Phân tích năm khổ cuối bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh, từ đó nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu. "Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biết Thuyền đi đâu, về đâu..." (Thuyền và biển) Những lời thơ ấy đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc cách đây mấy chục năm và đến tận bây giờ, nó vẫn làm say đắm tâm hồn biết bao thế hệ trẻ. Làm nên sức sống ấy, không chỉ có giai điệu du dương, sâu lắng của ca từ mà còn có cả xúc cảm đắm say, dào dạt của tâm hồn người phụ nữ đang yêu gửi gắm trong từng dòng thơ. Người phụ nữ giàu cảm xúc ấy chính là Xuân Quỳnh. Không chỉ có "Thuyền và biển", Xuân Quỳnh còn có cả chùm thơ tình yêu mà cảm hứng sáng tạo được khơi nguồn từ biển: "Sóng", "Chỉ có sóng và em", "Biển", "Trước biển"... Trong đó, "Sóng" là một áng thơ hay, để lại nhiều dư âm sâu lắng trong lòng độc giả. Mỗi câu thơ, khổ thơ là mỗi cung bậc cảm xúc, suy ngẫm của người con gái trong tình yêu. Trong năm khổ cuối của bài thơ, nhân vật trữ tình đã gửi tiếng lòng mình vào sóng để bộc bạch nỗi nhớ, tấm lòng thủy chung cũng như niềm tin mãnh liệt và khát vọng sống mãi với tình yêu. Đồng thời, năm khổ thơ còn khiến người đọc cảm nhận được những vẻ đẹp tâm hồn thanh quý của người phụ nữ trong tình yêu. Xuân Quỳnh là nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. Thực ra, trước khi trở thành nhà thơ, Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa đoàn văn công nhân dân TW. Từ năm mười ba tuổi, Xuân Quỳnh đã quen với ánh đèn sân khấu và những tràng vỗ tay của khá giả. Nhưng đến khi trưởng thành, năng khiếu và tình yêu thơ ca trỗi dậy khiến Xuân Quỳnh không thể yên lòng với cuộc sống của một cô văn công. Sau thời gian đắn đo, lựa chọn, Xuân Quỳnh đã lựa chọn rời xa tất cả, những bài hát, những điệu múa ... một thời đã từng cuốn hút cô hơn mọi thứ trên đời. Thế mới biết niềm đam mê sáng tác trong cô mãnh liệt đến nhường nào. Với niềm đam mê ấy, Xuân Quỳnh đã để lại cho thi đàn Việt Nam nhiều tác phẩm ấn tượng. "Sóng" là một bông hoa đẹp trong vườn thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ sáng tác trong chuyến đi thực tế vùng biển Diêm Điền - Thái Bình cuối năm 1967. Từ nhan đề bài thơ, ta có thể nhận thấy, sóng là hình tượng xuyên suốt tác phẩm. Nhưng sóng không đơn thuần chỉ là sóng biển. Sóng còn là những con sóng tâm tình của người phụ nữ trong tình yêu. Sóng vừa là hình ảnh tự nhiên, vừa là sự hóa thân của cái tôi trữ tình Xuân Quỳnh. Có lúc sóng hòa nhập với nhân vật trữ tình, có lúc lại phân biệt, riêng rẽ để người phụ nữ soi mình vào sóng và nhận thức những cung bậc tình cảm sâu sắc, mãnh liệt của mình trong lĩnh vực tình yêu. Ta nhận thấy trong bốn khổ thơ đầu sự tương đồng giữa "sóng" và "em": đặc tính của sóng là tâm tính của em, hành trình sóng theo sông tìm ra bể là hành trình em tìm đến với tình yêu lớn rộng bao dung, sự vĩnh hằng của sóng là sự vĩnh hằng của khát vọng tình yêu tuổi trẻ, sự bí ẩn của cội nguồn sóng là sự bí ẩn của tình yêu... Đến khổ thơ thứ năm, Xuân Quỳnh vẫn tiếp tục khám phá sự tương đồng kỳ diệu giữa sóng biển với những trạng thái cảm xúc của tình yêu đang dào dạt trong lòng, và trạng thái cảm xúc đầu tiên thi sỹ mượn sóng để thể hiện chính là nỗi nhớ da diết của tình yêu: "Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức" Khổ thơ tách làm hai nửa, bốn câu trên tả sóng biển, hai câu dưới tả sóng lòng. Sóng biển được đặt trong phép nhân hóa độc đáo "nhớ". Nữ sĩ đã nhìn thấy trong hành trình vĩnh hằng của tự nhiên là mọi con sóng đều xô về bờ là nỗi nhớ bờ của sóng. Xuân Quỳnh bất ngờ nhận thấy với những con sóng ở đại dương, bờ không phải là sự hạn chế gò bó, bờ chính là cái đích hướng về của tình yêu tha thiết, thủy chung nơi sóng. Thì ra, sóng thao thức trong lồng ngực biển, sóng ngày đêm ào ạt xô bờ vì sóng nhớ bờ. Nỗi nhớ bờ của sóng qua con mắt của một trái tim yêu là nỗi nhớ cồn cào, mãnh liệt. Nỗi nhớ ấy bao trùm cả không gian, bao phủ cả tầng sâu và bề rộng của biển khơi (lòng sâu, mặt nước), trải dài theo thời gian (ngày đêm). Cảm nhận mới nữ tính làm sao? Làm sao mà một hiện tượng rất tự nhiên, rất đỗi bình thường như thế, Xuân Quỳnh lại nhận ra nhịp thổn thức nhớ nhung của sóng? Những con mắt đa cảm, tinh tế dường như sẽ luôn nhìn thấy những điều thú vị ẩn sau những hiện tượng bình thường? Và hình tượng con sóng nhớ bờ đã trở thành sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Xuân Quỳnh. Nghệ thuật nhân hóa đã mang đến sức mạnh truyền cảm đặc biệt chơ lời thơ. Nằm trong trường nghĩa ẩn dụ của hình tượng sóng, bốn câu thơ trên đủ để người đọc cảm nhận được sóng nhớ bờ cũng là em nhớ anh. Và em nhớ anh cũng cồn cào, da diết như sóng nhớ bờ. Vậy nhưng, dường như không thể mãi gửi lòng vào sóng, dường như nỗi nhớ trào dâng mãnh liệt thôi thúc người con gái tự tách mình ra khỏi sóng để bộc bạch nỗi nhớ trong lòng. Nếu như sóng mang nỗi nhớ bờ da diết đến mức "ngày đêm không ngủ được", thì: "Lòng em nhớ tới anh Cả trong mơ còn thức" Nếu như nỗi nhớ của sóng giới hạn trong không gian (lòng sâu, mặt nước), trong thời gian (ngày đêm) thì nỗi nhớ của em về anh còn vượt xa cả cõi thực. Nỗi nhớ ấy không những không bị hạn chế bởi không gian, thời gian mà còn len lỏi cả vào tiềm thức và vô thức: trong mơ. Giấc mơ là những gì mà lí trí không thể chi phối được. Em nhớ anh cả trong mơ - đủ biết nỗi nhớ ấy khắc khoải dường nào! Thực ra, tình yêu luôn song hành cùng nỗi nhớ. Nỗi nhớ càng sâu sắc thì tình yêu càng mãnh liệt. Ta nhận ra trong những dòng thơ mộc mạc mà cuộn trào cảm xúc này một tình yêu thiết tha, nồng cháy của em dành cho anh. Tình yêu ấy đã thôi thúc ở em nhu cầu phải tự bộc bạch lòng mình, bởi trạng thái cảm xúc đặc biệt này không đựng vừa trong hình tượng "sóng" qua tầng nghĩa ẩn dụ nữa. Nên không phải ngẫu nhiên mà khổ thơ lại có đến sáu câu thơ, và trở thành khổ thơ dài nhất trong cả bài. Ta có thể bắt gặp trong thơ đương thời rất nhiều những câu thơ hay biểu đạt nỗi nhớ: "Anh nhớ em như đông về nhớ rét Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng" (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên) "Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn" (Nhớ - Nguyễn Đình Thi) Anh yêu em chỉ nhớ em thôi Lúc đứng lúc ngồi lúc nào cũng nhớ (?) Ai từng yêu mà chưa từng nhớ, chưa từng trải qua trạng thái bồn chồn, xao xuyến, bứt rứt như cắn xé, cào cấu như giục giã lòng người vậy chứ? Người con trai vì nhớ người yêu mà đứng ngồi không yên thì ở đây Xuân Quỳnh lại ngủ, thức không yên. Cũng thổn thức, cũng cồn cào không kém. Đã yêu nhau thường nhớ, thường mong, thường đợi chờ nên không thể không có những phút giây chơi vơi trong biển nhớ như vậy. Điều đặc biệt là nữ sĩ đã vượt qua tâm trạng ngại ngùng thường thấy của người phụ nữ trong tình yêu để mạnh dạn, thẳng thắn bộc bạch nỗi nhớ đang trào dâng mãnh liệt trong lòng mình. Trong "Thuyền và biển" nữ sĩ cũng mượn hình ảnh thuyền - biển để chân thành giãi bày nỗi nhớ ấy: "Những ngày không gặp nhau Biển bạc đầu thương nhớ Những ngày không gặp nhau Lòng thuyền đau rạn vỡ" (Thuyền và Biển) Nỗi nhớ là dấu hiệu của tình yêu sắt son, chung thủy. Nếu con sóng thủy chung trong hành trình hướng về bờ cát trắng thì người phụ nữ cũng hướng về anh hệt như hoa hướng dương hướng về mặt trời: "Dẫu xuôi về phương Bắc Dẫu ngược về phương Nam Nơi nào em cũng nghĩ Hướng về anh một phương" Nói đến phương Bắc - phương Nam là nói đến những xa xôi, cách trở trong không gian. Không gian Nam - Bắc thường được lấy làm biểu tượng cho sự xa cách trong tình yêu, trong cuộc đời: "Vừa thoáng tiếng còi tàu Lòng đã Nam, đã Bắc" (Sân ga chiều em đi - Lưu Quang Vũ) Các động từ ngược hướng như "xuôi - ngược" lại thể hiện những éo le, trắc trở khó tránh trong tình yêu. Tình yêu nào chẳng từng trải qua giông tố. Đó chính là thử thách của tình yêu. Nếu thử thách ấy làm cho không ít tình yêu tan vỡ, thì ngược lại, nữ sĩ lại khẳng định một cách đinh ninh: tình yêu đích thực không phụ thuộc vào sự cách trở "nam - bắc", không lung lay bởi nghịch cảnh éo le "xuôi - ngược", tình yêu đích thực là mãi mãi thủy chung: "Nơi nào em cũng nghĩ Hướng về anh một phương" Phương hướng, khoảng cách đặt ra xa bao nhiêu, sóng gió tình yêu vần vũ bao nhiêu: "dẫu", thì lòng người càng bản lĩnh, kiên cường bấy nhiêu: "một phương". Câu thơ như một lời khẳng định rắn rỏi, mạnh mẽ, dứt khoát, rõ ràng. Lời thơ Xuân Quỳnh khiến ta nhớ đến câu ca xưa: "Yêu nhau mấy núi cũng trèo Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua" (Ca dao) Tình yêu đích thực luôn song hành cùng tấm lòng thủy chung, son sắt. Người con gái mang trái tim tình yêu chung thủy luôn vững vàng trong hành trình của mình. Dù hành trình ấy, như sóng biển ngoài khơi, khi dịu êm lặng lẽ, khi bão tố phong ba, người con gái cũng chỉ hướng về "một phương". Đó là phương anh! Phương anh như hoa tiêu, như đèn biển để con thuyền tình yêu của em kiên định hướng về. Tình yêu đắm say, mãnh liệt được tô điểm thêm sắc màu của tấm tình thủy chung càng trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Lời thơ Xuân Quỳnh như có sự cộng hưởng của lời hát ngân nga: "Dù thời gian xa xôi, dù đường dài xa xôi. Em vẫn như ngày xưa. Mến yêu anh trọn đời". Thơ Xuân Quỳnh cũng hướng về điều đó. Tuy cách diễn đạt có khác, ta đều cảm nhận thấy qua câu từ là vẻ đẹp của tình yêu thủy chung, son sắt - vẻ đẹp làm sáng lên phẩm chất người phụ nữ trong tình yêu. Khổ thơ tiếp theo là mạch tiếp nối của khổ thơ trước: "Ở ngoài kia đại dương Trăm ngàn con sóng đó Con nào chẳng tới bờ Dù muôn vời cách trở" Đến đây, người phụ nữ lại hòa nhập vào sóng để khẳng định niềm tin vào sự thủy chung của mình, niềm tin vào sự tốt đẹp của tình yêu, niềm tin vào bến bờ hạnh phúc. Nữ sĩ tiếp tục mượn quy luật khách quan của sóng biển: mọi con sóng, dù phải trải qua muôn trùng cách trở giữa đại dương mênh mông, cuối cùng cũng sẽ tìm về được với bờ để gửi vào quy luật vĩnh hằng ấy tiếng lòng mình. Tiếng lòng của tâm hồn mang niềm tin mãnh liệt và sâu sắc về trái ngọt của tình yêu. Với người con gái ấy, tình yêu sẽ đơm hoa kết trái, sẽ cập bến yên bình, sẽ đong đầy hạnh phúc nếu hai trái tim luôn cùng hướng về nhau, cùng kiên định bên nhau vượt qua sóng gió... Tình yêu không đi cùng niềm tin, tình yêu ấy có thể vững bền chăng? Tin vào tình yêu, tin vào người mình yêu sẽ khiến cho tình yêu càng thêm lớn lao, đẹp đẽ. Trước không gian biển mênh mông rộng lớn, mỗi con người, mỗi lứa tuổi lại có một cảm nhận riêng. Người già có lẽ sẽ nghĩ về sự nhỏ bé, hư vô, nghĩ về quá khứ. Kẻ tráng chí hùng tâm thì "Muốn vượt bể đông theo cánh gió". Người đa cảm lại thấy "Vắng cánh buồm một chút cũng cô đơn". Còn Xuân Quỳnh, đối diện với đại dương, cảm nhận sâu sắc sự trường cửu của đại dương cũng là để cảm nhận sự mong manh, ngắn ngủi của đời người: "Cuộc đời tuy dài thế Năm tháng vẫn đi qua Như biển kia dẫu rộng Mây vẫn bay về xa" Thời gian và không gian được đặt ra trong hai bình diện đối lập "cuộc đời - năm tháng", "biển - mây". Nếu như "năm tháng" là dòng thời gian vô thủy vô chung, thì "cuộc đời" lại là quỹ thời gian ngắn ngủi, hữu hạn của mỗi kiếp người. Nếu như "biển" là không gian mênh mông, vô tận thì "mây" lại nhỏ bé, mong manh. Hơn bất cứ đâu, Xuân Quỳnh đã bộc lộ niềm lo âu nung đốt trong lòng mình về sự hữu hạn của đời sống cá nhân, sự ngắn ngủi của kiếp người khi đối diện với biển khơi mênh mông vô tận. Cuộc đời trăm năm ngỡ dài lắm, nhưng năm tháng vô tình vẫn lặng lẽ trôi qua, xô con người đến tuổi già và cái chết. Biển dẫu rộng bao la, đám mây vẫn sẽ chậm chạp từng chút vượt qua không gian ấy để đến với vũ trụ khôn cùng. Trường liên tưởng vô biên của thơ còn khiến ta hình dung, hình ảnh đám mây trắng trong mối tương quan với bầu trời cao rộng, với biển biếc bao la đã khơi dậy trong lòng nữ sĩ những cảm nhận thấm thía, xót xa về sự mong manh, trôi nổi, phù vân. Xét cho cùng thì đời người nào có khác chi một đám mây trắng bay qua bầu trời. Chỉ một thoáng đã tan biến vào hư vô. Đằng sau câu thơ là một thoáng rợn ngợp và tiếc nuối. Những người ham sống, ham yêu, những người từng trải, từng đổ vỡ, mất mát, càng cảm nhận sâu sắc cảm giác âu lo, tiếc nuối đó. Xuân Diệu cũng từng than thở: "Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất..." Khi không níu kéo được thời gian, không thể tắt nắng, buộc gió, ông vội vàng cuống quýt giục lòng: "ôm...riết.. thâu.. hôn.. cắn.." cả sự sống mơn mởn quanh mình và giục người: "Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai/ Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn", "Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi, tình non sắp già rồi" . Những giải pháp của Xuân Diệu biểu đạt khát khao tận hưởng và chiếm lĩnh. Xuân Quỳnh cũng nhận ra và lo lắng trước sự hữu hạn của kiếp người, nhưng trái tim người phụ nữ trong Xuân Quỳnh lại có một khát khao đầy nữ tính: "Làm sao được tan ra Thành trăm con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu Để ngàn năm còn vỗ" "Làm sao" nói lên biết bao trăn trở, suy tư của người con gái mang trong tim tình yêu mãnh liệt. Không phải "làm sao" để kéo dài sự sống thế gian, mà với Xuân Quỳnh, bà luôn đau đáu "làm sao" để được sống mãi với tình yêu. Người phụ nữ thiếu thốn tình cảm từ nhỏ (mẹ mất, cha đi bước nữa rồi rời vào Sài Gòn sinh sống) và con đường tình duyên nhiều trắc trở đã khiến trái tim nữ sĩ luôn khao khát hướng đến tình yêu yên bình, bền vững. Điều này ngẫu nhiên trùng hợp với những vần thơ của thi sĩ Đức Hai – rích Hai – nơ: Chỉ một ước mơ thôi Ngày ngày anh lặp lại Sau khi anh chết rồi Tình yêu còn mãi mãi Khát vọng cháy bỏng ấy được nữ sĩ gửi vào hình ảnh sóng. Trong cảm xúc thẩm mĩ của nhân loại, biển là hình ảnh của sự bất diệt. Biển có từ thuở khai thiên lập địa và sẽ tồn tại bất tận ngàn vạn năm sau. Cùng với sự bất diệt của biển là sự vĩnh hằng của sóng: "Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế". Sóng trường tồn với thời gian, là sự sống, sự vận động không ngừng nghỉ, không mệt mỏi... Nhận thức được điều đó, Xuân Quỳnh cháy lên khao khát được tan thành sóng biển. Sóng muôn đời ào ạt vỗ bờ với niềm yêu da diết. Vì tình yêu, người con gái ước muốn tan ra thành trăm ngàn con sóng nhỏ để tình yêu, cuộc sống mãi trường tồn. Khao khát ấy nói lên tình yêu mãnh liệt, nồng nàn nơi trái tim nữ sĩ. Khát khao yêu và được yêu, hướng đến hạnh phúc vững bền trong tình yêu ... những điều đó đã làm nên thế giới nghệ thuật đậm nét riêng Xuân Quỳnh. Vậy đó khi người ta yêu nhau đời bao giờ cũng đẹp. Bài thơ được viết vào thời kì cả nước đang kiên cường chống giặc, khi cái ta cộng đồng được đặt lên hàng đầu, khi các nhà thơ đang tự hóa thân vào trách nhiệm của dân tộc, Xuân Quỳnh dám bày tỏ nỗi lòng riêng tư của mình, bày tỏ tình cảm của mình là điều đáng khâm phục. Nhẹ nhàng như một lời thì thầm, bài thơ Sóng đã để lại trong lòng người đọc những tình cảm dịu ngọt mơn man nhưng đầy thi vị. Biển sóng ngoài kia thôi nhấp nhô và lặng dần đi nhường chỗ cho biển lòng suy ngẫm. Bài thơ kết lại với những dư vị lắng sâu trong lòng độc giả. Sóng là bài thơ tình tiêu biểu của Xuân Quỳnh, thể hiện một tâm hồn "trăn trở, khát khao được yêu thương gắn bó". Bạn đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK và like bài viết để đọc tiếp nha! Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Năm khổ thơ mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu. Đó là vẻ đẹp vừa truyền thống lại vừa hiện đại. Truyền thống ở tình yêu chân thành, thủy chung, son sắt. Hiện đại ở tình yêu sôi nổi, đắm say, nồng nàn, mãnh liệt, ở nỗi nhớ cồn cào da diết, ở khát vọng tình yêu vĩ đại bao dung, vĩnh hằng, bất tử. Giá trị nhân văn của bài thơ chính là sự khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Xem thêm: Phân tích bốn khổ đầu bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh Mở rộng: Bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh và những câu thơ dùng để liên hệ, so sánh