Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ellie1306, 1 Tháng chín 2021.

  1. ellie1306

    Bài viết:
    4
    Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân.

    Bài phân tích hay và có nhiều lí luận, thích hợp thi THPTQG. (Từ một HS thi Văn điểm 9)

    [​IMG]

    "Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lí." (M. Go-rơ-ki). Văn chương từ cuộc đời mà nở hoa, phải trở về cuộc đời mà kết trái. Tác dụng của văn chương đích thực, sứ mệnh của nhà văn chân chính là đem hương vị lại cho cuộc đời, đem văn chương phục vụ những lí tưởng cao đẹp, mang vẻ đẹp nhân văn tỏa sáng đến muôn đời. Và điều đó đã được Kim Lân thể hiện thành công qua tác phẩm "Vợ nhặt". Xét về vị trí, đây là một trong những tác phẩm truyện ngắn xuất sắc nhất trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. "Vợ nhặt" là câu chuyện đầy cảm động về tình người trên cái nền u ám của nạn đói năm 1945. Tác giả đã khắc họa thành công nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ khắc khổ nhưng tràn đẩy tính yêu thương.

    "Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình". Nhắc đến Kim Lân là ta nghĩ ngay đến nhà văn của làng quê. Ông chuyên viết truyện ngắn, đặc biệt là viết về nông thôn và người nông dân. Những trang viết của ông hết sức chân thật và xúc động khi khắc họa những con người của làng quê Việt Nam nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời; chất phác, thật thà mà thông minh. "Vợ nhặt" là truyện ngắn đặc sắc nhất của Kim Lân in trong tập "Con chó xấu xí" (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau CMT8, nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại, ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

    Đoạn trích mở đầu bằng khung cảnh làng quê ngày đói thật ảm đạm, tiêu điều. "Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào", với động từ "tràn" nhà văn đem đến cho ta một hình dung: Nạn đói giống như một cơn đại hồng thủy có sức tàn phá dữ dội, càn quét đi mọi sinh linh. Ngòi bút sắc sảo của Kim Lân thấm đẫm chất hiện thực đã miêu tả rất sinh động sự tàn phá của cái đói: Đám trẻ con thì ủ rũ, không buồn nhúc nhích; những người sống khác thì "lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma", hay "dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma". Không phải ngẫu nhiên mà đến hai lần nhà văn so sánh người với ma. Nghệ thuật đầy ẩn ý muốn diễn tả đó là lúc cõi âm tràn vào cõi dương, trần gian mấp mé miệng vực âm phủ. Lằn ranh giời giữa sống và chết vô cùng mong manh, chỉ chút sơ sẩy là con người ta có thể sa vào âm địa. Ranh giới giữa âm dương mong manh như sợi tóc. Đời không khác gì bãi tha ma khổng lồ với những hình ảnh "người chết như ngả rạ". Không sáng nào người đi làm đồng không gặp ba, bốn cái thây nằm còng queo bên vệ đường bãi chợ. Cái chết còn lan khắp không gian với "mùi ẩm thối vủa rác rưởi và mùi gây của xác người". Thêm vào đó là đám quạ từ đâu bay về, đậu kín ở cây gạo, bãi chợ đang gào lên những tiếng thê thiết như đưa tiễn buổi hoàng hôn của đời vào đêm tối của địa ngục đầy ám ảnh rợn lạnh. Trong hoàn cảnh ấy người ta chỉ nghĩ tới việc cứu đói là cấp bách, còn hạnh phúc là một thứ xa xỉ. Vậy mà Tràng lại lấy vợ lúc này khiến người mẹ già vốn đã nghèo khổ lại càng khổ não hơn, bà không biết nên vui hay buồn cho hạnh phúc bất ngờ của con mình.

    Bà cụ Tứ không xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, bà chỉ xuất hiện khi anh cu Tràng dẫn vợ vừa nhặt được về nhà. Có lẽ khoảnh khắc này người đọc sẽ bắt đầu nhận ra được người mẹ nghèo này có thái độ, tình cảm như thế nào dành cho con. Bà cụ Tứ hiện lên là người đàn bà khắc khổ, nghèo đói với cái dáng "lọng khọng", vừa đi vừa "húng hắng ho". Từ "lọng khọng" đầy sáng tạo và có sức gợi hình, gợi trong tiềm thức của ta một dáng hình còng xuống vì dầm mưa dãi nắng, lo toan, mệt mỏi mưu sinh suốt cả cuộc đời. Với một loạt từ dùng để chỉ hình dáng và cử chỉ của bà như "nhấp nháy mắt", "lập khập bước đi", "lễ mễ" đã gợi lên trong lòng người đọc hình ảnh người mẹ già không còn khỏe mạnh và tinh anh nữa. Giữa xóm ngụ cư nghèo đói, giữa sự tan tác, hoang sơ của cảnh vật và con người, hình ảnh người mẹ này hiện lên khiến người đọc không khỏi xót xa. Hẳn là bà đã phải trải qua một cuộc đời khó nhọc, làm việc vất vả, lam lũ, cơ cực. Kim Lân đã để cho bà xuất hiện với những nét tính cách và tình cảm yêu thương, cảm thông, chịu thương chịu khó hết mực. Tác giả đã gửi trọn tấm lòng kính yêu của mình để cảm thông cùng với những nỗi đau suốt một đời đã đè nặng lên đôi vai mẹ. Bà quả là một người mẹ vĩ đại, tuyệt vời.

    Khi thấy một người đàn bà lạ xuất hiện trong nhà mình, tâm trạng của bà thất thường, không yên. Trạng thái ngỡ ngàng của bà được nhà văn miêu tả bằng hàng loạt những câu nghi vấn: "Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?", "Ai thế nhỉ?". Sự cùng quẫn của hoàn cảnh đã đánh mất ở người mẹ sự nhạy cảm vốn có trước hạnh phúc của con, có lẽ chưa bao giờ bà nghĩ đến chuyện Tràng có vợ. Không ngạc nhiên sao được khi ngôi nhà vốn dĩ chỉ có hai mẹ con nay lại có người thứ ba. Không ngạc nhiên sao được khi giả thuyết con cái Đục – đứa con gái duy nhất đã không còn nữa? Thế mà vẫn có người gọi bà cụ bằng u. Sự điềm tĩnh vốn có ở người già đã giúp bà cụ Tứ không phát hoảng lên. Nhưng đáng thương hơn bà cụ lại tưởng mình nhầm lẫn: Bà cụ hấp háy cặp mắt cho đỡ cay. Rốt cuộc, nỗi băn khoăn của bà cụ Tứ vẫn không được giải bày: Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu. Điều này để lí giải bởi trước sự việc của Tràng, bà cụ Tứ hoàn toàn bị động. Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà là những việc trọng đại của mỗi con người, cần có sự tham mưu của cha mẹ, của bề trên. Thế nhưng sự kiện Tràng lấy vợ lại được thông báo một cách đột ngột, khiến bà cụ Tứ ngạc nhiên khôn tả.

    Nỗi băn khoăn của bà cụ chỉ hết khi Tràng dõng dạc vắn tắt trình bày cơ sự: "Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau. Chẳng qua nó cũng là cái số cả". Và thế là bà lão "cúi đầu im lặng" – một sự im lặng chứa đầy nội tâm. Đó là nỗi xót xa, lo lắng, buồn vui, yêu thương lẫn lộn. Bà mẹ đã tiếp nhận hạnh phúc của con bằng kinh nghiệm sống, bằng sự trả giá của một chuỗi đời nặng nhọc, bằng ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh. Bà thương con mình, thương cho người đàn bà lạ kia. Một tình thương sâu thẳm và bao la. Bằng tấm lòng nhân hậu, sự bao dung của người mẹ, bà nghĩ: "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không". Trong chữ "chúng nó", người mẹ đã ngầm chấp nhận người đàn bà lạ làm con dâu của mình.

    Rồi tình thương lại chìm vào nỗi lo, tạo thành một trạng thái tâm lí triền miên day dứt. Nỗi tủi hờn, xót xa cứ thể lên lỏi vàp lòng bà cụ. Bà hiểu ra bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp của con trai mình. Lời văn của Kim Lân như nhát dao cứa vào lòng: "Chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc gia đình ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này- còn mình thì..". Bao nhiêu ngập ngừng, tủi cực, chua xót dồn nén sau chữ "thì" vô vọng ấy. Bà xót xa vì không thể làm tròn bổn phận của người mẹ, không lo nổi chuyện đại sự cho con. Cái buồn, cái tủi lại chan đầy nước mắt, và bà đâm ra khóc vì thương con, thương dâu không biết làm sao để vượt qua cơn khốn khó này "trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt", lí trí đã không ngăn nổi tình cảm. Giọt nước mắt tủi phận cùng cực, giọt nước mắt khóc cho chính sự khốn khó của mình, cũng là những giọt nước mắt của lòng tự trọng, những giọt nước mắt giữ cho nhân cách con người không sa xuống bờ vực của sự tha hóa. Người mẹ nghèo cũng chỉ còn những giọt nước mắt ấy làm chứng cho tình yêu tha thiết đối với các con. Không chỉ thương con trai, bà còn dành tình yêu thương cho người con dâu mới của mình. Bà đăm đăm nhìn người đàn bà như để nhận mặt người đông hành khốn cùng trong cuộc đời khổ nghèo. Bà nhìn thị nghĩ: "Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này người ta mới lấy con mình, con mình mới có vợ được". Đó là tấm lòng người mẹ không khinh rẻ mà tỏ ra thông cảm thấu hiểu hoàn cảnh con dâu. Chứng tỏ bà cụ Tứ là một người rất hiểu mình, hiểu người. Rồi bà động viên hai con: "Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông giời cho khá.. Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?". Bà nói với con dâu bằng lời của một người từng trải – vừa lo lắng, vừa thương xót. ".. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá..". Những lời độc thoại cứ như đợt sóng cuộc len trong lòng người mẹ, vừa khắc khoải, dạt dào, vừa bao la, vỗ về đầy tình mẫu tử, hòa trong đó là những rung cảm xót xa trong trái tim nhân đạo của nhà văn Kim Lân. Người mẹ như cố nuốt nước mắt vào trong, cố nén nỗi đau trong lòng để an ủi các con vì tấm lòng nhân hậu ấy sẽ chẳng bao giờ muốn con buồn, chẳng muốn con phải khổ đau. Đó là nỗi thương con của một người mẹ từng trải, hiểu đời và có tình yêu thương con sâu thẳm vì suy cho cùng tình mẹ như dòng suối ngầm chảy mãi chẳng bao giờ khô.

    Trong buổi sáng hôm sau, Kim Lân tiếp tục đi sâu khai thác tâm lí bà cụ Tứ, đặc biệt nhấn mạnh vào niềm tin, khát vọng tương lai. Bà cụ Tứ đã có sự thay đổi rõ ràng. Tràng đã cảm nhận thấy người mẹ của mình có dáng vẻ khác hẳn mọi khi, không phải sự nhếch nhác, khổ sở mà thay vào đó là dáng điệu nhẹ nhõm, tươi tỉnh. Bà dậy sớm cùng con dâu quét dọn nhà cửa. Những hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn lao, nó thể hiện sự vun đắp, chăm lo của người mẹ cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Để tạo niềm tin và hi vọng vào tương lai cho vợ chồng Tràng, trong bữa cơm ngày đói bà lão toàn nói những chuyện sung sướng sau này để xua đi thực tại hãi hùng. Không phải ngẫu nhiên mà trong ba nhân vật, Kim Lân lại để một bà cụ gần đất xa trời nói về tương lai, nhưng điều tốt đẹp, sau đó còn ẩn chứa thông điệp: Dù thế nào cũng phải giữ lấy niềm tin và hi vọng. Đồng thời cũng là sự ngợi ca của tác giả trước sức sống khỏe khoắn, mãnh liệt của tâm hồn Việt. Người mẹ nghèo nhưng tính cách bao dung, nhân từ đã gieo mầm sự sống, hạnh phúc lứa đôi. Sự tính toán của bà về việc mua lấy đôi gà để ngoảnh đi ngoảnh lại đã có đàn gà, khiến cho đôi vợ chồng có niềm tin vào tương lai. Nhưng dù dùng những câu chuyện vui, lạc quan thì bà lão vẫn không thay đổi được hiện thực là nồi cháo kia chỉ đủ cho mỗi người ăn hai lưng là hết. Và để vượt qua cái đói, bữa cơm đón cô dâu mới có thêm cả nồi cháo cám. Bưng nồi cháo cám ra, phản ứng tâm lí của bà vô cùng đáng thương, bà lật đật, lễ mễ, khuấy khuấy cùng với giọng nói đầy phấn khởi, để giấu bớt đi phần khắc nghiệt của hiện thực là bát cháo cám nghẹn ứ ở cổ. Bà bảo "Cháo cám đấy. Ngon đáo để. Trong xóm mình khối nhà còn không có mà ăn". Sự vui vẻ của người mẹ nghèo làm bừng sáng lên không khí tăm tối những ngày qua. Thực sự chỉ tấm lòng của những người mẹ mới có thể khiến cho con cái yên lòng. Những hành động đó của bà thật cảm động và đáng trân trọng.

    Tóm lại, Kim Lân đã miêu tả rất chân thực và sinh động tâm lí nhân vật bà cụ Tứ khiến người đọc cảm thấy càng xót xa và yêu thương số phận người mẹ già nghèo khổ. Có thể nói, bà cụ Tứ là một nhân vật tiêu biểu cho vẻ đẹp tình mẫu tử, tình người và lòng nhân ái mà Kim Lân đã gửi gắm trong tác phẩm "Vợ nhặt". Thành công của nhà văn là đã thấu hiểu và phân tích được những trạng thái tâm lí khá tinh tế của người mẹ trong một hoàn cảnh đặt biệt "con trai nhặt vợ trong nạn đói". Trong thân hình khẳng khiu, tàn tạ với "cái mặt bủng beo, u tối" bà cụ Tứ vẫn nung nấu một ý chí sống mãnh liệt. Bà là hiện thân của những người mẹ nghèo khổ mà từng trải, hiểu biết: Hết lòng yêu thương con, yêu thương những cảnh đời tội nghiệp, oái oăm, luôn tỏa sáng một khát ọng về cuộc sống, gia đình hạnh phúc. Vượt lên hoàn cảnh vẫn luôn là một vẻ đẹp tinh thần của những người lao động nghèo, họ sẵn sàng yêu thương, đùm bọc nhau cùng hướng đến tương lai với hi vọng đổi đời.

    Leonop yêu cầu: "Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung". Hegel cũng khẳng định "Một tác phẩm nghệ thuật thiếu hình thức thích đáng thì không thể được gọi là tác phẩm nghệ thuật". Tác phẩm "Vợ nhặt" là sự kết tinh tài hoa nghệ thuật của Kim Lân. Tác giả trước tiên đã xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo, bất ngờ kết hợp cùng bút pháp miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế. Ngôn ngữ tự nhiên, mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân, pha với chút giọng kể hồn hậu, hóm hỉnh, giàu chất trữ tình.

    "Văn học là cuộc đời. Cuộc đời là nơi xuất phát cũng lả nơi đi tới của văn học". Mỗi người nghệ sĩ chân chính đều ý thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa hiện thực và đời sống. Truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân là một truyện ngắn hay và đặc sắc, từ việc phản ánh hiện thực xã hội thông qua nạn đói khủng khiếp năm 1944-1945, tác giả đã bộc lộ những tư tưởng, giá trị nhân đạo. Bà cụ Tứ tuy xuất hiện ít trong đoạn trích nhưng những gì bà để lại khiến bản thân chúng ta phải suy ngẫm. Đó là một người phụ nữ giàu lòng thương yêu và đức hi sinh. Cuộc đời bà như thế nào cũng được nhưng còn con của bà, chúng phải thay đổi và cuộc sống của chúng sẽ tốt lên. Bà cụ Tứ chính là hình ảnh đẹp đẽ nhất, đại diện tiêu biểu cho hàng triệu bà mẹ Việt Nam.
     
    Khánh Đoan, Mạnh Thăngdev011153 thích bài này.
    Last edited by a moderator: 14 Tháng tám 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. dev011153

    Bài viết:
    1
    Dai qua, ban co the viet ngan hon de minh chep khong *bafu 37*
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...