Phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật Thúy Kiều qua hai đoạn trích sau:

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cam Thuong, 24 Tháng một 2022.

  1. Cam Thuong My name is Cẩm Thương :)

    Bài viết:
    92
    Phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật Thúy Kiều qua hai đoạn trích Chị em Thúy Kiều và Kiều ở lầu Ngưng Bích.

    Bài làm

    Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Nhắc đến ông, người ta kể ngay đến "Truyện Kiều" - một tác phẩm đã nâng cao Tiếng Việt lên thành ngôn ngữ dân tộc. Đọc truyện, ta mới thấy được hết vẻ của nhân vật Thúy Kiều - một người con gái "Tuyệt thế giai nhân" tài sắc vẹn toàn. Và chỉ khi đọc hết hai tác phẩm: Chị em Thúy Kiều và Kiều ở lầu Ngưng Bích ta mới cảm nhận được nét tinh tế, cái hay cái đẹp của bút pháp tài hoa của Nguyễn Du, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình của Ông.

    Tất cả các nhà văn, nhà thơ đều tập trung làm nổi bật lên phẩm chất tốt đẹp, số phận bi kịch, cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ nhưng lại ít quan tâm tới việc khắc họa vẻ đẹp nhan sắc, tài năng độc đáo của nhân vật nữ giới. Tuy nhiên, đến với những trang thơ của Nguyễn Du qua tác phẩm "Truyện Kiều", mặc dù cũng khai thác đề tài bất hạnh của người phụ nữ đương thời nhưng Nguyễn Du vẫn đặc biệt chú trọng miêu tả khắc họa vẻ đẹp chân dung, nhan sắc, tài năng con người nhân vật. Và chính bút pháp tả người ấy đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của tác phẩm. Điều này được thể hiện qua hình tượng nhân vật Thúy kiều trong đoạn trích "Chị em Thúy Kiều". Trước hết, bốn câu thơ đầu tiên, nhà thơ giới thiệu khái quát về vị trí, xuất thân và vẻ đẹp của Thúy Kiều.

    "Đầu lòng hai ả tố nga,

    Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.

    Mai cốt cách tuyết tinh thần,

    Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười".

    Đó là Thúy Kiều sinh ra trong một gia đình họ Vương, nàng là chị cả trong gia đình. Để giới thiệu về vẻ đẹp của hai chị em nàng, nhà thơ đã sử dụng bút pháp ước lệ và ẩn dụ rất giàu sức gợi: Cốt cách thì duyên dáng, yêu kiều, thanh tao như cây mai; phong thái tinh thần thì trong trắng, tinh khôi như tuyết. Đó là vẻ đẹp hoàn mĩ, toàn diện từ trong ra ngoài, từ dáng vẻ tới tâm hồn "mười phân vẹn mười". Mới đầu bài thơ mà nhà thơ quả thực đã khơi dậy sự tò mò cho người đọc muốn được biết về vẻ đẹp của Thúy Kiều. Tuy nhiên, nhà thơ vẫn không trực tiếp đi vào miêu tả vẻ đẹp của Kiều mà lại miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân trước, sau khi dựng lên bức chân dung sắc đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du mới từ chính vẻ đẹp đó khẳng định Kiều là một giai nhân tuyệt thế:

    Kiều càng sắc sảo mặn mà,

    So bề tài sắc lại là phần hơn.

    Làn thu thủy, nét xuân sơn.

    Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

    Một hai nghiêng nước nghiêng thành.


    Quan hệ từ "càng" kết hợp hai từ láy liên tiếp "sắc sảo", "mặn mà" làm nổi bật vẻ đẹp của Kiều về trí tuệ lẫn tâm hồn.

    Trước hết là vẻ đẹp nhan sắc – ngoại hình của nàng Kiều. Vẫn tiếp tục sử dụng thủ pháp ước lệ tượng trưng lấy vẻ

    Đẹp của thiên nhiên làm thước đo cho vẻ đẹp của con người qua một loạt các hình ảnh: Thu thủy, xuân sơn, hoa, liễu, Nguyễn Du đã làm hiện vẻ đẹp của một trang giai nhân tuyệt mĩ. Nhưng khi miêu tả Kiều, tác giả không miêu tả cụ thể chi tiết như ở Vân mà ngược lại, tác giả tập trung vào một điểm nhìn là đôi mắt "Làn thu thủy nét xuân sơn" : Đôi mắt sáng trong, huyền ảo và sâu thẳm như làn nước mùa thu; lông mày thanh tú, xinh đẹp như nét núi mùa xuân.

    Đây chính là lối vẽ "điểm nhãn" cho nhân vật. Bởi đôi mắt chính là cửa sổ thể hiện phần tinh anh của tâm hồn, trí tuệ. Qua đôi mắt đó của Kiều, ta thấy được tâm hồn trong sáng, sâu thẳm và cuốn hút lạ thường của nhân vật. Vẻ đẹp nhan sắc của Kiều là vẻ đẹp vượt ra khỏi chuẩn mực của tự nhiên và khuôn khổ của người phụ nữ phong kiến nên đến "Hoa ghen thu thắm, liễu hờn kém xanh"

    Tác giả sử dụng phép nhân hóa "Hoa ghen", "Liễu hờn" chủ sự đố kị, ghen ghét của thiên nhiên. Câu thơ như ẩn chứa điềm dự báo về tương lai số phận của Thúy Kiều gặp nhiều sóng gió, gian truân, trắc trở. Kèm theo đó là điển cố điển tích: "Nghiêng nước nghiêng thành" một vẻ đẹp tuyệt sắc giai nhân làm cho mọi người ngưỡng mộ say mê, thành nghiêng nước đổ. Tiếp đến là vẻ đẹp tài năng của Kiều:

    "Sắc đành đòi một tài đành họa hai". Chỉ một câu thơ mà nhà thơ đã nêu được cả sắc lẫn tài. Nếu như về sắc thì Kiều là số một thì về tài không ai dám đứng hàng thứ hai trước nàng. Tài năng của Kiều có thể nói là có một chứ không có hai trên đời. Vì được trời phú cho tính thông minh nên ở lĩnh vực nghệ thuật nào Kiều cũng toàn tài: Cầm – kì – thi – họa.

    Tất cả đều đạt đến mức lí tưởng hóa theo quan niệm thẩm mĩ của lễ giáo phong kiến:

    Cung thương lầu bậc ngũ âm,

    Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.


    Nàng thuộc lòng các cung bậc và đánh đàn Hồ cầm (đàn cổ) thành thạo. Hơn thế, nàng còn giỏi sáng tác nhạc nữa:

    "Khúc nhà tay lựa nên chương

    Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân".

    Mỗi lần đánh đàn, nàng lại cất lên bài hát "Bạc mệnh" làm cho người nghe phải đau khổ, sầu não. Bài hát chính là tâm hồn, là bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều, biểu hiện một trái tim đa sầu đa cảm và cuộc đời éo le, bất hạnh. Bốn câu thơ cuối Nguyễn Du giới thiệu về cuộc sống của chị em Thúy Kiều:

    "Phong lưu rất mực hồng quần

    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê

    Êm đềm trướng rủ màn che

    Tường đông ong bướm đi về mặc ai"


    Cuộc sống "Phong lưu" sung sướng của hai cô gái trẻ đã tới tuần cập kê nhưng cả hai vẫn sống một cuộc đời êm đềm trong khuôn phép gia giáo. Đoạn thơ có âm điệu nhẹ nhàng tạo nên một cuộc sống yên vui êm ấm của những thiếu nữ phòng khuê. Quả thật về nghệ thuật tả người của Nguyễn Du có thể gọi là bậc thầy trong nền văn học cổ Việt Nam. Tả hình dáng bên ngoài của nhân vật ông luôn làm toát lên cái tính cách, tâm hồn bên trong của nhân vật đó. Nguyễn Du đã thành công xây dựng nhân vật sinh động, cá tính, bằng cách điều khiển ngôn từ, xây dựng cốt truyện hấp dẫn, khắc họa tính cách, nghệ thuật miêu tả - tả cảnh ngụ tình, bút pháp ước lệ, điểm nhãn cùng nghệ thuật đòn bẩy, sử dụng thành ngữ, nhân hóa, ẩn dụ, ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt tới mức thượng thừa.. Không chỉ ở đoạn trích Chị em Thúy Kiều mà qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích cũng cho ta thấy được ngòi bút tài hoa, điêu luyện của Nguyễn Du, đac biệt là nghệ thuật miêu tả tâm trạng, but pháp tả cảnh ngụ tình. Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là nỗi cô đơn, buồn tủi, niềm nhớ thương da diết trổi day về quê hương gua đình và người thân của Kiều.

    "Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

    Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

    Bốn bề bát ngát xa trông

    Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia".

    Kiều rơi vào hoàn cảnh đáng thương đến mức tội nghiệp. "Khóa xuân" là khóa kín tuổi thanh xuân của người phụ nữ. Cuộc đời con người đẹp nhất là quãng thời gian tuổi trẻ vậy mà tuổi trẻ của Kiều lại phải trải qua biết bao biến cố trong quãng thời gian mười lăm năm lưu lạc. Phải chịu sự giam lỏng của Tú Bà ở lầu Ngưng Bích cũng đồng nghĩa với việc nàng không được sống cuộc sống tự do như bao người con gái khác. Lầu Ngưng Bích như nhà tù khóa kín sự tự do của một con người vô tội là Thúy Kiều. Từ đó ta thấy được cảnh ngộ bất hạnh và xót thương cho số phận của một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn. Đối mặt với không gian rợn ngợp, nàng thấu hiểu nỗi cô đơn hơn ai hết. Nàng chỉ có "tấm trăng gần" bầu bạn. Cả bốn bề nam - bắc - đông - tây

    Đều bát ngát, xa xăm. Càng hướng tầm nhìn của mình ra xa nàng lại càng cảm thấy vô vọng bởi nơi đây không có chút dấu vết của cuộc sống con người. Thúy Kiều bị cô lập hoàn toàn, xung quanh nàng là những khoảng không gian xa xăm, trống vắng: "Non xa", "tấm trăng gần", "cát vàng cồn nọ", "bụi hồng dặm kia". Kiếm tìm một bóng dáng con người để sẻ chia tâm sự là điều vô cùng khó khăn. Thực tại đau khổ khiến nàng cảm thấy không còn hi vọng vào tương lai:

    "Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

    Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng".

    "Bẽ bàng" là tính từ diễn tả cảm giác hổ thẹn, buồn tủi. Thúy Kiều buồn tủi, xấu hổ vì mắc lừa Mã Giám Sinh để hắn bán vào lầu xanh và nàng hổ thẹn vì bản thân không còn sự trong trắng, không còn xứng đáng với mối duyên tình của chàng Kim Trọng. Cụm từ "mây sớm đèn khuya" diễn tả sự lặp lại tuần hoàn của thời gian. Một mình ở lầu Ngưng Bích, sáng sớm Kiều làm bạn với mây, tối đến nàng làm bạn với ngọn đèn để vơi đi nỗi cô đơn. Tâm trạng lẻ loi, buồn tủi ấy đã khiến tâm trạng nàng chia thành hai nửa: "Nửa tình"... "

    Nửa cảnh". Cảnh vật hoang vắng càng tô thêm nỗi buồn cho bức tranh tâm trạng của nhân vật. Nguyễn Du thật tinh tế khi nhận ra:

    "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

    Nỗi cô đơn, trống vắng ngày càng lên tới đỉnh điểm được thể hiện qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm khi Thúy Kiều nhớ vềcha mẹ và người yêu:

    "Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

    Tin sương luống những rày trông mai chờ.

    Bên trời góc bể bơ vơ,

    Tấm son gột rửa bao giờ cho phai".

    Kiều nhớ về mối tình đầu bằng nỗi xót xa dâng trào. Chén rượu uống cùng Kim Trọng và lời thề "Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương" cùng chàng vẫn còn khắc ghi trong tâm trí và trái tim nàng. Đã đính ước, thề nguyền bên nhau trăm năm vậy mà giờ đây Kiều đang lưu lạc ở một phương trời xa còn Kim Trọng thì chưa biết hoàn cảnh Kiều gặp phải do chàng về quê chịu tang chú. Nàng mường tượng ra cảnh người yêu đang trò chuyện, mong nhớ về mình. Nhớ về Kim Trọng bao nhiêu thì nàng lại hổ thẹn bấy nhiêu. Thúy Kiều thủy chung một lòng với chàng Kim, "tấm son" ấy vẫn mãi nguyên vẹn dù có phải trải qua bao chông gai, trắc trở. Nhưng nàng cũng đau đớn và tự dằn vặt chính mình khi nhận ra "tấm son" mình dành cho Kim Trọng đã bị mất đi sự trinh bạch:

    "Tiếc thay một đóa trà mi

    Con ong đã tỏ đường đi lối về

    Một cơn mưa gió nặng nề

    Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương".

    Tấm lòng thủy chung sắt son bị hoen ố như vậy biết đến khi nào nào mới gột rửa sạch? Nỗi đau của nàng liệu rằng chàng Kim có thấu hiểu được?

    Là một người con hiếu thảo, Thúy Kiều không thể không nhớ về cha mẹ:

    "Xót người tựa cửa hôm mai

    Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

    Sân Lai cách mấy nắng mưa

    Có khi gốc tử đã vừa người ôm".

    Nàng xót xa khi cha mẹ ngày ngày mong ngóng tin tức của con gái và nàng cũng xót xa cho cảnh ngộ của chính mình. Nàng lo lắng khi cha mẹ về già không có người bên cạnh chăm sóc, phụng dưỡng. Người con hiếu thảo với cha mẹ là người con quạt mát cho cha mẹ khi mùa hè nóng bức và vào chăn nằm trước cho ấm để cha mẹ nằm đỡ bị lạnh khi mùa đông đến. Kiều là chị cả trong gia đình nhưng hiện tại đang bơ vơ bên trời góc bể, không biết khi nào mới có thể trở về đoàn tụ cùng cha mẹ và các em. Cụm từ "cách mấy nắng mưa" đã diễn tả được sự xa cách về thời gian và không gian địa lí giữa Thúy Kiều và cha

    Mẹ. Đó là một khoảng cách xa xôi, cách trở. Nàng tự vấn rằng không biết khi nào mình mới có thể chăm sóc tuổi già cho đấng sinh thành để làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. Nàng đang độc thoại với chính bản thân mình bằng một tâm trạng day dứt, đau đớn. Nguyễn Du đã miêu tả tâm lí nhân vật một cách rất rõ nét khiến người đọc, người nghe có thể dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với tâm trạng của Thúy Kiều.

    Bút pháp tả cảnh ngụ tình được tác giả sử dụng một cách triệt để ở tám dòng thơ cuối của đoạn trích không chỉ nhằm tái hiện lại khung cảnh lầu Ngưng Bích mà còn giúp bạn đọc đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật:

    "Buồn trông cửa bể chiều hôm

    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

    Buồn trông ngọn nước mới sa

    Hoa trôi man mác biết là về đâu?

    Buồn trông nội cỏ rầu rầu

    Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

    Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

    Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi".

    Điệp ngữ "buồn trông" được lặp lại ở đầu bốn cặp lục bát cùng các câu hỏi tu từ đã khiến bạn đọc hình dung được đôi mắt u buồn của Thúy Kiều đang hướng về xa xăm với những nỗi lòng chất chứa không biết giãi bày cùng ai. Nỗi buồn chồng chất nỗi buồn tạo thành một khúc ca vang vọng trong lòng bạn đọc. "Chiều hôm" là khoảng thời gian gợi nỗi buồn, nỗi buồn ấy càng dâng lên đến đỉnh điểm khi Thúy Kiều trông ra cửa bể - một không gian rộng lớn. Phía xa xa ngoài biển khơi thấp thoáng cánh buồm nhỏ, cánh hoa nổi trôi vô định giữa dòng nước không biết đâu là bến bờ khiến nàng liên tưởng đến số phận của mình. Cuộc đời của nàng cũng nổi trôi bất định và chịu sự vùi dập như cánh hoa mỏng manh kia. Dòng nước cuộn xoáy và vũ trụ bao la đối lập với cánh hoa mỏng manh là ẩn dụ cho sự nhỏ bé của Thúy Kiều trước không gian rợn ngợp của lầu Ngưng Bích và trước những dập vùi của số phận. Nàng "trông nội cỏ" nhưng nội cỏ cũng chỉ có một màu héo úa, tàn tạ. "Rầu rầu" không chỉ riêng màu sắc của ngọn cỏ mà còn là tâm trạng của con người. Đó là nỗi buồn thảm, bất lực trước thực tại của Thúy Kiều. Màu "xanh xanh" của "chân mây mặt đất" ở đây không phải màu của sự sống, hi vọng mà nó là màu của sự vô vọng, chán chường. Âm thanh của tiếng gió, tiếng sóng khiến Kiều sợ hãi trước những biến cố sẽ xảy đến với cuộc đời mình. Sóng vỗ "ầm ầm" đến mức dữ dội ngoài biển khơi cũng giống như tiếng sóng vỗ trong lòng Kiều. Nàng không khỏi lo lắng cho những tai ương đang chuẩn bị ập xuống đôi vai bé nhỏ, yếu ớt của mình. Các từ láy "xa xa", "man mác", "rầu rầu", "xanh xanh", "ầm ầm" đã góp phần làm nổi bật tâm trạng Thúy Kiều khi đối diện với không gian rộng lớn và nghĩ về thân phận của mình. Nguyễn Du đã sử dụng ngôn từ rất tinh tế kết hợp với các biện pháp tu từ điệp ngữ, ẩn dụ nhằm khám phá nội tâm nhân vật Thúy Kiều một cách chi tiết. Bốn bức tranh về cảnh vật là sự tăng tiến trong tâm trạng của Thúy Kiều từ cô đơn, buồn thảm đến tâm trạng sợ hãi, lo lắng. Nguyễn Du quả là người có "con mắt nhìn xuyên sáu cõi" khi miêu tả tâm trạng nhân vật Thúy Kiều một cách điêu luyện đến như vậy.

    Tóm lại bằng những vần thơ tuyệt tác, đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" và "Kiều ở lầu Ngưng Bích" đã khằng định tài năng, chỗ đứng của Nguyễn Du trong văn học cổ. Thể hiện được nhiều thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lí, tâm trạng nhân vật Thúy Kiều, sử dụng những bút pháp ước lệ.. Qua đó, đoạn trích cũng khơi gợi được sự đồng cảm, xót thương cho số phận nàng Kiều từ các thế hệ bạn đọc. Đó cũng là lí do mà "Truyện Kiều" được dịch sang nhiều thứ tiếng và vẫn vẹn nguyên giá trị, trở nên bất tử với thời gian.

    Tác giả: DNNY
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...