Phân tích nhân vật bà cụ Tứ từ tối hôm trước đến sáng hôm sau: Bài làm "Đối tượng của văn học vốn là thân phận con người, nên chỉ có kẻ nào đọc và hiểu nó sẽ hóa thành không phải là một chuyên gia nghiên cứu văn học mà là một kẻ hiểu biết con người một cách sâu sắc". Quả thực, con người luôn là nơi bắt đầu và cũng là nơi đi đến của văn học. Với mỗi một thế giới khác nhau của một tác phẩm, người đọc lại có một thể nghiệm riêng về con người. Và trong tác phẩm "Vợ nhặt", nhà văn Kim Lân đã dùng ngòi bút của mình để mang đến những trang văn neo đậu mãi trong tâm hồn chúng ta về nhân vật bà cụ Tứ. "Vợ nhặt" là câu chuyện có hoàn cảnh sáng tác khác đặc biệt. Tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được Kim Lân viết trong những năm 1954 nhưng bị mất bản thảo. Sau này, bằng những mảnh ghép còn nhớ được từ cốt truyện cũ, tác giả đã viết "Vợ nhặt" (1962), lấy bối cảnh nạn đói năm 45 để nói lên khát khao sống mãnh liệt, về tình người, tình đời của những con người thiếu thốn về vật chất nhưng đủ đầy về tình cảm. Tác phẩm mở đầu bằng khung cảnh Tràng- một anh chàng nghèo, xấu xí, thô kệch cùng người vợ mới nhặt được đang trên đường trở về nhà. Cô vợ ấy không phải là đã tìm hiểu lâu la gì mà "tầm phào đâu có hai ba bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng". Về đến nhà, cô vợ nhặt "ngồi mớm ở mép giường", còn Tràng "chạy ra ngõ đứng ngóng" mẹ, rồi bà cụ Tứ "lỏng khỏng" xuất hiện. Nhà văn Kim Lân đã từng tâm sự: "Phần gây xúc động nhất cho tôi khi đọc lại chuyện" Vợ nhặt "là đoạn bà cụ Tứ trở về". Quả đúng vậy, từ tình huống xuất hiện trong bóng chiều quập quạng, dáng vẻ "lọng khọng" gợi ra dáng hình gầy gò, hơi còng, tay hơi run và có vẻ tất bật. Đó còn là dáng vẻ gợi nỗi khổ đau cơ cực, sương gió cuộc đời đã hằn in lên nét dáng ấy. Ngạc nhiên và bất ngờ là tâm trạng đầu tiên ở người mẹ nghèo khi lật đật theo con từ ngõ vào nhà. Bà "nhấp nháy hai con mắt", "phấp phỏng bước theo con vào trong nhà", không tin vào mắt mình "hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải". Một loạt các câu hỏi "Sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?", "Ai thế nhỉ".. hiện ra dồn dập trong suy nghĩ của người mẹ già. Bà ngạc nhiên vì hơn ai hết, bà hiểu rõ gia cảnh, hiểu rõ con trai mình. Trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng là lẽ thường tình nhưng bà chưa thể tin, không thẻ tin rằng con mình lại có người theo và lại chưa bao giờ hình dung nhận dâu trong một hoàn cảnh trớ trêu, tội nghiệp đến thế. Sau khi Tràng giới thiệu người vợ nhặt, dường như bà cụ Tứ đã hiểu ra cơ sự. Bà lão "cúi đầu nín lặng", bà "ai oán xót thương" cho số kiếp đứa con trai mình. Bà tủi thân, tủi phận, bà so sánh người ta với mình "người ta dựng vợ gả chồng cho con cũng là lúc trong nhà ăn nên làm nổi.. còn mình thì..". Dấu ba chấm thẻ hiện sự ngắt quãng trong suy nghĩ của người mẹ đang nghẹn ngào. Bà lão chua chát, tự trách bản thân mình, càng thương con bao nhiêu bà lại càng tủi phận bấy nhiêu, tủi vì làm mẹ mà không lo cho con được chuyện gia thất. "Nín lặng" chỉ là vẻ bên ngoài, còn bên trong, tâm trạng ấy rối bời lúc dồn lên, lúc lắng xuống nghẹn lại không thể thốt lên lời. Nó ứ thành những giọt nước mắt "Trong kẽ mắt lèm nhèm của bà rỉ xuống hai giọt nước mắt". "Rỉ" là chữ được dùng rất đắt diễn tả nỗi lòng đang cố nén lại, rỉ thành giọt lệ âm thầm. Bà cụ Tứ đã chấp nhận nàng dâu không phải chỉ bằng tình mẫu tử mà lớn hơn đó là tình người, là sự cảm thông của những người cùng thân phận người phụ nữ. Với cách nói "chúng nó", bà lão đã gộp con trai và con dâu làm một để rồi tình thương con trai nhanh chóng trở thành tình thương với người đàn bà xa lạ. "Bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót" rồi bà nhanh chóng chấp nhận cô vợ nhặt thành dâu con trong nhà bởi bà thấu hiểu hoàn cảnh của người đàn bà và con trai mình. Sự chấp nhận của bà không phải gượng ép, cũng chẳng hề bộc lộ sự khinh khi đối với hoàn cảnh túng quẫn của người đàn bà xa lạ. Bà chấp nhận nàng dâu với thái độ "mừng lòng", đón nhận con dâu với tất cả niềm yêu thương, trân trọng. Đối với bà chuyện Tràng nhặt vợ không phải vu vơ mà cũng là do duyên kiếp như bất cứ lứa đôi nào. Từng suy nghĩ, hành động, lời nói của người mẹ già đều toát lên vẻ đẹp của lòng bao dung, nhân hậu, vị tha. Đó còn là hình tượng về một người mẹ từng trải, thấu hiểu lẽ đời. Khi dặn dò các con, bà động viên và gieo niềm tin "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời". Tuy động viên con nhưng nỗi tủi hờn lại dội lên trong lòng người mẹ. Bà nghĩ lại quá khứ đầy ám ảnh "nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út, nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình". Bà chìm vào nỗi lo "Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời liệu có hơn bố mẹ trước kia không". Niềm vui và hi vọng cũng không thể xua được cho hạnh phúc thực tại của hai con "Năm nay đói to đấy, chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá". Không lo lắng sao được khi quá khứ thì cực khổ dằng dặc, hiện tại thì đói khát, tương lai mịt mờ. Nỗi lo ấy lại khiến "nước mắt chảy ròng ròng". Nhưng chỉ đến buổi sáng hôm sau, bà cụ Tứ hiện ra với một tâm trạng khác hẳn. Hạnh phúc mới của con làm bà cụ Tứ được vui lây, niềm vui ấy được hiện ra qua "Khuôn mặt nhẹ nhõm tươi tỉnh khác hẳn ngày thường". Cái dáng vẻ lọng khong già yếu hôm qua không còn nữa. Bà "xăn xắn" quét dọn, giẫy những búi cỏ dại nham nhở trong vườn, thu dọn nhà cửa cho quang quẻ với hi vọng cuộc đời sẽ có cơ khấm khá. Trong bữa cơm ngày đói, mâm cơm hàng ngày hiện lên thật thảm hại: Chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối, một niêu cháo lõng bõng nhưng không khí ấm áp tình chồng vợ, tình mẹ con. Bà cụ Tứ là người già cả nhất trong nhà nhưng là người nói nhiều nhất, nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau. Bà tính chuyện nuôi gà "ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ có đàn gà cho mà xem". Bà đã gieo vào lòng các con và cả lòng người đọc niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Khát vọng sống bật lên ngay cả trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, nó làm ta nhớ đến câu ca dao xưa: "Chớ than phận khó ai ơi Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây" Tình thương con của người mẹ nghèo còn được gợi qua chi tiết "nồi cháo cám". Đó là câu chuyện bữa ăn đang đà vui thì ngừng lại vì niêu cháo hết nhẵn. Bà lão cố kéo dài niềm vui cho cả gia đình, bà bưng ra một nồi cháo cám bằng thái độ vui vẻ, hóm hỉnh "Chè khoán đây, ngon đáo để cơ". Nhưng niềm vui của bà cụ Tứ cũng thật tội nghiệp. Miếng cháo cám đắng chát cùng tiếng thúc thuế dồn dập vỗi vã đưa bà cụ Tứ trở về thực tại với tiếng thở dài trong lo lắng "Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó biết đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ". Và bà lại khóc, tình thương con thể hiện qua những giọt nước mắt tuôn rơi. Nét tâm lý ấy thể hiện sự am hiểu tâm lý con người, đặc biệt là người mẹ thôn quê hay lo cả nghĩ của nhà văn Kim Lân. Xây dựng lên được "tình người mẹ" thật lớn đó là nhờ ngòi bút sâu sắc của tác giả Kim Lân. Nghệ thuật xây dựng nhân vật với điểm nhìn linh hoạt. Nếu như tối hôm trước, nhà văn đặt điểm nhìn vào bên trong nhằm tái hiện, khắc họa nét tâm trạng vừa đan xen, vừa chuyển hóa trong tâm tư, nội tâm nhân vật thì đến sáng hôm sau, điểm nhìn lại được đặt ở bên ngoài bằng cách miêu tả hành động, cử chỉ khiến sức sống niềm tin được khơi mở.