Phân Tích Nhân Vật Bà Cụ Tứ Trong Truyện Ngắn Vợ Nhặt - Văn Học Lớp 12

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Amalife, 7 Tháng tám 2021.

  1. Amalife

    Bài viết:
    12
    Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn "Vợ Nhặt" của tác giả Kim lân: Sơ lược nhân vật, mở bài, thân bài, kết bài đầy đủ.

    Ôn thi hiệu quả văn học 12

    Sơ lược nhân vật bà cụ Tứ:


    A) Hoàn cảnh

    -
    Là một bà mẹ già nua, ốm yếu

    - Mẹ góa con côi, nghèo khó

    - Xuất hiện trong buổi hoàng hôn tê tái của ngày đói

    b) Tâm trạng của bà cụ Tứ trước mối lương duyên của con trai

    - Bà bất ngờ, ngạc nhiên:

    +"phất phỏng" theo con vào trong nhà

    + Tự đọc thoại nội tâm với hàng loạt câu hỏi

    - Bà cảm thấy xót thương, ai oán cho:

    + Con trai=> Tình mẹ con

    +
    Cho bản thân mình

    + Người vợ nhặt => Tình người

    - Có chút hàm ơn người vợ nhặt

    + "Con ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân"

    + "Chúng mày lấy nhau lúc này.. U thương quá"

    + "Con.. mừng lòng"

    => tấm lòng người mẹ nhân hậu, vị tha, hiểu đời và từng trải.

    C) Sự thay đổi cùa bà cụ Tứ trước hạnh phúc của con trai mình vào sáng hôm sau


    - Tươi tỉnh, rạng rỡ, vui vẻ, hạnh phúc- "Xăn xăn" dọn dẹp nhà cửa cùng con dâu

    - Bàn về chuyện tương lai, nói đến hạnh phúc, đến niềm vui

    => Nghị lực sống mạnh mẽ phi thường ở bà cụ Tứ

    => Tình thương con sâu sắc


    Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm ' Vợ Nhặt ' của nhà văn Kim lân

    Bài làm

    Mở bài:

    Kim lân là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn về nông thôn và người nông dân. Ông đã để lại cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm đặc sắc. Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Kim Lân là "Vợ Nhặt", phản ánh tình cảnh nghèo đói của nhân dân ta trong nạn đói 1945. Trong tác phẩm, Kim Lân đã xây dựng nhân vật bà cụ Tứ là một người mẹ thương con, giàu tình người, nhân hậu và sự hiểu biết từng trải nhiều cay đắng của bà.

    Tóm tắt:

    Bà cụ Tứ là mẹ của anh Cu Tràng. Trong tác phẩm, bà xuất hiện trước người đọc trong bóng hoàng hôn tê tái, người mẹ nghèo khổ "húng hắng ho" chẳng khác nào một cái bóng đi vào ngõ. Một người mẹ quê góa bụa, già nua với dáng thì "lọng khọng" đứng rúm ró trước mái tranh trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Nhà văn Kim lân cũng từng tâm sự: "Phần gây xúc động nhất cho tôi khi đọc lại truyện là bà cụ Tứ trở về. Ở đấy cái tình của người mẹ thật lớn..". Nhà văn đã đặt nhân vật vào hoàn cảnh bất ngờ đó là việc đứa con trai đưa một người đàn bà xa lạ về nhà làm vợ vào giữa những ngày đói khủng khiếp và cái chết đang rình rập gõ cửa từng nhà. Viết về bà cụ Tứ, nhà văn đi sâu vào phân tích tâm lí và tấm lòng nhân ái đáng quý, đáng trân trọng của bà đối với các con.

    Thân bài:

    Cũng như mọi người trong xóm ngụ cư, lúc đầu bà cụ Tứ rất ngạc nhiên và không thể hiểu nổi điều gì xảy ra khi thấy Tràng ra đón từ ngoài ngõ lại reo lên như một đứa trẻ vồn vã khác thường. Tâm trâng bà cụ Tứ trổ nên "phấp phỏng", có cái gì đấy bất thường đang chờ đợi bà. Đến giữa sân thì bà lão đứng sững lại, càng ngạc nhiên hơn khi nghe có người chào mình bằng "U"; một người đàn bà xa lạ đứng ngay trên đầu giường thằng con trai mình. Hàng loạt câu hỏi tự đặt ra trong đầu, bà không tin vào cảm giác tai mình, mắt mình: "Oái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải cái Đục mà? Ai thế nhỉ". Nhà văn đã khéo chọn ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn tả tâm trạng ngạc nhiên của bà cụ Tứ. Trái tim nhạy cảm của một người mẹ trong lúc bất ngờ đã không tìm được lời giải thích. Dường như bản thân bà cụ Tứ chưa bao giờ nghĩ và cũng không hề chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này. Cho đến khi nghe Tràng phân trần cắt nghĩa, người mẹ nghèo tội nghiệp ấy chỉ "cúi đầu nín lặng". Một sự "nín lặng" chất chứa bao suy nghĩ nỗi niềm. Trong lòng bà chứa đầy những ám ảnh của một dĩ vãng nặng trĩu đắng cay. Bà nghĩ phận bà rồi bà ái ngại, xót xa, tủi hờn cho số kiếp con mình "Bà hiểu rồi, lòng người mẹ nghèo khổ ấy hiểu ra biết bao cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con trai mình". Bà đau đớn, trách mình là mẹ mà đã không lo được chuyện dựng vợ gã chồng cho con, để con mình phải lấy vợ không theo một nghi thức nào. Trong kẽ mắt kèm nhèm của người mẹ Tứ tội nghiệp ấy tự khi nào đã "rỉ" xuống hai hàng nước mắt: "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua cơn đói khát này không". Nạn đói đang đe dọa, con có vợ, bà lo lắng không thôi.

    Từ xót xa, mặc cảm, lo lắng cho đứa con trai bà mà lòng người mẹ nghèo nhân hậu ấy còn thấu hiểu cảnh ngộ người con gái xa lạ bỗng trở thành con dâu của mình "Người ta gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới đến lấy con mình. Mà con mình mới có vợ được.". Sống gần hết cuộc đời hờn tủi trong sự đói khổ thì giờ đến đời con bà lo lắng: "Liệu chúng nó có hơn bố mẹ trước kia không?". Lòng người mẹ ấy không chỉ thương con mà với nàng dâu mới, bà cụ Tứ nhìn bằng ánh mắt cảm thông, thương xót và có một chút hàm ơn. Bà xưng hô với người đàn bà xa lạ với lần gặp mặt đầu tiên là "..."

    "Mừng lòng", "con ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân", "chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá". Bà "mừng lòng" là lời nói mộc mạc nhưng chứa đựng cái tình, cái ấm áp của một người mẹ. Lời nói đã trút được gánh nặng trong lòng người con trai. Lời nói mang lại danh dự cho nàng dâu, công nhận chức phận con dâu trong nhà. Lời nói biến cuộc hôn nhân rẻ rúng trở thành một mối lương duyên đẹp. Lời nói "mừng lòng" của bà như vòng tay yêu thương, chở che cho các con trong khổ đau, nghiệt ngã trước số phận, cuộc sống túng quẩn. Đó cũng không phải là cái nhìn của một người mẹ chồng mà là cái nhìn của những con người đồng cảnh ngộ. Bởi trước khi làm mẹ, bà đã từng làm dâu, làm vợ; bà hiểu lời nói của bà lúc này có thể làm đau hay xoa dịu nỗi đau của một con người. Qua lời nói, cách bà thể hiện, người đọc càng thấy trân trọng tấm lòng vị tha tha độ lượng cao quý của một người mẹ từng trải. Bà cố giấu nỗi lo của mình trước cái đói nghèo mà thay vào đó bà động viên, an ủi các con bằng những lời thật lòng, nhẹ nhàng đầy tình cảm: "Bít thế nào hở con, ai giàu ba hỏ ai khó ba đời.".

    Buổi sáng hôm sau cùng với bữa cơm đầu tiên đón thành viên mới - vợ của con trai ; tâm trạng bà cụ Tứ có sự thay đổi kì diệu. Không chỉ thế, gia đình nhỏ bé của bà cũng như đã thay đổi. Sáng sớm, bà cùng con dâu dậy sớm thu dọn, quét tướng nhà cửa. Gương mặt bà tươi tỉnh, rạng rỡ, nhẹ nhõm, tràng đầy lạc quan ; bà "xăn xắn", "cái mặt bưng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên". Khi con trai tỉnh dậy, bà nhẹ nhàng bảo nàng dâu: "Anh ấy.. kẻo muộn". Lời nói của một người mẹ dâu tự nhiên gợi về một mối quan hệ thuận hòa giữa những người trong gia đình, cứ ngỡ mối quan hệ mới chớm từ hôm qua đến hôm nay tưởng như gắn bó chan hòa từ lâu. Trong đói khổ, tâm hồn người mẹ như nguồn sống, nguồn sáng thắp lên cho các con niềm hi vọng, niềm tin vào những điều tích cực. Bà nhen nhóm cho các con niềm tin hạnh phúc vào cuộc sống tương lai. Chính bà cũng là người nói nhiều đến tương lai, hi vọng "chuyện sung sướng sau này", bà chỉ cho các con cách làm ăn, sửa lại nhà cửa, mua lấy đôi gà về nuôi. Tấm lòng người mẹ thật cao cả, tấm lòng ấy được gói gửi trọn vẹn trong niềm tin hy vọng, ngọn lửa bà nâng niu, hạt giống nhô bà ấp ủ cố gắng ươm mầm trong các con. Trong bữa cơm của ngày đói, bà đã cố gắng chuẩn bị thật công phu cho bữa cơm đón dâu. Bữa ăn trở nên vui vẻ mà không còn như trước đây khi bà cụ Tứ cứ luôn nói toàn chuyện dung sướng về sau. Nhưng niêu cháo cũng phải hết, lòng người mẹ đã dự tính nên bà đã chuẩn bị sẵn một nồi cám mà bà gọi nó là "chè khoán". Cái dáng "lật đật, lễ mễ", cái hành động vừa "khuấy khuấy" vừa tươi cười đon đả mới đáng kính vừa xót xa làm sao: "Ngon đáo để.. khối nhà chả có cám mà ăn đấy". Chỉ vài lời an ủi, bát chè cám đắng chát, nghẹn ứ nơi cổ họng bỗng trở nên thơm ngọt vì có tình thương của một người mẹ. Tất cả thể hiện một tâm hồn khỏe mạnh, một nghị lực sống, một bản lĩnh vững vàng và tấm lòng thương con sâu sắc của người mẹ. Nhà văn đã phát hiện trân trọng, nâng niu những giá trị tinh thần cao quý trong hoàn cảnh khốn cùng.

    Đ ánh giá nghệ thuật và nội dung:

    Bằng ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế tấm lòng nhân hậu sâu sắc của một người vốn là "con đẻ đồng ruộng", Kim lân đã khắc họa thành công hình tượng bà cụ Tứ qua diễn biến tâm trạng của bà trước việc con trai có vợ. Bà là người từng trải, hiểu biết, hết lòng yêu thương con ; có một trái tim hết mực nhân từ, bao dung, độ lượng. Đó cũng là vẻ đẹp tâm hồn của những bà mẹ Việt Nam. Qua diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ, ta có thể nhận thấy biệt tài và phát hiện tâm lí chân thực và sắc sảo của Kim Lân. Điều này có tác dụng to lớn khắc họa rõ nét chủ đề tác phẩm: "Cho dù phải sống trong một tình cảnh hết sức bi đát, phải đứng bên bờ vực cái chết, những người lao động vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, luôn hướng tới tương lai và luôn khao khát một gia đình.".

    Kết bài:

    Với tài phát hiện và miêu tả tâm lí chân thực, sắc sảo Kim Lân đã lách sâu ngòi bút của mình để thấy được vẻ đẹp tâm hồn của bà cụ Tứ. Bà chính là hình ảnh đẹp đẽ nhất, đại diện cho hàng triệu bà mẹ Việt Nam: Nhân hậu, bao dung, hiểu biết từng trải và hết lòng yêu thương con. Đồng thời qua đó thể hiện giá trị nhân đạo của tác giả Kim lân qua tác phẩm "Vợ Nhặt".

    Hy vọng bài viết có ích cho việc tham khảo và ôn tập thi cử 12 của các bạn!

    Tìm kiếm các bài viết khác: Amalife
     
    Last edited by a moderator: 7 Tháng tám 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...