Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi vivutheogio, 9 Tháng mười 2021.

  1. vivutheogio Thời gian là tĩnh, thứ lưu động là con người

    Bài viết:
    37
    Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm

    [​IMG]

    Đất nước là đề tài muôn thuở của thơ văn Việt Nam. Chúng ta đã bắt gặp đất nước chìm trong đau thương, mất mát qua thơ Hoàng Cầm; gặp đất nước đang đổi mới từng ngày qua thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng có lẽ đất nước được nhìn từ nhiều khía cạnh, đầy đủ và trọn vẹn nhất qua bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm. Hình hài đất nước từ khi được sinh ra cho đến khi phải trải qua bao nhiêu song gió chiến tranh được tái diễn sinh động qua một hồn thơ tinh tế, phóng khoáng của Nguyễn Khoa Điềm. Tác giả nhìn đất nước từ nhiều khía cạnh, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Đất nước là tên gọi thiêng liêng, bình dị nhưng chất chứa bao nhiêu ngọn nguồn của cảm xúc chính tác giả.

    1. Khổ 1: Đất nước được hình thành từ những gì nhỏ bé, gần gũi, riêng tư trong cuộc sống mỗi người

    "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi"

    - Chẳng biết là đất nước hình thành và có từ bao giờ, chỉ biết là khi ta lớn lên thì đất nước đã có ở đây rồi. Đó chính là lời khẳng định chắc chắn về sự trường tồn của đất nước.

    "Đất Nước có trong cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể"

    - "ngày xửa ngày xưa" : Khẳng định đất nước có từ rất lâu đời. Đồng thời đây cũng là cụm từ phiếm chỉ thường bắt đầu trong truyện cổ tích, phản ánh những ước mơ, phẩm chất tốt đẹp của nhân dân. - > Đất Nước là những thứ thân thuộc, gần gũi, gắn bó vỡi mỗi con người, ở trong mỗi con người từ khi phôi thai. Thể hiện tư tưởng "Đất Nước của nhân dân"

    a) Đất nước hình thành từ thuần phong mỹ tục

    "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn"

    "Tóc mẹ thì bới sau đầu"

    - "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn" : Trong kho tàng văn học dân gian, nhà thơ đã chọn ra hai câu chuyện để khắc họa hình ảnh đất nước bằng chính những cảm nhận sâu sắc của mình. "Đất Nước bắt đầu" một câu thơ lí giải sự hình thành đất nước gắn liền với câu chuyện cổ tích cầu cau. Đó là câu chuyện cổ tích ngợi ca nghĩa anh em và tình vợ chồng gắn bó keo sơn. Đất nước bắt đầu với miếng trầu có nghĩa là đất nước được hình thành trong lối sống tình nghĩa. "Miếng trầu bây giờ bà ăn" bắt nguồn từ thuở xa xưa - đó là truyền thống tốt đẹp - "Miếng trầu bắt đầu câu chuyện". Đất nước được sinh ra và nuôi dưỡng trong truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc đó là lối sống nghĩa tình.

    - "Tóc mẹ thì bới sau đầu" : Trong muôn vàn truyền thống đẹp, nhà thơ chọn ra một hình ảnh thật giản dị nhưng rất tinh tế đặc sắc: Hình ảnh người phụ nữ Việt với mái tóc bới sau đầu - hình ảnh thật gần gũi, thân quen in sâu trong nếp nghĩ, gợi suy ngẫm về con người trong cuộc sống lam lũ vất vơ nhưng vẫn duyên dáng, tần tảo, đảm đang. Hình ảnh ấy qua bao năm tháng vẫn không thay đổi, vẫn gợi suy ngẫm về cái đẹp giản dị mà thiêng liêng. Và hình ảnh đất nước hiện lên qua chính mỹ tục ấy.


    b) Đất nước lớn lên, phát triển từ tình yêu nước, chống giặc ngoại xâm

    "Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"

    - Câu thơ xuất hiện hình ảnh cây tre – loại cây quen thuộc của làng quê Việt Nam. Nó xuất hiện trong đời sống lao động và cả khi chống giặc ngoại xâm. Cây tre còn tượng trưng cho phẩm chất con người: Dẻo dai, cần cù, thẳng thắn, đoàn kết. Không những thế, câu thơ còn gợi chuyện Thánh Gióng - cậu bé chỉ mới 3 tuổi đã vươn vai thành người chiến sĩ nhổ tre, đánh giặc thù, bảo vệ bờ cõi. Cây tre hiền hòa hằng ngày ta vẫn thấy trong xóm làng cho ta những vật dụng và bóng mát, thế nhưng cây tre đã từng là vũ khí theo suốt con đường cha ông ta đánh giặc để giữ cho con cháu hôm nay đất nước này -> Đất nước trưởng thành qua truyền thống đánh giặc giữ nước

    c) Đất nước trưởng thành trong lao động và yêu thương

    "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

    Cái kèo cái cột thành tên

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng"


    - "gừng cay muối mặn" : Gừng và muối là những hình ảnh thường bắt gặp trong ca dao. Người xưa đã dựa vào những đặc tính tự nhiên của chúng để diễn tả tình nghĩa thủy chung son sắt của con người. Muối mặn, còn gừng thì thời gian chỉ làm cho tính chất của nó càng thêm đậm đặc, "gừng càng già càng cay". Chúng cũng giống như tình cảm yêu thương chân thành của con người sẽ càng trở nên mặn mà, đằm thắm qua thời gian. -> Xây dựng "đất nước của nhân dân", Nguyễn Khoa Điềm mượn chính những hình ảnh dân gian để vận dụng vào trong thơ mình, thể hiện một cách chính xác và đầy hình tượng về truyền thống tình cảm tốt đẹp của người dân Việt Nam

    - "Cái kèo cái cột thành tên" : Gợi nhắc đến tập tục làm nhà cổ của người Việt ngày xưa. Từ xa xưa, con người đã biết chặt gỗ mà làm nhà. Những ngôi nhà đó sử dụng kèo, cột giằng giữ vào nhau vững chãi, bền chặt tránh được mưa gió và thú dữ. Đó cũng chính là ngôi nhà tổ ấm cho mọi gia đình có thể đoàn tụ, quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn; từ đó hình thành nên làng, xóm và đất nước. Ngôi nhà là mái ấm, là nơi con người "an cư lạc nghiệp" siêng năng tích góp của cải dồn thành sự phát triển đất nước. Lấy "cái kèo", "cái cột" đặt thành tên cho con cái thể hiện sự mộc mạc, mong sự bình yên

    - Nhà thơ vận dụng khéo léo câu thành ngữ "Một nắng hai sương" để nói lên sự cần cù chăm chỉ của cha ông ta trong lao động sản xuất.

    - Sử dụng các động từ mạnh "xay", "giã", "giần", "sàng" : Là quy trình sản xuất ra hạt gạo. Để làm ra được hạt gạo, người nông dân phải trải qua biết bao tháng ngày nắng sương vất vả gieo cấy, chăm sóc, xay giã và giần sàng. Thấm vào trong hạt gạo bé nhỏ ấy là mồ hôi vị mặn nhọc nhằn của người nông dân vất vả nắng mưa. Thành quả ngọt ngào này không chỉ giúp dân ta có đời sống no ấm mà nó còn trở thành nền văn minh lúa nước mà khi nhắc đến người ta biết ngay đến Việt Nam; không chỉ dừng lại ở đó, nền văn minh này đã giúp cho nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thế hai thế giới và toàn cầu biết đến lúa gạo Việt Nam

    => Và sau tất cả, tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã chốt lại "Đất Nước có từ ngày đó..". "Ngày đó" là ngày nào, chúng ta không hề biết, tác giả cũng không thể biết. Chỉ biết rằng ngày đó chính là ngày ta bắt đầu có truyền thồng, có những phong tục tập quán, có nhiều văn hóa. Đó là ngày ta có Đất nước của dân tộc Việt Nam.


    Nghệ thuật

    Bằng việc vận dụng khéo léo và mềm mại các chất liệu văn hóa dân gian như phong tục ăn trầu, tục búi lệ tóc, truyền thống đánh giặc ngoại xâm, truyền thống làm nông nghiệp và các câu ca dao, tục ngữ cùng các thành ngữ.. cùng với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng đúng giọng thủ thỉ tâm tình và điệp từ "Đất Nước", tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cho bạn đọc một cách nhìn mới mẻ về cội nguồn của đất nước; về vẻ đẹp của một đất nước giàu văn hóa cổ truyền, đất nước của truyền thống, của phong tục tươi đẹp mang đậm dấu ấn của tư tưởng đất nước của nhân dân.

    KB

    Bằng cách sử dụng sáng tạo các chất liệu dân gian, khổ thơ đã giúp Nguyễn Khoa Điềm không chỉ trả lời cho câu hỏi về cội nguồn, lịch sử hình thành Đất Nước, mà còn như gợi lại trong thẳm sâu tâm hồn người đọc những vẻ đẹp văn hóa phong tục đã được đắp bồi dưỡng nuôi trong hàng ngàn thế hệ, cũng từ đó khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
     
    Last edited by a moderator: 3 Tháng một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...