Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ Nhặt - Kim Lân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi vivutheogio, 8 Tháng mười 2021.

  1. vivutheogio Thời gian là tĩnh, thứ lưu động là con người

    Bài viết:
    37
    Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ Nhặt - Kim Lân

    [​IMG]



    Kim Lân là cây bút xuất sắc chuyên viết truyện ngắn về đề tài nông thôn. Những sáng tác của ông phản ánh một cách chân thật xúc động về cuộc sống và người dân quê – những con người mà ông am hiểu sâu sắc cảnh ngộ cũng như tâm lí của họ. Họ luôn có ý thức gắn bó sâu sắc với quê hương và tha thiết với cách mạng. Một trong những đỉnh cao của Kim Lân là truyện ngắn "Vợ Nhặt", tác giả đã lấy bối cảnh là nạn đói khủng khiếp năm 1945 để diễn tả được cái đói có sức nặng như thế nào, nhưng ngụ ý của tác giả chính là việc dựa trên nạn đói để lột tả tính cách "trong như ngọc sáng ngời" của những con người, những mảnh đời lầm thân. Nhân vật bà cụ Tứ là một hình tượng điển hình cho người đàn bà nghèo khổ đến cùng cực nhưng có tình yêu thương con đến vô bờ bến. Hẳn rằng người đọc sẽ không bao giờ quên những lời mà Kim Lân đã dành cho bà.



    1. Là người mẹ nghèo khổ

    Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân không đi sâu vào khái quát dáng vẻ bề ngoài mà tập trung đi sâu vào những nét đẹp bên trong tâm hồn. Bà là hiện thân cho những gì cao đẹp nhất, thiêng liêng về tình mẫu tử. Bao nhiêu năm lặn lội, bà nay đã yếu, dáng đi "lọng khọng", vừa đi vừa ho "húng hắng" nhưng đằng sau dáng hình gầy guộc, tiều tụy là những phẩm chất cao đẹp của một người mẹ. Đó là một người mẹ nghèo khổ, thương con, bao dung, nhân hậu; cho dù cùng quẫn, thiếu túng nhưng chưa bao giờ thôi hi vọng, thôi hướng về tương lai.

    2. Diễn biến tâm trạng

    a. Sự ngạc nhiên đến sững sờ:

    Vào một buổi chiều chạng vạng, bà cụ Tứ trở về căn nhà tối tăm của mình và bất ngờ trước sự xuất hiện của một người đàn bà lạ trong nhà. Sự sốt sắng hiện ra qua thái độ của con trai nay "quá đon đả", "thấy mẹ, Tràng reo lên như một đứa trẻ", "lật đật chạy ra đón" làm bà không khỏi ngạc nhiên, băn khoăn, lo âu. Sau khi Tràng giãi bày chuyện hệ trọng cuộc đời mình, người mẹ nghèo khổ ấy mới vỡ lẽ và ngổn ngang bao cảm xúc. Chỉ bằng một cái "cúi đầu nín lặng", một câu văn trần thuật ngắn gọn nhưng lại rung rung tấm lòng của người mẹ. Cái cúi đầu chất chứa bao suy nghĩ, nỗi niềm chẳng thể nói thành lời. Người mẹ nhanh chóng thấu hiểu sự tình, "bà lão hiểu rồi", bà hiểu vì sao hôm nay con mình hệt như một đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về. Bà lão hiểu vì sao lại có người đàn bà lạ trong nhà. Sự từng trải giúp bà lập tức hiểu ra "bao cơ sự" của con trai, của người đàn bà kia và cũng là của mình

    b. Hờn tủi, xót thương:

    Sau khi được anh con trai giải thích, phản ứng đầu tiên của bà lão là "cúi đầu nín lặng" . Trong cái "cúi đầu" ấy, bà lão đã hiểu rồi. Bà tủi hổ, xót thương cho chính bản thân bà khi chưa làm tròn bổn phận của một người mẹ, là mẹ mà không lo được chuyện vợ chồng cho con. "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà làm ăn nên nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì.." Thông thường, khi rơi vào bước đường cùng hay tình cảnh ngang trái, người ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh. Trong trường hợp này, bà cụ Tứ hoàn toàn có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cái khát cái đói nó khủng khiếp quá, không xoay sở mà lo chuyện hôn sự cho các con được. Nhưng bà cụ Tứ lại không làm thế, bà nhận lỗi về phía mình. Ta thầm cảm ơn Kim Lân, với sự tinh tế trong việc lách sâu vào tâm hồn con người để ta thấy được sự bao la của tình mẹ, sự chan chứa tấm lòng của một người mẹ.


    Từ xót tủi cho mình, bà xót tủi cho số kiếp đứa con trai bà, cho người đàn bà xa lạ đang đứng trước mặt mình. Bà thương cho người đàn bà xấu số "Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ". Bà hiểu rằng, người đàn bà kia cũng không phải yêu thương mà đến với con mình, thị cũng vì hoàn cảnh xô đẩy. Từ ai oán, xót thương, bà biết ơn thị rồi hết lòng vun vén, nâng niu hạnh phúc bé nhỏ của hai con. Trước ánh mắt trông chờ của thị, bà nhẹ nhàng nói với nàng dâu mới: "Ừ, thôi các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng" . Bà lão không hề che đậy hay giấu giếm nỗi mừng trong lòng mình, nhưng giữa cái thảm cảnh này dù vui bà cũng chỉ có thể "mừng lòng" mà thôi. Bà mừng vì các con đến được với nhau, yêu thương nhau mà sống; bà mừng vì thằng con trai bà đã có được vợ; mừng vì người đàn bà kia không chê "cái phao rách" như con trai bà. Bà mừng cho con bà bao nhiêu thì lại tủi cho người đàn bà kia bấy nhiêu. Ta nhận ra ở người mẹ khốn cùng này không chỉ là tấm lòng thương con, yêu con mà còn hiểu và cảm thông cho người khác

    c. Người mẹ thương con vô bờ bến, lo lắng cho tương lai các con:

    Bà cũng không quên an ủi con dâu, bà từ tốn kể gia cảnh cho con dâu hiểu, "Nhà ta thì nghèo con ạ", và câu ấy cũng không hẳn là một câu kể khổ. Đâu đó cũng chỉ là một câu chia sẻ với con. Rồi bà khuyên: "Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông giời cho khá.. Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cháu chúng mày về sau". Bà nói thật khéo, vừa không mất lòng con dâu, lại vừa vun vén cho hạnh phúc con trai; vừa gửi gắm một niềm tin về nàng dâu sẽ thay đổi gia cảnh này mà khá khẩm hơn. Bà vỗ về, quan tâm con dâu: "Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân" . Bà cụ Tứ cũng từng đi làm dâu, nên bà hiểu người phụ nữ này đang tủi cực thế nào, đang xấu hổ, đang thất vọng thế nào! Nên bà phân bua: "Kể ra thì làm được dăm ba mâm cỗ thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi" . Bà dốc hết lòng phân bua để con dâu hiểu là bà rất thương con, bà rất muốn cho con có được một buổi ra mắt về nhà chồng đàng hoàng, tử tế để mà giữ lấy cái danh dự cho con. Nhưng hoàn cảnh này, cái đói là cái đói chung, cái nghèo cái khổ là cái nạn chung nên không ai người ta chấp nhặt. Cách nói phân bua của bà cụ Tứ cho thấy, bà rất coi trọng nàng dâu, rất thương và rất hiểu chị. Và bà cũng rất tha thiết mong chị hiểu cho bà. Nỗi lòng người làm mẹ, không ai muốn con gái phải khổ, phải bị người khác chê cười. Nhưng biết làm sao được! "U thương chúng mày quá! Càng nghĩ, càng tủi bà lại càng nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng..". Đây là lần thứ hai bà cụ Tứ khóc trước mặt con dâu. Có lẽ, trong cuộc đời một người làm mẹ, không có gì đau xót hơn việc không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Nhưng cũng không có một từ ngữ nào có thể diễn tả được nỗi đau, được sự bất lực của một người mẹ khi phải khóc trước mặt con cái, đặc biệt lại bà con dâu. Có lẽ, cuộc đời cũng vì tấm lòng của mẹ mà mang đến cho cuộc sống thứ ánh sáng nhiệm màu hơn. Càng viết cảm động về bà cụ Tứ bao nhiêu, thì ngòi bút của Kim Lân lại càng cho thấy sự am hiểu "tâm lý và cảnh ngộ" của người nông dân bây nhiêu. Có lẽ, chưa bao giờ, viết về nạn đói mà những trong văn thuộc giai đoạn này lại tha thiết đến thế! Lại cảm động và chan chứa đến thế!

    d. Niềm tin:

    Bà cũng không quên an ủi con dâu, từ tốn kể gia cảnh cho con dâu hiểu "Nhà ta thì nghèo con ạ". Đó không hẳn là một câu kể khổ, mà là một câu chia sẻ với con. Rồi bà khuyên: "Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ông giời cho khá.. Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?" Bà nói thật khéo, vừa không mất lòng con dâu, vừa vun vén hạnh phúc cho con trai, vừa gửi gắm niềm tin về nàng dâu mới sẽ làm gia cảnh này khá khẩm hơn. Từ những hành động, lời nói, suy nghĩ, Kim Lân đã làm toát lên vẻ đẹp của một người mẹ nhân hậu và giàu niềm tin vào cuộc sống.

    Đặc biệt niềm tin được thể hiện rõ nhất vào sáng hôm sau. Nếu anh cu Tràng còn miên man trong hạnh phúc thì bà cụ Tứ lại dậy rất sớm. Bà cùng con dâu dọn dẹp nhà cửa cho quang quẻ, cùng con dâu vun vén mái ấm gia đình, cho ngôi nhà tàn tạ của bà được tươi mới hơn, cũng như niềm tin trong bà về tương lai cũng hiện thực hơn. Trên khuôn mặt "bủng beo xám xịt" của bà nay rạng rỡ hẳn lên. Đúng là người vợ nhặt không chỉ mang đến cho Tràng cảm giác "như người từ trong giấc mơ đi ra" mà còn thổi vào bà cụ Tứ một luồng sinh khí mới. Bà dậy sớm chuẩn bị một bữa ăn "thịnh soạn" thết đãi các con. Dù cảnh đói thật khó để đào được một miếng ăn cho tử tế nhưng người mẹ nghèo ấy cũng đã rất nỗ lực. "bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại", giữa cái mẹt rách có độc một chum rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo lõng bõng nước. Nhưng cả nhà đều ăn rất ngon. Trong bữa ăn, bà kể toàn chuyện vui, sung sướng về sau này: "khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà", "làm chuồng gà", "ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà". Giữa những ngày đói khát mà bà nhắc toàn chuyện tương lai sung sướng, và hình ảnh "đôi gà – đàn gà" cũng chất chứa hi vọng về tương lai của bà cũng thật mãnh liệt. Nó như một liều thuốc tinh thần, thổi lên một ngọn lửa hi vọng, ấm áp cho căn nhà.


    Ngoài việc an ủi động viên các con, bà còn dốc hết sức để chuẩn bị cho các con một bất ngờ nho nhỏ. Nên khi "niêu cháo đã hết nhẵn", bà lão đặt bát đũa xuống, nhìn hai con vui vẻ: "Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ." Rồi bà lão lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc nghi ngút. Cái dáng điệu "lễ mễ" khi bưng nồi cháo cũng đã cho thấy sự cố gắng của người mẹ già trước hoàn cảnh này. Bà cố chắt chiu, lượm lặt những vụn vặt để vun thành niềm hạnh phúc gửi đến các con. Mặc dù biết cháo cám sẽ đắng chat và nghẹn bứ nhưng bà vẫn rất vui vẻ động viên các con, "cầm cái môi vừa khuấy vừa cười" : "Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy" . Sự cố gắng của người mẹ, tuy không tránh được nỗi tủi hờn len vào tâm trí nhưng nó đã cho ta hiểu hơn về tấm lòng người mẹ, cái tâm của người mẹ dành cho con.

    * * *

    NT

    - Xây dựng tình huống truyện độc đáo

    - Cách kể chuyện tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn, có nhiều chi tiết đặc sắc

    - Nhân vật được khắc họa sinh động, đối thoại hấp dẫn, ấn tượng, thể hiện tâm lí nhân vật linh hoạt, tinh tế

    - Ngôn ngữ mộc mạc, tự nhiên, giản dị, giàu sức gợi.

    Bằng nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật bậc thầy, Kim Lân đã lách sâu ngòi bút của mình để thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tấm lòng bao dung nhân hậu của bà cụ Tứ với đôi vợ chồng trẻ. Bà cụ Tứ chính là hình ảnh đẹp đẽ nhất, đại diện tiêu biểu cho hàng triệu bà mẹ Việt Nam. Đồng thời qua nhân vật này cũng thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của Kim Lân.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...