi cho chữ xong, Huấn Cao muốn viên quản ngục nhận ra những sai lầm trong cuộc đời của mình. Ông không muốn con người ấy sẽ chìm sâu hơn vào vũng bùn tăm tối của tội lỗi, của cái xấu, cái ác cho nên ông đã đưa ra những lời khuyên để tác động đến nhận thức tư tưởng và tình cảm của quản ngục. Huấn Cao đỡ viên quản đứng dậy và đĩnh đạc bảo "Ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nổi lên hoài bão tung hoành của một đời con người, thầy quản hãy tìm về nhà mà ở. Thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững, rồi cũng đến nhem nhuốc, mất cái đời thiên lượng đi." Sau khi nghe xong những lời khuyên ân tình ân nghĩa sâu nặng ấy của người tử tù, viên quản ngục vô cùng xúc động bởi ông như tìm thấy ánh sáng cho con đường đi của đời mình để rồi mỗi hành động cử chỉ xen lẫn giọt nước mắt như minh chứng cho sự ăn năn sám hối và phục thiện của quản ngục. "Ngục quan cảm động với người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào:" Kẻ mê muội này xin bái lĩnh ".

    Luận điểm 3: Vẻ đẹp của khí phách hiên ngang

    Nhưng trên hết nhà văn Nguyễn Tuân còn hướng ngòi bút để làm tỏa sáng nơi tâm hồn nhân cách quản ngục qua khí phách hiên ngang như một người anh hùng. Khí phách của người tử tù được thể hiện trong chính lý tưởng khát vọng, hoài bão cao cả mà suốt đời Huấn Cao đã từng theo đuổi. Ông đã dám đứng lên cầm đầu một nhóm người để đấu tranh chống lại triều đình phong kiến thối nát đương thời. Mặc dù lý tưởng hoài bão ấy chưa thành nhưng nó đã chứng tỏ cho người ta thấy được cái bản lĩnh cái khí phách hiên ngang của một con người không biết run sợ trước cường quyền và bạo ngược. Khi mới đặt chân đến trại giam, Huấn Cao đã chứng tỏ được bản lĩnh và khí phách qua hành động dỗ gông" Huấn Cao lạnh lùng khom mình chúc mỗi gông nặng xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái ". Hành động này không đơn giản chỉ là để rõ rệp mà đằng sau đó ta như thấy được thái độ của người tử tù ngay cả khi đến trại giam vẫn không chịu khuất phục thậm chí còn như thách thức cả ngục tù và triều đình phong Ca kiến đương thời. Những ngày Huấn Cao ở trại giam tỉnh Sơn không phải là sợ hãi vì sắp phải đối mặt với cái chết, ông vẫn sống một cách đường hoàng và bình tâm để đón nhận" vẫn thản nhiên nhận rượu và thịt của quản ngục đưa tới coi như đó là việc vẫn làm trong cái hướng sinh bình lúc chưa bị cầm quyền ". Như vậy những ngày cuối của Huấn Cao không phải giống như cây nến leo lét kia đợi cháy hết thì tàn lụi. Huấn Cao hiện hữu tỏa sáng lung linh rạng ngời như" ngôi sao chính vị "sắp từ biệt vũ trụ. Đây chính là vẻ đẹp khiến cho người người tử tù ấy có thể sống một cuộc đời bình thản cho đến lúc ta phải ra pháp trường. Ta còn nhận thấy khí phách của người tử tù được thể hiện một cách rõ nét trong cảnh cho chữ. Mặc dù Huấn Cao trong tư thế bị cầm tù, trói buộc, mất tự do nhưng dù bị gong cùm, xiềng xích" cổ đeo gong, chân vướng xiềng "thì phong thái vẫn ung dung đường hoàng, làm chủ cả ngục tù và để thăng hoa sáng tạo cái đẹp trong từng nét chữ. Huấn Cao đã gửi trọn tài năng, tâm hồn kiếm khách của mình qua những nét chữ vuông tươi tắn nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm nên một người tử tù với khí phách hiên ngang

    Luận điểm 4: Cảnh cho chữ

    Tuy nhiên, Nguyễn Tuân đã hướng trọn tất cả tấm lòng ngưỡng mộ, trân trọng của mình với nhân vật Huấn Cao để rồi chạm khắc cảnh cho chữ cũng chính là nơi tôn vinh làm tỏa sáng chân dung người tử tù. Trong cảnh này, ta gặp lại một Huấn Cao với thiên lương trong sáng qua lời khuyên hướng về quản ngục. Ta cũng nhận ra một Huấn Cao thật hiên ngang trong khí phách của một người anh hùng qua phong thái tư thế cho chữ. Chính cảnh cho chữ này là cái phông nền để Nguyễn Tuân tôn vinh và làm tỏa sáng hình tượng Huấn Cao

    3. Đánh giá chung

    Hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn này chính là nơi để Nguyễn Tuân có thể quay trở về với những nét đẹp xưa nay chỉ còn vang bóng. Cái thú chơi tao nhã mang linh hồn dân tộc như được sống lại qua chân dung một người tử tù tài hoa. Huấn Cao như đại diện cho một bộ phận những nhà tri thức, những con người tài hoa mà bất đắc chí, họ không chịu thỏa hiệp với xã hội, không chạy theo danh lợi tầm thường mà cố gắng giữ lấy thiện lương, sự trong sạch của tâm hồn. Huấn Cao chính là ngọn đuốc sáng hội tụ vẻ đẹp của tài hoa, của thiên lương, của khí phách hiên ngang bất khuất. Để xây dựng hình ảnh chân dung nhân vật Huấn Cao nhà văn Nguyễn Tuân đã sử dụng bút pháp lãng mạn để tô đậm và khắc họa nhân vật một cách hoàn hảo và lý tưởng nhất. Với cốt truyện có sự đan xen nhiều tình tiết hấp dẫn lôi cuốn, xây dựng tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật xây dựng cảnh khéo léo, khắc họa tính cách nhân vật thông qua hành động ngôn ngữ, kết hợp với một hệ thống từ Hán Việt đã góp phần tạo không khí trang trọng, thiêng liêng cho khung cảnh cũng như tạo ấn tượng đậm nhất cho hình tượng nhân vật Huấn Cao.

    III. Kết bài

    Các bài văn của Nguyễn Tuân luôn được nhận xét" Chỉ người suy xét đọc văn Nguyễn Tuân mới thấy thú vị bởi văn Nguyễn Tuân không phải là thứ văn để người nông nổi thưởng thức ". Chỉ với" Chữ người tử tù ", hình tượng nhân vật Huấn Cao đã góp phần đưa người đọc đến với ánh sáng của cái đẹp tỏa ra từ tâm hồn, từ tài năng của một con người bình thường mà phi thường lớn lao. Nguyễn Tuân như muốn gửi trọn vào chân dung nhân vật ấy một niềm tin và sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời ông cũng thể hiện tấm lòng trận trọng những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó bộc lộ tấm lòng yêu nước thầm kín sâu nặng mà tha thiết. Tập truyện" Vang bóng một thời"nói chung và truyện ngắn này nói riêng chắc chắn sẽ có sức sống lâu bền vượt lên mọi lớp bụi của thời gian để sống mãi trong trái tim mỗi người đọc chúng ta.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...