Phân tích Mị qua đoạn văn Trên đầu núi...cả ngày đêm thổi sáo đi theo Mị

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi lllan, 23 Tháng tám 2022.

  1. lllan

    Bài viết:
    1
    Đối với truyện ngắn nói riêng và tác phẩm văn học nói chung, nhân vật có vai trò đặc biệt quan trọng, nó là "linh hồn của tác phẩm". Không có nhân vật tác phẩm sẽ không còn gì cả, sẽ trở thành một mớ ngôn từ hỗn độn hoặc bài văn tả cảnh đơn thuần. Ý thức được điều đó mỗi nhà văn khi cầm bút sáng tác đều nỗ lực xây dựng cho mình những hình tượng nhân vật điển hình, độc đáo "tấm huy chương vàng của đời văn". Tô Hoài cũng vậy, tác phẩm Vợ chồng A Phủ của ông đã xây dựng thành công hình tượng người lao động nghèo miền núi cao Tây Bắc mà tiêu biểu là nhân vật Mị với số phận cay đắng, tủi nhục nhưng vẫn tiềm tàng sức sống mạnh mẽ. Điều đó được thể hiện qua đoạn văn miêu tả Mị trong đêm tình mùa xuân: "..."

    Tô Hoài là nhà văn lớn, là cây bút có sức sáng tạo dồi dào bậc nhất của làng văn Việt Nam. Với hơn 60 năm cầm bút Tô Hoài đã để lại nhiều sáng tác đồ sộ giàu giá trị trên nhiều thể loại, thể hiện những am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng miền khác nhau. Vợ chồng a phủ là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông in trong tập "Truyện Tây Bắc" (1953). Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế lên Tây Bắc năm 1952 vùng bộ đội giải phóng. Trong đợt công tác dài 8 tháng đấy, nhà văn đã cùng ăn, cùng ở, cùng sống với nhân dân nhiều dân tộc thiểu số. Nói như nhà văn Tô Hoài: "Cái kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi 8 tháng ấy là đất nước của con người miền Tây đã để thương, để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên.. Hai tiếng trở lại trở lại chẳng những nhắc tôi có ngày trở lại phải đem trả lại cho những người thương ấy của tôi một kỷ niệm, một tấm lòng. Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi. Vì thế tôi viết" Truyện Tây Bắc "". Tác phẩm đã phản ánh cuộc đời, số phận đau khổ, tủi nhục nô lệ của những người lao động nghèo vùng núi cao Tây Bắc trước cách mạng dưới ách thống trị của bọn thực dân và chúa đất phong kiến, đồng thời nhà văn cũng phát hiện và khẳng định sức sống tiềm tàng mãnh liệt, khả năng đi đến với cách mạng của họ qua hình tượng nhân vật Mị và A Phủ. Đoạn trích trên nằm ở phần giữa của tác phẩm đã tái hiện lại bức tranh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt của những người dân Tây Bắc và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài

    Trước khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra, Mị vốn là cô gái trẻ trung, hồn nhiên có tài thổi sáo "thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê". Mị đã từng yêu, từng được yêu luôn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu. Cô còn là người con hiếu thảo, chăm chị, ý thức được giá trị cuộc sống tự do nên sẵn sàng làm nương ngô trả nợ thay bố. Nhưng cuối cùng Mị vẫn bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà thống lý, phải sống kiếp trâu ngựa bóc lột đến kiệt cùng sức lao động. Cô bị đối xử tàn bạo, đánh trói tàn nhẫn. Những ngày tháng sống trong nhà thống lý với Mị như địa ngục trần gian. Cô bị giam trong căn buồng chật hẹp chỉ có một lỗ vuông bằng bàn tay trông ra chỉ thấy "mờ mờ trắng trắng không biết là sương hay nắng". Thời khắc ngày- đêm, sớm- tối vốn từ lâu đã chẳng còn ý nghĩa với Mị đã chai sạn cả về thể xác và tâm hồn trước sự đè nén của thần quyền, cường quyền. Những ngày tháng về làm dâu có mấy đêm, đêm nào Mị cũng khóc, tiếng khóc là minh chứng cho sự phản kháng không chấp nhận số phận. Mị từng trốn về nhà, từng muốn ăn lá ngón tự tử. Đó là ý thức về sự phản kháng hôn nhân, khát vọng giải phóng cuộc đời. Nhưng dần dà dường như cô chỉ còn lại thể xác, tâm hồn như hoàn toàn chai sạn lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, chẳng nói năng gì. Nhưng một lần nữa sức sống và khát vọng ấy của Mị đã trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân

    Trước hết đoạn trích đã tái hiện bức tranh thiên nhiên mùa xuân và cảnh sinh hoạt, phong tục của ngườ i dan miền núi. Bức tranh thiên nhiên được Tô Hoài miêu tả bằng những rung cảm thiết tha của hồi ức. Tết của đồng bào miền núi Tây Bắc là sự cộng hưởng của vẻ đẹp đất trời và niềm vui thu hoạch mùa màng "Trên đầu núi các nương ngô nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho". Cái tết ở Hồng Ngài năm ấy đến vào lúc "thời tiết khắc nghiệt, gió thổi và rét dữ dội" nhưng không ngăn nổi những sắc màu rực rỡ của thiên nhiên, không ngăn nổi cái rạo rực của lòng người. Cả bản làng sáng bừng trong sắc vàng, đó là màu vàng của ngô, lúa, của trái bí đỏ, của cỏ gianh cùng với những màu sắc rực rỡ của "những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ". Ngoài màu sắc, bức tranh mùa xuân vùng miền núi Tây Bắc còn rộn rã với âm thanh. Đó là âm thanh của tiếng khèn, của tiếng nói cười của trẻ con, "tiếng chó sủa xa xa" và đặc biệt hơn là cả tiếng sáo. Nhà văn Tô Hoài đã dụng công trong mô tả tiếng sáo bởi tiếng sáo mùa xuân được xem như linh hồn của đời sống tinh thần nhân dân vùng Tây Bắc. Tiếng sáo là sự mã hóa vẻ đẹp tâm hồn nhân dân Tây Bắc, là phương tiện giao tiếp của đồng bào nơi đây "Anh ném pao, em không bắt. Em không yêu, quả pao rơi rồi". Vẽ đẹp của bức tranh sinh hoạt, phong tục miền núi đặc biệt là cảnh ngày tết của người Mèo qua ngồi bút của tô hoài thực sự có sức lay động lòng người. Đoạn trích giúp chúng ta rất nhiều có thể hình dung về phong tục tập quán đón tết của người Mèo: Người Mèo đón tết khi vụ mùa gặt hái đã xong, mọi người thường tập trung ở một không gian thoáng, rộng thường là một đất phẳng ở đầu làng để thổi khèn, thổi sáo, đánh quay, ném còn "Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi". Từ "lấp ló" gọi âm thanh tiếng sáo lúc ẩn lúc hiện. Thanh âm ấy tạo không gian minh mông, được nhà văn miêu tả từ xa đến gần là biểu hiện của sinh hoạt mang nét đặc trưng của con người Tây Bắc. Đây cũng là dịp để các chàng trai cô gái trẻ kiếm tìm người yêu, người tâm đầu ý hợp với mình. Mùa xuân là mùa của hẹn hò, mùa của tình yêu, của hạnh phúc. Giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, quyến rũ và say mê, nổi bật con người Tây Bắc đa tình, nghệ sĩ. Nhà văn tập trung tả lễ hội diễn ra ở Hồng Ngài vào mùa xuân, trong đó phần hội được nhấn mạnh hơn cả. Trong đêm tình mùa xuân ông tả hội trước "Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất.. khèn và nhảy". Sau đó đến phần lễ cúng ma trong không gian nhà thống lý. Hai đoạn văn gần nhau, toát lên cái nhìn so sánh của tác giả và khơi gợi ý so sánh ở người đọc. Nhìn ở góc độ vật chất đó là thế giới của người nghèo và giàu, ở góc độ địa vị đó là thế giới dân dã và chức sắc.. Nhìn từ thân phận Mị, thế giới trần tục ở ngoài kia trở thành thế giới của tự do- thế giới Mị khao khát, thế giới linh thiêng ở trong này biến thành thế giới giam cầm- thế giới Mị muốn chối bỏ.

    Trước khung cảnh mùa xuân tràn ngập sức sống, ấy tâm hồn Mị đã một lần nữa sống lại. Tâm trạng và hành động của Mị được thể hiện một cách tinh tế và xúc động. Tâm hồn Mị thiết tha bổi hổi khi nghe tiếng sáo từ đầu núi vọng lại. Mị ngồi nhầm thầm bài hát của người đang thổi:

    "Mày có con trai con gái rồi

    Mày đi làm nương

    Tao không có con trai con gái

    Ta đi tìm người yêu"

    Âm thanh tiếng sáo đã tác động trực tiếp đến tâm hồn Mị. Nhà văn đã phải dùng liên tiếp hai tính từ "thiết tha", "bổi hổi" để diễn tả tác động ấy. Sau bao nhiêu ngày tháng câm nín, lặng im thì lúc này đây Mị đã ngồi nhầm thầm bài hát của người đang thổi như nhẩm thầm bài hát trước đây mình đã từng thuộc lòng, đã từng thổi sáo đã từng khiến cho bao nhiêu người mê. "Nhẩm thầm" (không phải 'hát thầm ") tức là khẽ khang nhắc lại theo sự hồi tưởng thậm chí không liền mạch lúc nhớ lúc quên lời bài hát của người đang thổi. Giờ nghe tiếng sáo ngoài đầu núi vọng lại, lúc ẩn lúc, trong Mị đã thức dậy điều gì đó quen thuộc lâu nay bị lãng quên. Phải là người thổi sáo giỏi thì âm thanh tiếng sáo mới tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến Mị như vậy.

    " Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát ". Hành động uống rượu của Mị đã chứa đựng mầm mống của sự nổi loạn vì Mị không được phép uống rượu. Nhưng điều đáng chú ý hơn là cách Mị uống" uống ực từng bát ". Người ta tìm đến rượu để mua vui hay giải sầu nhưng Mị uống mà như nuốt cay nuốt đắng, nuốt tui hận vào trong lòng như nhắm mắt mà uống. Những cay đắng uất hận đó chồng chất và cứ bị dồn đẩy, nghẹn đắng trong lòng Mị. Rượu đã trở thành chất xúc tác tinh thần thôi thúc đánh thức phần đời đã mất của Mị. Nó cho thấy sức chịu đựng của Mị đã có giới hạn. Men rượu đã tiếp thêm sức mạnh cho Mị để sức sống trong lòng Mị bùng cháy thành ngọn lửa. Sức sống tiềm tàng trong Mị làm ta liên tưởng đến nhân vật Liên trong tác phẩm" Hai đứa trẻ "của nhà văn Thạch Lam. Đó là cô bé sống trong đói khổ nhưng vẫn có một tâm hồn hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu tâm hồn Mị khao khát theo tiếng sáo gọi bạn tình thì tâm hồn Liên cũng luôn khao khát hướng về ánh sáng. Hai nhân vật đã khiến cho người đọc cảm nhận vẻ đẹp của khát vọng sống trong mỗi con người.

    Và rồi Mị đã say" Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát nhưng trong lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Mi say chỉ là trạng thái về mặt thể xác còn tâm hồn Mị (lòng Mị) đang hướng về quá khứ, hướng về cuộc sống tươi đẹp trước kia. Mị đang dần "thức tỉnh". Mị nhớ Mị từng là cô gái xinh đẹp, tài hoa thổi lá cũng hay như thổi sáo "Trai đến đứng nhẵn cả vách đầu buồn Mị". Mị có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Đó là một quá khứ đầy khát vọng và tự do. Những ký ức tươi đẹp ấy tưởng đã bị lãng quên nhưng nó lại một lần nữa sống dậy nhờ tiếng sáo. Sâu thẳm trong tâm hồn Mị vẫn là một cô gái yêu đời, yêu tự do, khát vọng tình yêu đôi lứa. Nhưng phải sống trong thân phận nô lệ lâu dài khiến Mị quên mất Mị cũng đang sống, Mị cũng cần được sống, Mị cũng có bao khát vọng tươi đẹp. Hồi tưởng lại mùa xuân tươi đẹp thời con gái, điều đó cho thấy Mị đã được thức tỉnh. Khát vọng sống như ngọn lửa đã bừng sáng tâm hồn Mị. Nói như nhà văn Lỗ Tấn: "Một tia lửa nhỏ hôm nay báo hiệu đám cháy ngày mai".

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Đoạn trích là một trong những đoạn trích đặc sắc, hay nhất của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, kết tinh tài năng, tư tưởng của ngòi bút Tô Hoài. Trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật bậc thầy, tinh tế những diễn biến mơ hồ cho đến rõ rệt trong tâm hồn của Mị. Cách dẫn dắt tình tiết khéo léo, tự nhiên. Nhà văn như nhập thân, nhập vai vào nhân vật để nói lên những dòng độc thoại nội tâm của Mị, qua đó mới thấy rõ Tô Hoài là nhà văn có những am hiểu sâu sắc về cuộc sống, con người, phong tục tập quán của người dân Tây Bắc. Sự kết hợp giữa chất văn xuôi và chất thơ, chất hiện thực và chất trữ tình đã tạo lên những vẻ đẹp riêng cho trang văn của Tô Hoài. Ngôn ngữ và lối kể chuyện tự nhiên, sinh động giàu sức gợi hình, gợi cảm. Nhân vật được đặt trong tình huống bất ngờ nhưng vẫn tự nhiên hợp lý.

    "Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài là một kho báu" - đó là những lời mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã dành cho Tô Hoài và quả thực trong số kho báu ấy Vợ chồng A Phủ đã lấp lánh rạng ngời lên như một viên ngọc quý. Trên tấm nền Tây Bắc xinh đẹp nhưng cũng nhiều đau thương, Mị hiện lên như cánh hoa rừng đã bung nở sắc hương thơm ngát dù cho đã chịu nhiều vùi dập, có bão gió mưa sa. Bông hoa ấy sẽ mãi đẹp đẽ trên từng dòng văn của Tô Hoài, trong từng tấm lòng bạn đọc đến cho mãi về sau.
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng năm 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...