Phân Tích Nhân Vật Chị Dậu Trong Đoạn Trích Tức Nước Vỡ Bờ - Tắt đèn, Ngô Tất Tố

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi thư minh yên, 16 Tháng hai 2023.

  1. thư minh yên

    Bài viết:
    3
    Phân tích nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ

    (Bài này mình viết theo từng luận điểm, tuy có thể k hay nhưng nếu bạn nào viết bài theo từng ý như này sẽ ăn gần trọn số điểm, vì về mặt hình thức đúng, người ta có thể theo dõi được ý nào ra ý nấy chứ không lủng củng ý. Còn nếu bạn có chất văn bạn thêm câu từ hay hơn nữa thì khả năng sẽ được all điểm í chứ^^)

    Người phụ nữ thời phong kiến xưa luôn là đề tài bất tận của thơ ca Việt Nam. "Tắt đèn" là tác phẩm tiêu biểu của Ngô Tất Tố viết về đề tài ấy. Đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" nói về chị Dậu, một người phụ nữ dịu dàng, yêu thương chồng con tha thiết và có sức mạnh tiềm tàng mạnh mẽ.

    Chị Dậu sống trong hoàn cảnh khó khăn vô cùng. Không có tiền nộp sưu thuế, anh Dậu bị lôi ra đình đánh chết đi sống lại. Chị Dậu phải bán đàn chó cảnh, thậm chí bán cả đứa con mình đứt ruột đẻ ra để có tiền nộp sưu. Vậy bọn chúng còn bắt chị nộp cả suất của người em chồng đã mất. Một mình chồng chị thôi đã khổ lắm rồi, nay thêm suất của chú nữa thì chị lấy đâu ra tiền mà nộp? Dù làm việc cần cù, chăm chỉ nhưng chị vẫn nghèo, vẫn đói, vẫn khổ. Thế nhưng trong hoàn cảnh éo le ấy, tấm lòng yêu thương chồng của chị lại được thể hiện rõ.

    Chị Dậu là một người yêu thương chồng con tha thiết. Khi chồng chị bị trả về trong bộ dạng sống dở chết dở, chị đã an ủi, động viên chồng mau khỏe. Chị chăm sóc chồng chu đáo: Nấu cháo cho chồng, thổi nguội kẻo chồng ăn nóng, ngồi xem chồng ăn có ngon miệng không.. Chị còn dịu dàng trong từng câu nói với chồng: "Chồng em dậy húp miếng cháo cho đỡ xót ruột". Tình yêu thương chồng của chị còn thể hiện ở ý thức bảo vệ chồng. Khi bọn cai lệ roi song tay thước sầm sập tiến vào đòi đánh trói chồng, chị Dậu đã xin tha cho chồng. Chị xưng "ông-cháu", tự hạ thấp mình xuống và tâng bọn chúng lên. Chị Dậu hiểu rõ thân phận nhỏ bé, con ong cái kiến của mình. Chị van xin để khơi gợi lòng từ tâm nơi chúng, để chúng tha cho chồng chị. Tất cả đều thể hiện tấm lòng son sắt của chị dành cho chồng.

    Chị Dậu còn là người phụ nữ có sức mạnh tiềm tàng mạnh mẽ. Mặc cho chị Dậu cầu xin tha thiết, bọn chúng vẫn sấn lại đòi trói anh Dậu đi. Bọn chúng còn đấm vào ngực chị. Lúc này đấu lí không được, chị chuyển sang đấu lực. Từ đây cách xưng hô của chị thay đổi. Chị xưng "mày-bà". Chị cho mình là kẻ bề trên, hiên ngang, thách thức. Và tiếp sau lời cảnh cáo đanh thép là hành động phản kháng mạnh mẽ. Chị túm cổ tên cai lệ, ấn dúi ra cửa, túm tóc tên người nhà lí trưởng, lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm. Hình ảnh hai tên tay sai mạt hạng thật nhỏ bé so với người đàn bà lực điền. Tình yêu thương chồng con tha thiết và sự căm phẫn dồn nén bao lâu đã tạo cho chị sức mạnh to lớn nhường nào. Tác giả đã thành công tạo cho người đọc tiếng cười và sự hả hê. Cười bọn tay sai mạt hạng nhỏ bé, hả hê vì đã trút được lửa giận thay chị Dậu.

    Qua đó, tác giả cũng ca ngợi người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa và nay, lên án chế độ phong kiến mục nát, vô nhân đạo. Bày tỏ lòng thương cảm sâu sắc trước những số phận có hoàn cảnh như chị Dậu.

    Hình ảnh chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ đã gợi lên trong lòng ta niềm thương xót ngậm ngùi về số phận bi thảm của chị cũng như của bao người nông dân lương thiện, ta lại càng căm phẫn chế độ thực dân phong kiến, căm phẫn xã hội mục nát đầy bóng tối đã đưa đẩy con người đến bước đường cùng.
     
    Last edited by a moderator: 16 Tháng chín 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...