Phân tích người đàn bà làng chài: Đây là lần thứ hai... đừng bắt con bỏ nó

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 27 Tháng bảy 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề 3: "Đây là lần thứ hai, người đàn bà được Đẩu mời đến về công việc gia đình.. - Quý toàn bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó.."

    Phân tích người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về giá trị nhân đạo của tác phẩm.

    [​IMG]

    Bài làm

    "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện cổ tích do chính cuộc sống viết ra". (Andecxen). Cuộc sống với những âm thanh muôn sắc, với những hình ảnh muôn màu lại chính là chiếc nôi nâng giấc cho những trang truyện, trang thơ. Văn học bắt nguồn từ cuộc đời giống như những hạt nảy mầm trên đất mẹ rồi tỏa hương tô sắc cho cuộc sống thêm xinh tươi. Đó dường như đã trở thành quy luật bất diệt của văn chương, nghệ thuật. Còn gì đẹp hơn khi nhà văn viết về cuộc sống để ca ngợi con người? Văn chương thật lớn lao và đầy ý nghĩa khi đi sâu và khám phá từng cảm giác, suy nghĩ, chiều sâu nội tâm để từ đó ta yêu quý, trân trọng những con người bình dị nhất, để ta phải giật mình, sửng sốt khi nhận ra vẻ đẹp lấp lánh ẩn chứa bên trong tâm khảm họ. Đó là lúc nhà văn lý giải cuộc sống theo cách của riêng mình. Phải chăng, cũng vì lẽ đó mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đi sâu miêu tả số phận của người dân chài trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn bằng những trang viết vô cùng ám ảnh. Đoạn trích "Đây là lần thứ hai, người đàn bà được Đẩu mời đến về công việc gia đình.. - Quý toàn bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó.." đã cho ta thấy được vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, ta thấy được giá trị nhân đạo của tác phẩm.

    Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Năm 2000 ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông sáng tác qua hai chặng đường, tác phẩm của ông tập trung vào những đề tài chính sau đây: Đề tài chiến tranh: Tác phẩm của Nguyễn Minh Châu mang âm hưởng lạc quan với những nhân vật được nhìn từ góc nhìn lí tưởng hóa. Đó là những con người trong sáng, lãng mạn, trẻ trung, mang vẻ đẹp tâm hồn cao quý như "sợi chỉ xanh óng ánh". Đề tài nông dân: Trang viết của Nguyễn Minh Châu thấm đượm tinh thần nhân đạo. Nhà văn không ngần ngại chỉ ra những cái trì trệ, lạc hậu của họ nhưng trên hết là sự cảm thông và khẳng định phẩm chất của người nông dân. Những tác phẩm này, của Nguyễn Minh Châu nhìn từ góc nhìn cá thể hóa, tôn trọng phần đời tư của mỗi con người, đặt con người trong nhiều mối quan hệ để nhìn thấu đáo hơn về con người. Đây là điều làm nên giá trị nhân bản sâu sắc trong những sáng tác của của Nguyễn Minh Châu. Chính vì lẽ trên, Nguyễn Minh Châu xứng đáng được vinh danh là "người mở đường tài năng và tinh anh" (Nguyên Ngọc).

    Chiếc thuyền ngoài xa thuộc kiểu truyện tư tưởng được viết vào năm 1983, in trong tập truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) sau đó in lại trong tập truyện cùng tên năm 1987. Đây là tác phẩm đặc sắc cho những sáng tác sau năm 1975 của Nguyễn Minh Châu khi nhà văn chuyển sang cảm hứng thế sự - đời tư thể hiện mối quan hoài thường trực của nhà văn "những suy nghĩ da diết về chân lí nghệ thuật và đời sống". Sự thật nghiệt ngã được mô tả trong Chiếc thuyền ngoài xa đã xua tan làn khói lãng mạn phủ lên hình ảnh từ lâu trở nên quen thuộc về một ngư phủ dưới cánh buồm mờ ảo ban mai lên trên không gian xa rộng của biển cả. "Tác phẩm chứa đựng cái ý nghĩa rộng lớn, sâu xa: Nó khiến người ta giật mình nếu quen nghĩ rằng cuộc đời đã hết đau thương, nó khơi ngợi người cầm bút nên nhìn kĩ vào những gì ẩn sau vẻ đẹp điền viên bề ngoài để nhớ tới trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống, trước con người". (Lã Nguyên)

    Người nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Phùng trong một chuyến đi thực tế đã quay về biển miền Trung nơi anh từng chiến đấu để có tấm lịch nghệ thuật. Sau thời gian tìm kiếm anh đã có bộ ảnh tuyệt đẹp và ưng ý đó là hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa. Khi vào bờ anh bắt gặp hình ảnh người đàn ông đánh đánh đập người đàn bà, người phụ nữ chỉ biết cam chịu, đứa con vì thương và muốn bảo vệ mẹ đã đánh lại cha mình. Những ngày sau đó sự việc tiếp diễn, nghệ sĩ Phùng lao vào can ngăn thì bị người đàn ông đánh bị thương. Chánh án Đẩu đã mời người đàn bà lên tòa án huyện, khuyên giải nên bỏ chồng nhưng người đàn bà nhất định từ chối.

    Xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, hầu như người đọc không hề được biết đến tên gọi của người đàn bà tội nghiệp ấy, Nguyễn Minh Châu đã gọi một cách phiếm định: Khi thì gọi là người đàn bà hàng chài, lúc lại gọi mụ, khi thì gọi chị ta.. Không phải nhà văn "nghèo" ngôn ngữ đến độ không thể đặt cho chị một cái tên mà là vì chị cũng giống như hàng trăm người đàn bà ở vùng biển nhỏ bé này: Chị là người vô danh. Dường như cuộc sống chẳng có gì đáng nói nhưng trong chị lại chứa đựng nhiều điều kì diệu khiến người khác phải suy nghĩ. Ngoại hình trạc ngoài 40, hình dáng thô kệch, rỗ mặt, khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và gợi ấn tượng người đàn bà xấu xí, mệt mỏi dường như đang buồn ngủ. Người đàn bà xấu xí thô kệch ấy có vẻ bề ngoài thật quá nhẫn nhục, cam chịu "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng"

    "Thịt da ai cũng là người

    Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau"

    Nhưng người đàn bà ấy vẫn không chịu "chia tay" với gã chồng vũ phu tàn bạo, tổn thương, đau xót cho các con phải nhìn cảnh bố đánh mẹ.. Trong cuốn nhật kí nổi tiếng "Mãi mãi tuổi 20", liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã từng viết rằng: "Cuộc sống tuyệt vời biết bao, trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu muộn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời." Có lẽ điều này cũng linh ứng với số phận của người đàn bà hàng chài. Có lẽ không vì muốn những nỗi muộn phiền trộn cùng nước mắt trong cuộc được của người đàn bà hàng chài nên khi chứng kiến cảnh bạo lực lần thứ hai, Phùng đã nhảy vào yêu cầu lão đàn ông chấm dứt hành động bạo tàn, anh bị đánh trả và bị thương. Phùng đã nhờ Đẩu giúp đỡ người đàn bà thoát khỏi đòn roi của chồng. Vốn là người có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lí nên Đẩu đã nhiệt tình can thiệp để mang lại bình yên cho người đàn bà hàng chài. Theo lời mời của chánh án Đẩu, người đàn bà được mời đến tòa án lần thứ hai, lên tòa án giúp chị li hôn (thoát khỏi đòn roi của chồng). Như vậy, lí do người đàn bà đến tòa án huyện xuất phát từ lòng tốt của Phùng, của Đẩu, những con người không thể nhắm làm ngơ trước cái xấu, cái ác hoành hành, những người luôn quặn thắt đau đớn khi chứng kiến "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".

    Mọi người đều muốn khuyên nhủ và giúp đỡ chị nhưng tất cả những gì nhận về lại là sự phản đối, cầu xin không bỏ chồng. Hình dáng "mụ ngồi ghé vào mép ghế và cố thu người lại" càng khiến cho Phùng, cho Đẩu, và cho người đọc một nỗi ám ảnh khó bỏ. Tuy nhiên chỉ một lát, "người đàn bà lại lúng túng và sợ sệt". Có lẽ, sự lúng túng sợ sệt này là do cuộc sống của chị quá nặng nề, quá thê lương trong những năm qua.

    Khi Đẩu bảo chị "Cả nước không có một người chồng nào như hắn. Tôi chưa hỏi tội của hắn mà tôi chỉ muốn bảo ngay với chị: Chị sống không nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu". Người đàn bà dứt khoát từ chối trước lời đề nghị và giúp đỡ của Đẩu và Phùng. Bà đau đớn, chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá để không bỏ lão chồng vũ phu của mình "Con lạy quý tòa". Chị đã xưng hô con và quý tòa với thái độ lo lắng cùng giọng điệu khẩn khoản van nài cùng với hành động vái lạy "Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó". Thật bất ngờ biết bao, khi chị có cơ hội thoát khỏi đòn roi của chồng lại có những van nài khẩn khoản đến đớn đau như vậy. Trong nỗi đau đoạn trường của mình, Thúy Kiều cũng có một hành động lạ như vậy với Thúy Vân:

    "Cậy em em có chịu lời

    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"

    Tuy nhiên, lời khẩn khoản ấy đến từ việc Thúy Kiều nhờ Thúy Vân một việc rất hệ trọng, việc xưa nay hiếm: Trao duyên. Thì lời cần xin khẩn thiết của người đàn bà hàng chài lại cho thấy chị sẵn sàng đón nhận những trận đòn roi của chồng như người đi biển chấp nhận sóng gió chứ nhất định bỏ chồng. Lời khẩn cầu tha thiết đến đớn đau ấy thật ngược đời, ngang trái biết bao nhiêu. Đằng sau thái độ chấp nhận đánh đổi mọi thứ chứ nhất định không chịu bỏ chồng là gì đây? Có lẽ, chị hiểu rằng tên con thuyền này cần một người đàn ông chèo chống vượt qua phong ba và nuôi cho sống con của chị, chị cũng rất cảm thông cho chồng chị, xưa là một con người cực tình nhưng không bao giờ đánh vợ. Nhưng cũng vì cuộc sống khó khăn, làm cho người đàn ông "đâm ra" đánh vợ con, chị nhẫn nhục cam chịu, nhận hết trách nhiệm về bản thân mình. Nhận vì mình đẻ nhiều con mà cuộc sống khổ cực. Ngoài cam chịu, chấp nhận hi sinh, cuộc sống của chị còn có niềm vui đó là khi các con chị được ăn no, mặc ấm. Đúng như Nguyễn Minh Châu từng nói: "Tình huống là một khúc cua của đời sống mà qua đó ta thấy được trăm năm đời thảo mộc". Trong tình huống éo le và trớ trêu ấy, Phùng và Đẩu mới dần nhận ra "những vân gỗ" đằng sau lớp vỏ xù xì của cuộc đời người đàn bà hàng chài. Phát hiện thứ "vân gỗ" quý giá ấy đâu phải dễ dàng nếu như con người con đủ nhận thức để khám phá ra những hạt ngọc ẩn giấu bên sâu tâm hồn con người Việt Nam. Bởi, Nguyễn Minh Châu đã từng có niềm tin rất nhân văn: "Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ kỳ diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ để nhận thức khám phá tất cả những cái đó." Sức hấp dẫn, sự kịch tính của câu chuyện được đẩy lên cao hơn bao giờ hết, để rồi các nhân vật cảm thấy "ngột ngạt" trước những phản ứng có phần "ngu muội" : Của người đàn bà hàng chài, rồi từ đó họ ngỡ ngàng và cảm thông sâu sắc cho cuộc đời của chị. Mỗi một chi tiết được lựa chọn và đặt vào đúng chỗ bao giờ cũng có sức nặng nghệ thuật. Quả thực, chi tiết nhỏ nhưng làm nên nhà văn lớn hay sao?

    Với tư cách là "người mở đường tài năng và tinh anh", Nguyễn Minh Châu đã khắc họa chân thực số phận và vẻ đẹp của người đàn bà được hiện lên từ câu chuyện ở tòa án huyện khiến người ta vừa ngạc nhiên xót xa, vừa trầm trồ thán phục. Vẻ đẹp khuất lấp như người đàn bà hàng chài vẫn còn rất nhiều trong cuộc đời nhưng đâu dễ gì tìm ra được nếu như thiếu sự cảm thông cùng cái nhìn đa chiều, đa diện. Nhà văn chỉ thực sự "biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có" mới có thể phát hiện, miêu tả bằng những trang viết ám ảnh đến như vậy.

    Cái hay của đoạn văn là câu chuyện rất giản dị nhưng mặn chát vị đời lam lũ nhọc nhằn. Câu chuyện không đẹp, không thi vị như chất thơ của chiếc thuyền ngư phủ trong làn sương mờ nhưng cũng để lại những điều đáng để độc giả phải suy nghĩ. Qua hình ảnh người đàn bà trong truyện, chúng ta thấy người phụ nữ Việt Nam vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Á Đông. Dù vẻ ngoài không đẹp nhưng bên trong luôn có phẩm chất cao quý. Luôn nghĩ tới gia đình, hạnh phúc nhỏ của mình, sẵn sàng hi sinh mọi thứ để giữ gìn, chăm sóc gia đình, hạnh phúc đó chính là con cái của mẹ. Sức nặng và sức khái quát của câu chuyện được nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện rất thành công.

    Thành công đầu tiên của tác phẩm phải kể đến việc tác giả đã tạo ra một tình huống nhận thức mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về cuộc sống. Sự chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ là một sự kiện tạo ra bước ngoặt nhận thức và tình cảm, cảm xúc của nhân vật Phùng. Ngôn ngữ kể chuyện rất sinh động, hấp dẫn, tác giả đã chọn ngôi kể thứ nhất, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, giúp cho điểm nhìn trần thuật sắc sảo, lời kể trở nên khách quan, chân thực và giàu tính thuyết phục. Ngôn ngữ nhân vật rất phù hợp với đặc điểm tính cách của từng nhân vật. Xây dựng đối thoại sinh động hấp dẫn. Việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế, tác giả đã khắc sâu chủ đề- tư tưởng cho tác phẩm. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế, sắc sảo tạo nên một tác phẩm rất đặc sắc giàu sức ám ảnh.

    Quả thực, mọi dòng sông đều đổ về biển rộng, cũng như mọi khám phá sáng tạo đều có đích hướng về, những vấn đề thuộc về con người, nhân sinh, nhân bản. Bởi lẽ, con người là một trung tâm của văn học nghệ thuật. Văn học có thể viết về mọi vấn đề của đời sống, mọi hình thức sáng tạo, nhưng đều hướng tới để đặt ra và cắt nghĩa những vấn đề của nhân sinh. Văn học chân chính phải là thứ văn chương vị đời, nhà văn chân chính phải là nhà văn vì con ngươi, phẩm mới đạt tới tầm nhân bản. Muốn vậy "Nhà văn chân chính là phải nhân đạo từ trong cốt tủy" (Sê – Khốp). Chính vì thế, văn học phải hướng tới cuộc sống, phải khơi gợi được những tình cảm nhân văn cao đẹp, đánh thức được lòng trắc ẩn đang ngủ sâu trong trái tim mỗi người đọc. Văn chương phải giúp ta người hơn. Từ những điều trên, ta có thể khẳng định nhà văn Nguyễn Minh Châu đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà văn chân chính khi tạo ra những trang viết chan chứa giá trị nhân đạo.

    Giá trị nhân đạo chính là một thuật ngữ mang giá trị cơ bản trong các tác phẩm văn học hiện nay. Giá trị này được tạo nên từ cảm giác của nhà văn thông qua sự miêu tả chi tiết nhân vật, sự việc, thể hiện nỗi xót thương của con người với con người, nỗi đau của những số phận bất hạnh hoặc khó khăn trong xã hội. Giá trị nhân đạo của truyện được thể hiện ở niềm xót thương, cảm thông của nhà văn với người vợ vì thương con, bất lực nên đã cam chịu đòn chồng và còn xin lên bờ để đánh. Người đàn bà làng chài trong truyện chính là hiện thân cho những gì là đau khổ, bất hạnh. Chị chính là hiện thân cho biết bao số phận của những người phụ nữ miền biển lênh đênh, nhọc nhằn luôn khao khát những hạnh phúc đời thường mà ngoài tầm tay với. Giá trị nhân đạo của truyện ngắn không chỉ được thể hiện ở lòng xót thương, cảm thông sâu kín của nhà văn mà còn ở chỗ Nguyễn Minh Châu đã kịch liệt lên án nạn bạo lực gia đình đã gây ra bao nhiêu đau khổ mà nạn nhân chính là phụ nữ và những tâm hồn trẻ thơ. Điều đặc biệt làm nên giá trị nhân đạo của Chiếc thuyền ngoài xa khiến cho tác phẩm có thể phát sáng mãi là ở chỗ nhà văn biết phát hiện, nâng niu, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn con người đằng sau cuộc sống gian khổ, nghèo khó. Người đàn bà là hiện thân cho tình yêu thương, đức hi sinh tuyệt vời mà Nguyễn Minh Châu hết sức trân trọng.

    Nói tóm lại, đoạn văn đã thể hiện rất chân thành, sâu sắc số phận và vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà ở tòa án huyện. Qua đây, ta thấy vấn đề nhìn nhận như thế nào là điều rất quan trọng và cần thiết đối với cuộc đời mỗi người bởi điều đó chưa bao giờ dễ dàng, ngay cả đối với người nghệ sĩ. Chính vì thế, Nguyễn Minh Châu đã khẳng định: "Nhà văn là người cố gắng đi tìm những hạt ngọt ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người." Muốn tìm được hạt ngọc đó, nhà văn cần phải nhìn cuộc sống và tâm hồn đa diện, phải tìm kiếm, khám phá cái bản chất bên trong. Phải chăng từ câu chuyện chua xót đến đớn đau, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã đủ sức "nâng giấc cho những con người cùng đường tuyệt lộ" trước cuộc sống mưu sinh?
     
    PhonghauLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...